Trước thông tin nhà máy Nghi Sơn cắt giảm công suất dẫn đến việc giảm nguồn cung xăng dầu tại thị trường nội địa, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có chỉ đạo khẩn với các đơn vị liên quan nhằm ngăn chặn tình trạng găm hàng, khan hiếm hàng của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
PVN đạt thỏa thuận hỗ trợ tài chính cho Lọc dầu Nghi Sơn
Chiều 28/1, bên lề buổi họp báo Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã họp và đề xuất một số giải pháp để tháo gỡ tài chính nhằm giúp Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn tiếp tục hoạt động.
Ông Hải đánh giá cao động thái trên, cho rằng những giải pháp được ban hành sẽ phần nào giải quyết các vấn đề của Nghi Sơn. Trước đó, nhà máy này từng dự kiến phải ngừng hoạt động từ giữa tháng 2 do khó khăn tài chính như Sputnik đã thông tin.
Theo thông báo do PVN đưa ra, tập đoàn đã đàm phán và đạt được thoả thuận với các đối tác nước ngoài gồm Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait (KPE), Công ty Idemisui Kosan Nhật Bản (IKC) và công ty Hóa chất Mitsui Nhật Bản (MCI). Nguyên tắc tái cấu trúc nhà máy do PVN đề xuất đã được chấp thuận. Các bên nhất trí hỗ trợ tài chính ngắn hạn cho Lọc dầu Nghi Sơn bằng cách gia hạn cơ chế RPA.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng đồng ý thanh toán sớm (thực hiện Early Payment) hợp đồng FPOA, tạo điều kiện cho Lọc dầu Nghi Sơn cải thiện dòng tiền, tiếp tục sản xuất trong giai đoạn hoàn thiện phương án tái cấu trúc.
Nhờ những giải pháp trên, Lọc dầu Nghi Sơn sẽ có nguồn kinh phí để tiếp tục hoạt động trong thời gian tới.
Dù vậy, theo một chuyên gia mảng xăng dầu, công suất nhà máy chưa thể ngay lập tức trở về mức 100%, sau một thời gian ngắn cắt giảm 25%. Việc giải ngân và nhập dầu thô cũng mất một thời gian để hoàn thành. Tuy nhiên, mọi chuyện sẽ bớt rối hơn tuần qua.
Là nhà máy cung cấp khoảng 35% thị phần, việc Lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất do khó khăn tài chính đã gây ra lo ngại về nguy cơ đứt đoạn nguồn cung xăng dầu thị trường trong nước.
Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn có vốn đầu tư 9 tỷ USD, đặt tại Khu kinh tế mở Nghi Sơn huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Nhà máy có công suất giai đoạn 1 là 200.000 thùng dầu thô/ngày, tương đương 10 triệu tấn dầu thô mỗi năm. So với nhà máy Lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi), nhà máy Nghi Sơn có công suất gấp đôi.
Bốn liên doanh góp vốn vào nhà máy Nghi Sơn bao gồm Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Công ty Dầu khí Quốc tế Kuwait KPI (Kuwait), Công ty Idemitsu và Công ty Hóa chất Mitsui (Nhật Bản). Nhà máy đi vào vận hành thương mại từ cuối năm 2018.
Thỏa thuận với nhà đầu tư cho phép Lọc dầu Nghi Sơn được hưởng một số ưu đãi, trong đó có thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 70 năm, đồng thời được cấp bù (từ tiền của PVN) giai đoạn 2017-2027 nếu thuế suất áp dụng chung trên thị trường thấp hơn thuế ưu đãi. Nhà máy cũng được miễn 4 năm thuế thu nhập doanh nghiệp.
Sản phẩm của Nghi Sơn được PVN bao tiêu trong 15 năm, với giá mua buôn tương đương nhập khẩu cùng thời điểm, thêm vào ưu đãi thuế nhập khẩu 3-7% tuỳ theo mặt hàng. PVN từng ước tính có thể phải bù lỗ 1,5-2 tỷ đô la Mỹ cho Lọc dầu Nghi Sơn.
Động thái từ Bộ Công Thương
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương đã yêu cầu Lọc dầu Nghi Sơn cung cấp đầy đủ theo hợp đồng với các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Nghị định 95 quy định, nếu bên cung ứng không sản xuất đủ sẽ phải nhập khẩu hoặc tìm nguồn để bù đắp cho lượng thiếu hụt như hợp đồng đã ký.
Bộ Công Thương cũng yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối có thị phần lớn như Petrolimex, PVOil... chủ động tìm nguồn cung, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, tránh đứt đoạn cung ứng xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân. Bộ cũng sẽ nỗ lực điều hành sát thực tiễn để để đảm bảo nguồn cung xăng dầu.
"Hiện nay, chúng ta vẫn đảm bảo được nguồn cung. Chúng tôi cố gắng điều hành mức cao nhất đảm bảo nguồn cung cho xăng dầu tiêu dùng trong nước", Thứ trưởng Hải cho biết.
Trong 1 diễn biến liên quan, để kịp thời ngăn chặn các vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, lập phương án, kế hoạch và phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát chặt chẽ các đơn vị kinh doanh xăng dầu nhằm kịp thời phát hiện các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu.
Bộ trưởng Công Thương đề nghị xử lý nghiêm, kịp thời mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, có thể tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định, cũng như giám sát chặt chẽ các cửa hàng đã bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu.
Bộ trưởng Công Thương yêu cầu Vụ Thị trường trong nước chủ động nắm bắt thông tin, phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến Giấy phép xăng dầu.