Việt Nam tìm kiếm tài nguyên ẩn từ khoáng thạch và thiết kế lò phản ứng hạt nhân mới

Việt Nam đang tiến hành tìm kiếm tài nguyên ẩn từ khoáng thạch, đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu về năng lượng nguyên tử, công nghệ hạt nhân, ứng dụng sức mạnh về thạch học nhân sinh cũng như hạt nhân nguyên tử vào mọi lĩnh vực đời sống.
Sputnik
Tại Việt Nam, các công trình nghiên cứu về thạch học nhân sinh đã cho thấy nhiều giá trị của các loại đá và khoáng thạch đối với sức khỏe thể chất và tâm sinh lý con người, từ đó đặt ra những yêu cầu bảo tồn và chung sống hài hòa với giới tự nhiên.
Cùng với đó, báo cáo của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Vinatom) cho thấy, năng lượng hạt nhân cũng được nghiên cứu, ứng dụng một cách rộng rãi trong năm qua 2021. Việt Nam ngoài kế hoạch triển khai xây dựng lò phản ứng mới còn chú trọng đến đào tạo nhân lực, cán bộ chất lượng cao.
Hơn bảy nghìn người đã tham gia Ngày hội Khoa học và Hạt nhân tại Việt Nam

Thạch học nhân sinh ở Việt Nam

Ngày 30/12/2021, Viện Triết học Phát triển và Trung tâm Thạch học Nhân sinh đã phối hợp tổ chức Hội thảo Quốc tế thường niên về Triết học trị liệu và Thạch lý học năm 2021 với chủ đề: “Quang năng trị liệu và vi dược lý trị liệu” dưới hình thức trực tuyến.
Thông điệp mà hội thảo muốn gửi đến là yêu cầu bảo tồn và khai thác hợp lý các giá trị ẩn sâu bên trong thạch quyển, trong các loại đá nói chung và đá quý nói riêng giữa bối cảnh nền văn minh đương đại.
Thành phần tham dự sự kiện có hơn 70 nhà khoa học và chuyên gia đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm Việt Nam, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Saudi Arabia, Singapore, Malaysia…
Sau 2 năm nghiên cứu, các nhà khoa học đầu ngành của Việt Nam về địa chất, khoáng học, thạch học, ngọc học, sinh học, hạt nhân, triết học,… đã công bố các nghiên cứu cơ bản bước đầu về giá trị quang năng và vi dược lý của khoáng thạch trong chương trình nghiên cứu thạch học nhân sinh.
Các đại biểu đã mang đến nhiều tham luận phân tích và đánh giá về thạch lý học trị liệu, một ngành khoa học mới mẻ ở châu Á và thế giới, cần được quan tâm nghiên cứu và ứng dụng.
Đại diện Ban Tổ chức, TS. Nguyễn Hoài Vũ, Phó Viện trưởng Viện Những vấn đề phát triển, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kiện, nơi các nhà khoa học có thể trao đổi và gợi mở các tri thức khoa học chuyên sâu về giá trị của hệ khoáng - thạch - ngọc trên trái đất.
Tại hội thảo, Chủ tịch Hội Cartomancy Singapore - ông Rowan Ong đã trình bày những cơ sở khoa học cổ đại của nguyên lý thạch lý học trị liệu.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội Hữu nghị Touraine Việt Nam (Pháp) Gilles Marc Serrano có tham luận giải thích sâu sắc về vai trò của quang năng trị liệu và vi dược lý trị liệu trong suốt chặng đường phát triển và tiến hóa của nhân loại. Điều đó đặt ra vấn đề bảo tồn, khai thác hợp lý và ứng dụng các giá trị tiềm ẩn trong thạch quyển, xem đây là một định hướng khoa học vi lượng rất cần được nghiên cứu chuyên sâu hơn.
Tại hội thảo, các nhà khoa học Việt Nam đã đề cập đến vai trò quan trọng của việc tác động thang hạ nguyên tử trong thạch lý học (PGS.TS. Nguyễn Nhị Điền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hạt nhân), hay về hàm lượng giá trị ẩn bên trong so với giá trị hiện bên ngoài của đá quý trong thạch quyển (ThS.Lê Ngọc Năng, Giám đốc Trung tâm Ngọc học LIU).
Trong khi đó, GS.TS Tạ Hòa Phương - Chủ tịch Hội Cổ sinh Địa tầng Việt Nam có tham luận về việc làm rõ thêm những nguyên lý khoa học cơ bản về thạch học, điều được xem là nền tảng lý luận và phương pháp luận cho các nghiên cứu thạch học và ngọc học sau này.
Về phần mình, TS. Hồ Bá Thâm, Phó Giám đốc Trung tâm Thạch học Nhân sinh đã trình bày mối quan hệ giữa nhân học và thạch học, với nền tảng vật lý là các tần số rung động.
Hai chuyên gia là TS. Ngô Hồ Anh Khôi từ Trung tâm UNESCO Khoa học Nhân văn và Hầu Lâm Phùng, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triết học Tôn giáo và Tín ngưỡng đã mang đến tham luận về mối quan hệ giữa màu sắc và tần số quang năng ảnh hưởng đến con người.
Phát biểu bế mạc hội thảo, TS. Nguyễn Huỳnh Thanh, Viện trưởng Viện Triết học Phát triển, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Hội thảo, cho rằng chuỗi sự kiện đã phát huy được giá trị khoa học và thực tiễn của mình từ những nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng, từ đó góp phần khuyến khích các nhà quản lý đưa ra những chính sách hài hòa bền vững với tự nhiên.
Phát lệnh xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân tại Việt Nam

Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng năng lượng hạt nhân

Ngày 30/12/2021, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2022.
Tại buổi tổng kết, PGS.TS Phạm Đức Khuê, Viện trưởng Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân, đã nhấn mạnh các ứng dụng của năng lượng hạt nhân trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống, bao gồm đo lường bức xạ ion hóa, đảm bảo an toàn bức xạ, xạ trị và y học hạt nhân, đánh giá môi trường phóng xạ... Trong y tế, năng lượng hạt nhân được ứng dụng rộng rãi, đa dạng như y học hạt nhân, điện quang, xạ trị.
Theo báo cáo của Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân, năm qua đơn vị đã nghiên cứu thiết kế và chế tạo thành công hệ thiết bị quan trắc tự động hiện trường hai đồng vị phóng xạ 134Cs và 137Cs trong môi trường nước biển, hiệu suất hấp thụ chọn lọc cao (đạt 99,9%), giới hạn phát hiện 4,4 Bq/m3, đảm bảo hoạt động được trong điều kiện khắc nghiệt của biển. Bên cạnh đó còn ứng dụng thành công phần mềm FLEXPART trong nghiên cứu tính toán mô phỏng phát tán chất phóng xạ trong môi trường không khí khi có sự cố giả định từ một cơ sở hạt nhân.
Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân đã xây dựng và phát triển được năng lực nghiên cứu và ứng dụng các phương pháp vật lý, kỹ thuật hạt nhân và kỹ thuật đồng vị ứng dụng trong một số lĩnh vực như đánh giá tài nguyên nước, địa chất thủy văn, công trình thủy lợi, ô nhiễm môi trường, xác thực chất lượng và truy xuất nguồn gốc lương thực, thực phẩm, triển khai nghiên cứu, thiết kế chế tạo đầu dò neutron vũ trụ bằng tổ hợp đa tinh thể nhấp nháy sử dụng cho việc đo độ ẩm của đất.
Trong năm 2021, các chuyên gia của Viện đã vận hành 4400 giờ an toàn và hiệu quả lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, điều chế 1.002 Ci đồng vị phóng xạ các loại và 2114 lọ kit đánh dấu, cung cấp cho các bệnh viện trong nước với tần suất 1 tuần một lần. Viện cũng xuất khẩu 7,4 Ci dược chất phóng xạ sang Campuchia.
Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu hạt nhân Cao Đông Vũ cho biết, số giờ vận hành lò phản ứng năm qua tương đương năm 2020 nhưng lượng đồng vị cung cấp đến bệnh viện có giảm. Lý do là vì trong bối cảnh dịch Covid-19, nhiều bệnh viện tại các tỉnh Nam Bộ hạn chế nhận bệnh nhân. Tuy vậy, Viện vẫn đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hạt nhân, công nghệ bức xạ trong sản xuất đồng vị và dược chất phóng xạ.
Đáng ghi nhận, nhóm nghiên cứu của Viện đã chế tạo thành công chế phẩm vi cầu phóng xạ 90Y, điều chế 32P-chromic phosphate, sản xuất đồng vị 99mTc trên máy gia tốc, phương pháp đánh dấu kháng thể đơn dòng bevacizumab, được ví như "xương sống" của lĩnh vực y học hạt nhân trên thế giới.
Bất chấp những khó khăn do đại dịch, Viện đã nghiên cứu thành công và đưa kênh ngang số 1 của lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt vào sử dụng phục vụ nghiên cứu vật lý hạt nhân, đo tán xạ nơtron, đào tạo.
Bên cạnh đó, Viện còn chế tạo thành công thiết bị quan trắc tự động hiện trường hai đồng vị phóng xạ trong môi trường nước biển cho hiệu suất hấp thụ chọn lọc cao.
Năng lượng hạt nhân còn được ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, bằng cách chiếu xạ gamma dùng nguồn phóng xạ gây đột biến để cho ra các giống cây trồng năng suất cao. Công nghệ bức xạ gây đột biến còn được dùng để tạo chế phẩm phân giải rơm rạ và chiếu xạ trong sản xuất maltodextrin kháng tiêu hóa từ tinh bột.
Trong mảng công nghiệp, các kỹ sư của Viện đã chế tạo thành công robot FMI khảo sát ngập lụt chân đế giàn khoan bằng phương pháp gamma truyền qua. Đây là kỹ thuật mà Việt Nam chưa làm được trước đây.
Theo chuyên gia Bùi Quang Trí (Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp), robot có khả năng chịu áp lực cao và không ngấm nước, có thể kết nối hệ thống phát quang để kết nối bờ lục địa. Việc đưa công nghệ này ứng dụng tại giàn khoan đã mang lại ý nghĩa trong sản xuất, đem về doanh thu 1 tỷ đồng.

