Trong đó, UNDP đánh giá cao thành công của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, giảm tỷ lệ nghèo đa chiều, cũng như nâng cao mức độ phát triển con người.
UNDP công bố Văn kiện Chương trình quốc gia mới cho Việt Nam
Ngày 4/2 vừa qua, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã chính thức công bố Văn kiện Chương trình quốc gia mới cho Việt Nam (Country programme document for Viet Nam) giai đoạn 2022-2026.
Thông cáo báo chí từ Ban điều hành Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) cho biết, chương trình quốc gia mới dành cho Việt Nam hướng đến mục tiêu tối thượng “vì một Việt Nam xanh, thịnh vượng và không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Đáng chú ý, cùng với việc công bố Văn kiện Chương trình quốc gia mới cho Việt Nam, UNDP cũng ban hành gói tài chính hỗ trợ cho quốc gia Đông Nam Á này lên tới 120 triệu USD.
Trong Văn kiện Chương trình quốc gia mới cho Việt Nam, UNDP đánh giá rất cao những thành quả mà chính quyền Hà Nội đã đạt được suốt thời gian qua.
Về bối cảnh đất nước, UNDP nêu, Việt Nam vẫn là nước có mức thu nhập trung bình thấp. Tuy nhiên, Việt Nam lại là quốc gia đạt được nhiều thành tựu trong tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là được xếp vào nhóm các nước có mức độ phát triển con người cao.
Thành công trong giảm nghèo đa chiều của Việt Nam cũng được nêu bật bên cạnh việc chính quyền Hà Nội cũng vừa bắt đầu nhiệm kỳ lãnh đạo Chính phủ mới.
Cụ thể, trong Văn kiện chương trình quốc gia mới cho Việt Nam, UNDP nhấn mạnh với hơn ba mươi năm (kể từ khi thực thi chính sách Đổi mới 1986) tăng trưởng kinh tế không bị gián đoạn, Việt Nam đã đạt nhiều tiến triển đáng kể trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống của hàng triệu người.
UNDP dẫn chứng cụ thể, tỷ lệ nghèo đa chiều đã giảm từ 8,23% vào năm 2016 xuống còn 4,8% vào năm 2019, với 5,6% dân số có nguy cơ nghèo đa chiều.
“Năm 2019, Việt Nam lần đầu tiên được xếp vào nhóm các nước có mức độ phát triển con người cao, đứng thứ 117 trên tổng số 189 quốc gia, chỉ số Phát triển con người đạt 0,704 điểm”, UNDP nêu bật.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đáng khích lệ này, UNDP cũng thẳng thắn chỉ ra những thách thức hiện nay của Việt Nam.
“ODA tiếp tục giảm. Dân tộc thiểu số chiếm 14,6% dân số nhưng chiếm 90% người nghèo cùng cực. Bất bình đẳng. Điện chủ yếu từ than. Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thiên tai nhất”, Văn kiện của UNDP chỉ rõ.
Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc cho rằng, tình trạng chưa đồng đều về thu nhập, bất bình đẳng về giới và sự phát triển chưa đồng đều giữa các vùng, giữa khu vực thành thị và nông thôn ở Việt Nam vẫn tồn tại.
“Việc phụ thuộc quá mức vào nhiên liệu hóa thạch, sự suy thoái môi trường, hệ sinh thái và đa dạng sinh học đang góp phần làm Việt Nam mất đi cơ hội phát triển kinh tế bền vững”, UNDP phân tích nguy cơ việc đất nước phụ thuộc quá nhiều vào điện than.
UNDP sẽ giúp Việt Nam những gì?
Theo nội dung Văn kiện chương trình quốc gia mới cho Việt Nam, UNDP cam kết sẽ giúp Việt Nam phát triển bền vững, xanh và cải thiện chất lượng cuộc sống người dân ngày càng tốt hơn.
Dựa trên đánh giá độc lập Chương trình quốc gia của UNDP (ICPE) tại Việt Nam giai đoạn 2017-2021 thực hiện trong năm 2020, trong giai đoạn hỗ trợ mới 2022-2026 UNDP nhấn mạnh cam kết sẽ hỗ trợ, chia sẻ các kinh nghiệm về “tư duy lãnh đạo các vấn đề cốt lõi”.
Nỗ lực của UNDP nhằm kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững, Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu và Phát triển Con người, dựa trên lý thuyết thay đổi được xây dựng chung làm nền tảng cho Chương trình chung về Hợp tác phát triển bền vững của Liên hợp quốc (tức Chương trình Hợp tác), đóng góp cho Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2021-2025 của Việt Nam thời gian tới.
