Chấn động: Loạt lãnh đạo và cán bộ Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Việt Nam bị bắt

Thông tin chấn động từ Bộ Công an và Bộ Ngoại giao. Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan, Cục phó Đỗ Hoàng Tùng và loạt cán bộ trực thuộc Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam vừa bị bắt.
Sputnik
Theo tuyên bố chính thức mà cơ quan điều tra Việt Nam công bố, các lãnh đạo và cán bộ Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao này bị khởi tố, bắt giam về hành vi “Nhận hối lộ”, trục lợi từ chuyến bay giải cứu công dân về nước trong đợt dịch Covid-19 vừa qua.

Bắt loạt lãnh đạo và cán bộ Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Việt Nam

Ngày 28/1/2022, Bộ Công an ra thông cáo về việc khởi tố vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra ở Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam, gây chấn động dư luận.
Lần đầu tiên trong lịch sử ngành ngoại giao Việt Nam để xảy ra bê bối trục lợi, nhận hối lộ và có cán bộ lãnh đạo của Cục Lãnh sự bị khởi tố, bắt tạm giam từ việc “kiếm tiền trên chính nỗi đau của công dân mình”.
Vì sao ông Lê Viết Hưng và loạt cán bộ ở Đồng Nai bị bắt?
Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an xác nhận về việc cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã khởi tố và thực hiện lệnh bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Hương Lan, Cục trưởng Cục Lãnh sự cùng 3 bị can vì trục lợi chuyến bay giải cứu công dân về nước.
“Các bị can này bị cáo buộc có hành vi “trục lợi cá nhân khi xét duyệt cho một số công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước”, tướng Tô Ân Xô cho biết.
Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an phát biểu
Hiện sai phạm cụ thể cũng chưa được Bộ Công an nêu rõ chi tiết.
Cụ thể, theo thông báo chính thức từ Bộ Công an, ơ quan An ninh điều tra đã ra quyết định khởi tố và tạm giam đối với Cục trưởng, Cục phó, Chánh Văn phòng và Phó Phòng thuộc Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cùng về tội “Nhận hối lộ”.
Ngày 27/01/2022, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án “Nhận hối lộ" để xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.
Trung tá công an vừa bị bắt về tội “Rửa tiền” ở An Giang là ai?
“Bộ Công an đã ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam cùng về tội “Nhận hối lộ” theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự và Lệnh khám xét đối với 04 bị can”, cơ quan điều tra nêu rõ.
Các lãnh đạo và cán bộ của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao bị khởi tô và bắt tạm giam lần này gồm:
1.
Nguyễn Thị Hương Lan, sinh năm 1974, tại Hà Nội; nghề nghiệp: Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.
2.
Đỗ Hoàng Tùng, sinh năm 1980, tại Hà Nội; nghề nghiệp: Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.
3.
Lê Tuấn Anh, sinh năm 1982, tại Hưng Yên; nghề nghiệp: Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.
4.
Lưu Tuấn Dũng, sinh năm 1987, tại Hà Nội; nghề nghiệp: Phó Phòng Bảo hộ công dân, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.
1 / 3
Bị can Lưu Tuấn Dũng
2 / 3
Bị can Đỗ Hoàng Tùng
3 / 3
Bị can Lê Tuấn Anh
Bộ Công an cho biết, sau khi được Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phê chuẩn, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã thực hiện tống đạt Quyết định khởi tố bị can, thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam, khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với 4 bị can theo lý lịch và tội danh đã viện dẫn nêu trên.
“Hiện vụ án đang được tiếp tục điều tra mở rộng để xử lý nghiêm trước pháp luật”, Bộ Công an khẳng định.
Cùng với đó, cơ quan An ninh điều tra-Bộ Công an thông báo để các cá nhân, đơn vị có liên quan biết, chủ động liên hệ làm việc.

