Theo người đứng đầu Chính phủ, Ismail Sabri, đội bóng hàng đầu giải Ngoại hạng Anh Chelsea và tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam được coi là “tiêu chuẩn vàng” cho sự thành công trong định hướng xây dựng nền bóng đá chuyên nghiệp.
Đồng thời, chiến lược phát triển nền bóng đá trẻ của Việt Nam, điển hình là thành công của Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai của ông bầu Đoàn Nguyên Đức khi bắt tay với Arsenal, được Thủ tướng Malaysia hết lời khen ngợi.
Chelsea, Việt Nam là “tiêu chuẩn vàng”
Thủ tướng Chính phủ Malaysia Datuk Seri Ismail Sabri Yaakob vừa gây bất ngờ khi kêu gọi Liên đoàn Bóng đá Malaysia, các cầu thủ Mã Lai “noi gương”, mô phỏng thành công trong xây dựng nền bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam và Chelsea.
Theo đó, báo chí Malaysia tham chiếu phát biểu của Thủ tướng Malaysia Datuk Seri Ismail Sabri Yaakob khẳng định đội bóng hàng đầu giải Ngoại hạng Anh Chelsea (The Blues, The Pensioners, một trong những câu lạc bộ thành công nhất nước Anh với sân nhà Stamford Bridge) và đội tuyển quốc gia Việt Nam là “tiêu chuẩn vàng”, thước đo cho sự thành công của bóng đá.
“Malaysia nên noi gương, học hỏi mô phỏng theo một phần trong sơ đồ xây dựng đội bóng mạnh của hai đội (Chelsea và Việt Nam)”, Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob nhấn mạnh.
Thủ tướng cho biết cả hai đều có sở hữu những học viện bóng đá “đáng kinh ngạc”, hệ thống sân bãi vững chắc và phát triển hệ sinh thái bóng đá bền vững mà tất cả các cộng đồng bóng đá khác cảm thấy “ghen tị”.
Theo Thủ tướng Ismail Sabri, Chelsea hay The Blues, có sân nhà tại Stamford Bridge, sở hữu các chương trình cơ sở “ươm mầm” đào tạo bóng đá tốt nhất với những lứa cầu thủ tiềm năng trong độ tuổi từ 9 đến 23.
“Hệ sinh thái bóng đá của Chelsea không chỉ bao gồm tìm kiếm, đào tạo cầu thủ tài năng mà còn đầu tư cho cả huấn luyện viên, Ban huấn luyện và thay đổi tư duy của phụ huynh nhằm tạo ra nền tảng bóng đá đầy thành công”, Thủ tướng Ismail Sabri lưu ý.
Cùng với đó, ngoài việc cải thiện chất lượng cầu thủ, Chelsea còn tăng cường khả năng quảng bá tiếp thị và kỹ năng của những chiến binh cuối cùng cùng khoác lên mình chiếc áo màu xanh The Blues huyền thoại.
“Khía cạnh này nên được các câu lạc bộ bóng đá ở Malaysia học hỏi”, Thủ tướng Ismail Sabri phát biểu.
Malaysia sẵn sàng ‘vung tiền’ để phát triển bóng đá
Thủ tướng Ismail Sabri đã chia sẻ những điều tâm huyết này trong bài phát biểu trọng thể tại lễ khởi công tổ hợp quần thể mới thuộc Liên đoàn Bóng đá Malaysia (FAM) ở Putrajaya.
Tòa “tổng hành dinh” của Liên đoàn Bóng đá Malaysia được gọi là Tổ hợp FAM Sultan Ahmad Shah, được xây dựng trên khu đất rộng 3,01 mẫu Anh (tức hơn 12.181m2) với các trang thiết bị hiện đại.
Được biết, khu đất xây dựng tòa nhà mới nằm đối diện với văn phòng Liên đoàn bóng đá châu Á hiện tại ở Khu 5, Putrajaya.
Trong buổi lễ, Chủ tịch FAM Datuk Hamidin Mohd Ali cho biết cái tên này là để tưởng nhớ cố Quốc vương Pahang Sultan Ahmad Shah và những đóng góp của ông cho bóng đá.
Mục tiêu chính đối với công tác xây dựng tổ hợp quần thể này chính là để cải thiện bóng đá Malaysia, mà theo lời nhà lãnh Ismail Sabri “đây vẫn là môn thể thao số một của đất nước”.
“Tôi cũng là một người hâm mộ bóng đá rất lớn và luôn theo dõi tuyển Malaysia và cả nhóm fan “Ultras” của ‘Hổ Mã Lai’. Tất cả chúng ta đều khao khát thành công, sớm trở lại những ngày tháng huy hoàng của thập niên 70”, Thủ tướng Ismail Sabri hoài niệm những ngày tháng tươi đẹp.
Người đứng đầu Chính phủ Malaysia tin rằng phát triển cơ sở là đặc biệt quan trọng, cùng với quá trình xây dựng tính chuyên nghiệp cần sớm được thực hiện. Việc bỏ bê, xuề xòa, không lập kế hoạch là thất bại khó tránh.
Theo ông Sabri, Chính phủ rất nghiêm túc trong việc phát triển bóng đá Malaysia theo kế hoạch chi tiết Liên đoàn Bóng đá FAM (quy hoạch nền bóng đá F:30), do đó sẽ phân bổ 10 triệu RM (khoảng 2,4 triệu USD) cho FAM từ năm 2022 trở đi.
“Hãy học Việt Nam”
Đặc biệt, Ismail Sabri rất ngưỡng mộ Việt Nam và cho rằng, Malaysia cần học hỏi nhiều từ chính người láng giềng của mình để nền bóng đá ngày càng phát triển.
Nhà lãnh đạo Malaysia cho hay, Việt Nam trước đây vốn đã là quốc gia nổi tiếng ở châu Á nhưng hiện là một trong những quốc gia có nền bóng đá thuộc top hàng đầu châu lục nhờ sở hữu học viện đào tạo mạnh và quy hoạch bài bản.
Ông Datuk Seri Ismail Sabri Yaakob dẫn chứng, Việt Nam chỉ xếp hạng 172 vào năm 2006 nhưng hiện là một trong những đội duy nhất của Đông Nam Á lọt vào vòng loại cuối cùng giành vé đến vòng chung kết World Cup 2022 Qatar. Hãy học hỏi Việt Nam.
Người đứng đầu Chính phủ Malaysia chỉ rõ, sự khác biệt giữa Việt Nam với Malaysia nằm ở sự phát triển cơ sở, đầu tư cho bóng đá ở cấp độ trẻ - tức phát triển từ gốc đi lên.
Ông nhấn mạnh, Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai có quan hệ đối tác với Arsenal, Học viện JMG ở Pháp, đều có sự hỗ trợ từ tập đoàn Việt Nam.
“Do đó, nếu chúng ta bắt đầu cải thiện hệ thống học viện và cơ sở đào tạo của mình, chắc chắn có thể phát triển những tài năng bóng đá tầm cỡ (như cách Việt Nam đã làm),” ông nói thêm.
Chi phí ước tính để xây dựng tổ hợp quần thể mới của Liên đoàn Bóng đá Malaysia rơi vào khoảng 30 - 35 triệu RM (7 - 8 triệu USD) và dự kiến hoàn thành sau ba năm.
Khu tổ hợp sẽ được trang bị tất cả các cơ sở vật chất hiện đại như phòng huấn luyện, phòng video, khu vật lý trị liệu, gyms, khán phòng cho trọng tài - cầu thủ và nhiều tiện nghi đặc biệt khác.