Như chưa từng có 'giao dịch' của ông Quyết, mức phạt chỉ như 'gãi ngứa'?

HÀ NỘI (Sputnik) - Tối ngày 11/1, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, HoSE thực hiện hủy bỏ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC ngày 10/1/2022 của ông Trịnh Văn Quyết.
Sputnik

Quyết định chưa hề có tiền lệ

Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) vừa ra thông báo chính thức về việc huỷ bỏ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC ngày 10/1 của ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC.
Theo đó, những nhà đầu tư cổ phiếu FLC của ông Quyết bán hôm 10/1 sẽ không nhận được cổ phiếu cũng như tài khoản không bị trừ tiền. Ông Quyết sẽ nhận lại cổ phiếu và tiền sẽ không về tài khoản của vị tỷ phú này.
Đây là quyết định chưa bao giờ xảy ra đối với thị trường chứng khoán tại Việt Nam từ khi được thành lập.
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC phát biểu tại Lễ động thổ
Tuy nhiên, việc “âm thầm” bán cổ phiếu số lượng lớn như hành động của ông Quyết không phải là lần đầu. Theo phân tích của giới chuyên gia, đây là hành động dấy lên lo ngại lợi nhuận từ việc "bán chui” cổ phiếu sẽ khiến thị trường chứng khoán trở thành “công cụ đầu cơ” béo bở cho các “trùm” trong lĩnh vực này.
Quyết định huỷ bỏ giao dịch trên cũng khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi. Nhiều người cho rằng, việc xóa bỏ giao dịch sẽ gây ảnh hưởng đến các mã cổ phiếu khác, tạo tiền lệ cho việc "cho đi lại nước cờ” đối với thị trường chứng khoán.
Cổ phiếu FLC 'bốc hơi' hơn 2.000 tỷ, CEO Quyết có thể bị 'sờ gáy'
Như Sputnik đã đưa tin, sáng 10/1, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị FLC đăng ký bán 175 triệu cổ phiếu, giá trị giao dịch dự kiến theo mệnh giá là 1.750 tỷ đồng. Thời gian giao dịch dự kiến từ 10/1 đến 17/1, mục đích giao dịch là cơ cấu tài sản và phương thức giao dịch thỏa thuận và/hoặc khớp lệnh.
Tuy nhiên điều lạ là tỷ phú Trịnh Văn Quyết không hề thông báo gì về việc bán tháo số cổ phiếu trên. Theo quy định của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), hành động của ông Quyết đã vi phạm Luật Chứng khoán.
Bloomberg nêu ra các chủ đề hàng đầu trên thị trường chứng khoán năm 2022

Mức phạt quá thấp, cần điều chỉnh

Trong văn bản ban hành vào ngày 11/1, UBCKNN cũng đã nêu rõ:
“Hiện chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan liên quan để xem xét xử lý vi phạm của ông Trịnh Văn Quyết theo quy định”.
Theo Nghị định 128/2021 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 quy định rõ: Việc bán cổ phiếu không công bố thông tin sẽ bị phạt tiền 3%-5% giá trị chứng khoán giao dịch thực tế nếu giao dịch có giá trị từ 10 tỷ đồng trở lên. Tuy vậy, mức phạt tối đa chỉ là 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân.
Bảng xếp hạng người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam biến động mạnh
Bình luận về mức phạt này trong với báo chí, chuyên gia tài chính Trần Đình Phương cho rằng:
“Có thể cơ quan nhà nước chưa lường trước được tình huống bán cổ phiếu không công bố thông tin thu lợi hàng ngàn tỷ đồng nên mức phạt còn khá thấp. Điều này dễ dẫn đến việc lợi dụng kẽ hở luật để trục lợi. Vì vậy, cơ quan chức năng xem xét điều chỉnh lại quy định về mức xử phạt với việc bán cổ phiếu không công bố thông tin".
Theo đánh giá của giới chuyên gia, ngày 10/1, thị giá FLC có thời điểm chạm trần 24.100 đồng, kéo dài chuỗi tăng mạnh từ tháng 12/2021 trước khi đảo chiều vì áp lực chốt lời cuối ngày.
Dựa trên cơ sở đó, ông Quyết có thể thu khoảng 1.800 tỷ đồng nếu bán tại đỉnh. Và như vậy, quyết định phạt 1,5 tỷ đồng chưa đến 0,1% giá trị giao dịch.
Hiện các cơ quan chức năng đang xem xét, xử lý và điều chỉnh chế tài cho phù hợp hơn với thực tiễn.
Thảo luận