Trong khi đó, hàng chục triệu người rơi xuống dưới mức nghèo khổ và không đủ tiền mua vắc xin. Về việc những ai và tại sao họ lại giàu lên đột xuất - theo tài liệu của Sputnik.
Người nghèo dễ chết hơn
Các tỷ phú kinh doanh đã gia tăng gấp đôi tài sản của mình, theo báo cáo của Liên minh quốc tế các tổ chức từ thiện Oxfam, được công bố hàng năm trước khi diễn ra Diễn đàn Kinh tế Davos. Tiêu đề hấp dẫn đã trở thành dấu ấn của tài liệu – "Sự bất bình đẳng chết người".
Danh sách các tỷ phú được lấy từ Forbes. Những người giàu nhất thế giới là Jeff Bezos (Amazon), Elon Musk (Tesla và SpaceX), Bernard Arnault (Louis Vuitton Moët Hennessy), Bill Gates (Microsoft), Mark Zuckerberg (Meta, Facebook), nhà đầu tư Warren Buffett, Larry Ellison (Oracle), Larry Page và Sergey Brin (Google), Mukesh Ambani (công ty dầu khí Reliance Industries).
Tổng lượng vốn của họ trong thời kỳ đại dịch đã tăng từ 700 tỷ USD lên 1,5 nghìn tỷ USD. Con số này nhiều hơn trong 12 năm trước đó, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Theo các nhà phân tích, cuộc suy thoái hiện tại, tồi tệ nhất kể từ cuộc sụp đổ Phố Wall năm 1929, đã không gây trở ngại cho họ.
Theo Oxfam, mỗi ngày kể từ khi bắt đầu dịch bệnh lại xuất hiện một tỷ phú mới trên thế giới, trong khi đó hơn 160 triệu người gia nhập những người dưới mức nghèo khổ trong cùng thời kỳ. Ở các nước thuộc thế giới thứ ba, đây là 1/5 dân số.
Sự bất bình đẳng như vậy có thể được gọi là "bạo lực kinh tế". Báo cáo của Oxfam gây sốc: khoảng 20 000 người chết mỗi ngày vì điều kiện sống khắc nghiệt. Đơn giản là họ không được chăm sóc y tế, chết đói, trở thành nạn nhân của tội phạm. Các nhà hảo tâm gián tiếp đổ lỗi cho giới tỷ phú vì điều này.
Nhưng có một lối thoát. Các tác giả kêu gọi cải cách thuế để tài trợ cho việc chăm sóc sức khỏe, chủ yếu để sản xuất vắc xin. Ngành công nghiệp này được kiểm soát từ các tập đoàn dược phẩm lớn, và ở Oxfam, tình trạng này được coi là "phân biệt chủng tộc". Chỉ riêng số tiền thu được từ thời gian đại dịch của Jeff Bezos đã có thể trả tiền mua vắc xin cho toàn nhân loại.
“Những người nghèo nhất ở một số quốc gia có nguy cơ tử vong vì COVID-19 cao gấp 4 lần so với những người giàu nhất. Trong đợt đại dịch thứ hai, một người Bangladesh có nguy cơ tử vong cao hơn 5 lần so với một người Anh da trắng”, tài liệu cho biết.
Đồng tiền trên đầu kim tiêm
Tất cả những ông trùm này không kiếm tiền từ vắc xin. Ít nhất, không có thông tin như vậy trong các nguồn thông tin mở.
Trong năm ngoái, Musk và Bezos đứng đầu về độ giàu có. Người chiến thắng là nhà sáng lập SpaceX và Tesla, người đã đạt số vốn kỷ lục 25 tỷ USD trong một ngày vào tháng Ba. Các nhà phân tích từ New Street Research đã giúp đỡ thêm bằng cách đưa ra khuyến nghị “mua” cổ phiếu Tesla. Trong cuộc đua không gian, Bezos vẫn còn kém hơn: các hợp đồng chủ chốt chủ yếu đến với SpaceX chứ không phải Blue Origin. Nhưng Amazon đang phát triển - đại dịch rõ ràng đã làm bùng phát hoạt động bán hàng trực tuyến.
