Có gì trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2021?

Nhân kỷ niệm 72 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc, lãnh đạo chính quyền Bắc Kinh và Hà Nội đã có trao đổi điện mừng.
Sputnik
Nhìn lại năm 2021, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động, quan hệ Việt Nam và Trung Quốc vẫn giữ thế ổn định, đạt được những thành tựu đáng khích lệ, cân bằng lợi ích của hai nước.

72 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc

Theo thông cáo báo chí của các cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội, lãnh đạo Đảng Cộng sản, Nhà nước, Quốc hội Việt Nam đã trao đổi điện mừng với lãnh đạo cấp cao Trung Quốc.
Theo đó, hôm 17/1, nhân kỷ niệm 72 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc (18/01/1950 - 18/01/2022), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trao đổi điện mừng với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Khắc Cường, Ủy viên trưởng Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc Lật Chiến Thư.
Đại tướng Tô Lâm nói lãnh đạo Việt Nam luôn ưu tiên quan hệ với Trung Quốc
Bộ Ngoại giao cũng cho biết, nhân dịp này, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng đã trao đổi điện mừng với Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã thông qua Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam gửi đến nhân dân Trung Quốc phát biểu chúc mừng nhân kỷ niệm 72 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước.
Ông Long tái khẳng định bản chất quan hệ láng giềng hữu nghị “vừa là đồng chí, vừa là anh em” do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông cùng nhiều thế hệ lãnh đạo tiền bối Việt Nam – Trung Quốc dày công vun đắp, đồng thời nhấn mạnh, đây là tài sản chung quý báu của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước.
“Phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam”, đại diện chính quyền Hà Nội nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Long, năm 2021, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc tiếp tục phát triển ổn định và đạt nhiều kết quả tích cực.
Về phòng chống Covid-19, hai bên duy trì trao đổi, tiếp xúc cấp cao bằng nhiều hình thức linh hoạt.
“Hợp tác phòng, chống dịch bệnh được hai bên tích cực thúc đẩy, nhất là hợp tác về viện trợ và cung ứng vaccine ngừa Covid-19, qua đó đóng góp quan trọng cho công tác kiểm soát dịch bệnh, khôi phục hoạt động kinh tế-xã hội của mỗi nước”, ông Nguyễn Thanh Long bày tỏ.
Hợp tác kinh tế-thương mại, đầu tư Việt Nam – Trung Quốc tăng trưởng nhanh, dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đã hoàn thành và đi vào sử dụng hiệu quả.
Ông Vương Nghị đi Campuchia, Trung Quốc nói về quan hệ với Việt Nam
Thời gian tới, phía Việt Nam hy vọng, các cấp, các ngành Việt Nam-Trung Quốc cùng thực hiện tốt nhận thức chung cấp cao về việc củng cố tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực, nhất là kinh tế-thương mại và phòng chống dịch bệnh, phối hợp xử lý kịp thời các vấn đề nảy sinh trong hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương, đi lại song phương, đưa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc “không ngừng phát triển lành mạnh, bền vững, thực chất”.
Về phần mình, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba cũng nêu rõ, Đảng, Nhà nước Trung Quốc hết sức coi trọng phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện với Việt Nam.
“Trung Quốc sẵn sàng cùng Việt Nam củng cố tin cậy chính trị, làm sâu sắc hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, tăng cường giao lưu và hiểu biết lẫn nhau, mở ra thời kỳ mới cho quan hệ hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước”, ông Hùng Ba cho biết.
Lãnh đạo hai bên đã chúc mừng Năm Mới và Tết cổ truyền Nhâm Dần 2022 sắp tới.

