Việt Nam chúc Trung Quốc tổ chức thành công Olympic Mùa đông Bắc Kinh 2022

Nhân dịp khai mạc Olympic Mùa đông Bắc Kinh 2022, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời chúc mừng nồng nhiệt nhất đến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Sputnik
Vào lúc 19h ngày 4/2 (theo giờ Hà Nội), dự kiến lễ khai mạc Olympic Mùa đông Bắc Kinh 2022 sẽ diễn ra tại sân vận động “Tổ chim” ở thủ đô Trung Quốc.
Đạo diễn Trương Nghệ Mưu, người từng làm tổng đạo diễn lễ khai mạc Olympic mùa hè 2008 hứa rằng, lễ khai mạc thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022 cũng sẽ “đi vào lịch sử”.

Olympic Bắc Kinh 2022: Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng ông Tập Cận Bình

Động thái đáng chú ý thể hiện sự nồng ấm và luôn ủng hộ lẫn nhau trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc.
Theo đó, nhân dịp Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022 (Olympic Winter Games Beijing 2022), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có thư gửi Chủ tịch Tập Cận Bình, chúc Trung Quốc tổ chức thành công Olympic và Paralympic Mùa đông Bắc Kinh 2022.
Vào được "bong bóng Olympic" ở Bắc Kinh năm nay đã là một chiến thắng cho các vận động viên
Theo thông báo chính thức từ Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Ngoại giao và các cơ quan chính quyền của Hà Nội, nhân dịp Trung Quốc đăng cai tổ chức Thế vận hội Olympic và Paralympic Mùa đông Bắc Kinh 2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có thư chúc mừng gửi Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình.
“Tôi trân trọng gửi tới đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình lời chúc mừng nồng nhiệt nhất nhân dịp Trung Quốc tổ chức Thế vận hội Olympic và Paralympic Mùa đông Bắc Kinh 2022”, Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.
Nhà lãnh đạo Việt Nam đánh giá đây là sự kiện thể thao quốc tế lớn nhất trong năm, được người hâm mộ trên toàn thế giới trông đợi.

“Đi vào lịch sử”

Olympic Bắc Kinh 2022 sẽ diễn ra ở Bắc Kinh và các thị trấn ở vùng lận cận tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, từ ngày 4–20 tháng 2 năm 2022.
Thủ đô của Trung Quốc cũng là thành phố đầu tiên trên thế giới đăng cai cả Thế vận hội Mùa hè (2008) và Mùa đông (2022). Bên cạnh đó, đây cũng là Thế vận hội Mùa đông lần thứ tư được tổ chức tại châu Á sau các kỳ Thế vận hội Mùa đông 1972 ở Sapporo (Nhật Bản), Thế vận hội Mùa đông 1998 ở Nagano (Nhật Bản) và Thế vận hội Mùa đông 2018 ở Pyeongchang (Hàn Quốc).
Chính quyền Trung Quốc áp dụng nhiều biện pháp phòng chống dịch Covid-19 nghiêm ngặt nhưng vẫn tuyên bố đảm bảo tổ chức thành công thế vận hội Olympic Mùa đông Bắc Kinh 2022 “đơn giản, an toàn và hoành tráng”.
Thế vận hội Olympic trở thành mối đe dọa đối với Trung Quốc
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng thông tin, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ đích thân tham dự lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh 2022 và tổ chức tiệc chiêu đãi các nguyên thủ nước ngoài, lãnh đạo Chính phủ, thành viên hoàng gia cũng như trưởng đoàn các tổ chức, đoàn thể thao quốc tế đến dự Olympic Winter Games Beijing 2022.
Hôm 2/2, chương trình rước đuốc Olympic mùa đông Bắc Kinh 2022 đã diễn ra ở thủ đô của Trung Quốc trong bối cảnh chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình đang nỗ lực tổ chức đại hội thể thao hàng đầu thế giới bất chấp ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 với các biến thể SARS-CoV-2 gây lo ngại trên toàn cầu.
Được biết, đã có hơn 1.000 vận động viên, thành viên ban huấn luyện, ban tổ chức tham dự lễ rước đuốc Olympic qua các khu vực thi đấu ở Bắc Kinh cũng như thành phố Trương Gia Khẩu gần kề ngay trước thềm lễ khai mạc tối nay 4/2/2022. Hành trình đưa ngọn đuốc Olympic đến Bắc Kinh cũng đã được thực hiện từ tháng 10/2021.
Đạo diễn hàng đầu Trung Quốc Trương Nghệ Mưu, người từng làm tổng đạo diễn chương trình khai mạc, bế mạc của Thế vận hội Mùa hè 2008 và Paralympic Bắc Kinh 2008 cũng hứa hẹn rằng, lễ khai mạc Olympic Mùa đông năm 2022 sẽ có những khoảnh khắc tuyệt vời “đi vào lịch sử.
Kể từ năm 2012, Trương Nghệ Mưu tiếp tục làm tổng đạo diễn cho các buổi trình diễn nghệ thuật thực cảnh hàng đầu ở Trung Quốc như Ấn tượng Tây Hồ, Ấn tượng chị Ba Lưu, Rạng rỡ Tương Tây. Olympic Mùa đông 2022 cũng không ngoại lệ.
Theo Hiến chương Olympic, các “thủ tục truyền thống” trong lễ khai mạc dự kiến ​​ bao gồm các bài phát biểu chào đón, kéo cờ và phần diễu hành của các vận động viên với một màn biểu diễn nghệ thuật để giới thiệu văn hóa mùa đông và lịch sử hiện đại của nước chủ nhà. Đây sẽ là cơ hội để Bắc Kinh gây ấn tượng với thế giới.

