Như báo chí thông tin, Bệnh viện Tuệ Tĩnh thậm chí còn chưa chi trả lương tháng 12/2021. Số tiền quá ít ỏi không thể đảm bảo cho cuộc sống của cán bộ công nhân viên.
Đi làm bằng 'niềm tin' là có thật
Nguyên nhân việc 160 cán bộ, công nhân viên Bệnh viện Tuệ Tĩnh lâm vào cảnh "lầm than” do năm 2019, Ban giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh tự ý xin chủ trương từ bệnh viện công sang tự chủ. Chính vì thế 100% nguồn thu và hỗ trợ từ lượng bệnh nhân đến khám.
Tuy nhiên, do dịch COVID-19 bùng phát nên nguồn thu của Bệnh viện không có. Điều này dẫn đến việc không thể chi trả được 100% lương cho người lao động. Chị Lê Thanh Bình, kế toán viên của Bệnh viện Tuệ Tĩnh, tâm sự:
“Gần 2 tháng qua, sau khi Bộ Y tế và các ban ngành vào cuộc, chúng tôi nhận được thông tin qua báo chí, rằng lãnh đạo Học viện hứa sẽ trả đủ số lương từ tháng 5 đến nay. Tuy nhiên kể từ đó, chúng tôi vẫn chưa nhận được một lời giải thích chính thức nào từ họ. Hiện tại, đã cận Tết anh chị em chúng tôi vẫn chưa có một đồng nào xoay sở".
Mới đây, tại cuộc họp với lãnh Tổng liên Đoàn lao động Việt Nam, Học viện và Ban lãnh đạo Bệnh viện Tuệ Tĩnh đã đề xuất xin tạm dừng tự chủ để có nguồn cấp ngân sách chi trả cho cán bộ công nhân viên.
Dẫu vậy, tình hình vẫn không khả quan. Các y bác sĩ Bệnh viện Tuệ Tĩnh cứ sau giờ làm lại xuống đường "biểu tình” cầu cứu, thu hút sự quan tâm của dư luận. Chị Bình cho biết:
“Nửa tháng trước, chúng tôi đã làm đơn xin nghỉ phép để ra ngoài kiếm thêm thu nhập phụ gia đình lo Tết chu toàn. Thế nhưng, lãnh đạo bệnh viện không đồng ý vì Bệnh viện không có người làm".
Do tình yêu nghề và trách nhiệm, các bác sĩ và nhân viên tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình. Đặc biệt, chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 vẫn được đội ngũ y bác sĩ tại đây hoàn thành xuất sắc.
Ngoài nợ lương, bệnh viện còn là ‘con nợ’ của nhiều hãng thuốc
Vụ việc nợ lương nhân viên tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh chưa phải là tất cả. Theo báo Lao Động đã đưa tin, cơ sở y tế này còn nợ tiền của nhiều hãng thuốc.
Theo nguồn tin, tại buổi làm việc tháo gỡ khó khăn cho người lao động Bệnh viện Tuệ Tĩnh vào tháng 11/2021, ông Nguyễn Duy Thức, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Tuệ Tĩnh cho biết:
“Tính đến ngày 31.12.2020, bệnh viện đã âm nguồn và nợ khoảng 9 tỷ đồng, bao gồm tiền vay Học viện, nợ tiền thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao v.v Từ khi được giao nhiệm vụ phụ trách bệnh viện (từ ngày 1.1.2021 đến nay), tôi đã không có gì trong tay”.
Ông Thức còn cho biết, lãnh đạo bệnh viện đã phải "tạm ứng" bằng tiền thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao. Do đó, bệnh viện hiện đã trở thành "con nợ" của nhiều công ty thuốc.
Trong hoàn cảnh khốn khó, nhiều y bác sĩ bệnh viện Tuệ Tĩnh đã phải đi làm ngoài, không nhận lương nhưng vẫn đóng 100% bảo hiểm tại viện. Một số khác còn phải làm thêm công việc chân tay hoặc buôn bán online để trang trải.
“Cùng một hệ thống, thế nhưng những người tại Học viện, thậm chí là lãnh đạo Bệnh viện Tuệ Tĩnh thì được nhận lương thưởng đầy đủ, vậy mà nhân viên chúng tôi lao lực cống hiến thì bị nợ lương và chậm lương rất nhiều tháng qua. Điều này khiến chúng tôi vô cùng bức xúc. Tôi chỉ hy vọng, Bộ, ban ngành sớm xử lý dứt điểm việc này để chúng tôi có thể an tâm làm đúng bổn phận của mình" - Một điều dưỡng Khoa Khám bệnh vừa bức xúc, vừa mong mỏi.
Trước việc biểu tình của người lao động của Bệnh viện Tuệ Tĩnh vào chiều 11/1 vừa qua, một vị lãnh đạo Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam có ra chứng kiến và từ chối trả lời vấn đề.
“Việc này, chúng tôi cần bàn bạc và xin chỉ đạo của cấp trên nên sẽ cung cấp thông tin sau" - Vị lãnh đạo nói.