Tình hình quan hệ Việt Nam – Trung Quốc năm 2021

Cũng nhân kỷ niệm 72 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Hà Nội và Bắc Kinh, cơ quan ngôn luận của Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có đánh giá tổng quan về tình hình quan hệ Việt Nam – Trung Quốc năm 2021.
Năm qua được nhận định là năm đầy biến động trên thế giới và tại Việt Nam, Trung Quốc với diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, nhất là việc phát hiện các biến chủng Delta, Omicron.
Cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn còn gay gắt, “phức tạp, khó lường”. Kinh tế thế giới đang trên đà phục hồi, nhưng phải đối mặt nguy cơ từ các biện pháp hạn chế do dịch bệnh, làn sóng lây nhiễm mới, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và khủng hoảng năng lượng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc
Đặc biệt, việc có thêm nhiều điểm nóng chính trị mới xuất hiện, trong khi các điểm nóng cũ vẫn tiềm ẩn nguy cơ căng thẳng, bùng phát đối đầu càng làm cho tình hình thế giới ẩn chứa nhiều thách thức phi truyền thống.
Bất chấp những tác động khách quan ấy, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc tiếp tục duy trì xu thế phát triển, hợp tác song phương vẫn được củng cố, thúc đẩy.
Ở góc độ quan hệ chính trị, dịch bệnh khiến hai bên chưa thể triển khai được các chuyến thăm cấp cao trực tiếp. Tuy nhiên, Hà Nội và Bắc Kinh tiếp tục duy trì trao đổi với “hình thức linh hoạt”.
Sau Đại hội XIII của Đảng (tháng 2/2021) cũng như khi Quốc hội Việt Nam bầu các chức danh Lãnh đạo Nhà nước (tháng 4/2021), lãnh đạo Trung Quốc đều chúc mừng.
Các cấp lãnh đạo cấp cao chủ chốt Việt Nam và Trung Quốc đều tiếp xúc, trao đổi, đưa ra các ý kiến chỉ đạo mang tính định hướng lớn để thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung tiếp tục phát triển.
Cụ thể, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã điện đàm (ngày 8/2 và 24/9/2021); Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (ngày 24/5/2021); Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính điện đàm với Thủ tướng Lý Khắc Cường (ngày 4/6/2021); Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Nhân đại Trung Quốc Lật Chiến Thư (17/6/2021).
Cùng với đó, giao lưu, hợp tác kênh Đảng, giữa các bộ ngành và địa phương hai nước được triển khai thường xuyên. Trong năm 2021, hai bên tổ chức thành công Phiên họp lần thứ 13 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc (9/2021). Có ba Ủy viên Quốc vụ (hàm Phó Thủ tướng), Bộ trưởng các Bộ Ngoại giao, Công an, Quốc phòng của Trung Quốc đều đã thăm Việt Nam. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thăm chính thức Trung Quốc (12/2021) và dự Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc (6/2021).
Hai bên đã tổ chức Hội thảo lý luận giữa hai Đảng lần thứ 16 (12/2021) và các hoạt động gặp gỡ đầu xuân giữa Bí thư các tỉnh biên giới phía Bắc nước ta với Quảng Tây (4/2021) và Vân Nam (5/2021), Trung Quốc cùng nhiều hoạt động giao lưu, trao đổi đa dạng, phong phú.
Về kinh tế, thương mại, kim ngạch song phương năm 2021 đạt 165,9 tỷ USD, tăng 24,6% so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 56 tỷ USD, tăng 16,7%; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 109,9 tỷ USD, tăng 30,5%.
Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường cung cấp hàng hóa lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ 6 trên thế giới.
Đảng Cộng sản Việt Nam chọn chiến lược nào trong quan hệ với Trung Quốc?
Về đầu tư, lũy kế đến ngày 20/12/2021, Trung Quốc đứng thứ 7/141 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư FDI vào Việt Nam với 3.325 dự án còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký là 21,34 tỷ USD.
Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đã hoàn thành, chính thức bàn giao ngày 6/11/2021 nhờ sự nỗ lực của cả hai bên.
Ngoài những thành quả tích cực, hợp tác kinh tế thương mại song phương vẫn tồn tại một số bất cập, hạn chế.
Cụ thể, Việt Nam vẫn nhập siêu lớn từ Trung Quốc, ở mức 53,9 tỷ USD, tăng 52,7% so với năm 2020. Một số dự án đầu tư, nhận thầu tại Việt Nam còn tồn tại khó khăn, vướng mắc. Xuất khẩu hàng nông thủy sản sang Trung Quốc có thời điểm gặp khó khăn, xảy ra tình trạng ùn ứ xe hàng xuất khẩu ở khu vực biên giới (như thời gian qua Sputnik đã thông tin).
Hai bên đã tích cực trao đổi, phối hợp để giải quyết các vướng mắc còn tồn tại. Trong đó, đáng chú ý nhất là cuộc điện đàm của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 13/1/2022.
Việt Nam đề nghị hai bên cần phối hợp chặt chẽ và áp dụng các biện pháp hiệu quả, quyết liệt để tiếp tục giải quyết tình trạng này, bảo đảm giao thương thông suốt nhằm duy trì ổn định chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất giữa hai nước và khu vực, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, để nhân dân và doanh nghiệp hai nước được đón Tết ấm no, hạnh phúc.
Sau cuộc điện đàm giữa Thủ tướng hai nước, tình hình thông quan tại các cửa khẩu đã được cải thiện, tình trạng ùn ứ đã giảm. Hai bên đang triển khai thành lập Nhóm công tác để tiếp tục trao đổi, nỗ lực duy trì giao thương thông suốt trong thời gian tới, giảm tối đa hiện tượng ùn tắc nơi cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Về y tế, Trung Quốc là một trong số những nước cung cấp vaccine ngừa Covid-19 nhiều nhất, kịp thời nhất cho Việt Nam, cả viện trợ và thương mại. Tính đến hết tháng 12/2021, Trung Quốc đã viện trợ và thông báo viện trợ cho Việt Nam tổng cộng 7 triệu liều vaccine, trong đó 6,5 triệu liều đã về đến Việt Nam.
Đồng thời, Trung Quốc cũng tuyên bố hỗ trợ Việt Nam 25 triệu Nhân dân tệ (tương đương 90 tỷ đồng) để mua vật tư y tế. Một số địa phương của Trung Quốc như Quảng Tây, Quảng Đông và Vân Nam cũng tiếp tục ủng hộ vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19 cho nhiều địa phương Việt Nam.

