Thấy rõ sự phụ thuộc của Việt Nam trong quan hệ thương mại với Trung Quốc

Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt – Trung vượt mốc 200 tỷ USD, Trung Quốc chính là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Người láng giềng phía Bắc ‘khổng lồ’ này đồng thời cũng là thị trường xuất nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.
Sputnik
Là thị trường lớn hơn 1,4 tỷ dân, có ưu thế vị trí địa lý, sự tương đồng về văn hóa, thói quen tiêu dùng của người dân hai nước, Trung Quốc tiếp tục là bạn hàng đặc biệt quan trọng của Việt Nam, tuy nhiên, Hà Nội cũng cần tránh để không bị phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, nhất là giảm tỷ lệ nhập siêu.
Sau chuyến thăm biên giới cửa khẩu ở Lạng Sơn và Quảng Ninh của Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng nỗ lực của lãnh đạo hai bên, phía Trung Quốc đã đồng ý khôi phục thông qua cửa khẩu Pò Chài (Bằng Tường) – Tân Thanh (Lạng Sơn).

Kim ngạch thương mại Việt – Trung tăng trưởng kỷ lục

Báo cáo cập nhật mới nhất từ cơ quan Hải quan Việt Nam và Trung Quốc cho thấy những tín hiệu đáng mừng về tình hình giao thương Việt – Trung.
Cụ thể, theo số liệu thống kê từ Tổng cục Thống kê, về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2021, trong khi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 96,3 tỷ USD thì Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 109,9 tỷ USD.
Theo dữ liệu từ phía Hải quan Việt Nam, Việt Nam xuất sang Trung Quốc trị giá 55,95 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 16,6%.
Đáng chú ý, năm 2021 xuất siêu của Việt Nam sang EU đạt 23 tỷ USD, tăng 12,1% so với năm trước nhưng nhập siêu từ Trung Quốc 53,9 tỷ USD, tăng 52,7. Có thể thấy, thị trường Việt Nam còn phụ thuộc rất lớn, đặc biệt là nguyên liệu đầu vào từ thị trường Trung Quốc.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, bất chấp dịch bệnh Covid-19, kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Quốc năm 2021 vẫn đạt 165,8 tỷ USD, tăng 24,6% so năm trước.
Hãng xe Trung Quốc ra mắt ‘cực phẩm’ tại Việt Nam, sẵn sàng cạnh tranh với VinFast?
Trong khi đó, thống kê từ cơ quan Hải quan Trung Quốc cho thấy, kim ngạch thương mại song phương hai chiều Việt – Trung lần đầu tiên vượt ngưỡng 200 tỷ USD.
Mức tăng kỷ lục cụ thể đạt 230,2 tỷ USD, tăng 19,7% so năm trước nếu tính theo đồng USD và 12% khi tính bằng đồng nhân dân tệ (NDT).
Như vậy, có thể kết luận, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Hà Nội.
Ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc trên thế giới sau các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Australia.

Những mặt hàng tỷ đô nào Việt Nam xuất sang Trung Quốc?

