Hàng không mẫu hạm không bị hư hại và sớm nối lại các chuyến bay. Bộ chỉ huy Hạm đội 7 của Mỹ đang tìm mọi cách trục vớt chiếc tiêm kích bị chìm để thông tin về nó không lọt vào tay tình báo thù địch.
Tình huống căng thẳng
Điều thú vị nhất trong câu chuyện này là vụ việc diễn ra trên tàu sân bay đang tham gia tập trận ở Biển Đông, ngoài khơi bờ biển phía Tây của Philippines. Cùng với USS Carl Vinson còn có một tàu sân bay khác là USS Abraham Lincoln (CVN-72), trên tàu cũng có các máy bay F-35C thuộc Phi đội tiêm kích tấn công 314 của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ.
Nói cách khác, đó là một đơn vị tàu sân bay đầy đủ, được trang bị các máy bay chiến đấu mới nhất vào thời điểm hiện tại. Tiêm kích F-35C đi vào hoạt động từ năm 2019. Phi đội 314 nhận những chiếc F-35C đầu tiên hồi tháng 1/2020.
Sự cố này không chỉ là tai nạn đầu tiên với tiêm kích F-35C mà còn là tổn thất đầu tiên của nó trong điều kiện cận chiến nhất có thể. Ngày 22 tháng 1 năm 2022, cuộc biểu dương lực lượng quy mô lớn bắt đầu diễn ra ở phía Nam Đài Loan, có các tàu chiến của Hạm đội 7 Hoa Kỳ tham gia: các tàu sân bay đã nêu trên, cũng như các tàu đổ bộ USS America và USS Essex. Đoạn video do Hải quân Mỹ đăng tải cho thấy rõ trong đội hình có tàu sân bay Izumo của Nhật Bản. Trên boong hạm đội này có 26 chiếc F-35 cải tiến B và C. Có lẽ, Mỹ chưa từng tập hợp lực lượng hải quân và không quân lớn như vậy ở khu vực này.
Ngày 23 tháng 1 năm 2022, Không quân Trung Quốc đã điều 39 máy bay chiến đấu đến khu vực Đông Nam Đài Loan, gồm 24 máy bay chiến đấu J-16, 10 máy bay chiến đấu J-10 và thậm chí có cả máy bay ném bom phản lực H-6 với khả năng mang vũ khí hạt nhân.
Cả hai bên đều thể hiện tiềm năng chiến đấu của mình. Tuy nhiên, tình hình đang rất căng thẳng và cuộc phô trương lực lượng có thể leo thang thành trận không chiến bất cứ lúc nào.
Rất có thể đó là lỗi của phi công
Cất cánh và hạ cánh trên boong tàu sân bay thường rất rủi ro. Vì vậy, việc đào tạo phi công rất được chú trọng. Phương pháp tiếp cận, chạm xuống và phanh dừng được ưu tiên trong khóa đào tạo này.
Vì vậy, rất hiếm khi xảy ra các sự cố liên quan đến việc máy bay chiến đấu hạ cánh xuống tàu sân bay. Trong lịch sử gần đây của Hải quân Hoa Kỳ, chỉ có thể trích dẫn hai trường hợp. Ngày 8/3/2002, một chiếc F-14A bị rơi khi đang hạ cánh trên tàu sân bay USS John C. Stennis (CVN-74), các phi công đã phóng ghế thoát hiểm. Ngày 15 tháng 8 năm 2007, phi hành đoàn của máy bay phát hiện radar E-2C đã phóng ghế thoát hiểm khi hạ cánh trên boong tàu sân bay USS Harry S. Truman (CVN-75), chiếc máy bay này đã bị rơi xuống biển.
Theo các chuyên gia hàng không, vụ hạ cánh bất thành xảy ra do máy bay va vào mặt sau boong. Nói cách khác, rất có thể nguyên nhân của sự cố là do lỗi của phi công. Lỗi nhỏ, nhưng đủ để làm rơi máy bay. Nguyên nhân rất có thể là do tình hình căng thẳng liên quan đến các chuyến bay dày đặc của hàng không mẫu hạm, cũng như sự hiện diện của máy bay Trung Quốc gần đó. Sự hiện diện của một đối thủ tiềm tàng luôn luôn là tình huống gây lo lắng.
Điều kiện thời tiết hầu như không khiến việc hạ cánh trở nên nguy hiểm hơn bình thường. Ngày 24 tháng 2 năm 2022, sóng biển ở khu vực Biển Đông này ở mức trung bình, khoảng 1,5 mét. Hàng không mẫu hạm không bị sóng đánh rung chuyển. Mức gió cũng vừa phải. Không có báo cáo nào về các vấn đề kỹ thuật. Vì vậy, điều duy nhất còn lại là lỗi của phi công.
Theo những gì có thể nhận định, vụ việc này đã dẫn đến một số bất lợi ở Biển Đông. Truyền thông lập tức chú ý đến vụ tai nạn máy bay. Trong bối cảnh đó, sự kiện biểu dương lực lượng quy mô lớn của cả hai bên đã bị mờ nhạt và thực sự bị lãng quên. Điều này có tác dụng tốt, bởi vì sự chú ý ngày càng tăng đến cuộc đối đầu giữa các lực lượng Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông có thể trở thành nhân tố gây ra leo thang xung đột.