Đại biểu Quốc hội Việt Nam bày tỏ lo ngại tình trạng ‘chảy máu’ nguồn lực đất đai, trục lợi chính sách khi cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đồng thời kiến nghị cần kiểm soát chặt chẽ vấn đề này để phát triển đất nước.
Việt Nam muốn thu hút tư nhân tham gia vận hành lưới điện
Ngày 10/1, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thi hành án dân sự.
Phát biểu tại Hội trường, các ý kiến đồng thuận với việc cần thiết sửa đổi, bổ sung dự án Luật nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và quy trình, thủ tục.
Trong phiên làm việc buổi sáng, nhiều ĐBQH thể hiện sự quan tâm đến việc sửa đổi, bổ sung quy định mở rộng cho tư nhân tham gia đầu tư hệ thống truyền tải điện quốc gia. Với việc sửa đổi Luật Điện lực, các đại biểu Quốc hội lưu ý, nhằm để thể chế hóa Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cho phép khối tư nhân tham gia xây dựng hệ thống truyền tải điện là cần thiết.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến hiện nay còn băn khoăn, thể chế hóa như thế nào cho đúng và phù hợp với thực tế là vấn đề cần được cân nhắc thận trọng để đảm bảo tính hợp lý, khả thi, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.
“Nhà nước thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, xây dựng lưới điện truyền tải, Nhà nước vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư, xây dựng”, dự thảo Luật quy định.
ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách đánh giá, dự thảo còn chưa rõ về mặt nội dung. Theo bà Mai, nội dung sửa đổi chưa phân định cụ thể giữa phạm vi “độc quyền và không độc quyền”, có thể dẫn tới tùy tiện trong áp dụng.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính lưu ý, cần phân định rõ loại lưới điện truyền tải nào mà thành phần kinh tế tư nhân có thể được tham gia đầu tư xây dựng quản lý vận hành, loại nào do Nhà nước quy hoạch và loại nào chỉ giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện.
Ngoài quy định về mặt thẩm quyền quyết định lựa chọn nhà đầu tư, bà Lưu Mai cũng đề nghị quy định cụ thể trách nhiệm của từng chủ thể trong quá trình vận hành, trong đó có trách nhiệm của cơ quan Nhà nước và nhà đầu tư, đảm bảo an toàn hệ thống, tránh gây ra hậu quả sau này.
Theo chuyên gia, hệ thống lưới điện truyền tải cần có sự vận hành thống nhất, đặc biệt với trình độ quản lý của Việt Nam hiện nay, nếu không thận trọng sẽ dẫn đến mất an toàn.
“Phải quy định rõ về mặt thẩm quyền quyết định lựa chọn nhà đầu tư và quy định cụ thể về trách nhiệm của từng chủ thể trong quá trình vận hành, trách nghiệm quản lý Nhà nước, trách nhiệm của doanh nghiệp được phép đầu tư”, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai nói.
Liên quan đến giá điện, theo vị đại biểu đoàn Hà Nội, việc tư nhân hóa có thể giá sẽ cao khi tư nhân tham gia vận hành. Do đó, cần có đánh giá tác động để đảm bảo bình ổn giá, tránh ảnh hưởng đến người dân.
Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội Vũ Thị Lưu Mai phát biểu ý kiến
© Ảnh : Doãn Tấn - TTXVN
Một điểm quan trọng, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, hệ thống lưới điện truyền tải là tài sản, thời gian qua có trường hợp định giá không chuẩn xác gây thiệt hại lớn. Vậy nên, theo bà Mai, cần có quy định cụ thể cơ chế định giá điện. Nữ ĐBQH này cũng nhấn mạnh rằng, để pháp luật đi vào cuộc sống, rất cần thiết có những quy định cụ thể, kín kẽ, đảm bảo hiệu quả quản lý.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính cũng nêu vấn đề về tính nghiêm minh trong thực thi pháp luật liên quan đến quy định cho phép tư nhân tham gia xây dựng hệ thống truyền tải điện ở Việt Nam. Theo bà Mai, hôm nay Quốc hội mới bàn về việc nên hay không nên cho phép tư nhân tham gia xây dựng hệ thống truyền tải điện, tuy nhiên trước đó, ngay cả khi chưa có Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, một đơn vị tư nhân đã tham gia xây dựng hệ thống truyền tải điện.
