Tại các thành phố lớn như Hà Nội, áp lực và hệ luỵ từ rác thải luôn là bài toán làm đau đầu các nhà quản lý. Phần lớn rác thải hiện nay vẫn đang được xử lý theo phương pháp truyền thống là chôn lấp hoặc đốt, chưa thực sự hiệu quả và gây ô nhiễm môi trường.
Từ chôn lấp đến điện rác
Hiện nay, trên 70% lượng rác thải tại Việt Nam đang được xử lý chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp, trong đó 80% là bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, gây hại cho môi trường. Chỉ có 13% rác được đốt cháy để thu hồi năng lượng.
Phương pháp chôn lấp rác là công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường xung quanh và chiếm nhiều diện tích. Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) không ít lần phải dừng tiếp nhận rác để xử lý sự cố rò rỉ chất thải, gây tình trạng ùn ứ rác trong nội đô. Và bãi rác Nam Sơn cũng không dưới 15 lần người dân chặn xe rác không cho vào Khu liên hiệp trong vòng 20 năm qua.
Hà Nội: Rác thải ứ đọng nhiều nơi vì bãi rác Nam Sơn ngừng tiếp nhận chất thải
© Ảnh : TTXVN - Trần Thành Đạt
Trung bình mỗi ngày có khoảng 35.000 tấn rác thải sinh hoạt đô thị và 34.000 tấn rác thải sinh hoạt nông thôn tại Việt Nam. Theo ý kiến của một số chuyên gia, với lượng rác như trên thì tiềm năng được sử dụng chế biến thành năng lượng phục vụ cuộc sống là rất lớn. Việc chuyển đổi chất thải rắn thành năng lượng sẽ góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc như năng lượng sạch và có giá trị hợp lý, công việc phù hợp, tăng trưởng kinh tế, xây dựng các thành phố và cộng đồng bền vững.
Tuy nhiên, việc phát triển điện rác vẫn gặp phải những ý kiến khác nhau. Chia sẻ quan điểm với Sputnik, bà Quách Thị Xuân, Giám đốc Điều phối Liên minh không rác Việt Nam (Vietnam Zero Waste Alliance), liên minh các tổ chức phi chính phủ, các nhóm phi lợi nhuận, các trường Đại học và các doanh nghiệp hoạt động với mục tiêu vì một Việt Nam bền vững, cho biết:
“Có nhiều lý do khiến chúng tôi không ủng hộ việc đốt rác, kể cả đốt rác phát điện. Rác sinh hoạt ở Việt Nam có thành phần hữu cơ cao (50-70%), rác tái chế khoảng 20%. Như vậy, nếu đốt rác hỗn hợp thì nhiệt trị rất thấp và hiệu quả năng lượng là không cao. Đồng thời việc đốt rác hỗn hợp sẽ lãng phí khoảng 80% rác tài nguyên. Bên cạnh đó, việc đốt rác hỗn hợp sẽ triệt tiêu động cơ phân loại rác (trong khi phân loại rác là điều kiện tiên quyết để quản lý tối ưu chất thải rắn), ảnh hưởng tới ngành công nghiệp tái chế trong nước (hiện đang phải phụ thuộc vào nguồn phế liệu nhập khẩu), ảnh hưởng tới việc làm và thu nhập của hàng triệu lao động phi chính thức trong lĩnh vực thu gom và xử lý chất thải rắn”.
Hà Nội: Rác thải ứ đọng nhiều nơi vì bãi rác Nam Sơn ngừng tiếp nhận chất thải
© Ảnh : TTXVN - Trần Thành Đạt
Theo bà Xuân, trong tương lai, các chính sách trong Luật bảo vệ môi trường 2020 như phân loại chất thải rắn tại nguồn, giảm thiểu và hạn chế đồ nhựa sử dụng một lần, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất và kinh tế tuần hoàn khi được thực thi sẽ góp phần làm thay đổi hệ thống, lượng rác có thể tái chế sẽ tăng lên và lượng rác cần đốt hoặc chôn lấp sẽ giảm đi, có thể chỉ còn chiếm dưới 10% nếu các chính sách phát huy hiệu quả tối đa.
“Do vậy, tiềm năng rác thải có thể sử dụng để sản xuất điện ở Việt Nam hiện nay có thể lớn nhưng tương lai rất có thể sẽ xảy ra tình trạng phải nhập khẩu rác về để đốt như đã thấy ở Thụy Điển. Vốn đầu tư vào các nhà máy điện rác rất lớn nhưng không tránh được việc gây ô nhiễm môi trường không khí với các chất cực độc là dioxin và furan bị phát thải trong quá trình đốt nhựa. Các công ty có thể có lợi ích tài chính, nhưng xét một cách toàn diện thì loại hình điện rác có hiệu quả kinh tế-xã hội-môi trường rất thấp” - Bà Xuân phân tích.
Vấn đề môi trường sẽ ra sao?
