Phái bộ thường trực của CSTO do Armenia, nước chủ tịch luân phiên, đã gửi bức thư tới Chủ tịch HĐBA LHQ. Người đứng đầu HĐBA LHQ đã gửi nó cho các thành viên của Hội đồng Bảo an.
Trong bức thư, Tổng thư ký CSTO thông báo rằng:
"Về mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và chủ quyền của Cộng hòa Kazakhstan, theo hướng dẫn tại Điều 2 và 4 của Hiệp ước An ninh Tập thể, Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) quyết định triển khai các lực lượng và phương tiện của Quân đội (Lực lượng Tập thể) hoạt động gìn giữ hòa bình CSTO trên lãnh thổ của Cộng hòa Kazakhstan”.
Trước đó, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Zhomart Tokayev đã yêu cầu việc triển khai binh sĩ của CSTO. Ông Tokayev gọi tình hình trong nước là "cuộc xâm lược của các băng nhóm khủng bố được đào tạo ở nước ngoài". CSTO đã quyết định cử lực lượng gìn giữ hòa bình tập thể đến Kazakhstan trong khoảng thời gian nhất định.
Những quân nhân Nga đầu tiên từ lực lượng gìn giữ hòa bình đã đến nước cộng hòa này, và các đơn vị của lữ đoàn 45 thuộc lực lượng đặc biệt của Lực lượng Dù, binh đoàn Ivanovo và Ulyanovsk của Lực lượng Dù cũng được cử đến.
Ngoài quân đội Nga, lực lượng này sẽ bao gồm đại diện của Lực lượng vũ trang của 4 quốc gia khác là Belarus, Armenia, Kyrgyzstan và Tajikistan. Lực lượng này sẽ bảo vệ nhà nước và các cơ sở quân sự, hỗ trợ các lực lượng của luật pháp thiết lập trật tự.
Tình hình căng thẳng ở Kazakhstan
Các cuộc biểu tình hàng loạt ở Kazakhstan bắt đầu vào những ngày đầu năm 2022. Khi đó cư dân phản đối việc tăng giá khí hóa lỏng gấp đôi, tiếp theo là cuộc biểu tình lan rộng trên nhiều thành phố khác. Tại Alma-Ata, thủ đô cũ của nước cộng hòa, trong hai ngày 4 và 5 tháng 1, đã xảy ra đụng độ với lực lượng an ninh, cảnh sát sử dụng khí cay và lựu đạn gây choáng. Internet đã bị ngắt và tạm thời dừng việc phát sóng một số kênh truyền hình trên địa bàn Kazakhstan.
Tình trạng khẩn cấp đã được áp dụng ở Kazakhstan trong hai tuần. Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev đã bãi nhiệm chính phủ và đứng đầu Hội đồng An ninh của nước Cộng hòa này. Điều này đồng nghĩa với việc ông Nursultan Nazarbayev, cựu nguyên thủ quốc gia đầu tiên tai Kazakhstan, bị loại khỏi chức vụ này.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Moskva cho rằng các sự kiện ở Kazakhstan có thế lực nước ngoài đứng sau nhằm nhằm phá hoại một cách thô bạo an ninh và tính toàn vẹn của nhà nước.