Việt Nam ‘thắt lưng buộc bụng’ tổ chức SEA Games 31

Phát biểu tại Hội nghị Trưởng đoàn SEA Games 31, theo đại diện Tổng cục Thể thao, do kinh phí được duyệt thấp hơn dự kiến, nên Ban Tổ chức buộc phải “tính toán lại”, nhằm chi tiêu “tiết kiệm tối đa”, tính đến cả phương án dùng lại các trang thiết bị cũ.
Sputnik
Tuy nhiên, Ban Tổ chức cũng cam kết, nhờ học hỏi kinh nghiệm chống dịch từ Olympic Tokyo, AFF Cup, SEA Games 31 ở Việt Nam sẽ được tổ chức thành công, không sợ dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng.

SEA Games 31 sẽ thành công

Sáng nay 18/1, Hội nghị Trưởng đoàn SEA Games 31 (CDM) lần thứ nhất đã diễn ra. Công tác chuẩn bị hoàn tất tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á của Việt Nam được nhiều nước quan tâm.
Dự sự kiện này có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương, đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền Thông, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Tổng cục Thể dục thể thao, đại biểu 12 địa phương tham gia tổ chức SEA Games, đại diện sứ quán 11 quốc gia thành viên ASEAN, các Tiểu ban thuộc Ban Tổ chức, đại diện các Ủy ban Olympic và các đoàn thể thao tham dự SEA Games.
Lịch thi đấu chính thức SEA Games 31 có gì đặc biệt?
Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương tái khẳng định quyết tâm của nước chủ nhà Việt Nam trước những thử thách do dịch bệnh Covid-19 gây nên nhưng vẫn nỗ lực đảm bảo các khâu công tác tổ chức chu đáo để SEA Games 31 thành công như cách Việt Nam đã làm năm 2003 (SEA Games 22).
“Dù phải dời SEA Games 31 từ tháng 11/2021 tới tháng 5/2022, nhưng Việt Nam vẫn đang “rất tích cực chuẩn bị để tổ chức thành công SEA Games 31”, Thứ trưởng Cương bày tỏ.
Theo đại diện Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch, Việt Nam tin tưởng rằng với sự hợp tác, ủng hộ của các đoàn thể thao trong khu vực, SEA Games 31 sẽ được tổ chức thành công, tạo được ấn tượng tốt đẹp trong trái tim những người tham dự theo đúng tinh thần khẩu hiệu của Đại hội đó là “Vì một Đông Nam Á khoẻ mạnh hơn”.
Phó Tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục Thể dục thể thao, Phó Ban Tổ chức SEA Games 31 Trần Đức Phấn cũng khẳng định, dù tình hình đại dịch Covid-19 còn nhiều phức tạp, nhưng Ban Tổ chức và các địa phương vẫn đang rất cố gắng để đảm bảo công tác chuẩn bị với tinh thần khẩn trương và trách nhiệm cao nhất. “Chúng tôi mong muốn các quốc gia Đông Nam Á sẽ ủng hộ để Việt Nam tổ chức thành công SEA Games 31”, ông Phấn bày tỏ.
SEA Games 31 sẽ có 40 môn thi gồm 526 nội dung, quy tụ khoảng 10.000 vận động viên, HLV, trọng tài, lãnh đạo các đoàn thể thao 11 nước Đông Nam Á.

Học hỏi kinh nghiệm từ Olympic Tokyo, AFF Cup

Cũng tại Hội nghị sáng nay, các đại biểu đã nghe báo cáo tổng quan của Ban Tổ chức SEA Games 31 về công tác chuẩn bị, cập nhật thông tin về các công tác chuẩn bị tổ chức SEA Games 31 của nước chủ nhà Việt Nam.
Các bên cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề thẻ Đại hội, lộ trình các công tác chuẩn bị, đăng ký và tham dự Đại hội, các dịch vụ của Đại hội dành cho các đoàn tham dự SEA Games 31 lần này.
Theo thông báo của giới chức Việt Nam, có 3 sân bay tổ chức đón tiếp các đoàn thể theo quốc tế từ 10 nước là Nội Bài – Hà Nội, Vân Đồn – Quảng Ninh, Cát Bi – Hải Phòng.
SEA Games 31 chính thức lùi sang tháng 5/2022, không tổ chức ASEAN Para Games 11
Ban Tổ chức cũng thông báo, lễ khai mạc sẽ diễn ra từ 19h đến 21h ngày 12/5, và lễ bế mạc diễn ra từ 19h đến 21h ngày 23/5 tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình.
Phát biểu tại phiên làm việc, lãnh đạo Tiểu ban Doping và Y tế, ông Nguyễn Văn Phú thông tin, công tác phòng - chống dịch tại SEA Games 31 sẽ kết hợp nhiều biện pháp, ngay từ khâu đăng ký từ các quốc gia, tới khai báo trực tuyến.
“Trong đó, quy trình bong bóng, kiểm tra/thử Covid-19 trong khoảng 72 tiếng/lần và các biện pháp ứng phó, cách ly ngay khi phát hiện các trường hợp F0, F1”, ông Phú cho hay.
Cùng với đó, căn cứ vào tình hình và mức độ dịch bệnh, Ban Tổ chức cũng sẽ quyết định có đón tiếp khán giả vào các địa điểm thi đấu hay không, theo 3 mức độ là “không khán giả”, “hạn chế (10%-30%)” và “cho phép tối đa 50% sức chứa của các địa điểm thi đấu”.
Đối với các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19, đảm bảo tổ chức SEA Games an toàn, ông Trần Đức Phấn, Phó tổng cục trưởng phụ trách Thể dục thể thao và ông Trần Văn Mạnh, Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam đều khẳng định Việt Nam sẽ cố gắng ở “mức cao nhất” để đáp ứng mọi nhu cầu liên quan của các đoàn.
Cả 2 vị lãnh đạo đều nêu rõ, Ban Tổ chức sẽ tạo điều kiện để cổ động viên của các đoàn thể thao cũng như khán giả vào theo dõi, cổ vũ, căn cứ vào tình hình và quy định phòng - chống dịch ở các địa phương.
“Chúng tôi đưa ra nhiều kịch bản, học tập kinh nghiệm từ Olympic Tokyo 2020 cũng như một số giải đấu điển hình như AFF Cup 2020. Do đó, sẽ có quy định rất cụ thể cho các đoàn trước khi sang Việt Nam, khi đến sân bay và trong quá trình dự Đại hội (SEA Games 31)”, ông Trần Văn Mạnh nói.

