Cụ thể, theo công bố mới nhất của Brand Finance, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, xếp thứ 130 trong danh sách CEO bảo vệ thương hiệu tốt nhất thế giới (Brand Guardianship Index 2022).
Thứ hạng bất ngờ của ông Lê Đăng Dũng
Vừa qua, Brand Finance, công ty chuyên định giá thương hiệu hàng đầu thế giới, đã công bố bảng xếp hạng Brand Guardianship Index 2022.
Trong danh sách mới công bố của Brand Finance, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, nguyên Quyền chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel đứng thứ 130.
Với thứ hạng cao bất ngờ này, ông Lê Đăng Dũng của Việt Nam xếp trên rất nhiều lãnh đạo của các thương hiệu nổi tiếng thế giới khác như Volkswagen, Coca - Cola, LG, Red Bull, Nestlé…
Đáng chú ý, ở lĩnh vực viễn thông, ông Lê Đăng Dũng đứng thứ 4, chỉ xếp sau lãnh đạo của Verizon, Etisalat và STC.
Để xếp hạng Chỉ số Giám hộ Thương hiệu năm 2022, Brand Finance thực hiện một cuộc khảo sát với hơn 1.000 nhà phân tích thị trường và nhà báo về danh tiếng của các nhà lãnh đạo. Khảo sát đã được tiến hành vào tháng 11-12/2021.
Trong bảng xếp hạng CEP bảo vệ thương hiệu tốt nhất thế giới năm nay, tỷ phú Jeff Bezos đứng thứ 2 trong số những CEO nổi tiếng nhất thế giới nhưng danh tiếng không phải là tất cả vì không có “CEO celebs” nào lọt vào danh sách 10 vị giám hộ thương hiệu hàng đầu, theo Brand Finance.
Tỷ phú Jeff Bezos chỉ đứng thứ 73 trong số 100 người bảo vệ thương hiệu hàng đầu thế giới. Trên thực tế, người giàu nhất hành tinh Jeff Bezos đứng thứ hai trong số những CEO nổi tiếng nhất thế giới, sau Mark Zuckerberg và xếp trên Tim Cook của Apple cũng như Elon Musk (Tesla).
Lãnh đạo của Mastercard Ajay Banga chính là “quán quân” về đổi mới công nghệ và tài chính – được vinh danh là CEO bảo vệ thương hiệu tốt nhất toàn cầu.
Cũng theo khảo sát thống kê của Brand Finance, chỉ 8 trong số 100 CEO hàng đầu là nữ giới, trong đó CEO của Tapestry Joanne Crevoiserat là người có uy tín nhất trong số 100 CEO hàng đầu hiện nay.
Theo thống kê của Brand Finance, 100 CEO hàng đầu có độ tuổi trung bình là 57 tuổi và được trả lương trên 20 triệu đô la Mỹ một năm.
Theo lý giải của Brand Finance, danh phận “CEO nổi tiếng” nhất đánh giá về mức độ “quen mặt thuộc tên” của nhà lãnh đạo trong Chỉ số bảo vệ thương hiệu năm 2021, tuy nhiên, sự nổi tiếng không phải là tất cả, vì không ai trong số các CEO nổi tiếng toàn cầu lọt vào top 10 CEO bảo vệ thương hiệu hàng đầu thế giới tốt nhất.
Các CEO như Jeff Bezos đã được công chúng biết đến nhờ sự thành công và sức hút rộng rãi của loạt thương hiệu mà họ xây dựng, bảo vệ, cũng như sự sẵn lòng cởi mở trước công chúng, nhưng có một số lượng đáng kể các Tổng giám đốc điều hành toàn cầu ít được biết đến hơn lại đạt điểm cao hơn nhiều nhờ vào các tuyên bố khác liên quan đến danh tiếng và khả năng quản trị tiêu biểu cho những nhà lãnh đạo, bảo hộ thương hiệu doanh nghiệp tuyệt vời nhất.