“Trung Quốc sẽ tổ chức thành công Olympic và Paralympic Mùa đông năm 2022”

Trong thư gửi ông Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Việt Nam cũng cho rằng, thủ đô Bắc Kinh của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa sẽ ghi dấu ấn là thành phố đầu tiên trên thế giới “tổ chức thành công” cả Thế vận hội Mùa hè 2008 và Thế vận hội Mùa đông 2022.
“Chúng tôi tin rằng, ngọn đuốc Olympic được thắp lên trên bầu trời sân vận động Quốc gia Bắc Kinh sẽ là biểu tượng của tinh thần thể thao cao thượng vượt qua mọi biên giới, của ý chí và sức mạnh đoàn kết toàn nhân loại, của niềm tin rực cháy về một thế giới hòa bình, thịnh vượng”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Đề cập ở thư gửi Chủ tịch Tập Cận Bình, người đứng đầu Nhà nước Việt Nam nêu rõ, là láng giềng hữu nghị, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện của Trung Quốc, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn ủng hộ Bắc Kinh.
Việt Nam tạm biệt Olympic mùa đông vì COVID-19
Đồng thời, Việt Nam cũng tin tưởng chắc chắn rằng, với năng lực, kinh nghiệm và lòng quyết tâm mạnh mẽ, sự đoàn kết ủng hộ của người dân trong nước và quốc tế, “Trung Quốc sẽ tổ chức thành công kỳ Olympic và Paralympic Mùa đông năm 2022”.
“Nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần - ngày Tết cổ truyền của hai dân tộc Việt Nam - Trung Quốc, tôi xin gửi tới đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và nhân dân Trung Quốc lời chúc an khang, thịnh vượng, hạnh phúc”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Luôn nhớ đến nhau

Thời gian qua, lãnh đạo hai nước Việt Nam – Trung Quốc đặc biệt nhấn mạnh đến việc tăng cường tình hữu nghị hợp tác tốt đẹp giữa Hà Nội – Bắc Kinh.
Trước đó, như Sputnik đã thông tin, hôm 17/1, nhân kỷ niệm 72 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc (18/01/1950 - 18/01/2022), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trao đổi điện mừng với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Khắc Cường, Ủy viên trưởng Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc Lật Chiến Thư.
Việt Nam – Trung Quốc: Khi những người Cộng sản chúc Tết nhau theo cách đặc biệt
Hôm 25/1, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã trao đổi Thư Chúc mừng Năm mới nhân dịp nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Trong năm 2022 này, hai Tổng Bí thư nhất trí duy trì trao đổi thường xuyên, định hướng quan hệ Việt Nam - Trung Quốc phát triển tốt đẹp theo tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt và đối tác tốt”.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đề nghị các bộ, ngành và địa phương hai nước thực hiện nghiêm túc nhận thức chung cấp cao, đẩy mạnh hợp tác thực chất về kinh tế - thương mại và đầu tư, thúc đẩy giao lưu nhân dân với nhiều hình thức phong phú.
Về y tế, hai bên hợp tác chặt chẽ trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 với tinh thần “tương thân tương ái”, giúp đỡ nhau vào lúc khó khăn. Chính quyền Bắc Kinh hiện vẫn đang theo đuổi chiến lược “Zero Covid” và nỗ lực tổ chức thành công Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022 (Olympic Bắc Kinh 2022).
Có gì trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2021?
Về vấn đề Biển Đông, hai bên nhất trí “kiểm soát và xử lý tốt bất đồng” trên cơ sở đàm phán hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Cả hai nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng đều đồng thuận rằng, đạt được các thỏa thuận trên sẽ góp phần đưa quan hệ láng giềng hữu nghị, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển lành mạnh, bền vững, đáp ứng lợi ích căn bản, lâu dài của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước.
Lãnh đạo chính quyền Hà Nội và Bắc Kinh cũng nhất trí lập trường, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc tốt đẹp, phát triển thực chất, bền vững, tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi đều đóng góp vì hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng của khu vực và thế giới.
Thảo luận