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, có nhiều nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên.
Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất vẫn là điện thoại và linh kiện. Đây là nhóm hàng xuất khẩu “chục tỷ đô” đầu tiên của Việt Nam ở thị trường Trung Quốc khi mới tính con số xuất khẩu trong 10 tháng năm 2021. Tuy nhiên, ở báo cáo tình hình, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 12 và 12 tháng của năm 2021 cho thấy, tính cả năm 2021, xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 57,54 tỷ USD, tăng 12,4% so với năm 2020.
Dây chuyền sản xuất tại Công ty Cổ phần Sun Tech
Trong đó xuất khẩu nhóm hàng này sang thị trường Trung Quốc đạt 15,18 tỷ USD, tăng 23%, sang Mỹ đạt trị giá 9,69 tỷ USD, tăng 10,3%, sang EU (27 nước) đạt 7,89 tỷ USD, giảm 9,1% so với năm 2020.
Cũng trong năm 2021, xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sang thị trường Trung Quốc đạt 11,1 tỷ USD, tăng nhẹ 0,1%, sang thị trường EU (27 nước) đạt 6,57 tỷ USD, tăng 6,1%, sang Mỹ đạt 12,76 tỷ USD, tăng mạnh 22,9% so với năm trước.
Về máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, Việt Nam cũng xuất sang Trung Quốc đạt 2,88 tỷ USD, tăng 48,5% năm 2021. Nhóm hàng này xuất khẩu sang Mỹ đạt 17,82 tỷ USD, tăng mạnh 45,9%; sang EU (27) đạt 4,36 tỷ USD, tăng 47,2%, qua Hàn Quốc đạt 2,57 tỷ USD, tăng 25,3%.
Ở nhóm hàng giày dép, Việt Nam xuất sang Trung Quốc đạt 1,6 tỷ USD, giảm 23% so với cùng kỳ, tuy nhiên lại tăng xuất sang Mỹ đạt 7,42 tỷ USD, tăng 17,8%, EU đạt 4,61 tỷ USD, tăng 6,1%.
Xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang Trung Quốc cũng trên 1 tỷ đô (1,5 tỷ USD, tăng 24,7%). Gỗ và nội thất, sản phẩm từ gỗ của Việt Nam vẫn xuất chủ đạo qua Mỹ đạt 8,8 tỷ USD, tăng mạnh 22,4%.
Đáng chú ý, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nhiều hàng nông sản của Việt Nam như thủy sản, hàng rau quả, hạt điều, cà phê, chè, gạo, sắn và sản phẩm sắn, cao su, sản phẩm từ cao su. Trong đó, rau quả và cao su là 2 nhóm hàng đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD.
Ông Phạm Minh Chính nói phải cải thiện quan hệ với thị trường Trung Quốc

Việt Nam nhập gì nhiều nhất từ Trung Quốc?

Việt Nam nhập nhiều từ Trung Quốc trong năm 2021 gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (21,86 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước), máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (với trị giá đạt 24,92 tỷ USD, tăng mạnh 46,4% so với năm trước), điện thoại các loại và linh kiện (nhập khẩu từ Trung Quốc là 9,24 tỷ USD, tăng 18,5%), nguyên phụ liệu ngành dệt, may, da, giày (Việt Nam nhập khẩu nhóm hàng này trong năm 2021 xuất xứ chủ yếu từ Trung Quốc đạt 13,65 tỷ USD).
Như Sputnik cũng đã thông tin, về nhập khẩu ô tô nguyên chiếc các loại, xe ô tô từ Trung Quốc ồ ạt về Việt Nam.
Nếu tính chung trong cả năm 2021, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc đạt hơn 160 nghìn chiếc, trị giá 3,66 tỷ USD; tăng 52,1% về lượng và tăng 55,7% về trị giá so với năm 2020 thì nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ Trung Quốc là 22,75 nghìn chiếc, tăng mạnh đến 207%.
Nhà máy Changan tại thành phố Trùng Khánh ở Trung Quốc.
Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Trung Quốc vẫn tăng trưởng mạnh mẽ dù dịch bệnh Covid-19.
Ngoài ra, còn có những khó khăn, trở ngại trong kiểm soát dịch bệnh giữa hai nước, nền kinh tế thế giới chưa thực sự phục hồi, chuỗi sản xuất của Việt Nam gặp nhiều khó khăn, nhu cầu về tiêu dùng của thị trường Trung Quốc giảm so với các năm trước…nhưng tăng trưởng thương mại song phương vẫn “tích cực”.
Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, đạt được kết quả này là nhờ những lợi thế về quan hệ thương mại truyền thống, cũng như những nỗ lực của các bộ, ngành nhằm thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động thương mại giữa hai nước.
Đáng chú ý, thương mại song phương Việt Nam-Trung Quốc có sự phát triển là nhờ ưu thế vị trí địa lý, sự tương đồng về văn hóa, thói quen tiêu dùng của người dân hai nước.
Các chuyên gia lưu ý, thị trường Trung Quốc với quy mô dân số lớn nhất thế giới và hiện có trên 400 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu nên nhu cầu tiêu dùng rất lớn và là thị trường xuất khẩu hấp dẫn với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam cần giảm sự phụ thuộc vào hình thức xuất khẩu tiểu ngạch