Nga sẽ giúp đào tạo năng lực chuyên gia hạt nhân nguyên tử cho Việt Nam

Cũng tại Hội nghị tổng kết cuối năm 2021, lãnh đạo cơ quan nghiên cứu năng lượng hạt nhân của Việt Nam lưu ý, một trong những vấn đề mấu chốt của Viện trong năm mới là tiếp tục nâng cao hơn nữa năng lực khoa học.
Cơ hội để các các bộ của Viện học hỏi là thông qua hợp tác quốc tế. GS. TS. Lê Hồng Khiêm, Đại diện toàn quyền của Chính phủ Việt Nam tại Viện liên hợp hạt nhân Dubna (JINR), Nga đã chia sẻ, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cần cử những cán bộ trẻ, triển vọng có đam mê nghiên cứu khoa học sang JINR, một môi trường nghiên cứu đa dạng với nhiều lĩnh vực như vật lý hạt nhân hay hóa phóng xạ, khoa học vật liệu, sinh học, môi trường.
Vì sao Việt Nam cần năng lượng hạt nhân nguyên tử?
“JINR-Dubna sẽ có thể đầu tư kinh phí, thiết kế lắp đặt một số thiết bị ở Trung tâm CNST để các nhà khoa học của hai nước cũng như quốc tế cùng nhau nghiên cứu và khi đó có thể coi CNST là một chi nhánh, một điểm đại diện của Dubna tại Việt Nam trong tương lai”, GS. TS. Lê Hồng Khiêm thông tin.
Đồng tình với quan điểm này và mong ước khuyến khích các cán bộ trẻ hạt nhân của Việt Nam học hỏi, TS. Đặng Đức Nhận, đề cập đến việc xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh trong nhiều lĩnh vực quan trọng, liên quan đến triển khai ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong đời sống như thủy văn đồng vị, nông nghiệp hữu cơ…

“Để xây đội ngũ lãnh đạo trẻ, đặc biệt là lãnh đạo đứng đầu các nhóm nghiên cứu, các dự án, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam phải là hậu phương vững chắc tạo điều kiện cho các cán bộ trẻ thì mới hy vọng thay đổi được thế hệ làm lãnh đạo tiềm năng”, TS. Nhận nêu quan điểm.

Nghiên cứu lò phản ứng hạt nhân mới

Tại Hội nghị tổng kết, TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, cho biết trong năm 2022, bên cạnh việc thiết kế nghiên cứu lò mới, đơn vị sẽ đẩy mạnh phát triển đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên gia nghiên cứu để khai thác hiệu quả.
Nêu rõ, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển hướng nghiên cứu ứng dụng, an toàn hạt nhân để phù hợp với tình hình mới, lãnh đạo viện cũng nhắc đến 2 nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam (tại Bình Thuận, dừng năm 2016, như Sputnik đã thông tin), đồng thời nhận định điện hạt nhân có tiềm năng lợi thế so với các dạng năng lượng sạch khác.
“Điện hạt nhân sẽ có tiềm năng so với các dạng năng lượng tái tạo, điện gió, hay năng lượng mặt trời”, Viện trưởng Trần Chí Thành nhấn mạnh.
Việt Nam xây trung tâm hạt nhân 600 triệu USD cùng sự hỗ trợ của Liên Bang Nga
Trong thời gian tới, Viện tiếp tục phát triển theo hướng nghiên cứu ứng dụng, đảm bảo an toàn điện hạt nhân.
Trong năm 2022, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã đưa ra chủ đề hoạt động của toàn Viện là “Triển khai Nghiên cứu khả thi (FS) Dự án lò nghiên cứu mới, phát triển nguồn nhân lực và năng lực khoa học các hướng nghiên cứu liên quan”.
“Dự án Trung tâm Nghiên cứu Khoa học công nghệ hạt nhân (CNST) là tương lai của ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam trong 50-70 năm tiếp theo, và năm 2022 sẽ là năm đẩy mạnh nhiệm vụ nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực, cán bộ đầu đàn cho triển khai xây dựng và khai thác lò nghiên cứu mới”, TS. Trần Chí Thành lưu ý.
Thảo luận