“Vào tháng 10/2020, họ đã khánh thành hơn 17 km đường dây 500 kV từ tỉnh Ninh Thuận đến Bình Thuận”, bà Lưu Mai cho biết.
Vị ĐQBH bày tỏ, thực tế, đóng góp của doanh nghiệp là rất đáng trân trọng, nhưng phải có thể chế rõ ràng, cụ thể bằng quy định của pháp luật thì mới được phép áp dụng. Tuy nhiên, việc vận hành áp dụng trước đó là chưa phù hợp.
Phá thế độc quyền của ngành điện và EVN
Phát biểu về vấn đề này, Đại tá, ĐBQH Vũ Huy Khánh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nêu quan điểm, theo quy định như dự thảo đưa ra chưa chặt chẽ, chưa nêu được vai trò cần và đủ của Nhà nước.
Đại biểu Quốc hội Vũ Huy Khánh phát biểu ý kiến
© Ảnh : Doãn Tấn - TTXVN
Đại tá Vũ Huy Khánh lưu ý, theo quy định hiện hành, Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải hệ thống điện quốc gia.
“Sự độc quyền này dựa trên nhiều cơ sở, trong đó yếu tố quan trọng là đảm bảo an ninh, an toàn thông suốt của hệ thống truyền tải điện, mà sự an toàn đó tác động trực tiếp đến đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước”, ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhấn mạnh.
Theo Đại tá Khánh, để hiện thực hóa Nghị quyết số 55-NQ/TW của Đảng, việc từng bước xã hội hóa việc truyền tải điện là cần thiết và có cơ sở thực tiễn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay, bảo đảm hiệu quả hoạt động của truyền tải điện quốc gia.
Mặc dù vậy, theo ông Khánh, hiện nay, việc thiết lập cơ chế để các tổ chức hoạt động điện lực ngoài Nhà nước tham gia vào khâu này đến đâu và vai trò kiểm soát, điều tiết của Nhà nước thế nào thì cần tính toán thận trọng, chắc chắn.
“Theo quy định dự thảo Luật, Nhà nước độc quyền vận hành lưới điện chuyển tải, trừ lưới điện do các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước xây dựng. Quy định như vậy chưa chặt chẽ, chưa thể hiện được vai trò cần và đủ của Nhà nước trong việc kiểm soát, đảm bảo an ninh, an toàn truyền tải điện trong mọi tình huống”, Đại tá Khánh lưu ý.
Do đó, ĐBQH Vũ Huy Khánh đề nghị cần chỉnh lại theo hướng Nhà nước không độc quyền nhưng có quyền kiểm soát kể cả do các công trình đó là ngoài Nhà nước xây dựng để đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống, kể cả công trình đó là do các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước đầu tư xây dựng.
Phát biểu giải trình, tiến hành làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội đề cập, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, vấn đề về điện lực, Chính phủ mới đặt vấn đề xử lý một việc thôi, đó là phá thế độc quyền quy định tại Luật Điện lực.
“Còn để thể chế hóa đầy đủ các nội dung thì còn khá nhiều vấn đề phải làm”, Bộ trưởng Long thừa nhận.
Người đứng đầu ngành Tư pháp nêu ví dụ về năng lượng sạch, giá hợp đồng điện, Chính phủ cũng đang xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực. Ông Lê Thành Long cho hay, Bộ Công Thương đang tiếp tục hoàn chỉnh theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các ý kiến liên quan đến góp ý trực tiếp của các đại biểu Quốc hội.
Lo ‘chảy máu’ nguồn lực đất đai
Tại Nghị trường ngày 10/1, các ĐBQH Việt Nam cũng lo lắng về vấn đề quản lý đất đai, lo ‘chảy máu’ nguồn lực đất đai. Các ý kiến băn khoăn về việc sửa đổi, bổ sung điểm c, khoản 1, Điều 75 Luật Đầu tư (sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở).