Chương trình quốc gia mới của UNDP cũng đặt mục tiêu đến năm 2026, người dân Việt Nam sẽ đóng góp và hưởng lợi từ chuyển đổi kinh tế bền vững, toàn diện, đáp ứng giới hơn, môi trường an toàn và sạch hơn và một xã hội công bằng, an toàn và bao trùm hơn cho tất cả người dân Việt Nam.
Về các nhóm mục tiêu cụ thể, liên quan đến đích “xây dựng sự thịnh vượng chung thông qua chuyển đổi kinh tế” chương trình quốc gia của UNDP hướng đến mục tiêu năm 2026, người dân Việt Nam, đặc biệt là những người có nguy cơ bị bỏ lại phía sau, sẽ đóng góp và hưởng lợi một cách công bằng từ các chuyển đổi kinh tế bền vững, toàn diện.
UNDP hy vọng ở Việt Nam cũng sẽ đáp ứng mục tiêu bình đẳng giới tốt hơn dựa trên sự đổi mới, để những người có nguy cơ bị bỏ lại phía sau có cơ hội làm chủ kinh doanh, nâng cao năng suất, khả năng cạnh tranh và công việc thỏa đáng, tránh xảy ra hiện tượng bất bình đẳng trong xã hội.
Để làm điều này, UNDP sẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng các cơ chế tạo điều kiện cho các nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là người nghèo, phụ nữ dân tộc thiểu số và người khuyết tật có thể tiếp cận việc làm bền vững, cải thiện sinh kế.
UNDP cùng với Chính phủ Việt Nam sẽ có các lựa chọn chính sách dựa trên bằng chứng nhằm hỗ trợ việc chuyển đổi kinh tế theo hướng bền vững hơn, bao trùm hơn và có tính nhạy cảm giới, cùng với phương án tài chính. Chương trình Phát triển LHQ cũng hy vọng hình thành hệ thống an sinh xã hội mang tính bao trùm, nhạy cảm giới và ứng phó hiệu quả với các cú sốc tại Việt Nam.
Đối với vấn đề lớn như “biến đổi khí hậu, tăng cường khả năng chống chịu với thiên tai và môi trường bền vững”, UNDP đặt mục tiêu rằng, mọi người dân Việt Nam, đặc biệt là những người có nguy cơ bị bỏ lại phía sau, sẽ được hưởng lợi và đóng góp vào môi trường an toàn, sạch hơn.
Điều này sẽ được hiện thực hóa từ việc Việt Nam giảm thiểu tác động cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và xây dựng khả năng chống chịu, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, cung cấp năng lượng sạch, tái tạo cũng như quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên của đất nước.
Để thực hiện chương trình, UNDP sẽ hỗ trợ Việt Nam về các giải pháp đổi mới sáng tạo và tăng cường khả năng chống chịu được triển khai nhằm giảm thiểu rủi ro từ thiên tai, biến đổi khí hậu và sức khỏe đối với các đối tượng dễ bị tổn thương.
UNDP cũng sẽ xây dựng các chính sách và giải pháp về chuyển đổi sang phát triển carbon thấp, kinh tế tuần hoàn và bảo vệ môi trường được xây dựng và triển khai.
Chương trình cũng đồng thời đưa ra các giải pháp và thực hành nhạy cảm giới, bền vững và sáng tạo trong lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, du lịch dựa vào thiên nhiên.
Về “quản trị công”, UNDP đặt mục tiêu đến năm 2026, người dân ở Việt Nam, đặc biệt là những người có nguy cơ bị bỏ lại phía sau, sẽ được hưởng lợi và đóng góp vào một xã hội công bằng, an toàn và bao trùm hơn dựa trên nền tảng quản trị công tốt hơn.
UNDP kỳ vọng ở Việt Nam sẽ có “thể chế có tính phản hồi hơn”, pháp quyền được tăng cường, bảo vệ và tôn trọng các quyền con người, bình đẳng giới, thoát khỏi mọi hình thức bạo lực và phân biệt đối xử phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
UNDP mong rằng Chính phủ Việt Nam sẽ xây dựng các thể chế và hệ thống pháp quyền được củng cố nhằm nâng cao khả năng tiếp cận công lý và chống phân biệt đối xử, trong đó tập trung vào các nhóm dễ bị tổn thương.
“Có các cơ chế nâng cao tính minh bạch, sự tham gia của cộng đồng, tính liêm chính, khả năng thích ứng, trách nhiệm giải trình, có sự tham gia của phụ nữ và các nhóm dễ bị tổn thương khác được tăng cường”, theo Văn kiện của UNDP.
