Cách đây vài ngày, Facebook đã chặn việc đăng các bài mới trên trang Sputnik tiếng Ả Rập. Như đã nêu trong thông báo, quyền truy cập vào trang đã bị hạn chế "vì lý do bảo mật trong một vài ngày." Khi liên hệ với bộ phận hỗ trợ của Facebook, câu trả lời là không cụ thể, chỉ đề cập đến danh sách Tiêu chuẩn cộng đồng của mạng xã hội: "Hạn chế được đưa ra do khả năng không tuân thủ các chính sách của chúng tôi".
Sputnik tiếng Ả Rập rơi vào tình huống như thế này lần đầu tiên, vì các bài được đăng trên trang gần đây không bị gắn cờ là vi phạm Tiêu chuẩn cộng đồng.
Điều gì đang diễn ra trong không gian thông tin? Vì sao sự việc nói trên đã xảy ra? Và nó nói lên điều gì? Sputnik đã có cuộc phỏng vấn nhà quốc tế học Nguyễn Minh Hoàng về chủ đề này.
Hành động “bịt miệng kẻ khác” bằng quyền lực của mình
Sputnik: Bất chấp những nỗ lực lặp đi lặp lại từ phía Sputnik tiếng Ả Rập để có được lời giải thích cho quyết định nói trên, Facebook đã chỉ giới hạn câu trả lời bằng việc xác nhận việc chặn "một số tính năng", liệt kê các lý do chung cho việc áp đặt các hạn chế đó.
Theo ông, vì sao Facebook đã chặn trang này trong thời điểm hiện tại? Những lý do đưa ra không có cơ sở, vậy lý do chính là gì?
Nguyễn Minh Hoàng, nhà quốc tế học:
Sau vụ khủng bố 11/9/2001 và suốt từ đó đến nay, người Mỹ luôn “nhạy cảm” với các vấn đề có liên quan đến người Ả Rập, bởi có tới trên 95% dân cư các quốc gia nói tiếng Ả Rập theo Hồi giáo. Thậm chí như Afghanistan có thể được coi là một quốc gia “Hồi giáo toàn tòng” với trên 99% dân số theo đạo Hồi.
Kể từ khi Mỹ buộc phải rút khỏi Afghanistan sau 20 năm loay hoay không biết làm gì ở “Nghĩa địa của các đế chế” (danh hiệu mà giới nghiên cứu lịch sử thế giới đặt cho Afghanistan); dường như đã có sự trở lại của các phong trào Jihad (Thánh chiến) nhưng với các hoạt động bớt cực đoan hơn và mục tiêu thì rõ ràng hơn. Đó là hạn chế, tiến tới đẩy lùi ảnh hưởng của Mỹ ra khỏi khối các nước Hồi giáo.
Lý do rất rõ ràng có thể nhận ra rằng, đây là sự tranh giành ảnh hưởng của truyền thông giữa Mỹ và Nga trên nền tảng mạng xã hội Facebook. Tuy Facebook luôn tuyên bố về tính khách quan, trung lập của họ nhưng trong 10 năm gần đây, đặc biệt là khi xảy ra các sự kiện ở Syria, ở Iran, ở Thổ Nhĩ Kỳ, ở bán đảo Triều Tiên..., Facebook giám sát rất kỹ lưỡng các thông tin về Liên Xô, về Nga cũng như về các thành viên có tư tưởng thân Nga, muốn khôi phục sự thật về vai trò của Liên Xô trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai cũng như hồi ức, kỷ niệm của nhiều người trên thế giới ca ngợi chế độ Xô -Viết, chế độ xã hội chủ nghĩa.
Thậm chí một số nhóm, diễn đàn, người sử dụng trên Facebook có tư tưởng này đã bị khóa hoặc ít nhất cũng bị gây khó dễ với lý do chung chung như: vi phạm bản quyền, vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng... Một số sự việc tương tự cũng đã diễn ra trên nền tảng mạng xã hội hình ảnh Youtube. Trong đó có nhiều kênh chống các thế lực phản động, thù địch với Việt Nam, với Nga và một số nước khác cũng từng bị “dựng lên đổ xuống” nhiều lần.
