Chuyên gia cho rằng, cần phải xử lý nghiêm vụ án ở Tịnh thất Bồng Lai để tránh những tiêu cực, sai sót không đáng có trong hoạt động tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng ở Việt Nam.
Vụ Tịnh thất Bồng Lai: Khởi tố tội lợi dụng quyền tự do dân chủ
Như Sputnik đã đưa tin, hôm 7/1, liên quan đến những lùm xùm xung quanh Tịnh thất Bồng Lai – Thiền am bên bờ vũ trụ, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Đức Hòa, tỉnh Long An đã khởi tố 4 bị can về hành vi "Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân".
Theo thông báo của Công an huyện Đức Hòa, được Viện kiểm sát nhân dân huyện Đức Hòa phê duyệt, ngày 7/1, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Đức Hòa, tỉnh Long An đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Lê Tùng Vân (sinh năm 1932), Lê Thanh Hoàn Nguyên (sinh năm 1990), Lê Thanh Nhất Nguyên (sinh năm 1991) và Lê Thanh Trùng Dương (sinh năm 1995) về hành vi “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015, bổ sung sửa đổi năm 2017.
Đại tá Văn Công Minh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Long An thông tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã quyết định bắt 3 bị can để tạm giam gồm Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Nhất Nguyên, Lê Thanh Trùng Dương. Riêng bị can Lê Tùng Vân bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.
“Cơ quan chức năng tỉnh Long An đang tiếp tục điều tra, xác minh, củng cố hồ sơ, chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng để xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật”, Đại tá Văn Công Minh nói.
Liên quan đến vấn đề biện pháp ngăn chặn đối với ông Lê Tùng Vân, theo quan điểm của một số luật sư, việc Công an tỉnh Long An không tạm giam ông Lê Tùng Vân có một số lý do cơ bản.
Trong đó, nhiều luật sư cho rằng, ông Lê Tùng Vân sinh năm 1932 (đã 90 tuổi), nên cơ quan tố tụng đã có xem xét yếu tố về sức khỏe do tuổi tác của bị can.
Bên cạnh đó, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, ông Vân chỉ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú (được tại ngoại tạm thời) là do mới chỉ bị khởi tố bị can về một tội danh “ít nghiêm trọng”.
Luật sư Thái Thị Diễm Trúc (Đoàn Luật sư An Giang) thì cho rằng, ông Lê Tùng Vân có địa chỉ cụ thể, không có nguy cơ bỏ trốn và bị khởi tố trong trường hợp không đặc biệt nghiêm trọng với tội danh ban đầu là hành vi liên quan Điều 331 Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) nên được tại ngoại mà không bị giam giữ là phù hợp.
Một số chuyên gia pháp lý khác cũng cho rằng, ông Vân đã cao tuổi, lại bị khởi tố với tội danh không đến mức bị xử tử hình. Theo Điều 40 Bộ Luật hình sư thì ông Vân cũng sẽ không bị áp dụng hình phạt cao nhất là tử hình vì đã trên 75 tuổi. Do đó, cơ quan chức năng có thể chỉ áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cứ trú.
Vì sao khởi tố tội Lợi dụng quyền tự do dân chủ?
Ngay sau khi khởi tố vụ án, khởi tố các bị can ở Tịnh thất Bồng Lai, xung quanh khu hộ bà Cao Thị Cúc đã được lực lượng chức năng phân bổ, chốt chặn, phong tỏa nghiêm ngặt, đồng thời đề nghị người dân không tụ tập quay phim, chụp hình, livestream trên Facebook, Youtube.
Phó Giám đốc Công an tỉnh Long An cũng nhấn mạnh, thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh Long An đã nhận được rất nhiều đơn thư tố cáo của tổ chức, các nhân về hành vi sai phạm của một số trường hợp sinh sống tại hộ bà Cao Thị Cúc (sinh năm 1960), ngụ ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa (Long An). Hộ của bà Cao Thị Cúc chính là nơi tự xưng là “Tịnh thất Bồng Lai”, hay “Thiền am bên bờ vũ trụ”.
Theo Đại tá Minh, vụ việc này thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận và trên các mạng xã hội. Đa số người dân đều bức xúc đối với các hành vi có dấu hiệu lợi dụng hình thức tu tại gia, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, cơ nhỡ để kêu gọi quyên góp từ thiện trục lợi và lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của tổ chức, cá nhân, loạn luân nên gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương.
Sau quá trình điều tra cũng như căn cứ vào tài liệu thu thập được, cùng với đơn thư tố cáo, phản ánh về hành vi sai phạm của nhóm ông Lê Tùng Vân, ngày 3/1, cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Đức Hòa đã ra quyết định khởi tố vụ án “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân” theo Điều 331, Bộ Luật Hình sự.