Việc xây dựng các nhà máy điện từ rác mang lại nhiều lợi ích, nhưng việc tập kết rác tại các nhà máy nằm gần khu dân cư có thể gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, một số địa phương không nhiệt tình ủng hộ. Các bên liên quan cần có giải pháp gì để giải quyết vấn đề này? Bà Quách Thị Xuân, Điều phối viên Liên minh không rác Việt Nam cho biết:
“Việc tập kết rác gây ô nhiễm môi trường là do rác không được phân loại, rác hữu cơ lẫn trong hỗn hợp rác nhanh phân hủy, gây mùi hôi và làm giảm giá trị của rác có thể tái chế và giảm nhiệt trị của các loại rác vô cơ khác. Các thùng rác nhanh bẩn, nhanh hỏng, phát mùi hôi cũng là do chúng ta bỏ chung các loại rác vào đó. Cách đơn giản mà ai cũng biết đó là phân loại, thu gom và xử lý riêng các loại rác”.
Nhân viên vệ sinh đô thị thu dọn nơi tập kết rác tại một địa bàn tại Hà Nội.
© Ảnh : TTXVN - Trần Thành Đạt
Theo chuyên gia trên, rác hữu cơ nên được sử dụng làm phân vi sinh. Rác có thể tái chế nên được tái chế. Bà Xuân đề xuất:
“Nên chuyển chi phí đầu tư cho nhà máy điện rác sang đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phân loại và thu gom riêng các loại rác, xây dựng các nhà máy làm phân vi sinh, các nhà máy tái chế rác có giá trị tái chế cao, đầu tư vào nghiên cứu để thiết kế các sản phẩm có thể thay thế đồ nhựa dùng một lần. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền và nâng cao nhận thức, làm tốt công tác giáo dục để người dân giảm thiểu rác, giảm tiêu dùng đồ nhựa, đặc biệt là đồ nhựa dùng một lần”.
Theo chủ đầu tư Dự án Điện rác Sóc Sơn, với dây chuyền công nghệ hiện đại, nhà máy sẽ không phải phân loại rác thải từ đầu nguồn mà tất cả rác thải đều đốt được. Nhiệt độ trong lò đốt luôn được đảm bảo ổn định theo tiêu chuẩn nên có ưu điểm rất lớn về bảo vệ môi trường, độ bền của lò đốt được ổn định lâu dài. Hiệu quả của dây chuyền hiện đại này ra sao, chúng ta vẫn phải chờ thời gian trả lời.
Hiệu quả năng lượng và kinh tế của điện rác có thần kỳ?
Có một số ý kiến cho rằng, so với các loại hình công nghệ sản xuất điện năng khác (thủy điện, nhiệt điện than...), đốt rác phát điện không thể chiếm ưu thế về hiệu quả năng lượng. Điều này có đúng với Nhà máy điện rác Sóc Sơn sắp đưa vào vận hành hay không?
Theo phân tích của chuyên gia, sau khi áp dụng các chính sách giảm phát sinh chất thải, đồng thời phân loại, thu gom riêng và tái chế triệt để thì lượng rác còn lại cần phải đốt hoặc chôn lấp sẽ rất thấp.
“Đốt rác phát điện không thể chiếm ưu thế về hiệu quả năng lượng mà mục đích chính của những người xây dựng nó là xử lý chất thải rắn, nhưng mục tiêu này cũng không đạt được. Hiện nay chúng ta đang nỗ lực giảm nhiệt điện than vì chúng gây ô nhiễm môi trường, tuy nhiên, bạn có biết “nhựa chính là một loại than mới” không? Như vậy xử lý rác bằng cách xây dựng các nhà máy đốt rác phát điện là một giải pháp sai lầm. Đốt rác không xử lý triệt để ô nhiễm mà chỉ biến ô nhiễm từ thể rắn sang thể khí. Điện rác Sóc Sơn cũng không phải là một ngoại lệ. Các chuyên gia cho rằng việc quản lý ô nhiễm là một bãi rác ở mặt đất sẽ dễ hơn so với việc quản lý nó trên không trung” - Đại diện Liên minh không rác Việt Nam nhấn mạnh.
Để xây dựng nhà máy sản xuất điện từ rác thải, cùng với công nghệ hiện đại, còn cần vốn đầu tư lớn. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng còn gặp nhiều rào cản về chính sách giá cả, mặc dù vốn và công nghệ đã sẵn sàng.
Một khó khăn nữa phải kể đến là giá mua điện cho các dự án điện rác. Thông tư 32/2015/TT-BCT ngày 8/10/2015 của Bộ Công Thương quy định, các dự án đốt rác phát điện được bán lại toàn bộ sản lượng điện cho ngành điện. Tuy nhiên, giá mua điện mới chỉ áp dụng đối với các dự án phát điện đốt chất thải rắn trực tiếp và đối với dự án phát điện đốt khí thu hồi từ bãi chôn lấp chất thải. Hiện, có nhiều công nghệ mới trong lĩnh vực điện rác, nhưng chưa có quy định về giá mua điện đối với các công nghệ mới này.