Sự trỗi dậy của các thương hiệu Trung Quốc
Trong khi đó, ở bảng xếp hạng 500 thương hiệu 2022 (Brand Finance Global 500) TikTok được vinh danh là Thương hiệu phát triển nhanh nhất thế giới và được đánh giá là có sức mạnh truyền thông đột phá.
Trong khi đó, Apple giữ vững danh hiệu thương hiệu có giá trị nhất thế giới với mức định giá kỷ lục hơn 355 tỷ đô la Mỹ, tiếp theo là Amazon và Google.
“TikTok mới gia nhập đã được vinh danh là thương hiệu phát triển nhanh nhất thế giới, tăng 215%, dẫn đầu cuộc cách mạng toàn cầu về tiêu dùng phương tiện truyền thông”, theo Brand Finance.
Đồng thời, công ty định giá thương hiệu hàng đầu thế giới cũng cho rằng, công nghệ vẫn là ngành có giá trị nhất, trong khi các ngành hàng bán lẻ xếp thứ hai vượt mốc 1 nghìn tỷ USD sau khi tăng trưởng giá trị thương hiệu 46% trong đại dịch COVID-19 vừa qua.
Việc phát triển vaccine COVID-19 cũng chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của các hãng dược phẩm. Đây được coi là ngành phát triển nhanh nhất, trong khi lĩnh vực du lịch vẫn ở dưới mức trước đại dịch
Đặc biệt, Mỹ và Trung Quốc tiếp tục thống trị bảng xếp hạng khi chiếm 2/3 giá trị thương hiệu trong bảng xếp hạng của Brand Finance.
Trong khi Ấn Độ có tốc độ tăng trưởng các thương hiệu nhanh nhất - tăng 42%- trong quá trình xảy ra đại dịch trong số các quốc gia dẫn đầu.
Mạng xã hội WeChat của Trung Quốc được xác định là thương hiệu mạnh nhất thế giới (năm thứ hai liên tiếp) với số điểm cao nhất là 93,3 trên 100 và xếp hạng AAA + xuất sắc.
Tổng giám đốc điều hành của Microsoft Satya Nadella dẫn đầu trong Brand Finance Brand Guardianship Index 2022 (Chỉ số CEO bảo vệ thương hiệu tốt nhất năm 2022) trong danh sách 250 CEO hàng đầu thế giới vừa được công bố.
Thành công của ông Lê Đăng Dũng ở Viettel
Như Sputnik đã thông tin, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, sinh năm 1959, quê quán tại tỉnh Quảng Trị, là kỹ sư Tự động hóa & điều khiển từ xa, thạc sĩ Kỹ thuật điện tử - viễn thông của Việt Nam.
Ông Lê Đăng Dũng chính thức dấn thân vào nghiệp binh đoàn từ khi trở thành học viên Học viện Kỹ thuật Quân sự - thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam. Đơn vị này có nhiệm vụ đào tạo chuyên gia khoa học kỹ thuật và công nghệ, chỉ huy tham mưu kỹ thuật (trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ) cho Quân đội Việt Nam và nhà nước cũng như đảm trách các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ quân sự, kết hợp nghiên cứu với triển khai ứng dụng, chuyển giao công nghệ với sản xuất và thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của Bộ Quốc phòng, toàn quân.
Từ năm 1977-1983, ông Lê Đăng Dũng theo học chuyên ngành tự động và điều khiển từ xa Trường đại học kỹ thuật điện Leningrad, thuộc Liên Xô (cũ). Từ năm 1993 đến năm 1996, ông Dũng theo học thạc sĩ tại Trường đại học South Australia, Úc.
Từ ngày 1/11/1996 đến 20/11/1999, ông Lê Đăng Dũng về công tác tại Ban Viễn thông - Phòng Kỹ thuật TCT - Tổng Công ty Điện tử thiết bị thông tin, nay là Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel).
Cũng như Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng có thể được coi là một trong những cán bộ nòng cốt ‘đời đầu’ của Tập đoàn Viettel, những cái tên làm nên lịch sử vẻ vang của một trong những doanh nghiệp Nhà nước hàng đầu Việt Nam.