Việt – Trung tiếp tục giải quyết ùn tắc nơi cửa khẩu biên giới phía Bắc

Lãnh đạo hai nước, các bộ ban, ngành, địa phương của Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục làm việc, phối hợp chặt chẽ để giải quyết tình trạng ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc Việt Nam.
Theo đó, ngày 25/1, Trung Quốc đã khôi phục thông quan cửa khẩu Tân Thanh cho Việt Nam vận chuyển hàng hóa qua bên kia biên giới.
Xe chờ xuất khẩu hàng hóa tại Cửa khẩu phụ Tân Thanh
Trước đó, như Sputnik đề cập, để củng cố và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 (do theo đuổi chính sách zero Covid), tỉnh Quảng Tây đã tạm dừng thông quan hàng hóa tại Pò Chài từ ngày 18/12/2021.
Thông cáo báo chí từ Vụ thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương, ngày 25/1 cho biết sáng nay, chính quyền Quảng Tây, Trung Quốc đã khôi phục thông quan tại Pò Chài, Bằng Tường (phía Việt Nam là Đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089, hay còn gọi là cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn).
Bộ Công Thương nhấn mạnh, Tân Thanh – Pò Chài là cặp cửa khẩu có ý nghĩa quan trọng đối với xuất khẩu nông sản, trái cây của Việt Nam sang Trung Quốc.
Vụ thị trường châu Á – châu Phi nêu rõ, sau chuyến công tác tại các cửa khẩu biên giới Lạng Sơn và Quảng Ninh của Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Trưởng ban chỉ đạo giải quyết ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, Quảng Tây quyết định khôi phục thông quan tại cặp cửa khẩu này để phối hợp với Việt Nam giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa xuất nhập khẩu thời gian qua.
Trước mắt, theo Bộ Công Thương, hai bên sẽ thực hiện phương thức giao nhận xe trên đường biên giới, lái xe mặc quần áo bảo hộ và đeo găng tay, khẩu trang theo quy định (Trung Quốc đặc biệt làm gắt gao vấn đề này).
Trung Quốc siết cửa khẩu biên giới phía Bắc, Việt Nam hành động khẩn
Bộ Công Thương nêu rõ, quyết định khôi phục thông quan tại cửa khẩu Pò Chài là động thái tích cực, quan trọng của Quảng Tây ngay trước kỳ họp lần thứ hai Nhóm Công tác thuận lợi hóa thương mại Việt Trung và kỳ họp lần thứ nhất Cơ chế hợp tác giải quyết tình hình ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới Việt - Trung theo chỉ đạo của Thủ tướng hai nước tại cuộc điện đàm ngày 13/1.
“Việc Quảng Tây khôi phục thông quan tại cặp cửa khẩu Tân Thanh - Pò Chài sẽ giúp 2 bên giải phóng hàng hóa nhanh hơn nữa, đáp ứng mục tiêu giải tỏa lượng xe tồn đọng trước Tết Nguyên đán mà Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra cho Ban chỉ đạo giải quyết ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc”, Bộ Công Thương lưu ý.
Nhờ nỗ lực của các cơ quan ban ngành, lãnh đạo hai nước Việt – Trung, lượng xe chờ xuất khẩu tại Lạng Sơn đã giảm mạnh trong những ngày qua. Tính đến 8h sáng ngày 24 tháng 1 năm 2022, tổng lượng xe còn chờ tại các cửa khẩu thuộc tỉnh Lạng Sơn là 355 xe, giảm gần 4000 xe so với ngày 24/12/2021.
Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục trao đổi với các Bộ, ngành và địa phương Trung Quốc về các giải pháp cụ thể nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới trước và sau Tết Nguyên đán.
Thảo luận