Hòa thượng Thích Trí Quảng được suy tôn Quyền Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng được suy cử vào ngôi vị Quyền Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, sau khi Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ viên tịch vào tháng 10 năm 2021.
Sputnik
Hòa thượng Thích Trí Quảng là vị giảng sư uyên bác, uy tín, có nhiều năm phụng sự Phật giáo Việt Nam và là một trong những người đầu tiên tham gia thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng được suy tôn Quyền Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Nhất tâm suy cử Hòa thượng Thích Trí Quảng vào ngôi lãnh đạo giáo hội

Ngày 31/12, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Hội nghị Kỳ 6 khóa VIII nhằm tổng kết công tác Phật sự năm 2021 và đề ra chương trình hoạt động năm 2022.
Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, hội nghị đã được tổ chức trực tuyến, kết nối Văn phòng I tại chùa Quán Sứ (Hà Nội), Văn phòng II tại Thiền viện Quảng Đức (TP.HCM) và 61 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thích Phổ Tuệ viên tịch sau 105 năm trụ thế
Tại hội nghị này, Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự đã chính thức suy tôn Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng lên ngôi vị Quyền Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Sau khi nghe Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự, trình bày và đề nghị, tất cả các đại biểu đã nhất tâm đồng thuận suy tôn Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ kiêm Giám luật, Chủ tịch Hội đồng Giám luật thuộc Hội đồng Chứng minh giữ ngôi vị Quyền Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Từ đây, Hòa thượng Thích Trí Quảng là người lãnh đạo tối cao về Đạo pháp và Giới luật của Giáo hội.
Ban đạo từ sau lễ suy tôn, Trưởng lão Hoà thượng Thích Trí Quảng đã nhắc lại công hạnh của các đời Pháp chủ của Giáo hội. Các ngài đều rất quan tâm tới việc đào tạo tăng tài và thực hành gìn giữ giới hạnh của người xuất gia.
Trưởng lão Hoà thượng Thích Trí Quảng yêu cầu Giáo hội tập trung thảo luận, đúc kết chương trình hoạt động năm 2022, tìm ra những nhân tố tích cực để lãnh đạo Giáo hội, bởi là yếu tố quyết định sự thành bại của mọi công tác.
Hòa thượng Quyền Pháp chủ cũng đề nghị tập trung chuẩn bị cho các đại hội Phật giáo cấp tỉnh, thành, tiến tới Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ IX.
Ngài cũng lưu ý trong việc xét duyệt tấn phong giáo phẩm, lựa chọn nhân sự cho các cấp Giáo hội, cần phải quan tâm tới các yếu tố đạo hạnh và quá trình hoạt động của các cá nhân.

Đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ chúc mừng Hội nghị

Từ đầu cầu Hà Nội, ông Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ đã có phát biểu chúc mừng Hội nghị.
Theo đó, Ban Tôn giáo Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của tăng, ni, Phật trong công tác Phật sự năm 2021, nêu cao truyền thống “hộ quốc an dân” đồng hành cùng Đảng, Nhà nước trong công cuộc phòng chống dịch Covid-19, tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống dịch, công tác an sinh xã hội…
Giáo hội và các tăng, ni, Phật tử cũng tích cực tham gia đóng góp vào thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức thành công Đại lễ Vu lan, Phật đản, An cư kiết hạ… trang nghiêm và phù hợp với tình hình xã hội.
Vụ chùa Ba Vàng giải "oan gia trái chủ": Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ ‘xử lý thích đáng’
Nhân dịp này, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục quan tâm bồi dưỡng đạo hạnh của tăng, ni trẻ; sáng suốt chọn nhân sự đạo hạnh, tiêu biểu cho Đại hội đại biểu Phật giáo các cấp.
Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục đồng hành cùng Đảng, Nhà nước trong công cuộc phòng chống dịch Covid-19; xây dựng chương trình hoạt động phù hợp với các địa phương, hướng dẫn sinh hoạt lễ nghi trong dịp Tết cổ truyền phù hợp tình hình thực tế…
Trong năm 2021, các hoạt động từ thiện xã hội được Giáo hội Phật giáo Việt Nam thực hiện có tổng giá trị hơn 2.554 tỷ đồng, trong đó có các hoạt động đối ngoại như trao tặng trang thiết bị y tế phòng dịch cho Chính phủ và nhân dân Ấn Độ, Nepal, Lào, Campuchia.
Hội nghị cũng đề ra các chương trình hoạt động Phật sự năm 2022, hướng tới tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Phật giáo cấp tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2022-2027; tổ chức và chuẩn bị tấn phong giáo phẩm tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX vào cuối năm 2022,…