Từ năm 1999 đến năm 2000, ông là Phó trưởng phòng Đầu tư và Phát triển Công ty Điện tử Viễn thông Quân đội Viettel và Trưởng phòng kể từ năm 2000-2002. Từ năm 2002 đến năm 2005, ông là Phó Giám đốc Công ty Điện tử Viễn thông Quân đội Viettel. Đến tháng 4/2005, ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Công ty Điện tử Viễn thông Quân đội Viettel. Ông Lê Đăng Dũng trở thành Phó Tổng Giám đốc Viettel từ 1/2010, đến năm 2013 được phong quân hàm Thiếu tướng.
Tại Viettel, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng là Thành viên Hội đồng quản trị Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam, thành viên Hội đồng quản trị Công ty Tài chính cổ phần Vinaconex-Viettel (VVFinance), Phó tổng giám đốc phụ trách Đầu tư nước ngoài tại Viettet.
Từ năm 2016 đến 1 tháng 8 năm năm 2018, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc của Tổng công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global).
Hồi 7/2018, tướng Lê Đăng Dũng được bổ nhiệm giữ chức vụ phụ trách Chủ tịch kiêm phụ trách Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel). Đến 23/1/2019, Thủ tướng ký quyết định giao đồng chí Lê Đăng Dũng làm Quyền Chủ tịch kiêm Quyền Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel).
Viettel được đánh giá là một trong những công ty viễn thông có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Năm 2019, Viettel đã trở thành doanh nghiệp thuộc Top 15 công ty viễn thông lớn nhất thế giới về số thuê bao, Top 40 công ty viễn thông lớn nhất thế giới về doanh thu.
Giá trị thương hiệu của Viettel được Brand Finance xác định là 4,3 tỷ USD – thuộc Top 500 thương hiệu lớn nhất trên thế giới và là thương hiệu giá trị nhất tại Việt Nam. Viettel là doanh nghiệp có môi trường làm việc tốt nhất ngành Công nghệ thông tin -Viễn thông Việt Nam năm 2021. Đây là lần thứ năm liên tiếp doanh nghiệp đạt thành công này.
Doanh thu Viettel năm 2021 đạt 274.000 tỷ đồng, tăng trưởng 3,3%, lợi nhuận đạt 40.100 tỷ đồng, tăng trưởng 2% so với năm 2020. Nộp ngân sách gần 32.000 tỷ đồng. Năm qua, giá trị thương hiệu Viettel tăng 32 bậc với giá trị hơn 6 tỷ USD, đứng thứ 325 toàn cầu.
Ở lĩnh vực viễn thông, tại Việt Nam, Viettel vẫn duy trì vị thế dẫn đầu. Đến nay, Viettel là nhà cung cấp phủ sóng 5G lớn nhất với 150 trạm tại 16 tỉnh/thành phố.
Các thị trường viễn thông của Viettel ở châu Phi cũng đạt kỷ lục về tăng trưởng (37%), Mytel xuất sắc vươn lên vị trí số 1 về thị phần (31,5% với 11,2 triệu thuê bao). Đến nay, có 5 thị trường đứng vị trí số 1, bất chấp ảnh hưởng chính biến ở nhiều địa bàn (như tại Myanmar).
Về lĩnh vực nghiên cứu sản xuất và công nghiệp công nghệ cao, năm 2021, Viettel đã triển khai thử nghiệm mạng 5G hoàn chỉnh gồm mạng lõi, mạng truyền dẫn, mạng vô tuyến trên mạng lưới của Viettel đồng thời hoàn thiện hệ sinh thái hạ tầng viễn thông 5G. Ở mảng kinh doanh bán lẻ của Viettel tiếp tục giữ đà tăng trưởng tốt với doanh thu tăng 30%, lợi nhuận tăng 43%.
Thiếu tướng Lê Đăng Dũng đã chính thức nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 1/1/2022, người được Chính phủ bổ nhiệm làm Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel một tài năng khác - Đại tá Tào Đức Thắng.
Đại tá Tào Đức Thắng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel phát biểu tại chương trình
© Ảnh : Quốc Dũng - TTXVN