Nước cờ táo bạo: VinFast có giúp Việt Nam vượt Thái Lan thành cường quốc xe điện?

Liệu ‘kỳ lân’ công nghệ xe hơi VinFast, ‘đứa con cưng’ từ tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, có thể giúp Việt Nam vượt Thái Lan, Indonesia thành cường quốc sản xuất xe điện?
Sputnik
Chuyên gia nhận định về chiến lược từ bỏ xe xăng, chuyển hướng tập trung vào sản xuất xe điện của VinFast, nhất là trong bối cảnh cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt khi hãng xe “made in Vietnam” phải đối mặt với các ông lớn như Tesla, General Motors hay Volvo.

Với VinFast, Việt Nam đã chính thức nhập cuộc chơi

The Diplomat của Mỹ vừa có bài phân tích về khả năng VinFast có thể biến Việt Nam thành cường quốc xe điện cũng như xu thế cạnh tranh giữa các nước ở Đông Nam Á trong ngành công nghiệp xe hơi này.
Theo cây viết James Guild của The Diplomat, cuộc cạnh tranh để trở thành ‘ông lớn’ trong ngành sản xuất xe điện ở Đông Nam Á đang bắt đầu nóng lên hơn bao giờ hết.
“Việt Nam, với sự trỗi dậy của tập đoàn tư nhân Vingroup, đang có kế hoạch trở thành một ‘ông lớn’ trong ngành công nghiệp ô tô và đang tìm cách thâm nhập sâu hơn vào thị trường xe điện thế giới”, báo Mỹ cho biết.
Trong các phân tích trước, giới chuyên gia cũng nhận định rằng, ở khu vực Đông Nam Á, Thái Lan từ lâu đã thống trị lĩnh vực sản xuất ô tô bằng cách tập trung vào xuất khẩu và theo đuổi mục tiêu cải cách thị trường khiến cuộc đua trở nên hấp dẫn đối với các công ty xe hơi nước ngoài đang tìm kiếm một trung tâm sản xuất mới trong khu vực.
Liệu thị trường Nga có chấp nhận xe ô tô điện mới của VinFast?
Gần đây, Indonesia cũng vượt lên nhanh chóng chủ yếu nhờ thúc đẩy tiềm lực nhu cầu tiêu dùng trong nước, đồng thời cũng bắt đầu bắt kịp hoặc thậm chí còn thách thức vị trí thống trị của Thái Lan.
“Hiện, Việt Nam đã chính thức nhập cuộc và muốn thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp sản xuất xe điện mạnh mẽ. Những tham vọng này của VinFast liệu có thực tế”, báo Mỹ đặt vấn đề.
Theo tờ báo Mỹ, sự phát triển của VinFast, đơn vị thành viên tập đoàn Vingroup của tỷ phú giàu nhất đất nước Phạm Nhật Vượng “rõ ràng phù hợp” với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tổng thể hướng tới xuất khẩu - đã và đang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, vượt bậc của Việt Nam.
Theo James Guild, chế tạo ô tô là hoạt động sản xuất có giá trị gia tăng khá cao và các nước công nghiệp phát triển thường ưu tiên phát triển ngành công nghiệp xe hơi trong nước hướng đến sự tự chủ cũng như mục tiêu xuất khẩu.
“Mục tiêu cuối đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam, quốc gia vốn phụ thuộc nhiều vào biến động thặng dư tài khoản vãng lai để thúc đẩy tăng trưởng, trở thành trung tâm xuất khẩu của thế giới, nhưng đây là chiến lược lớn và đất nước hiện vẫn chưa thể hoàn thành”, The Diplomat lưu ý.
Theo Hiệp hội các nhà Sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), năm 2020 đã có 283.983 chiếc đã được bán ra thị trường. Trong đó, khoảng 2/3 là xe lắp ráp trong nước và số còn lại là xe nhập khẩu xe nguyên chiếc.
Theo thống kê từ cơ quan hữu quan, kim ngạch nhập khẩu ô tô vào Việt Nam năm 2020 đạt 2,35 tỷ USD, trong đó Indonesia và Thái Lan là hai trong số các nhà cung cấp hàng đầu cho thị trường gần 98 triệu dân này.
Danh sách thành viên CPTPP sẽ mở rộng: Tiếp sau Trung Quốc có thể là Thái Lan
Để so sánh, báo Mỹ phân tích, Indonesia và Thái Lan thường xuyên sản xuất và xuất khẩu hơn một triệu xe ô tô mỗi năm, phần lớn đều là xuất khẩu ròng. Do đó, Việt Nam sẽ gặp thách thức lớn để có thể cạnh tranh trực tiếp với những ‘ông lớn’ hàng đầu khu vực. Hơn nữa, phần lớn hoạt động sản xuất ô tô tại Việt Nam hiện vẫn thiên về “lắp ráp” thay vì “chế tạo. Các nhà máy trong nước đều được hầu hết các nhà sản xuất xe hơi nước ngoài cấp phép lắp ráp xe từ linh kiện cung ứng trực tiếp thông qua nhập khẩu.
Báo Mỹ lưu ý, loại hoạt động này có vai trò thấp hơn trong chuỗi giá trị, bởi vì các thành phần công nghệ cao như động cơ được thiết kế và thường được sản xuất ở nước ngoài và sau đó được chuyển đến Việt Nam để lắp ráp ở khâu cuối cùng.
“Phần thưởng” lớn nhất, giá trị thực sự dành cho các công ty trong nước thông qua chuỗi cung ứng này chính là việc được tiệp cận khả năng tự chế tạo và thiết kế các thành phần linh kiện chính của chiếc xe. Điều đó liên quan đến mức đầu tư cao vào nghiên cứu và phát triển (R&D), vốn, nhân lực và chuyển giao công nghệ, những yếu tố sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn cho ngành công nghiệp xe hơi Việt Nam.