Hành trạng của Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng

Hòa thượng Thích Trí Quảng, thế danh Ngô Văn Giáo, sinh năm 1940, tại xã Phú Mỹ Hưng, huyện Hóc Môn, Gia Định (nay là huyện Củ Chi, TP.HCM).
Hòa thượng Thích Trí Quảng xuất gia vào năm lên 10 tuổi, thọ giới Tỳ kheo năm 1960 với Hòa thượng Thích Trí Đức, viện chủ Tổ Đình Huê Nghiêm, Thủ Đức thuộc dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 41. Sau đó ông còn tiếp thụ giáo với các hòa thượng Thích Thiện Hòa, Thích Thiện Hoa, Thích Thiện Hào, Thích Trí Tịnh.
Năm 1965 - 1972, Hòa thượng du học tại Nhật Bản (Đại học Rissho, Tokyo). Sau khi về nước, từ 1973-1975, Sư được Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bổ nhiệm Tổng Vụ trưởng Vụ Phiên dịch và trước tác thuộc Tổng vụ Hoằng pháp.
Tiếp đó, Hòa thượng được cử làm Tổng vụ trưởng Tổng vụ Thanh niên Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (Ấn Quang, 1975 - 1981).
Năm 1981, Hòa thượng là Thư ký Đoàn đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tham dự Hội nghị Thống nhất Phật giáo Việt Nam.
Sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập (7/11/1981), Hòa thượng được suy cử Ủy viên Hội đồng Trị sự, Ủy viên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương; Phó Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Hoằng pháp Thành hội Phật giáo TP.HCM (1982), Phó Trưởng ban Thường trực kiêm Trưởng ban Hoằng pháp Thành hội Phật giáo TP.HCM, rồi Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM (từ tháng 11/1998 đến nay).
Hòa thượng được suy cử đảm nhiệm Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự (2002), Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM (2002), Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM (2008 đến nay), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (2002 - 2012), Trưởng ban Phật giáo Quốc tế Trung ương (2007 - 2017), Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ (1989 đến nay)….
Chấn động vụ nhà sư ở Quảng Trị giết người, phi tang xác
Từ tháng 7/2015, Hòa thượng được suy tôn Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh; suy tôn Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (2017), Đệ nhất Phó Pháp chủ kiêm Chủ tịch Hội đồng Giám luật thuộc Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam (7-2020).
Tại phiên họp đặc biệt của Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh (1-12-2021), Hòa thượng được chư tôn Trưởng lão nhất tâm đề cử đảm nhiệm Quyền Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng còn đảm nhiệm ngôi vị Hòa thượng Đường đầu của nhiều Đại giới đàn ở các tỉnh, thành phố phía Nam và Tây Nguyên, như Đại giới đàn Huệ Thành (2012), Đại giới đàn Đồng Huy (2016), Đại giới đàn Trí Tịnh (2016, 2018), Đại giới đàn Pháp Hải (2017), Đại giới đàn Hoằng Đức (2018), Đại giới đàn Đạt Đồng (2020)...;
Thầy còn làm Giới sư, Tuyên Luật sư, Chứng minh cho nhiều Đại giới đàn khác.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng là Chứng minh Đạo sư Thiên Thai Thiền giáo tông đời thứ 43, là vị giảng sư với hàng ngàn pháp thoại và là tác giả của hàng chục tác phẩm nghiên cứu và phiên dịch Phật học.
Thảo luận