Chính chủ sở hữu các tập đoàn lớn là những người nhận được lợi ích chính từ việc nhà nước tài trợ cho nền kinh tế trong bối cảnh khủng hoảng.
Tất nhiên, họ cũng kiếm tiền từ vắc xin. Năm 2020, CEO của các công ty dược phẩm Moderna và BioNTech lọt vào danh sách 50 tỷ phú lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của Forbes. Vào mùa xuân năm 2021, tổ chức The People's Vaccine Alliance (Liên minh Vắc xin Nhân dân) đã chỉ ra trong một báo cáo rằng 9 tỷ phú đã xuất hiện nhờ số tiền thu được từ vắc xin tiêm chủng.
Trong số đó có 4 đại diện của Moderna, bao gồm CEO Stefan Bansel, người đứng đầu BioNTech Ugur Sahin, CEO của ROVI Tây Ban Nha Juan Lopez-Belmonte và các nhà đồng sáng lập CanSino Biologics của Trung Quốc. Yuan Liping, chủ sở hữu 24% cổ phần của công ty Shenzhen Kangtai Biological Products (Sản phẩm sinh học Kangtai) ở Thâm Quyến, có thể tham gia vào đó.
Rất có thể, đây mới chỉ là sự khởi đầu. Theo Research & Markets, thị trường công nghệ sinh học liên quan đến COVID-19 sẽ tăng 18 - 25% vào năm 2026. Rõ ràng, các nhà đầu tư sẽ không bỏ lỡ cơ hội.
Điều này chỉ ra tất cả sản xuất vẫn sẽ nằm trong tay của một số người. Đó là lý do tại sao WHO và Médecins Sans Frontières đang kêu gọi thúc đẩy việc bãi bỏ các bằng sáng chế vắc xin chống coronavirus.
Sức mạnh của các doanh nghiệp
Vào tháng 10, một dự luật xuất hiện tại Hoa Kỳ nhằm tăng thuế đối với các tập đoàn kiếm được hơn một tỷ đô la. Theo tính toán của nhà kinh tế học nổi tiếng Gabriel Zucman, tác giả các nghiên cứu về khu vực thiên đường thuế và việc trốn thuế, luật này sẽ mang lại sự gia tăng hữu hình cho ngân sách. Cụ thể, Elon Musk trong 5 năm tới có thể phải trả cho nhà nước 50 tỷ, và Jeff Bezos - 44 tỷ.
Nhiều người Mỹ ủng hộ sáng kiến này.
"Khi chúng ta thấy các tỷ phú bay vào vũ trụ để mua vui, và đất nước không thể xử lý lũ lụt, đó là một vấn đề", nhà kinh tế Darrick Hamilton nói.
Nhưng ngay cả khi luật được thông qua, và điều này không diễn ra nhanh chóng ở Hoa Kỳ, thì nó cũng khó có thể có hiệu lực ngay lập tức. Giới truyền thông tin chắc chắn: các tỷ phú sẽ trốn thuế bằng cách chuyển tài sản sang các hình thức không rõ ràng hơn, chẳng hạn như các công ty tư nhân. Và các cổ phần kinh doanh như SpaceX của Musk hay Blue Origin của Bezos đơn giản là không thuộc luật này.
Những người ủng hộ cải cách thuế, chủ yếu là Thượng nghị sĩ Ron Wyden, đề xuất phạt các cổ đông lớn vì giấu tài sản, nhưng các cơ chế như vậy không được quy định trong luật pháp Hoa Kỳ.
Vì vậy, không có gì thay đổi, dù trên mạng xã hội, giới tỷ phú phải chống đỡ trước sự tấn công của các chính trị gia. Vào tháng 12, Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, một trong những tác giả dự luật mới, đã cáo buộc Elon Musk trốn thuế.
Bà kêu gọi trên Twitter: "Hãy xem xét lại bộ luật thuế để người giàu nhất năm không còn là kẻ ăn bám nữa".
Musk cũng trả lời lại như vậy, chỉ ra ông nộp ngân sách trong một năm nhiều hơn bất kỳ người nào khác trong lịch sử Hoa Kỳ: không dưới 11 tỷ đô la. Tuy nhiên, người ta vẫn chưa biết liệu ông ta có trả thuế hay không.