Đến ngày 4/1, Công an Long An đã mời 14 người liên quan ở Tịnh thất Bồng Lai về làm việc, lấy lời khai, làm rõ sai phạm liên quan đến thông tin Thiền am bên bờ vũ trụ nhận tiền quyên góp từ thiện có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Công an Đức Hòa đã phong tỏa hiện trường, hộ của bà Cao Thị Cúc và tiến hành khám xét “Tịnh thất Bồng Lai”. Đại tá Văn Công Minh nhấn mạnh, với những chứng cứ rõ ràng và được Viện kiểm sát nhân dân huyện Đức Hòa phê duyệt, Công an huyện Đức Hòa đã ra quyết định khởi tố vụ án về hành vi “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của tổ chức, cá nhân”.
Đại diện Ban Giám đốc Công an tỉnh Long An cũng cho hay, lực lượng chức năng đã phát hiện các bị can bị khởi tố nêu trên đã sử dụng các tài khoản cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội trong thời gian dài để “bôi nhọ, xuyên tạc sự thật khách quan” đối với một số hoạt động của nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Long An.
Đối với tin lan truyền trên mạng xã hội về cô gái tên Diễm My, 23 tuổi, ngụ ở TP.HCM được phát hiện trong một căn hầm bí mật bên trong Tịnh thất Bồng Lai ngày 6/1/2022, Công an tỉnh Long An khẳng định, đây là thông tin không chính xác. Đại diện đơn vị nhấn mạnh, không có chuyện cô gái tên Diễm My được phát hiện trong căn hầm trong Tịnh thất Bồng Lai tính đến thời điểm này.
“Công an huyện Đức Hòa vẫn đang thực hiện theo chỉ đạo của Ban giám đốc Công an tỉnh Long An là phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương để tìm kiếm cô gái tên Diễm My để yêu cầu sự phối hợp của cô gái này trong nhiều vấn đề đang trong quá trình điều tra”, vị lãnh đạo Công an tỉnh Long An nêu rõ.
Đại tá Văn Công Minh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Long An, khẳng định, do Tịnh thất bồng lai vi phạm nhiều nội dung nên Cơ quan An ninh điều tra đang tiếp tục xác định nội dung khởi tố, củng cố hồ sơ, xử lý vụ việc và sẽ sớm cung cấp cho báo chí và dư luận thời gian tới.
Ý kiến chuyên gia về vụ Tịnh thất Bồng Lai và tự do tôn giáo tín ngưỡng
Phát biểu với báo chí trong nước bên hành lang Quốc hội sáng ngày 7/1, ĐBQH Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội rất trăn trở trước các vấn đề xung quanh vụ án Tịnh thất Bồng Lai.
Ông Sơn lưu ý, cơ quan chức năng cần sớm làm rõ và xử lý nghiêm những sai phạm trong vụ việc của Tịnh thất Bồng Lai.
“Điều này sẽ góp phần định hướng về nhận thức, về môi trường trong lành cho các sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân, đồng thời tránh những tiêu cực, sai sót không đáng có trong sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo (ở Việt Nam – PV)”, ĐBQH Bùi Hoài Sơn bày tỏ.
Vị Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nêu rõ, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, luôn tạo mọi điều kiện cho người dân tham gia đời sống tôn giáo.
Tuy nhiên, theo chuyên gia, sự tôn trọng của Đảng và Nhà nước căn cứ trên cơ sở những người tham gia tín ngưỡng tôn giáo cũng phải tôn trọng pháp luật và thực hiện nghiêm quy định của các tôn giáo, đồng thời tôn trọng các tôn giáo khác và cộng động khác có liên quan.
“Vụ việc Tịnh thất Bồng Lai khiến chúng ta phải nghĩ nhiều hơn đến câu chuyện làm thế nào để làm lành mạnh hơn đời sống tôn giáo tín ngưỡng, làm sao để mọi người dân nhận thức đúng và đẩy đủ hơn về tín ngưỡng tôn giáo, đặc biệt là vai trò của tin ngưỡng tôn giáo trong việc phát triển văn hóa, trong định hướng phát triển đạo đức con người”, ông Sơn lưu ý.
Đáng chú ý, theo vị ĐBQH, khi phát hiện ra sự việc thì phải quan niệm rằng, đây không phải là sự việc “cá biệt”, nó có thể diễn ra ở nơi này, nơi kia. Do đó, cần có những biện pháp rà soát, để tìm ra bản chất của vấn đề, từ đó có những chính sách, sửa đổi những luật khác làm sao không xảy ra những sự việc tương tự như thế này nữa trong tương lai. Theo ông Bùi Hoài Sơn, đây mới là giải pháp mang tính tổng thể, quan trọng.