Liệu VinFast có thể giúp Việt Nam thành cường quốc xe điện?

Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng là tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam.
Trong khi đó, VinFast, nhà sản xuất ô tô thương hiệu nội địa đầu tiên của Việt Nam, được thành lập vào năm 2017 với việc động thổ tổ hợp sản xuất rộng 335 ha tại thành phố cảng Hải Phòng.
Rất nhanh sau đó VinFast giới thiệu chiếc ô tô đầu tiên của mình - chiếc sedan VinFast LUX SA2.0 hiện đại tại Paris Motor Show 2018.
Tiếp tục bước tiến thần tốc, rút ngắn thời gian tối đa, VinFast đã giao những chiếc xe đầu tiên của mình cho khách hàng tại Việt Nam. Hãng xe “made in Vietnam” VinFast hiện là nhà sản xuất ô tô bán chạy thứ hai ở trong nước, sau Toyota, với 25.527 xe bán ra trong 9 tháng đầu năm 2021.
Phạm Nhật Vượng
Báo Mỹ đánh giá Vingroup là kiểu tập đoàn thực sự điển hình - công ty có lợi ích trong sản xuất công nghiệp, bất động sản, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và điện thoại thông minh, cùng những lĩnh vực khác. Một trong những liên doanh gần đây của Vingroup là VinFast, một công ty sản xuất ô tô được thành lập vào năm 2017.
Theo báo cáo kinh doanh thường niên của Vingroup, VinFast đã bán được 31.500 ô tô và 45.400 xe máy điện vào năm 2020, đây là mức tăng trưởng khá nhanh đối với một công ty chỉ mới vài năm tuổi bước vào cuộc chơi vô cùng nghiêm túc. Đồng thời, VinFast của Việt Nam cũng hiện đang cố gắng tích cực chuyển sang sản xuất xe điện.
Theo dữ liệu của cổ đông, Vingroup hoàn toàn không có sở hữu nhà nước. Ở đây cần lưu ý vai trò của kinh tế tư nhân đối với cơ cấu tổng thể của nền kinh tế Việt Nam.
Theo tờ báo Mỹ, với vai trò to lớn của nhà nước đặc biệt lớn, nhất là việc nắm giữ cổ phần trực tiếp ở nhiều tập đoàn chủ chốt của nền kinh tế Việt Nam, giới quan sát nhận định rằng Vingroup đưa ra một ví dụ về những gì vốn tư nhân có thể làm hiệu quả không thua kém gì các doanh nghiệp nhà nước. Việt Nam hiện đang tiến hành nhiều cuộc cải cách lớn, trong đó nhấn mạnh đến tăng cường thúc đẩy kinh tế tư nhân, đây được xem là hướng đi đúng đắn.
“Đối với Việt Nam, việc tận dụng công nghệ để nâng cao quá trình đổi mới và thúc đẩy tăng trưởng nhanh trong các sản phẩm cần nhiều “chất xám” kiến ​​thức và kỹ năng, chẳng hạn như ô tô là xu hướng tốt”, báo Mỹ nhấn mạnh.
Tesla đã nhận được hơn một triệu đơn đăng ký mua xe bán tải điện Cybertruck
Chuyên gia cũng nhận thấy mô hình tương tự ở các quốc gia khác, nơi khu vực kinh tế nhà nước còn đóng vai trò lớn đối với nền kinh tế, như Indonesia. Các công ty công nghệ khởi nghiệp điển hình như Go-Jek đã và đang thúc đẩy giới hạn đổi mới trong nhiều lĩnh vực khác nhau của quốc gia “vạn đảo” (bao gồm cả liên doanh xe điện vừa được công bố gần đây).