Biển Đông vẫn là trở ngại chính

Đánh giá của Bộ Ngoại giao khẳng định, “tình hình biên giới trên đất liền và Vịnh Bắc Bộ cơ bản ổn định”.
Phía Việt Nam cho rằng, tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, tuy nhiên, hai bên duy trì trao đổi.
Điển hình như, gần nhất, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 13/1/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị hai bên tiếp tục phát huy tốt các cơ chế đàm phán nhằm duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, tôn trọng lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhau phù hợp với luật pháp quốc tế.
Biển Đông
Mỹ chọc giận Trung Quốc ở Biển Đông, Việt Nam hưởng lợi?
Việt Nam mong cùng Trung Quốc xử lý ổn thỏa vấn đề trên biển theo tinh thần nhận thức chung cấp cao và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; tích cực thúc đẩy đàm phán xây dựng, sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế.
Thủ tướng Lý Khắc Cường bày tỏ mong muốn thúc đẩy các cơ chế đàm phán trên biển giữa hai nước sớm đạt tiến triển thực chất, sẵn sàng cùng Việt Nam và ASEAN tiếp tục nỗ lực đạt COC.
Hôm 17/1, phát biểu tại 1 diễn đàn trực tuyến do Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila tổ chức, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết, Bắc Kinh nỗ lực tôn trọng chủ quyền các bên ở Biển Đông.
Ông Vương Nghị nhấn mạnh, chỉ bám vào tuyên bố chủ quyền của một bên và áp đặt ý chí của mình lên người khác không phải là cách thích hợp để các láng giềng đối xử với nhau và nó cũng đi ngược lại triết học phương Đông về việc con người nên hòa hợp với nhau.
Do đó, việc giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông một cách hòa bình là điều rất quan trọng. Ngoại trưởng Trung Quốc hy vọng có thể cùng Philippines cũng như các quốc gia láng giềng trong khu vực cùng tìm giải pháp cho vấn đề Biển Đông “trên tinh thần thiện chí, hòa hợp”.
Thảo luận