Cũng theo ông Sơn, nhân dân phải hết sức tôn trọng cách thức làm việc của các cơ quan chức năng, vì khi sự việc xảy ra thì các cơ quan chức năng đã có những thủ tục, trình tự nhất định.
“Trong vụ việc này, chúng ta đánh giá cao các cơ quan chức năng đã nhận ra bản chất của sự việc và đã tích cực giải quyết, đưa ra những kết luận cụ thể”, đại diện Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nói.
ĐBQH Bùi Hoài Sơn khẳng định, thượng tôn pháp luật vẫn là quan trọng nhất, chính vì thế chúng ta tin tưởng rằng các cơ quan chức năng sẽ đưa ra những kết luận chính xác, để rộng đường dư luận, đánh giá sâu sắc về vấn đề này.
“Đây là vụ việc vi phạm thuần phong mỹ tục, vi phạm những định hướng giá trị đạo đức của dân tộc, cần phải lên án”, ông Bùi Hoài Sơn lưu ý.
Vụ việc Tịnh thất Bồng Lai gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương là có căn cứ. Trước đó, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An đã ra văn bản khẳng định rằng, Tịnh thất Bồng Lai không phải là cơ sở tự viện hợp pháp do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh quản lý. Đồng thời, ông Lê Tùng Vân cùng những người đang sống và sinh hoạt tại hộ bà Cao Thị Cúc không phải là tu sĩ phật giáo. Do đó, vụ Tịnh thất Bồng Lai không liên quan đến sự quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tức, hoàn toàn không thể đánh đồng đến vấn đề tự do tôn giáo hay tín ngưỡng mà thiếu sự tôn trọng pháp luật chung.
Trên thực tế, bản chất sự việc ở Tịnh thất Bồng Lai mang tính chất lợi dụng hình thức tu sĩ phật giáo để lừa gạt lòng tin của tín đồ phật giáo và người dân, sự thương cảm của dư luận để trục lợi.
Phòng Tư pháp huyện Đức Hòa cùng với chính quyền địa phương đã xác minh cho thấy hầu hết trẻ em, thanh thiếu niên sinh sống tại Tịnh thất Bồng Lai - Thiền am bên bờ vũ trụ đều không phải trẻ em mồ côi, cơ nhỡ mà có mẹ sống cùng. Do đó, đây hoàn toàn là thủ đoạn lừa gạt lòng tin.
“Lỗi lầm là của người lớn”
Ngày 8/1, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã đề nghị giữ bí mật thông tin cá nhân để bảo vệ trẻ em ở Tịnh thất Bồng Lai.
“Lỗi lầm của người lớn không liên quan đến trẻ em và sự việc các em bé tại đây bị các đối tượng trục lợi bất chính đã có cơ quan công an xử lý”, ông Nam nhấn mạnh.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Long An trước đó có báo cáo gửi Cục Trẻ em cho thấy, nhóm trẻ em tại Tịnh thất Bồng Lai đều có giấy khai sinh, các em được mẹ đứng tên chăm sóc, có nơi ăn chốn ở đầy đủ. Cơ quan chức năng xác định rõ, Tịnh thất Bồng Lai cũng không được coi là cơ sở bảo trợ xã hội, nhà chùa mà họ chỉ nhân danh. Chính vì vậy, các em không phải là trẻ mồ côi và là đối tượng được bảo trợ xã hội.
Ngoài ra, kết quả giám định của cơ quan chức năng Long An mới đây cho thấy, hàng loạt đứa trẻ (trẻ nhỏ nhất sinh năm 2018) có quan hệ huyết thống với ông Lê Tùng Vân.
“Vấn đề đặt ra hiện nay phải làm rõ, có hay không dấu hiệu xâm hại tình dục, đặc biệt xâm hại tình dục trẻ em vị thành niên”, ông Nam băn khoăn.
Theo Cục trưởng Cục Trẻ em, vấn đề bảo đảm quyền hợp pháp, danh tính, thân nhân của nhóm trẻ em, trong đó có nhiều em nhỏ cần được lưu ý. Vì trẻ em vẫn có quyền được hưởng các quyền lợi bình thường, được đối xử bình đẳng và được pháp luật bảo vệ danh tính, nhân thân.
“Bố mẹ, người khác vi phạm sẽ bị xử lý trước pháp luật”, ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Trẻ em cho rằng, hiện trên mạng xã hội, phương tiện truyền thông đưa quá chi tiết về tên, tuổi của các bé; tên tuổi mẹ ruột của các em bé tại Tịnh thất Bồng Lai như vậy là đã vi phạm điều 31, Nghị định 130/2021/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Hiện vụ án vẫn đang được Công an huyện Đức Hòa, cơ quan chức năng tỉnh Long An mở rộng điều tra, làm rõ.