Việc điều động người đứng đầu cơ quan chế tạo, sản xuất vũ khí của Việt Nam (khi Trung tướng Trần Hồng Minh được bổ nhiệm giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng) là bước kiện toàn nhân sự cần thiết, nhằm đảm bảo mục tiêu ổn đến năm 2030 xây dựng Quân đội Việt Nam hiện đại, trong đó có đóng góp rất lớn của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng.
Thiếu tướng Hồ Quang Tuấn làm Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng
Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, cơ quan tham mưu, nghiên cứu, sản xuất vũ khí, trang thiết bị quân sự của Bộ Quốc phòng Việt Nam, vừa có tân lãnh đạo.
Cụ thể, trong Quyết định 2228/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã bổ nhiệm đồng chí Thiếu tướng Hồ Quang Tuấn giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng.
Có thể nói, tướng Hồ Quang Tuấn là nhà quân sự rất am hiểu nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam. Trước đó, Thiếu tướng Hồ Quang Tuấn là Phó chủ nhiệm kiêm Tham mưu trưởng Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (Bộ Quốc phòng).
Thực tế, Thiếu tướng Tuấn đã được giao giữ phụ trách Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng từ tháng 9/2021, khi Chủ nhiệm Tổng cục là Trung tướng Trần Hồng Minh được điều động giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng nhiệm kỳ 2020 – 2025, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng nhiệm kỳ 2020-2025.
Ông Hồ Quang Tuấn là ai?
Thiếu tướng Hồ Quang Tuấn, quê ở Sơn Bằng, Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
Ông Hồ Quang Tuấn có nhiều năm gắn bó, công tác tại Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng. Từ năm 2015, ông Tuấn làm Phó chủ nhiệm kiêm Tham mưu trưởng Tổng cục. Năm 2016, ông được phong quân hàm Thiếu tướng.
Ông Hồ Quang Tuấn từng được đào tạo cơ bản tại Học viện Kỹ thuật Quân sự, sau đó sang Liên Xô du học.
Sau khi về nước, ông Tuấn công tác tại Quân chủng Hải quân, trước khi chuyển sang nhận nhiệm vụ tại Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng.
Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng là cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam.
Cơ quan này có chức năng tổ chức, quản lý các cơ sở Công nghiệp Quốc phòng nòng cốt, bao gồm các viện nghiên cứu thiết kế, công nghệ vũ khí, các nhà máy, các liên hiệp xí nghiệp sản xuất, chế tạo vũ khí, trang bị và các phương tiện kỹ thuật quân sự cho Quân đội nhân dân Việt Nam.
Nhìn lại thành tựu nền công nghiệp Quốc phòng Việt Nam năm 2021
Trước đó, cuối tháng 12/2021, Bộ Quốc phòng đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác công nghiệp quốc phòng năm 2021 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, đề cập nhiều thành tựu đáng chú ý của nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam.
Sự kiện do Thượng tướng, Thứ trưởng Phạm Hoài Nam chủ trì, Thiếu tướng Hồ Quang Tuấn cùng nhiều lãnh đạo Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng cũng góp mặt.
Báo cáo tổng kết năm 2021 của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Bộ Quốc phòng Việt Nam cho thấy, năm 2021, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã phối hợp, tập trung chỉ đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển công nghiệp quốc phòng, trong đó có một số nhiệm vụ “hoàn thành xuất sắc”, được Bộ Quốc phòng phê duyệt Kế hoạch triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh.
Năm qua, Tổng cục cũng đã tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị và đề xuất ban hành nghị quyết mới về đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng Việt Nam đến năm 2030 và những năm tiếp theo; tổng kết 12 năm thực hiện Pháp lệnh Công nghiệp Quốc phòng và đề xuất xây dựng Luật Công nghiệp Quốc phòng, Động viên công nghiệp.
Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trao bằng khen của Bộ Quốc phòng cho các cá nhân.
© Ảnh : Tiến Lực - TTXVN
Đặc biệt, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng đã tích cực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư; triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa sản phẩm quốc phòng với số lượng lớn, đáp ứng kịp thời nhu cầu của lực lượng vũ trang của Việt Nam.