“Ai trục lợi sẽ bị trừng trị”

Trong các tuyên bố chính thức, Việt Nam lên án hành vi trục lợi từ chính các chuyến bay giải cứu công dân về nước, nhất là trong đợt dịch Covid-19 gần 2 năm qua.
Như Sputnik đã thông tin, hôm 20/1/2022, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng đã được yêu cầu bình luận về việc trên báo chí cũng như dư luận gần đây phản ánh nhiều về thực trạng người Việt Nam hồi hương theo các chuyến bay giải cứu phải chi trả số tiền rất lớn, thủ tục khó khăn, nghi vấn có việc trục lợi từ các chuyến bay giải cứu.
Đối với vấn đề này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định, các hành vi trục lợi phải bị trừng trị nghiêm khắc.
“Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng - những hành vi trục lợi tiêu cực, thay đổi tính chất nhân đạo của các chuyến bay giải cứu cần bị lên án trừng trị nghiêm khắc theo quy định của pháp luật”, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết.
Đại diện Bộ Ngoại giao nêu rõ, chủ trương đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu và hoàn cảnh khó khăn về nước là chủ trương đúng đắn và nhân đạo của Đảng và Chính phủ Việt Nam.
Vụ nguyên Trưởng Công an Đồ Sơn Đại tá Trần Tiến Quang bị bắt, có nhận hối lộ?
Đồng thời, điều này cần đặt trong bối cảnh trong nước có những thời điểm hết sức khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Cũng theo bà Hằng, trong quá trình triển khai đưa công dân về nước, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân có nhu cầu về nước, đăng tải công khai minh bạch thông tin về các điều kiện hồ sơ, thủ tục đăng ký trên website chính thức và mạng xã hội.
“Để tránh công dân bị lừa đảo, bị lợi dụng chiếm đoạt tài sản, Bộ Ngoại giao đã khuyến cáo công dân không liên hệ với những cá nhân, tổ chức, các trang thông tin không rõ danh tính, không chính thống, không làm việc qua bất cứ hình thức môi giới trung gian nào”, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng cho hay.
Người phát ngôn cũng dẫn lại quan điểm nhất quán của Chính phủ rằng, ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, với phương châm lấy người dân làm trung tâm, không ai bị bỏ lại phía sau, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các hãng hàng không, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan ở sở tại tổ chức 800 chuyến bay, đưa gần 200.000 công dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có nhu cầu về nước, từ hơn 60 quốc gia/vùng lãnh thổ.
Cùng với đó, nhằm góp phần khôi phục phát triển xã hội, tăng cường hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, đặc biệt đáp ứng nhu cầu đồng bào về quê đón Tết, Bộ Ngoại giao Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, hãng hàng không để tổ chức các chuyến bay đưa người dân về nước theo nguyện vọng của công dân.
Ông Nguyễn Duy Linh bất ngờ thay đổi lời khai, xin trả 5 tỷ đồng nhận hối lộ
Với việc đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, “củi lửa” lan đến tận Bộ Ngoại giao, hành động quyết liệt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ nhằm ngăn chặn các hành vi trục lợi từ chính nỗi đau, sự khó khăn của công dân nước mình sẽ là sự răn đe không nhỏ đối với chính những cán bộ ngoại giao công tác tại các Đại sứ quán, phòng lãnh sự, cơ quan thường trú của Bộ Ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài.
Cùng với Nghị quyết 128 của Chính phủ, tinh thần tự tin mở cửa, thích nghi, thích ứng an toàn với dịch bệnh của Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng như các cấp lãnh đạo Việt Nam, đã đến lúc những chuyến bay giải cứu có thể kết thúc sứ mệnh và vai trò lịch sử của nó.
Hãy để người dân cũng như khách du lịch quốc tế có thể đi và đến Việt Nam với sự trở lại của những đường bay quốc tế thường lệ, môi trường cạnh tranh công bằng, làm việc thông tin công khai, minh bạch, đúng với chiến lược mở cửa, phục hồi và phát triển kinh tế thực chất mà Chính phủ đang thực hiện.
Thảo luận