Nhờ không chịu ràng buộc hay gánh nặng tác động từ những cơ cấu sở hữu và hệ thống kiểm soát của nhà nước được tách biệt rõ ràng, các tập đoàn kinh tế do tư nhân nắm giữ chiếm lợi thế thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhanh chóng. Tuy nhiên, liệu điều này có đủ để giúp VinFast nắm lợi thế trong cuộc đua xe điện?
Lĩnh vực sản xuất xe điện vốn mang tính cạnh tranh cao “đất chật người đông”, chưa kể cả Thái Lan và Indonesia cũng đang đặt mục tiêu vào sự bùng nổ xe điện trong thời gian sắp tới. Và trong cả hai trường hợp, các chương trình phát triển xe điện của họ đang được nhà nước hỗ trợ theo cách này hay cách khác.
Indonesia đã và đang tận dụng quyền sở hữu, kiểm soát quặng niken thô, một nguyên liệu đầu vào thiết yếu trong sản xuất pin lithium-ion, để khuyến khích đầu tư hạ nguồn vào sản xuất xe điện.
Ngư dân Indonesia bắt được những thùng chứa sản phẩm Apple
Trong khi đó ở Thái Lan, nơi đã có cơ sở hạ tầng sản xuất ô tô phát triển tốt, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia PTT đang hợp tác với công ty xe điện của Trung Quốc để mở rộng quy mô sản xuất, nâng tầm thương hiệu.
Liệu VinFast có thể bắt kịp những dự án khủng của các “ông lớn” xe điện trong khu vực mà không có sự hậu thuẫn rõ nét, mạnh mẽ hơn từ nhà nước Việt Nam? Liệu VinFast của ông Phạm Nhật Vượng có thể cạnh tranh với các công ty Thái Lan và Indonesia trong lĩnh vực như đổi mới công nghệ và thiết kế xe hơi hay không?
Để biết liệu “kỳ lân” công nghệ xe hơi của Việt Nam như VinFast có thể vượt Thái Lan, Indonesia để thống lĩnh ngành sản xuất xe điện của ASEAN hay không sẽ phải chờ câu trả lời của thời gian.
“Tuy nhiên, có một thực tế khá rõ ràng rằng, vào thời điểm này, (với sự tham gia của VinFast, Việt Nam), cuộc đua giành thị phần dẫn đầu, thống trị thị trường xe điện ở Đông Nam Á đang diễn ra quyết liệt”, báo Mỹ khẳng định.

Forbes: VinFast có nước cờ táo bạo

Như Sputnik đã thông tin, hôm 6/1, VinFast của Việt Nam đã ra mắt 3 mẫu xe điện mới tại triển lãm thương mại công nghệ lớn nhất thế giới CES 2022 tại Las Vegas.
Động thái này diễn ra chưa đầy hai tháng sau khi công ty trình làng hai mẫu SUV chạy điện tại Triển lãm ô tô Los Angeles vừa qua.
Đồng thời, việc VinFast của Vingroup giới thiệu cùng lúc 5 mẫu xe điện cùng tuyên bố từ bỏ xe xăng tại CES 2022 đã thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế.
VinFast sắp IPO tại Mỹ, Vingroup tính toán những gì?
Forbes đánh giá, đây là nước cờ táo bạo của VinFast.

“Đó là một bước đi táo bạo của VinFast, công ty con của Vingroup, tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam”, Forbes nhận định.

