‘Không có bất bình đẳng’
Một số trường Đại học đã công bố phương án tuyển sinh năm 2022, trong đó có việc xét tuyển bằng hình thức mới như thi đánh giá năng lực, chứng chỉ ngoại ngữ IELTS, TOEFL. Điều này làm nhiều học sinh khối 12 lo lắng do phải trải qua hai năm học “COVID-19” không mấy dễ dàng.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, các em học sinh không nên quá lo lắng vì so với những năm trước, năm nay, thí sinh thuận lợi hơn khi có nhiều phương án xét tuyển đại học.
“Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2021 cho thấy hầu như các trường đại học đều sử dụng 2 phương thức tuyển sinh cơ bản, trong đó, tỷ lệ các trường đại học sử dụng kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông là hơn 92%, trong khi hơn 77% các trường sử dụng kết quả học tập bậc Trung học phổ thông (học bạ)” - Bà Thủy cho biết.
Theo Vụ trưởng cũng chia sẻ, hai năm vừa qua, xu thế đó gần như không có thay đổi nhiều. Có thể nói, tỷ trọng xét tuyển bằng các phương thức khác là không cao so với tổng thể.
Những góc bàn vắng học sinh trong lớp tại trường THPT Yên Hòa, quận Cầu Giấy trong sáng đầu tiên đi học trực tiếp trở lại
© Ảnh : Thanh Tùng - TTXVN
Trước những lo ngại có sự bất bình đẳng khi xét tuyển đại học bằng một số chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS, TOEFL, bà Nguyễn Thu Thủy giải thích:
“Đa phần các trường sử dụng nhiều phương thức để xét tuyển. Một số cơ sở giáo dục đại học thuộc tốp đầu - các trường có những chương trình chất lượng cao, chương trình tiên tiến học hoàn toàn bằng tiếng Anh - thì việc sử dụng thêm các tiêu chí như chứng chỉ ngoại ngữ IELTS, TOEFL trong xét tuyển cũng là điều bình thường, hợp lý, bởi có tính hội nhập quốc tế”.
Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng khuyến cáo các trường khi đưa ra phương thức, chỉ tiêu tuyển sinh cần bảo đảm sự ổn định, tránh gây xáo trộn, biến động lớn ảnh hưởng đến việc học tập và ôn luyện của thí sinh.
Xét tuyển ĐH 2022: Phương án nào thuận lợi nhất?
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, xu hướng mùa tuyển sinh năm 2022 cũng sẽ không thay đổi quá nhiều. Phương án tuyển sinh về cơ bản giữ ổn định tương đối so với năm 2020, 2021.
Hiện nay có tất cả 4 phương án xét tuyển Đại học bao gồm: Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT; Xét tuyển kết hợp biến hóa đa dạng, học sinh trường chuyên chiếm ưu thế; Xét chứng chỉ quốc tế; Xét kết quả thi Đánh giá năng lực, Đánh giá tư duy.
Về phương án xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, theo khảo sát đây là phương thức được 100% các trường đại học sử dụng để xét tuyển sinh năm 2022. Tuy nhiên, ở một số các trường top (ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Bách Khoa…) tỷ lệ chỉ tiêu dành cho phương thức này đang giảm dần so với các phương thức khác.
Đối với phương án xét tuyển kết hợp biến hóa đa dạng được trường ĐH Ngoại thương áp áp dụng linh hoạt. Cụ thể, Trường ĐH Ngoại thương áp dụng 3 hình thức xét tuyển kết hợp: giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập dành cho thí sinh hệ chuyên và hệ không chuyên; hoặc kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và chứng chỉ năng lực quốc tế (SAT, ACT, A-level), áp dụng cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh và Ngôn ngữ thương mại; giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022, áp dụng cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh và Ngôn ngữ thương mại.
ĐH Kinh tế Quốc dân có đề án xét tuyển riêng, trong đó có 4 nhóm đối tượng theo hình thức kết hợp.
Từ năm 2021, trường ĐH Y Hà Nội đã bổ sung phương thức xét tuyển chứng chỉ ngoại ngữ kết hợp với điểm thi tốt nghiệp THPT. Ghi nhận cho thấy, số thí sinh nộp hồ sơ theo phương thức này cao gấp 5 lần chỉ tiêu.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến tổ chức kỳ thi Đánh giá tư duy và dùng kết quả để xét tuyển 60-70% tổng chỉ tiêu trong năm 2022. Đây là phương thức tuyển sinh chiếm tỷ trọng lớn nhất của trường.
Ngoài ra, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM đều tổ chức kỳ thi Đánh giá năng lực.