Đây là nhận định hết sức đáng chú ý, đặc biệt, đặt trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam thuộc nhóm tăng mạnh nhất thế giới (với mức tăng trên 35,7% năm ngoái), nằm trong top 10 nước có chỉ số chứng khoán đi lên mạnh nhất toàn cầu.
Giống thị trường chứng khoán Đài Loan 1988
Theo báo cáo chiến lược thị trường chứng khoán năm 2022, Công ty Chứng khoán Yuanta đánh giá, thị trường chứng khoán Việt Nam đang đạt mức tương tự như thị trường Đài Loan (Trung Quốc) năm 1988.
Trong báo chiến lược thị trường chứng khoán năm 2022 của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam đề cập đến câu chuyện tăng trưởng mạnh mẽ “Tiger in the making" của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn bất chấp các ảnh hưởng tiêu cục do đại dịch gây nên trên toàn thế giới.
Theo Yuanta, có nhiều cơ sở để xác định thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại có nhiều nét tương đồng với thị trường chứng khoán Đài Loan năm 1988, giai đoạn này thậm chí còn chưa đi hết một nửa quãng đường khi thời kỳ “bong bóng” diễn ra trong vòng 5 năm và thị trường Đài Loan đã đạt đỉnh vào năm 1990.
Theo Yuanta, thị trường Đài Loan đã ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội với mức tăng gấp 12x (tính theo đồng nội tệ Đài) trong giai đoạn 1985 -1990 với sự hỗ trợ từ các yếu tố “tương đồng với Việt Nam hiện nay”.
Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định các điểm tương đồng đáng chú ý như lãi suất cho vay thấp nhằm hỗ trợ cho tín dụng, nhà đầu tư kỳ vọng đồng nội tệ sẽ gia tăng sau nhiều năm GDP và thặng dư tài khoản vãng lai tăng trưởng ở mức cao, nhóm dân số trẻ ngày càng hứng thú với thị trường chứng khoán, dân số giàu có ngày càng tăng.
Bên cạnh đó, cả thị trường chứng khoán Việt Nam thời điểm hiện tại lẫn thị trường chứng khoán Đài Loan trước năm 1990 đều có ít kênh đầu tư thay thế, xu hướng mang tính văn hóa đối với việc đặt cược vào thị trường, tất cả những điều này dẫn đến thanh khoản của thị trường chứng khoán tăng cao đột biến.
Tiếp đó, những dấu hiệu trên khiến thị trường Đài Loan không còn liên kết với các yếu tố cơ bản và các mức định giá, vì thị trường đã tăng vọt lên mức đỉnh mà 30 năm sau đó mới có thể quay trở lại mức này.
“Đó là một giai đoạn không ổn định, cổ phiếu không chỉ tăng, ngay cả trong thời kỳ bong bóng diễn ra; mà một nhà đầu tư đã mua và nắm giữ với giả định không sử dụng đòn bẩy có thể đã thu về số tiền gấp 12x so với khoản đầu tư ban đầu của họ chỉ bằng việc mua cổ phiếu trên thị trường TWSE trong giai đoạn 1985-1990”, Yuanta nhận định.
VN-Index có thể cán mốc 1.950 điểm năm 2022
Tuy nhiên, theo Yuanta Việt Nam, đây có thể không phải là thời điểm kết thúc đà tăng của thị trường chứng khoán Việt Nam.
“Thị trường Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội hơn so với hầu hết các thị trường khác trong cùng khu vực Châu Á (thực tế là so với hầu hết các thị trường có thể đầu tư tại Châu Á) vào năm 2021, nhưng vẫn là một thị trường khá rẻ so với triển vọng tăng trưởng vượt bậc của Việt Nam”, Yuanta lưu ý.
Theo Công ty Chứng khoán này, hiện nay, tỷ lệ P/E dự phóng năm 2022 của VN-Index đạt khoảng 14.x, các bên kỳ vọng EPS sẽ tăng trưởng 24%.
Cơ quan nghiên cứu đánh giá, đây không phải là mức định giá quá đắt, và thậm chí nếu các nhà đầu tư áp dụng phương pháp chiết khấu thị trường cận biên khi tái định giá thị trường Việt Nam cũng sẽ khó có thể xem đây là một thị trường với mức định giá cao.
“Vì thế, thị trường sẽ còn dư địa tăng trưởng đáng kể trong vòng 12 tháng tới”, Yuanta bày tỏ.
Yuanta Việt Nam cũng cho rằng, VN-Index vào cuối năm 2022 có thể cán mốc 1.898 điểm, tương ứng với mức tỷ suất sinh lời trong 12 tháng là 29%. Theo Yuanta, con số này khá cao so với các bên,
“Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng đây là mức hợp lý khi xem xét đến những giả định tích cực về điều kiện thị trường tức là mức tăng trưởng lợi nhuận, thanh khoản và tâm lý thị trường (tại Việt Nam – PV)”, báo cáo chỉ rõ.
Nghiên cứu công bố vừa qua của Bloomberg cũng cho thấy, các bên kỳ vọng tăng trưởng EPS năm 2022 sẽ đạt 25% và năm 2023 đạt 21%.
