Doanh nghiệp Việt Nam đó không ai khác chính là Công ty Cổ phần (CTCP) Bibica. Mã cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán là BBC. Đằng sau quyết định gây chấn động này chính là ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Tập đoàn PAN.
Kết thúc 13 năm tranh đấu
Theo thông tin từ CTCP Tập đoàn PAN (PAN) vừa công bố, Hội đồng quản trị (HĐQT) CỦA PAN vừa ra nghị quyết về việc phê duyệt phương án chào mua công khai 7,7 triệu cổ phiếu BBC (tương đương 41,06% cổ phần) đang lưu hành còn lại của CTCP Bibica, nâng sở hữu tại doanh nghiệp này lên 100%.
Trước đó vào năm 2021, CTCP Thực phẩm PAN - PAN Food của ông trùm chứng khoán Nguyễn Duy Hưng đã nâng tỷ lệ sở hữu tại Bibica lên trên 50% và trở thành cổ đông lớn nhất, vượt ông lớn Hàn Quốc Lotte Confectionery Co.Ltd (nắm giữ 44,03%).
Theo đó, tập đoàn Hàn Quốc đăng ký bán toàn bộ gần 6,8 triệu cổ phiếu Bibica (tương ứng 44,03%) từ 29/12/2020 - 27/1/2021, thông qua phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận.
Nguyên nhân khiến “cá mập” Hàn Quốc thoái vốn được các chuyên gia đánh giá là do tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 lên nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Lotte.
Đây cũng chính là mục tiêu nâng sở hữu tại Bibica lên 100% của Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng đặt ra 3 năm về trước. Trong năm 2022, “cuộc chiến” kéo dài 13 năm sẽ được chấm dứt hoàn toàn.
Hướng phát triển của Bibica sau khi về tay người Việt
Với “chiến thắng” trước Lotte, Tập đoàn PAN sẽ nắm toàn bộ 100% vốn tại Bibica. Bibica là mảnh ghép quan trọng trong chiến lược 3F (Feed - Farm - Food) của tập đoàn này trong công cuộc khai thác sâu ngành thực phẩm.
Sau khi về một mối cùng với nền tảng sẵn có, Bibica có thể sẽ tập trung phát triển về quy mô sản xuất, tăng doanh số, đẩy mạnh bán hàng, mở rộng thị phần ngày càng lớn mạnh hơn.
Cây thông Noel dưới chân tòa nhà Lotte
© Sputnik / Taras Ivanov
Trong động thái gần đây nhất, Tập đoàn PAN đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu tăng điều lệ, với tổng số cổ phần phát hành thêm tối đa là 235,8 triệu đơn vị, tương đương 2.358 tỷ đồng theo mệnh giá, và gần 7.000 tỷ đồng nếu tính theo thị giá hiện tại.
Trong đó, PAN sẽ phát hành từ nguồn vốn chủ sở hữu (khoảng 86,5 triệu cổ phần), chàào bán giá 15.000 đồng (khoảng 108 triệu cổ phần), chào bán riêng lẻ hơn 41 triệu đơn vị.
Cần lưu ý rằng, trong hai thập kỷ trở lại đây việc cổ đông chiến lược nước ngoài đầu tư sau đó “nuốt trọn” doanh nghiệp Việt Nam diễn ra rất phổ biến. Hay việc bất đồng quan điểm về đường hướng phát triển giữa cổ đông nội - ngoại cũng gây ra căng thẳng như các trường hợp tại Coteccons, API, Tập đoàn Lộc Trời, Vicostone, Everpia, Beton6…
“Cuộc chiến” giữa Bibica và Lotte diễn ra như thế nào?
Năm 2007, CTCP Bibica đặt ra mục tiêu cải thiện tài chính, công nghệ, dây chuyền, cách thức đẩy mạnh xây dựng nhãn hàng cũng như thúc đẩy xuất khẩu sang nhiều nước khu vực châu Á. Do đó, Bibica đã mở rộng cánh cửa đầu tư với “ông lớn” Lotte đến từ Hàn Quốc.
Tuy nhiên, sau khi Lotte tăng cổ phần sở hữu, phía lãnh đạo Bibica bày tỏ sự lo ngại, thậm chí phản ứng gay gắt trước tham vọng thâu tóm và xóa sổ thương hiệu Việt của Lotte.
Cuộc tranh giành lên tới đỉnh điểm vào năm 2012 khi Lotte đề nghị đổi tên Bibica thành Lotte - Bibica và không thành công. Cũng trong giai đoạn này, để tránh bị Lotte thâu tóm, Bibica quyết định bắt tay với PAN và bán 35% cổ phần để làm đối trọng với Lotte trong việc phát triển công ty.
Từ những cáo buộc “nuôi cá mập trong nhà” đến việc rút lui của tập đoàn lớn của Hàn Quốc như Lotte cho thấy sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp Việt trong cuộc chiến trước hết tại thị trường nội địa.
Tiếp đó là kỳ vọng và sự phát triển ra khu vực và thế giới. Đây cũng là động lực đưa nền kinh tế phát triển, thay đổi từ quy mô sang chất lượng.