Đặc biệt, UNDP sẽ hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực dự báo mang tính nhạy cảm giới và quản trị rủi ro được hỗ trợ nhằm tăng cường an ninh con người, xử lý khủng hoảng trong tương lai và duy trì hòa bình.
Cơ quan này cũng cho hay, năng lực của các bên liên quan được tăng cường để nâng cao nhận thức và tiến hành cải cách chính sách, luật pháp và thể chế nhằm giảm thiểu các rào cản về bình đẳng giới và sự hòa nhập của người khuyết tật.
Lãnh đạo UNDP cũng cho biết, tiếp nối các kết quả của chương trình trước đây, ưu tiên của chương trình quốc gia mới cho Việt Nam của UNDP là hỗ trợ phát triển năng lực thiết kế và thực hiện chính sách dựa trên nguyên tắc quản trị AAA (tức Tiên lượng, Thích ứng, Nhanh nhạy) để giải quyết những thách thức phức tạp và ứng phó với những vấn đề mới.
Việc này sẽ được thực hiện thông qua thu thập và phân tích dữ liệu nhằm giải quyết những hình thức nghèo đa chiều mới, đặt thiên nhiên và môi trường vào vị trí trung tâm của phát triển kinh tế; thúc đẩy số hóa và đổi mới toàn diện, lấy con người làm trung tâm; xem xét lại các lựa chọn chính sách và điều chỉnh chính sách cho phù hợp với thực tế; thử nghiệm và nhân rộng các mô hình triển khai thành công, phát triển các nền tảng nhằm nâng cao khả năng hoạch định tài khóa và huy động nguồn lực.
“Việt Nam đang ở thời điểm quan trọng”
Thông tin về Văn kiện chương trình quốc gia mới cho Việt Nam giai đoạn 2022-2026 với gói tài chính hỗ trợ hơn 120 triệu USD của UNDP, bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam lưu ý nhiều vấn đề.
Theo bà Wiesen, Việt Nam hiện đang ở thời điểm quan trọng với những nỗ lực phục hồi từ đại dịch Covid-19.
Cũng theo đại diện UNDP, Việt Nam đang có cơ hội tạo ra tăng trưởng một cách bền vững, bao trùm và cung cấp nhiều việc làm cho người dân.
“Với Chương trình Quốc gia 5 năm mới của UNDP, chúng tôi mong muốn tăng cường hợp tác hơn nữa với Việt Nam trong nỗ lực xóa bỏ tình trạng nghèo dai dẳng và xây dựng các lộ trình tiến tới đạt mức phát thải ròng bằng ‘0’ (net zero) và đạt được các Mục tiêu phát triển quốc gia bền vững”, bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh.
Theo Trưởng Đại diện thường trú UNDP ở Việt Nam, Văn kiện Chương trình quốc gia cũng mô tả cách thức Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc sẽ thúc đẩy đổi mới và chuyển đổi các hệ sinh thái để thực hiện các mục tiêu quan trọng.
“Chúng tôi mong muốn hợp tác chặt chẽ với tất cả các đối tác nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh và bao trùm, trong đó những người dễ bị tổn thương nhất được trao quyền với những cơ hội và khả năng chống chịu cao hơn ở Việt Nam”, bà Wiesen khẳng định.
Mới nhất, cuối tháng 1 vừa qua, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và tổ chức WorldShare đã ký Thỏa thuận hợp tác hỗ trợ xây mới thêm 73 ngôi nhà an toàn chống chịu bão, lụt cho các hộ dân nghèo bị ảnh hưởng nặng nề sau những trận bão tại tỉnh Quảng Bình. Đây là đợt hỗ trợ thứ hai, đợt 1, chương trình đã xây mới 39 căn và ban giao cho các hộ nghèo ven biển ở Lệ Thủy từ năm 2020.
Một nghiên cứu gần đây về nhu cầu nhà ở có khả năng chống chịu bão lụt mà UNDP thực hiện với Bộ Xây dựng, hơn 110.000 hộ dân vẫn sống trong tình trạng không có nhà ở an toàn trên 28 tỉnh ven biển, trong đó, có hơn 25.000 hộ dân ở các huyện ven biển.
Do đó, UNDP, WorldShare cùng các cơ quan ban ngành của Việt Nam mong nhanh chóng xây xong 73 ngôi nhà trước mùa mưa bão tháng 6 năm nay và ngày càng giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam hơn.