Việc VinFast tuyên bố quyết định chuyển hẳn sang lĩnh vực xe điện, Forbes cho rằng, các nhà phân tích hoan nghênh quyết định này, vì VinFast có thể tận dụng bước chuyển giao trong ngành công nghiệp ô tô, khi ngành này đang chuyển hướng sang xe điện và xe tự lái.
Cũng theo Forbes, Vingroup đã đầu tư tổng cộng 5,4 tỷ USD vào VinFast và đây xứng đáng là “đứa con cưng”, sự đầu tư “đáng đồng tiền bát gạo” để đưa danh tiếng tập đoàn cũng như Việt Nam lên bản đồ ngành công nghiệp sản xuất xe hơi thế giới.
Phó Chủ tịch Vingroup, CEO VinFast toàn cầu Lê Thị Thu Thủy, doanh nghiệp xe điện đầu tiên của Việt Nam sẽ là hãng xe tiên phong trên thế giới ngừng sản xuất xe xăng để chuyển hoàn toàn sang sản xuất các dòng xe thuần điện.
Forbes cũng dẫn ý kiến của nhà phân tích cấp cao Christopher Robinson tại Lux Research nhận định, rõ ràng, tương lai của thị trường ô tô đang hướng tới các phương tiện không phát thải, và đối với một nhà sản xuất ôtô mới như VinFast, việc tập trung toàn bộ sự phát triển trong tương lai vào hệ thống truyền động điện thay vì cạnh tranh với các nhà sản xuất ôtô lão làng về công nghệ động cơ đốt là điều hợp lý.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng lưu ý, VinFast đang tham gia thị trường vào thời điểm mà số lượng đối thủ cạnh tranh đang mở rộng nhanh chóng. Các nhà sản xuất ôtô như Ford và GM đang tích cực mở rộng danh mục đầu tư xe điện, với việc Ford vừa tuyên bố một lần nữa sẽ tăng công suất sản xuất F-150 Lightning.
Khi nào xe ô tô điện Xiaomi đầu tiên sẽ ra mắt?
Cùng với đó, nhiều hãng xe không chỉ đơn thuần làm xe điện mà cũng phát triển cả hệ sinh thái như VinFast như xây dựng chuỗi cung ứng, đầu tư sản xuất pin, thậm chí cả khai thác nguyên liệu thô.
“Do đó, VinFast sẽ phải tìm cách vượt qua những thách thức lớn này khi đến Mỹ”, chuyên gia Christopher Robinson lưu ý.
Như Sputnik đề cập, để xây dựng và phát triển bền vững thương hiệu VinFast, doanh nghiệp xe hơi của tỷ phú Vượng vẫn đang làm việc với các ông lớn trong ngành ô tô như nhà thiết kế ô tô nổi tiếng của Ý Pininfarina, hãng sản xuất phụ tùng ô tô của Đức Continental, đơn vị chuyên về pin CATL và Samsung SDI, công ty thép khổng lồ của Đức Thyssenkrupp trong lĩnh vực công nghệ công nghiệp, và Nvidia và Qualcomm về công nghệ thông minh, VinFast cũng sở hữu trung tâm nghiên cứu về AI của riêng mình.
Không chỉ tập trung chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, VinFast còn “đem quân đi đánh xứ người” và đang hướng tới các khách hàng ở Bắc Mỹ và châu Âu. VinFast đã có văn phòng tại Mỹ, Canada, Pháp, Đức và Hà Lan để chuẩn bị ra mắt tại các thị trường này.
Theo Phó Chủ tịch Vingroup Lê Thị Thu Thủy, VinFast mang đến tầm nhìn về một tương lai bền vững cho con người và hành tinh thông qua việc di chuyển xanh, sạch và an toàn.
Lê Thị Thu Thủy
Đại diện Vingroup nhấn mạnh, đây là một tương lai được xây dựng trên nền tảng dịch vụ thông minh, trải nghiệm khách hàng xuất sắc và sự quan tâm sâu sắc đối với hành tinh và các thế hệ tương lai. VinFast cam kết luôn mang đến công nghệ và thiết kế xe mang tính đột phá, mới mẻ, cùng với dịch vụ chăm sóc khách hàng vượt trội.
“Chúng tôi còn khao khát vươn tới những thành tựu cao hơn nữa - trở thành một trong những hãng xe điện hàng đầu trên thế giới, đồng thời truyền cảm hứng cho khách hàng cùng bứt phá giới hạn và chung tay kiến tạo một tương lai xanh bền vững cho tất cả mọi người”, Tổng Giám đốc VinFast Toàn cầu khẳng định.
Thảo luận