Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã có cuộc điện đàm về CHDCND Triều Tiên vào ngày 9 tháng 2. Họ lên án các vụ phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên, nhấn mạnh các vụ thử này gây mất ổn định an ninh trong khu vực và vi phạm nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trong khi đó, các bộ trưởng không có phản ứng trước lời kêu gọi của Bình Nhưỡng từ bỏ chính sách thù địch, dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và không tiến hành các cuộc tập trận chung đe dọa an ninh CHDCND Triều Tiên. Điều này có nghĩa là ''bộ ba'' vẫn chưa sẵn sàng đáp lại những lo ngại của Bình Nhưỡng, và việc loại bỏ mối lo ngại này có thể kích hoạt cuộc đối thoại giữa Bắc Triều Tiên với Washington.
Các cách tiếp cận sáng tạo để tương tác với CHDCND Triều Tiên
Cuộc họp cấp bộ trưởng là bước chuẩn bị cho cuộc tham vấn của những người đứng đầu các cơ quan đối ngoại Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc vào thứ Bảy tại Hawaii. Hãng thông tấn Yonhap dẫn lời các quan chức ở Seoul đưa tin: Antony Blinken, Yoshimashi Hayashi và Jung Eui-yong có kế hoạch tìm ra cách tiếp cận "sáng tạo" để thống nhất hành động với Bắc Triều Tiên. Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, Konstantin Asmolov, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên thuộc Viện Viễn Đông đã đưa ra đánh giá rất thấp về cơ hội đạt được tiến bộ trong việc giải quyết vấn đề tên lửa và hạt nhân của Bắc Triều Tiên sau các cuộc tham vấn ba bên tại Hawaii:
“Hoa Kỳ tuyên bố sẵn sàng đối thoại với CHDCND Triều Tiên vào bất kỳ lúc nào và ở bất kỳ đâu. Ở Bắc Triều Tiên người ta đang nói về sự vô nghĩa của cuộc đối thoại nếu Hoa Kỳ không từ bỏ việc bôi nhọ đất nước. Nghĩa là để Bình Nhưỡng bắt đầu đối thoại, Washington phải làm một điều gì đó rất quan trọng, thậm chí có thể gây tổn hại đến danh tiếng. Vì vậy, tại Hawaii, một lần nữa sẽ là việc lên án CHDCND Triều Tiên và nói về cách xây dựng chính sách trong điều kiện mới. Trên thực tế, có thể coi lệnh cấm Bắc Triều Tiên phóng tên lửa tầm trung đã hoàn thành. Và bây giờ vẫn chưa rõ: liệu CHDCND Triều Tiên có tạm dừng lại và chờ xem xét phản ứng hay không, hay liệu ''tỷ giá'' có tăng hay không. Trong khi Thế vận hội Bắc Kinh đang diễn ra, các vụ phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên đang tạm dừng và sau khi kết thúc, có thể có các phương án khác nhau. Đồng thời, một tháng nữa Hàn Quốc có bầu cử tổng thống mới, nên ý kiến của ngoại trưởng nước này tại cuộc đàm phán Hawaii không còn quan trọng. Và Hoa Kỳ khó có thể nới lỏng các lệnh trừng phạt, vì một tổng thống như Biden không thể làm được những điều phi thường, và vì đối với ông, Bắc Triều Tiên là một “chế độ chuyên chế” mà không thể thương lượng bất cứ điều gì”.
Họp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc
Việc sử dụng cơ chế trừng phạt trong quan hệ quốc tế đã trở thành chủ đề thảo luận vào ngày 7 tháng 2 tại một cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Nga gọi các biện pháp trừng phạt đơn phương là sự xâm phạm chủ quyền và can thiệp vào công việc nội bộ của các nước. Phó đại diện thường trực thứ nhất Liên bang Nga tại Liên hợp quốc Dmitry Polyansky lưu ý việc sử dụng các biện pháp trừng phạt như một vũ khí trừng phạt là không thể chấp nhận được. Đây là một trong những hình thức phản ứng mạnh mẽ nhất đối với các mối đe dọa về hòa bình, chúng phải được sử dụng rất cẩn thận, nhà ngoại giao Nga lưu ý.
Đến lượt mình, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield bày tỏ lo ngại một số thành viên Hội đồng Bảo an gọi các biện pháp trừng phạt đơn phương là bất hợp pháp. Theo lời bà, các biện pháp trừng phạt do các quốc gia riêng lẻ áp đặt là một công cụ hợp pháp và hiệu quả để phản ứng lại một số hành động.
Có vẻ như sự thiếu linh hoạt trong lập trường của Mỹ và việc chính trị hóa cơ chế trừng phạt sẽ vẫn là một trong những trở ngại lớn để giảm căng thẳng xung quanh CHDCND Triều Tiên. Trước hết là quá trình phi hạt nhân hóa, và sau đó là dỡ bỏ các lệnh trừng phạt không phải là giải pháp cho vấn đề mà Bình Nhưỡng sẽ theo đuổi, Jin Xiangdong,chuyên gia tại Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Hạ Môn nói trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, khi bình luận về cuộc họp của các Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Mỹ và Bắc Triều Tiên sớm muộn gì cũng phải đi đến thỏa thuận
Đồng thời, tình hình xung quanh vấn đề hạt nhân Iran cho thấy, như trường hợp của CHDCND Triều Tiên, các bên không còn lựa chọn nào khác là giải quyết những khác biệt thông qua đàm phán, từ bỏ áp lực mạnh và trừng phạt. Wang Qun, đại diện thường trực của Trung Quốc tại Văn phòng Liên hợp quốc ở Vienna, hôm thứ Ba cho biết: các cuộc đàm phán để đưa Mỹ và Iran tuân thủ trở lại Kế hoạch hành động toàn diện chung về chương trình hạt nhân của Iran đang tiến tới giải pháp cuối cùng. Đồng thời, nhà ngoại giao ghi nhận nỗ lực của Hoa Kỳ và châu Âu, trong việc đệ trình một gói đề xuất giải quyết các vấn đề còn tồn tại, cũng như quyết định gần đây của Hoa Kỳ rút lại các lệnh trừng phạt đối với một số dự án của Iran trong lĩnh vực nguyên tử hòa bình, bao gồm cả lò phản ứng nước nặng ở Arak. Bắc Kinh cho rằng đây là bước đi đúng đắn để giải quyết vấn đề.
Ý kiến trong bài viết là quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Sputnik.