Ngày 20/1, trường Đại học Ngoại thương (FTU) tại Hà Nội thông báo kế hoạch trở lại giảng đường đối với sinh viên và cán bộ công nhân viên tại đây.
FTU đón sinh viên trở lại
Cụ thể, sinh viên khóa K60, K57, sinh viên hình thức vừa làm vừa học, học viên sau đại học, học tập trung từ ngày 16/2 (tức ngày 16 Tết âm lịch).
Đối với sinh viên đại học chính quy các khóa K58, K59, sinh viên các chương trình đào tạo quốc tế: học tập trung từ ngày 1/3. Từ 14-28/2, sinh viên tiếp tục học trực tuyến theo thời khóa biểu từ đầu học kỳ.
Đối với Đại học Ngoại thương cơ sở Quảng Ninh, sinh viên trở lại trường học tập trung từ ngày 16/2 (tức ngày 16 Tết âm lịch). Trong khi đó, sinh viên Đại học Ngoại thương cơ sở II – TP HCM học tập trung từ ngày 21/2.
Trường sẽ có thông báo kịp thời nếu trong trường hợp dịch COVID-19 không cho phép triển khai học tập trực tiếp theo kế hoạch trên.
Được biết, trước đó một số trường như Đại học Kinh tế - Tài chính TP. HCM; Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP. HCM); Đại học Công nghiệp TP. HCM; Đại học Công nghiệp Thực phẩm; Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM; Đại học Y dược TP. HCM; Y khoa Phạm Ngọc Thạch thông báo lịch học cho sinh viên sau Tết Nguyên Đán.
Khởi động lại học trực tiếp an toàn, hiệu quả
Tại Hội thảo trực tuyến về tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp bảo đảm an toàn phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục diễn ra vào ngày 19/1 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) đã yêu cầu các địa phương chuẩn bị các điều kiện chu đáo để học sinh trở lại trường ngay sau Tết Nguyên đán.
“Đến thời điểm này, khi các điều kiện đã được tăng cường, chúng ta đã có đầy đủ căn cứ, kinh nghiệm để quyết tâm đưa học sinh quay trở lại trường học. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ráo riết việc đưa học sinh trở lại trường, chúng tôi đề nghị lãnh đạo địa phương chuẩn bị các điều kiện chu đáo để đón học sinh", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Đồng tình với với chủ trương dạy học trực tiếp của Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng bày tỏ:
“Tỷ Lệ bao phủ vắc-xin mũi 2 đạt gần 100%, tỉ lệ học sinh từ 12-17 tuổi được tiêm vắc-xin cũng khá cao. Bộ Y tế đồng lòng với Bộ GD&ĐT về việc tổ chức dạy học trực tiếp. Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp để ban hành các văn bản thông báo các biện pháp bảo đảm an toàn khi học sinh đến trường”.
Thực tế cho thấy khi tình hình bệnh dịch thuyên giảm, tỷ lệ vaccine tiêm bảo đảm an toàn thì việc đưa học sinh trở lại học trực tiếp là hoàn toàn khả thi. Đơn cử, TP. HCM là địa phương “khởi động” quay trở lại trường học sớm nhất trong cả nước, nhưng tỷ lệ lây nhiễm ghi nhận là thấp.
Cụ thể, thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM cho thấy số lượng học sinh từ khối 7 đến 12 đi học trực tiếp đã đạt tỉ lệ 98,48%. Tỉ lệ 130 học sinh mắc COVDI-19 trên tổng số 552.403 học sinh, chỉ chiếm 0,02%.
Sở GD-ĐT Hà Nội thông báo nếu không có gì thay đổi, dự kiến ngày 7/2 sẽ cho học sinh khối lớp 7 đến lớp 12 đi học trực tiếp trở lại với các phương án, kịch bản bảo đảm an toàn nhất.