Thắt lưng buộc bụng, tiết kiệm tối đa

Trong khuôn khổ phiên làm việc sáng nay, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Lê Thị Hoàng Yến cũng thông tin về kinh phí tổ chức SEA Games 31 của Việt Nam.
Theo bà Yến, Chính phủ phê duyệt khoản kinh phí 750 tỷ đồng để tổ chức SEA Games 31, trong đó có 300 tỷ đồng đã được ứng trước.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao thừa nhận, hiện chưa biết có được bổ sung thêm kinh phí hay không, còn với mức 750 tỷ đồng hiện nay – công tác tổ chức của chủ nhà Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn.
SEA Games 31 tại Việt Nam chính thức bị hoãn vì dịch Covid-19 phức tạp
Bà Lê Thị Hoàng Yến thông tin thêm, lúc đầu Ban tổ chức SEA Games 31 đề xuất xin kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng do Đại hội thể thao Đông Nam Á có nhiều công việc phải chuẩn bị, đặc biệt trong bối cảnh cần đảm bảo tối đa an toàn phòng chống dịch Covid-19 như hiện nay.
“Tuy nhiên, sau đó, kinh phí được phê duyệt thấp hơn dự kiến, nên Ban tổ chức SEA Games 31 buộc phải tính toán lại với tinh thần thắt chặt chi tiêu nhằm tiết kiệm tối đa”, vị lãnh đạo nói.
Bà Yến cũng cho biết, SEA Games 31 tại Việt Nam dự kiến thu về khoảng 70 tỷ đồng tiền tài trợ. Cùng với đó, Ban tổ chức đại hội cũng thu khoảng 100 tỷ đồng từ lệ phí đóng góp của các đoàn thể thao cho công tác ăn ở khi tham dự.
Phó Tổng cục trưởng Lê Thị Hoàng Yến nhấn mạnh, vì nguồn lực hạn chế nên phải rà soát cắt giảm, làm sao tiết kiệm nhất có thể. Tuy nhiên, ban tổ chức và nhiều địa phương hiện đang gặp khó khăn vì thời gian gấp rút mà còn nhiều khoản cần đầu tư.
Được biết, hiện tại còn nhiều công trình hạng mục phục vụ thi đấu đang trong quá trình sửa chữa nâng cấp, Việt Nam cố gắng hoàn thành trong tháng 4 để khai mạc SEA Games vào tháng 5/2022.
Việt Nam xin hoãn tổ chức SEA Games 31
Bà Yến dẫn chứng, nhiều môn thi đấu phải mua thiết bị từ nước ngoài rất tốn kém như đua thuyền. Trong khi đó, kinh phí đảm bảo công tác phòng chống dịch dự kiến rất lớn và còn phát sinh.
“Tuy nhiên, đây là tác bắt buộc của Đại hội. Chúng tôi sẽ trình Bộ Tài chính về việc xin kinh phí bổ sung”, bà Lê Thị Hoàng Yến cho biết.
Cùng với đó, việc mua sắm trang thiết bị hiện cũng tốn nhiều thời gian do phải đấu thầu hay mua từ nước ngoài, nên để không cắt giảm nội dung thi đấu, Việt Nam cũng tính đến phương án thuê hay tận dụng trang thiết bị cũ vẫn đáp ứng được tiêu chuẩn.
Về vấn đề này, ông Trần Văn Mạnh, Tổng Thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam cũng cam kết SEA Games 31 sẽ không cắt giảm nội dung thi đấu chỉ vì tình trạng thiếu thiết bị.
Vị lãnh đạo cho hay, dù đang gặp khó khăn khi chưa mua được các thiết bị tập luyện, thi đấu mới, nhưng về cơ bản các thiết bị cũ, địa điểm thi đấu cũ được đầu tư từ SEA Games 2003 vẫn sử dụng được, đồng thời, cũng đã được Ủy ban Olympic châu Á đánh giá đủ tiêu chuẩn khi Việt Nam giành quyền đăng cai ASIAD 2018.
Thảo luận