Theo đó, dự thảo Luật quy định hình thức sử dụng đất để đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại là nhà đầu tư có quyền sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp sau đây phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai (trừ trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và các trường hợp thu hồi khác theo quy định của pháp luật). Đó là có quyền sử dụng đất ở hợp pháp, có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác không phải là đất ở, có quyền sử dụng các loại đất khác không phải là đất ở.
Đối với vấn đề này, nhiều ĐBQH cho rằng, việc sửa đổi cần bảo đảm quản lý chặt chẽ đất đai, phòng ngừa việc trục lợi từ chính sách, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống văn bản quy định pháp luật.
Ông Hoàng Văn Cường, ĐBQH Đoàn Hà Nội lưu ý, việc sửa đổi này sẽ mở rộng quyền cho các chủ sử dụng đất hợp pháp, giải quyết nhanh việc công nhận chủ đầu tư nhưng hậu quả có thể gây ra thất thoát cho Nhà nước. Theo ông Cường, khi được công nhận chủ đầu tư và được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, người sử dụng đất chỉ cần trả tiền theo quy định của luật hiện nay là lấy giá đất quy định trong bảng giá nhân với hệ số K.
Ông Cường dẫn chứng, dù có chuyển đổi đất giữa Bờ Hồ (TP. Hà Nội) hay trên đường Nguyễn Huệ (TP.HCM) cũng chỉ 312 triệu đồng/m2. Rõ ràng, điều này sẽ gây thất thoát lớn nguồn lực của Nhà nước. Nếu sửa, phải ghi cụ thể tính tiền đất theo giá thị trường.
ĐBQH Ngô Trung Thành (Đoàn Đắk Lắk), cho biết, Chính phủ cũng đã nắm được vướng mắc và đề xuất sửa đổi khoản 1, Điều 23, Luật Nhà ở. Mặc dù vậy, ông Thành cho rằng, vấn đề này không đơn giản, cần xem xét thấu đáo, đánh giá kỹ tác động, nhất là những tiêu cực có thể xảy ra.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk Ngô Trung Thành phát biểu ý kiến
© Ảnh : Doãn Tấn - TTXVN
Vị đại biểu bày tỏ, quy định trên dẫn đến chênh lệch địa tô cơ bản thuộc về chủ dự án là không hợp lý. Đất đai là sở hữu toàn dân, Nhà nước cho phép chuyển đổi làm cho giá trị đất tăng lên rất lớn thì chênh lệch địa tô cơ bản phải thuộc Nhà nước, thuộc về nhân dân.
“Sửa theo hướng trên có thể giải thoát cho dự án nhưng lợi cho chủ dự án, cho người gom đất, còn Nhà nước sẽ ‘chảy máu’ nguồn lực đất đai”, ông Thành băn khoăn.
Do đó, vị đại biểu Quốc hội Đoàn Đắk Lắk đề nghị Chính phủ nghiên cứu đánh giá tác động, xử lý cho được chênh lệch địa tô trong Luật Đất đai để tháo gỡ vướng mắc và phát huy nguồn lực đất đai cho phát triển đất nước.
“Phải đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp, người sử dụng đất”, ông Thành nhấn mạnh.
Một luật sửa nhiều luật là một ngoại lệ
Giải trình ý kiến ĐBQH về đề xuất sửa đổi khoản 1 điều 75 Luật Đầu tư theo hướng cho phép nhà đầu tư được chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng nhà ở thương mại, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, quy định này đang tạo ra sự phân biệt đối xử đối với các trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất nhưng không phải là đất ở, hoặc không có phần đất ở thì không được chấp thuận chủ trương đầu tư.