Do đó, Yuanta cho rằng thị trường chứng khoán không chỉ là nơi để các nhà đầu tư tham gia “đánh cược”, mà còn là cơ chế chiết khấu lợi nhuận kỳ vọng trong tương lai về hiện tại và họ sử dụng P/E dự phóng như một chỉ báo định giá là một phương pháp hợp lý khi thiết lập mục tiêu cho chỉ số VN-Index.
“Mục tiêu chỉ số đạt 1.898 điểm vào tháng 12/2022 dựa trên tỷ lệ P/E dự báo 12 tháng (tức P/E năm 2023) đạt 14.7x và P/E lũy kế (tức P/E năm 2022) đạt 17.8x. Cả 2 tỷ lệ P/E này đều tương ứng với mức trung bình trong dài hạn của thị trường. Tỷ lệ PEG năm 2023E đạt 0,7x ở mức hợp lý”, công ty này nhận định.
Đồng thời, rủi ro cơ bản trọng yếu đối với mục tiêu tăng giá là lợi nhuận tăng trưởng dưới kỳ vọng, vì lợi nhuận thấp có thể sẽ khiến tâm lý của các nhà đầu tư trong nước trở nên tiêu cực và mức định giá lũy kế giảm. Do đó, có cơ sở để tin rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ dao động từ 1.850 – 1.950 điểm năm 2022 này.
Động lực tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2022
VN-Index chốt sàn năm 2021 tiến sát mốc đỉnh 1.500 điểm (1.498,28 điểm), lọt top có hiệu suất sinh lời cao bậc nhất thế giới và là nhóm thị trường chứng khoán tăng trưởng nhanh hàng đầu toàn cầu.
Các chuyên gia cũng lạc quan về dự báo chỉ số VN-Index có thể lập thêm các mốc lịch sử mới, dao động từ 1.700-1900 điểm năm 2022.
Theo dữ liệu từ StockQ, chứng khoán Việt Nam vào top 7 thị trường có hiệu suất tăng mạnh nhất thế giới năm 2021, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cùng với Abu Dhabi, Argentia, Iceland, Áo, Cộng hòa Séc là các thị trường dẫn đầu.
Ở châu Á, Việt Nam đứng số 1 với mức sinh lời cao nhất +36%, tiếp đó là Đài Loan và Ấn Độ.
Nhiều chuyên gia tỏ ra bất ngờ về sức bật mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Việt Nam. 2021 là năm thứ ba liên tiếp VN-Index thăng hoa. Mức tăng các năm trước lần lượt là 7,61% và 14,68%. Đồng thời, đây cũng là giai đoạn tăng trưởng ấn tượng thứ hai trong vòng một thập kỷ, xếp sau năm 2017 tăng gần 48%.
Với triển vọng hồi phục và tăng trưởng kinh tế lạc quan, giới chuyên gia cũng mong hệ thống giao dịch hiện đại hơn, VN-Index có thể cán mốc từ 1.700-1.900 điểm năm nay.
Theo Yuanta Việt Nam, thị trường chứng khoán kỳ vọng tăng năm 2022 dựa trên quan điểm rất tích cực đối với triển vọng năm 2022.
Các động lực tăng trưởng chủ yếu sẽ là nền tảng cơ bản vững chắc của thị trường (tăng trưởng lợi nhuận), điều kiện thanh khoản dồi dào (lãi suất tiếp tục duy trì ở mức thấp), và tâm lý tích cực của các nhà đầu tư trong nước (số lượng tài khoản chứng khoán mở mới tiếp tục tăng cao kỷ lục).
“Rủi ro dịch bệnh sẽ giảm vào nửa cuối năm 2022, khi tỷ lệ tiêm chủng vaccine tăng lên cao hơn. Dự báo tăng tưởng GDP đạt 6 – 7% là khả quan do giá trị xuất khẩu nguyên vật liệu công nghiệp sẽ tăng vọt và điều này sẽ giúp phục hồi tâm lý của người tiêu dùng”, Yuanta nhận định.
Cần lưu ý rằng, thanh khoản thị trường cũng sẽ duy trì ổn định. Theo Yuanta, lãi suất tiền gửi có thể vẫn ở mức thấp trong năm 2022 do chính sách tiền tệ vẫn còn nới lỏng và chủ yếu tập trung vào tính bền vững trước tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Công ty Chứng khoán Yuanta cũng cho rằng, thanh khoản thị trường tăng mạnh là một điểm sáng và đà tăng vẫn chưa kết thúc, giá trị giao dịch bình quân tính theo ngày trong tháng 11 là 1,8 tỷ USD - một kỷ lục mới, giúp xác nhận sức mạnh động lượng của thị trường.
Cần nhấn mạnh rằng, tâm lý của các nhà đầu tư cá nhân có thể vẫn sẽ tích cực đối với thị trường chứng khoán do giá cổ phiếu được kỳ vọng sẽ tăng cao hơn trong năm 2022 với sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư trong nước, trái ngược hoàn toàn với sự kiện các nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng.
“Việc khối ngoại rút khỏi thị trường Việt Nam rõ ràng không gây tác động tiêu cực đến khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư Việt Nam”, báo cáo nêu.