Từ những động thái này, có thể thấy người Mỹ đã “rút kinh nghiệm” sâu sắc trong suốt 20 năm họ có mặt ở Afghanistan, 12 năm có mặt ở Iraq cũng như trong thời gian họ can dự vào Syria, khi Facebook và một số nền tảng mạng xã hội khác đã trở thành một kênh truyền dẫn các tư tưởng chống Mỹ, bài phương Tây. Đặc biệt là các trang mạng bằng tiếng Ả Rập đã từng trở thành nơi truyền đi các mệnh lệnh của trùm Al Qaeda* Osama Bin Laden, của trùm IS* Al Baghdadi và nhiều thủ lĩnh Hồi giáo thánh chiến khác. Đó có thể là một hành động phòng ngừa từ xa của người Mỹ.
Với việc chặn nói trên những người Ả Rập sử dụng Facebook không thể truy cập thông tin của Sputnik tiếng Ả Rập. Từ đây, có thể thấy người Mỹ, thông qua Facebook, muốn cắt đứt hay chí ít cũng hạn chế người Nga, người Ả Rập... thể hiện tư tưởng của họ trên Facebook. Động thái này không khác gì một sự bạo hành trên không gian mạng mà nói trắng ra, đó là hành động “bịt miệng kẻ khác” bằng quyền lực của mình. Đây chính là dấu hiệu khởi đầu của một cuộc chiến thông tin do Mỹ, một “đế quốc truyền thông” lợi dụng độc quyền trên không gian mạng khởi xướng. Điều này cũng không có gì lạ bởi chính cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump còn bị Facebook và Twitter “bịt miệng” chứ đừng nói đến các đối tượng khác mà Mỹ không ưa. Chiến tranh nóng chưa diễn ra. Nhưng chiến tranh truyền thông thì đã leo thang.
Trọng điểm cạnh tranh chiến lược giữa Nga và Mỹ hiện nay vẫn là Châu Âu
Sputnik: Theo ông thì việc chặn Sputnik tiếng Ả Rập đăng các bài mới trên Facebook có liên quan tới căng thẳng Nga - phương Tây hiện nay hay không?
Nguyễn Minh Hoàng, nhà quốc tế học:
Điều này chắc chắn là có! Người Mỹ rất hiểu ảnh hưởng của Nga đối với “Thế giới Hồi giáo”. 30 năm sau khi Liên Xô sụp đổ, nước Nga đã lấy lại được phần lớn sức mạnh, đặc biệt là về quân sự-quốc phòng và khôi phục phần lớn quan hệ tốt với các bạn bè truyền thống. Trong đó có các nước sử dụng ngôn ngữ Ả Rập và đặc biệt là các nước OPEC đang cùng với Nga hợp thành OPEC+.
Đây chỉ là sự liên quan gián tiếp. Bởi trọng điểm cạnh tranh chiến lược giữa Nga và Mỹ hiện nay vẫn là Châu Âu, nơi mà hai bên đã từng trong tình thế từ Đồng minh chống phát xít trở thành những bên đối địch trong suốt hơn 45 năm. Nhưng dù sao, đó cũng là biện pháp “phòng xa” của Mỹ. Sau những thất bại liên tiếp ở Iraq, ở Syria, ở Afghanistan, ở Kazakhstan hình ảnh của Mỹ tại khu vực Tây Nam Á, Trung Á và Trung Đông đang suy giảm nghiêm trọng. Trong khi đó thì ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc tại những vùng này ngày càng lớn.
Hạn chế đối với Sputnik tiếng Ả Rập chứng tỏ ảnh hưởng mang tính toàn cầu của kênh này
Sputnik: Trang https://arabic.sputniknews.com/ đã hoạt động từ tháng 2 năm 2015 và quy tụ một đội ngũ quốc tế gồm hàng chục nhà báo đến từ Ai Cập, Syria, Iraq, Palestine, Lebanon, Tunisia và Nga. Trang này có gần 14 triệu lượt xem mỗi tháng, khoảng 296 nghìn lượt khách truy cập trung bình hàng ngày (tính đến tháng 12 năm 2021 theo Google Analytics). Khán giả Facebook của Sputnik tiếng Ả Rập vượt quá hai triệu người.
Việc hạn chế thông tin có chứng tỏ ảnh hưởng tích cực của Sputnik tiếng Ả rập?
Nguyễn Minh Hoàng, nhà quốc tế học:
Khi quyết định đưa quân vào Syria để hỗ trợ cho chính quyền của Tổng thống Bashar Al Assad, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin từng cho biết, nước Nga cần làm những gì mà kẻ địch sợ hãi. Trong bộ máy truyền thông của Nga với Sputnik là một trong các tập đoàn truyền thông hàng đầu, mảng tiếng Ả Rập là một không gian đặc biệt quan trọng sau mảng tiếng Anh bởi đơn giản là có tới hơn một tỷ dân trên thế giới từ bờ Đại Tây Dương ở Châu Phi qua Trung Đông, Trung Á tới Đông Nam Á sử dụng tiếng Ả Rập ở các cấp độ khác nhau.
