Chuyến thăm của tàu chiến Đức đánh dấu sự trở lại của Berlin ở Biển Đông sau 20 năm vắng bóng, với mục tiêu củng cố luật pháp quốc tế và tăng cường an ninh tại khu vực này.
Khinh hạm Bayern của Đức thăm Việt Nam
Theo thông tin từ Đại sứ quán Đức tại Việt Nam, khinh hạm Bayern của Đức dự kiến sẽ đến TP.HCM ngày 6/1 và lưu lại đến ngày 9/1.
Chuyến thăm nằm trong khuôn khổ hành trình huấn luyện và tăng cường hiện diện kéo dài khoảng nửa năm của khinh hạm Bayern tại châu Á, bắt đầu khởi hành từ 2/8/2021.
Các thành viên thủy thủ đoàn sẽ thực hiện một loạt nhiệm vụ khác nhau, mà một trong số đó là tăng cường hợp tác an ninh với các nước trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Tại lễ khởi hành, Ngoại trưởng Heiko Maas đã nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, khẳng định đây sẽ nơi quyết định trật tự quốc tế của tương lai.
Ông Heiko Maas tuyên bố, nước Đức mong muốn tham gia đóng góp vào quá trình định hình và duy trì trật tự quốc tế dựa trên nền tảng luật lệ quốc tế.
“Vì vậy, chúng tôi muốn góp phần giám sát việc thi hành các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên cũng như mở rộng các mối quan hệ đối tác và nỗ lực của chúng tôi tại khu vực: Thông qua quan hệ Đối tác chiến lược của Liên minh châu Âu với ASEAN hoặc thông qua tham vấn chính sách an ninh với Nhật Bản và Australia", Ngoại trưởng Đức nhấn mạnh.
Theo ông Mass, khinh hạm Bayern có nhiệm vụ phối hợp với các đối tác nhằm thúc đẩy việc “tuân thủ luật pháp quốc tế và tăng cường an ninh tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương".
Khinh hạm mang theo khoảng 230 thành viên thủy thủ đoàn. Trên đường làm nhiệm vụ, tàu của Đức ghé thăm nhiều cảng tại các nước đối tác, trong đó có Việt Nam.
Sau gần 20 năm, đợt triển khai lần này của khinh hạm Bayern đánh dấu sự trở lại Biển Đông của một tàu chiến Đức.
Giới quan sát cho rằng, hải trình của khinh hạm thể hiện Berlin đang tập trung chủ yếu vào vùng biển Hoa Đông.
Ngoài ra, tàu cũng tham gia các sứ mệnh quốc tế, bao gồm giám sát việc thi hành các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên.
Trước đó, từ năm 2017, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc quyết định siết chặt hơn nữa các biện pháp trừng phạt này, cũng như trừng phạt các hoạt động vận chuyển dầu mỏ và sản phẩm từ dầu mỏ. Việc giám sát vùng biển sẽ giúp ngăn chặn quốc gia bị trừng phạt tìm cách lách lệnh trừng phạt thông qua hoạt động vận chuyển hàng hoá giữa các tàu trên vùng biển quốc tế.
Khinh hạm Bayern cũng hỗ trợ Chiến dịch “Atalanta” của EU nhằm chống cướp biển tại khu vực Sừng Châu Phi và sứ mệnh “Người gác biển” (Sea Guardian) của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với mục tiêu tăng cường an ninh hàng hải khu vực Địa Trung Hải.
Tăng cường hiện diện tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
Khinh hạm Bayern gần đây đã đi qua Biển Đông.
Giới quan sát cho rằng, động thái này nằm trong nỗ lực chung nhằm tăng cường sự hiện diện của lực lượng quân sự Đức, khối NATO, đồng minh của Mỹ trong bối cảnh sự bành trướng của Trung Quốc ở khu vực ngày càng lớn, đặc biệt không ít lần Bắc Kinh có các hành động đơn phương gây ảnh hưởng đến an ninh, ổn định, hòa bình ở Biển Đông.
Nước Đức luôn nhấn mạnh ý nghĩa của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS), một khung pháp lý trong đó đảm bảo quyền tự do hàng hải tại các vùng biển quốc tế với các Cơ chế giải quyết tranh chấp mang tính bắt buộc.
Chính phủ Đức đã thông qua Định hướng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương từ tháng 9/2020 nhằm tăng cường sự hiện diện của Đức tại khu vực này.
Theo đó, Đức sẽ đa dạng hoá đối tác kinh tế cũng như tăng cường luật pháp quốc tế, hợp tác đa phương trong lĩnh vực bảo vệ khí hậu và hợp tác an ninh với các quốc gia trong khu vực.
Trong quá trình Đức đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu và Việt Nam nắm giữ cương vị Chủ tịch ASEAN, vào tháng 12/2020, Liên minh châu Âu và ASEAN đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược.
Tháng 12/2020, giữa thời điểm Đức đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu và Việt Nam nắm giữ cương vị Chủ tịch ASEAN, EU và ASEAN đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược. Quan hệ song phương giữa Hà Nội và Berlin vẫn được duy trì, củng cố và phát triển mạnh mẽ.