Cục CSGT, Bộ Công an: Phạt các trạm thu phí để xảy ra ùn tắc

Lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an khẳng định sẽ xử phạt trạm thu phí để xảy ra ùn tắc.
Sputnik
Theo đó, đơn vị quản lý tuyến đường sẽ bị phạt tối đa 40 triệu đồng nếu để xảy ra ùn tắc, không xả trạm theo yêu cầu có thể bị phạt đến 70 triệu đồng theo Nghị định 100.
Cục CSGT cho rằng, các đợt ùn tắc vừa qua trên cao tốc ở Hà Nội, TP.HCM ngoài việc phương tiện tăng thì có cả trách nhiệm của các trạm thu phí khi chưa chủ động bố trí người, phương án, gây khó khăn cho lực lượng CSGT điều tiết, chống ùn tắc.

Ùn tắc kéo dài, CSGT vất vả

Trong sáng 4/2, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) xác nhận thông tin trên sau khi các tuyến cao tốc ra vào Hà Nội và TP.HCM tiếp tục xuất hiện tình trạng ùn tắc kéo dài tại nhiều trạm thu phí trên các cao tốc trong những ngày nghỉ Tết.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền và Điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT, bộ Công an đã phát đi cảnh báo về tình trạng ùn tắc tại các trạm thu phí trên cao tốc cửa ngõ ra vào Hà Nội và TP.HCM.
Tắc đường kẹt xe, xả 2 trạm thu phí cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây
Theo vị lãnh đạo, từ sáng 2/2 (tức mùng 2 Tết Nguyên đán), trên cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, lượng phương tiện đổ từ nội đô TP.HCM ra các địa bàn lân cận, nhất là hướng về Đồng Nai tăng đột biến, gây xảy ra ùn ứ tại trạm thu phí kéo dài nhiều km trong hàng giờ đồng hồ.
Tình trạng ùn tắc nghiêm trọng nhưng đơn vị quản lý tuyến cao tốc lại không quyết định xả trạm mà vẫn thu phí bằng hình thức thủ công. Phải đến trưa, họ mới buộc phải xả trạm khi tình hình ùn tắc tăng cao, áp lực lưu thông lớn.
Ở thủ đô Hà Nội, tình trạng ùn tắc cũng kéo dài, xảy ra ở làn thu phí thủ công trạm thu phi trên tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho biết, ngoài nguyên nhân lượng phương tiện tăng đột biến do người dân về quê hoặc du xuân, thì các trạm thu phí chưa chủ động bố trí người, phương án để tránh ùn tắc.
Theo đại diện Cục CSGT, điều này gây khó khăn cho CSGT trong việc điều tiết giao thông, phải dùng nhiều biện pháp để chống ùn tắc.
“Các trạm thu phí cũng chưa chủ động bố trí nhân lực, lương án để chống ùn tắc khiến lực lượng CSGT phải vất vả phân luồng, hạn chế tối đa ùn tắc”, Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho hay.

Xử phạt các trạm thu phí để xảy ra ùn tắc

Trước tình trạng này, Đại tá Nhật khẳng định, các đơn vị vận hành nếu tiếp tục để xảy ra ùn tắc sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.
Theo đó, CSGT sẽ căn cứ Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt để xử lý.
Ngoài ra, nếu để xảy ra ùn tắc, tùy theo mức độ tổ chức quản lý, vận hành trạm thu phí đường bộ sẽ bị xử lý mức cao nhất lên đến 40.000.000 đồng (căn cứ khoản 8, Điều 15, Nghị định 100) và nếu khi có yêu cầu xả trạm mà không chấp hành, tổ chức quản lý, vận hành trạm thu phí đường bộ có thể bị phạt lên đến 70.000.000 đồng (căn cứ khoản 9, Điều 15, Nghị định 100).
Hà Nội cấm xe máy: 200 triệu mua được ô tô, đường lại càng tắc
Đại tá Nhật cho hay, để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông, tạo điều kiện cho nhân dân di chuyển an toàn, thông suốt trong dịp trong, sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Cục CSGT đã đưa ra khuyến cáo để tránh ùn tắc, gây nên ùn ứ kéo dài.
Theo đó, đối với người dân trở về các đô thị lớn phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về Giao thông đường bộ, tuân thủ sự hướng dẫn, điều tiết, phân luồng của lực lượng CSGT và các lực lượng chức năng khác.
“Chủ động cập nhật tình hình giao thông và lựa chọn khung giờ, lộ trình di chuyển phù hợp; tránh hoặc hạn chế đi trong khung giờ cao điểm, các tuyến đường có lưu lượng, mật độ phương tiện tham gia giao thông cao”, Cục CSGT lưu ý.
Đối với tổ chức quản lý, vận hành trạm thu phí đường bộ, Cục CSGT lưu ý cần chủ động các phương án, nâng cao tính chuyên nghiệp trong quản lý, điều hành đảm bảo giao thông thông suốt tại các trạm thu phí.
“Sẵn sàng xả trạm khi có yêu cầu của lực lượng CSGT”, đơn vị thuộc Bộ Công an nhấn mạnh.
Riêng đối với các phương tiện container, xe siêu trường siêu trọng, xe tải có khối lượng chuyên chở cho phép từ 3.500 kg trở lên, khi di chuyển ra, vào TP. Hà Nội, TP.HCM trong các ngày 5, 6, 7/2/2022 (tức mùng 5, 6 và 7 Tết), Cục khuyến cáo nên sắp xếp lịch trình phù hợp và di chuyển vào khung giờ từ 20h ngày hôm trước đến 6h sáng ngày hôm sau.
Xử 'ma men', đua xe xưa rồi, CSGT Việt Nam còn tham gia ngăn chặn tội phạm buôn người, bán vũ khí
“Chủ động kiểm tra kỹ thuật an toàn phương tiện và các yếu tố an toàn khác bảo đảm phương tiện không để xảy ra các sự cố, gây tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông trong quá trình tham gia giao thông”, Cục CSGT lưu ý.
Đồng thời, khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên đi làm nhiệm vụ, người tham gia giao thông phải giảm tốc độ, đi sát lề đường bên phải hoặc dừng lại để nhường đường.
Ở Việt Nam, kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần 2022 vừa qua, người lao động được nghỉ 9 ngày, từ 29/1/2022 đến hết 6/2/2022.
Thảo luận