Trên thế giới, tiếng Ả Rập thậm chí còn quan trọng hơn tiếng Trung bởi tiếng Trung chủ yếu dành cho 1,4 tỷ người Trung Quốc ở trong nước, cộng đồng nói tiếng Trung ngoài biên giới Trung Quốc chưa vượt quá con số 65 triệu. Hơn nữa, người Trung Quốc sinh sống ở nước ngoài hầu như không có những tư duy cực đoan. Vì thế, đó không phải là mối đe dọa lớn.
Vì vậy, việc Facebook đưa ra các hạn chế đối với kênh truyền thông tiếng Ả Rập của Sputnik một mặt chứng tỏ ảnh hưởng mang tính toàn cầu của kênh này, mặt khác chứng tỏ rằng người Mỹ đang ở trong trạng thái “kinh cung chi điểu”, có nghĩa là “nhớ hòn tên đạn, sợ làn cây cong”. Và tất nhiên, cũng không loại trừ một việc quan trọng là sau bao nhiêu năm “thả nổi” mạng xã hội vì nghĩ rằng mình đã làm bá chủ thiên hạ và mặc kệ cho giới truyền thông tự phong cho mình cái “quyền lực thứ tư” thì giờ đây, Mỹ bắt đầu hiểu rằng khi họ “thả con chó ra” để cắn thiên hạ” thì nó cũng có thể quay lại “cắn mình” bất cứ lúc nào.
Thiết kế và xây dựng một hệ thống mạng xã hội toàn cầu tương đương với Facebook là điều đặc biệt cấp bách
Sputnik: Ông có ý kiến gì về việc Nga cần phải có một mạng xã hội ngang tầm với Facebook, hiện nay có VK, nhưng chủ yếu chỉ người Nga sử dụng nó?
Nguyễn Minh Hoàng, nhà quốc tế học:
Chính giới Việt Nam cũng đã đặt vấn đề này khi người láng giềng Trung Quốc đã có “Sina Webo” của họ có tính năng tương đương với Google hay trang mạng “Baidu” (Bách độ) tương đương với Wikipedia. Còn người Nga thì đã có trình tìm kiếm Yandex của riêng mình và không phụ thuộc vào các nền tảng của Mỹ và phương Tây. Chúng ta cũng đã từng chứng kiến EU thất bại cay đắng như thế nào khi hệ điều hành Lotus của họ bị Google, với sự tiếp sức của chính phủ Mỹ đánh bại ngay trên “sân nhà”.
Việc thiết kế một trình tìm kiếm, tra cứu đối với người Nga không khó và họ đã làm được. Người Trung Quốc cũng làm được điều này. Nhưng quan trọng hơn là tính phổ dụng. Ở khía cạnh này, kẻ đi trước sẽ có lợi khi chiếm lĩnh thị trường trước các đối thủ. Cả Nga và Trung Quốc đều chậm chân hơn Mỹ và phương Tây. Ở đây, sự phổ dụng của ngôn ngữ được sử dụng chiếm ưu thế. Đó là lý do để giải thích rằng, tuy người Nga có một trình tìm kiếm, truy cập của riêng mình là Yandex, nhưng việc phổ cập truy cập không lớn trên không gian mạng do Google đã hầu như chiếm lĩnh tuyệt đối thị trường. Trang mạng xã hội VK cũng rơi vào tình trạng tương tự, không cạnh tranh được với Facebook.
Đây là một cuộc cạnh tranh không cân sức khi những người sử dụng máy tính và không gian mạng trên thế giới hầu hết đều phụ thuộc vào “ông chủ Microsoft” và bây giờ, phục thuộc vào các nền tảng công nghệ phát sinh của nó. Vì vậy, thiết kế và xây dựng một hệ thống mạng xã hội toàn cầu ngang tầm với Facebook là điều đặc biệt cấp bách, không chỉ với Nga mà còn đối với các quốc gia không nằm trong quỹ đạo của Mỹ và phương Tây.
Sputnik: Chân thành cảm ơn ông Nguyễn Minh Hoàng.
* Tổ chức khủng bố bị cấm ở Nga.