Theo đó, các nhà đầu tư trong nước đã mở đến 1,3 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán trong 11 tháng vừa qua. Con số này vẫn đang tiếp tục tăng trong những tháng gần đây.
“Nếu so sánh với mức thanh khoản thị trường cao kỷ lục trong tháng 11, số lượng tài khoản mở mới trong tháng này nhìn chung khá cao so với các giai đoạn khác”, Yuanta nhấn mạnh.
Được biết, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán Việt Nam đã được mở trong tháng 11 đạt 221.314 tài khoản, đây là tháng có số lượng tài khoản mở mới cao nhất từ trước đến nay. Một số lượng tài khoản không xác định trong số các tài khoản này thuộc về các nhà đầu tư đang tìm kiếm nguồn vay ký quỹ do nguồn vốn dùng để cho vay ký quỹ của nhiều công ty chứng khoán quy mô lớn một lần nữa lại đạt đến ngưỡng giới hạn.
Các chuyên gia lưu ý, bất kể số lượng nhà đầu tư F0 so với số lượng các nhà đầu tư nắm giữ nhiều tài khoản cùng lúc có là bao nhiêu thì những tài khoản mới này có khả năng vẫn đang hoạt động. Do đó, tổng số lượng tài khoản hiện đã vượt hơn 4,1 triệu (tăng từ mức 2,8 triệu tài khoản vào cuối năm 2020).
Đáng chú ý, cũng theo Yuanta, có khoảng 4% dân số Việt Nam đang chơi chứng khoán.
“Một số lượng nhà đầu tư nhất định sở hữu nhiều tài khoản cùng lúc, nhưng nếu chúng tôi đơn giản hóa vấn đề này, thì 4,1 triệu tài khoản trên tương ứng với 4% dân số Việt Nam”, Yuanta ước định.
Tránh gây mất niềm tin cho nhà đầu tư chứng khoán
Như Sputnik Việt Nam đã thông tin, vụ việc bán chui gần 75 triệu cổ phiếu FLC của đại gia Trịnh Văn Quyết gây tác động tiêu cực lên thị trường chứng khoán Việt Nam những ngày qua.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích chiến lược Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, những sự việc bán chui cổ phiếu như trường hợp của ông Quyết FLC gây ra nhiều rủi ro liên quan đến doanh nghiệp và đầu tư.
Ông Minh cho rằng, khối lượng giao dịch của FLC trong phiên 10/1 và 11/1 đều lớn (gần 290 triệu cổ phiếu khớp lệnh, tương ứng hơn 40% vốn công ty đã được sang tay chỉ trong hai ngày), nên trong ngắn hạn sẽ ảnh hưởng đến diễn biến giao dịch của thị trường chung.
Cũng theo Giám đốc Phân tích chứng khoán của Yuanta, việc này còn ảnh hưởng đến tính minh bạch của doanh nghiệp nói riêng và thị trường. Nhiều năm nay thị trường chứng khoán Việt Nam đang trông chờ được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi, trong khi tính minh bạch là một yếu tố quan trọng.
“Những thông tin như vậy sẽ làm thị trường chứng khoán trở nên thiếu minh bạch và khó được xem xét để nâng hạng”, chuyên gia lưu ý.
Cũng cần lưu ý thêm về phía nhà đầu tư, việc mua bán chui cổ phiếu sẽ khiến các nhà đầu tư ở thế bị động khi không nắm bắt được thông tin trong khi những giao dịch nội gián như vậy ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động giao dịch.
“Nhà đầu tư sẽ mất niềm tin vào doanh nghiệp bởi minh bạch là yếu tố tối thiểu để nhà đầu tư quyết định có nên mua một cổ phiếu hay không”, ông Minh nhấn mạnh.
Chuyên gia của Yuanta lưu ý, nhà đầu tư chỉ nên mua cổ phiếu của các doanh nghiệp có hoạt động minh bạch dựa trên ba cơ sở chính. Đó là hoạt động công tác quan hệ nhà đầu tư của doanh nghiệp.
Ông Minh dẫn chứng, doanh nghiệp uy tín sẽ đăng tải, cập nhật các hoạt động của công ty đầy đủ.
“Cổ phiếu rổ VN30 là nhóm có hoạt động quan hệ nhà đầu tư tốt”, chuyên gia ví dụ.
Vấn đề thứ hai, nhà đầu tư cần chú ý đến các hoạt động giao dịch nội gián của doanh nghiệp, cần cân nhắc liệu các cổ đông lớn có có từng giao dịch chui hay chưa và bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt hay không. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp sẽ có những thông tin về ước tính kết quả kinh doanh sau mỗi quý, năm.
Đồng thời, cần so sánh xem liệu có chênh lệch lớn giữa kết quả ước tính của công ty và sau kiểm toán. Đã có nhiều doanh nghiệp báo lãi nhưng sau kiểm toán lại xoay chiều thành lỗ.
“Số liệu không minh bạch sẽ gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động đầu tư”, ông Nguyễn Thế Minh khuyến nghị đến các bên tham gia đầu tư chứng khoán.