Trong đó, công tác nghiên cứu khoa học, phát triển sản phẩm mới đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đột phá về năng lực nghiên cứu, thiết kế để chế tạo thành công nhiều vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại.
Báo cáo của Tổng cục cho thấy, các đơn vị đóng góp vào thành công của nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam đã sản xuất và nghiệm thu hàng trăm chủng loại sản phẩm vũ khí trang bị kỹ thuật, đóng mới và bàn giao hàng chục tàu quân sự.
Việt Nam cũng đã sửa chữa, bàn giao hàng chục lượt tàu, thuyền và các loại vũ khí trang bị kỹ thuật, đồng thời, tích cực, chủ động tìm kiếm và sản xuất sản phẩm quốc phòng nhóm II, nỗ lực đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm kinh tế.
Theo số liệu công bố tại Hội nghị này, riêng Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng đã đóng mới và sửa chữa gần 120 tàu kinh tế, sản xuất, tiêu thụ 80.000 tấn vật liệu nổ công nghiệp..., thu nhập bình quân đạt 12,6 triệu đồng/người/tháng.
Hội nghị nhấn mạnh đến nhiệm vụ công tác thời gian tới là thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Bộ Quốc phòng về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đóng tàu quân sự.
Việt Nam cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, đổi mới phương thức hoạt động nghiên cứu khoa học, đảm bảo hiệu quả, thiết thực, hoàn thành kế hoạch sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang thiết bị hiện đại “bảo đảm chất lượng, tiến độ, đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu”.
Bên cạnh đó, Tổng cục cũng tăng cường chỉ đạo các đơn vị thúc đẩy sản xuất sản phẩm lưỡng dụng, tăng tỷ trọng sản xuất kinh tế, ưu tiên mở rộng thị trường trong nước, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng.
Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Bộ Quốc phòng Việt Nam muốn xây dựng thương hiệu, xác định các sản phẩm kinh tế mũi nhọn, trở thành nhà cung cấp tin cậy trong các lĩnh vực: cơ khí, cơ khí chính xác, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, xây dựng, điện, điện tử, viễn thông, ngành ô tô….
Bên cạnh đó, cũng cần làm tốt công tác đào tạo, thu hút và gìn giữ nguồn nhân lực chất lượng cao, cán bộ kỹ thuật các chuyên ngành đặc thù.
Thứ trưởng Phạm Hoài Nam đánh giá, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong thời gian tới đặt ra những yêu cầu mới.
“Trong đó, nhiệm vụ đến năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại sẽ đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với ngành công nghiệp quốc phòng”, Thượng tướng Phạm Hoài Nam nói.
Do đó, Thứ trưởng Nam yêu cầu ngành công nghiệp quốc phòng cần tập trung nguồn lực cho khoa học - công nghệ phục vụ nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm mới.
Tướng Nam nhấn mạnh, việc nghiên cứu phải đi trước và gắn liền với sản xuất; đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu cho công nghiệp quốc phòng, quyết tâm nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm quốc phòng, nhất là công tác giám sát chất lượng.
“Phải chủ động tìm kiếm đa dạng nguồn cung cấp vật tư chất lượng phục vụ sản xuất (công nghiệp quốc phòng của Việt Nam – PV), thực hiện tốt quản trị doanh nghiệp thời gian tới”, Thượng tướng Phạm Hoài Nam khẳng định.
Với quá trình được đào tạo bài bản, bằng kinh nghiệm học tập nghiên cứu ở Liên Xô, thời gian công tác, gắn bó mật thiết với Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, cũng như bản lĩnh chính trị vững vàng, hy vọng rằng, Thiếu tướng Hồ Quang Tuấn sẽ cùng với tập thể các đơn vị của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng nỗ lực, phấn đấu, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và Nhân dân giao phó, tiến tới đưa nền công nghiệp quốc phòng, sản xuất vũ khí của Việt Nam ngày càng phát triển, đạt nhiều thành tựu xuất sắc hơn nữa.