“Điều này gây lãng phí nguồn lực, thiếu hụt nguồn cung, khiến giá nhà ở tăng lên”, ông Dũng nói.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT lưu ý, nhiều địa phương phản ánh, hiệp hội, quy định khoản 1 điều 75 Luật đầu tư đang gây ách tắc nhiều dự án thương mại, trong đó Hà Nội có 102 dự án, TP.HCM có 150 dự án, Bình Dương có 40 dự án…
Về phương án sửa đổi, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Chính phủ đang đề xuất Quốc hội sửa khoản 1 điều 75 Luật đầu tư cho phép nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất đối với 3 loại đất phù hợp kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất thực hiện dự án nhà ở thương mại theo phương thức chấp nhận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư không cần thông qua đấu giá, đấu thầu.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu
© Ảnh : Doãn Tấn - TTXVN
Trong đó, để kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi, tránh lợi dụng chính sách, chuyển đổi tràn lan, nội dung đề xuất sửa đổi đã quy định loại trừ các trường hợp phải thu hồi đất theo quy định bao gồm thu hồi đất để đấu giá, đấu thầu; bán tài sản công theo Luật tài sản công.
“Khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, xác định nghĩa vụ tài chính theo sát giá thị trường, đúng quy định của Luật đất đai”, Bộ trưởng nói.
Theo ông Nguyễn Chí Dũng, qua lấy ý kiến đại biểu, ý kiến cơ quan thẩm tra, có 2 phương án được đề xuất. Thứ nhất - Chính phủ trình Quốc hội với việc rà soát lại chặt chẽ quy định chuyển đổi sử dụng đất. Thứ hai là theo đề xuất của Ủy ban Pháp luật, đề nghị xây dựng đề án thí điểm riêng để áp dụng hình thức xử lý đối với loại đất khác không phải đất ở để trình kỳ họp thứ 3 tháng 5/2022 đối với những người đang có quyền sử dụng đất phù hợp với kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất.
Phát biểu thay mặt Chính phủ tiếp thu ý kiến của các đại biểu cuối phiên thảo luận về việc ban hành 1 luật sửa 8 luật để gỡ vướng cho đầu tư kinh doanh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết đã có 137 ý kiến phát biểu, 9 ý kiến tranh luận, Chính phủ sẽ tiếp thu, hoàn thiện dự thảo để trình Quốc hội thông qua vào chiều mai.
“Tinh thần của Chính phủ là cố gắng sửa để thực hiện được, ít thay đổi liên quan tới luật khác. Một luật sửa nhiều luật là một ngoại lệ nên chỉ chọn ra các vấn đề vướng mắc cần sửa đổi ngay”, Bộ trưởng Lê Thành Long nói và cho biết, nếu dự luật này được thông qua thì sẽ có hiệu lực từ ngày 1/3/2022.
Ông Long lưu ý, việc sửa đổi chỉ để làm rõ khó khăn vướng mắc, hoàn toàn không đụng đến các quy định liên quan như sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tài chính đất đai.
“Quy định hiện hành thế nào sau khi sửa đổi vẫn thế, mục tiêu của việc ban hành luật là xử lý các vướng mắc. Điều kiện được chuyển đổi là phải phù hợp với quy hoạch, nhà đầu tư phải có quyền sử dụng đất, đất không thuộc diện thu hồi và quá trình làm phải minh bạch”, Bộ trưởng Tư pháp nêu rõ.
Vị Tư lệnh cũng thừa nhận các băn khoăn của nhiều đại biểu về tình trạng trục lợi chính sách khi cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất là có cơ sở nhưng ông Long vẫn đề nghị các đại biểu xem xét, cân nhắc vì vẫn phải xử lý vướng mắc, nên cần tính toán xem có thể làm thí điểm được hay không.
Hầu hết các ý kiến tại Nghị trường đều thống nhất rằng, do những chính sách quy định tại dự thảo Luật có tác động lớn đến cả lĩnh vực kinh tế và xã hội, vì vậy, cần báo cáo bổ sung ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của một số chính sách, ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trực tiếp, dự tính tác động tới thu ngân sách nhà nước, quyền lợi của nhà đầu tư và của người dân đối với cả vấn đề về Luật Đất đai lẫn Luật Điện lực – kêu gọi tư nhân đầu tư vào hệ thống truyền tải điện, chống độc quyền.