Chuyên gia Sergey Savchuk viết, thông báo chung của hai cơ quan của Anh: Cơ quan Điều tiết Hạt nhân và Cơ quan Bảo vệ Môi trường xác nhận thông tin này. Họ đã đánh giá và cấp phép cho Trung Quốc để xuất khẩu vào thị trường năng lượng nội địa ở Anh. Gói tài liệu này có thể được coi là văn bản đầu hàng. Bây giờ có thể nói rằng, cuộc xâm nhập hạt nhân của Trung Quốc vào một trong những quốc gia phương Tây bảo thủ và chống cộng nhất thành công vang dội.
Quá trình hợp tác giữa các nhà khoa học hạt nhân Trung Quốc và Vương quốc Anh rất giống những bộ phim truyền hình nhiều tập của Mỹ Latinh với những âm mưu xấu xa và vụ bê bối.
Hãy nhìn vào số liệu thống kê chính thức
Cuộc khủng hoảng năng lượng trên quần đảo Anh không phải là một hiện tượng mới mẻ, nó đã bất đầu rất lâu trước khi đại dịch bùng phát. Người Anh cố tình giết chết ngành than của họ và bắt đầu chuyển năng lượng quốc gia sang đường ray xanh một cách thái quá, điều này đã gây ra hậu quả đáng buồn bị London che giấu cẩn thận.
Trong hai mươi năm qua, mức tiêu thụ điện của Vương quốc Anh giảm đáng kể và đều đặn. Năm 2000, ngành công nghiệp, các hộ gia đình, ngành giao thông vận tải và các lĩnh vực khác của nền kinh tế Anh đã tiêu thụ 329 terawatt giờ. Năm 2020, con số này chỉ là 278 terawatt giờ, với mức sụt giảm lớn nhất được ghi nhận trong lĩnh vực công nghiệp - âm 32 terawatt giờ. Tức là, chúng ta chứng kiến quá trình phi công nghiệp hóa nền kinh tế địa phương, được chính phủ Anh che đậy cẩn thận, khi những cơ sở công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng nhất bị đóng cửa hoặc chuyển sang châu Á, chẳng hạn đến Trung Quốc. Đó là một nghịch lý, nhưng, với mức tiêu thụ sụt giảm mạnh như vậy, nhập khẩu điện ở Anh không những không giảm mà ngược lại còn cho thấy mức tăng trưởng đều đặn. Trong cùng giai đoạn 2000-2020, sản lượng điện nhập khẩu đã tăng từ 14 GWh lên 24,5 GWh. Vào giữa thập kỷ trước, chính quyền Anh bắt đầu suy nghĩ về những phương pháp bịt lỗ hổng tài chính- năng lượng này.
Người Anh đặt cược vào Trung Quốc và những mưu toan của Washington
Lĩnh vực hạt nhân của Anh - đây là 5 nhà máy điện hạt nhân - thuộc sở hữu hoàn toàn của tập đoàn Pháp Électricité de France (EDF) và sản xuất 1/10 lượng điện ở xứ sở sương mù. Sẽ là hợp lý nếu cho rằng, Vương quốc Anh, quốc gia quyết định hồi sinh ngành điện hạt nhân của mình, nên hướng tới Pháp, nhưng, điều này đã không xảy ra. Nói cho đúng hơn, tập đoàn AREVA của Pháp đã có khả năng trở thành một trong những ứng viên tham gia đấu thầu, nhưng, hóa ra người Pháp đã đánh mất năng lực kỹ thuật của họ, và do đó Tổng công ty điện hạt nhân Trung Quốc đã tham gia dự án cùng với EDF. Trung Quốc có kinh nghiệm thực tiễn trong việc xây dựng lò phản ứng, nhờ đó họ đã nhận được cổ phần của mình trong các dự án xây dựng tổ máy điện hạt nhân tại ba nhà máy điện hạt nhân. Đây là một phần ba trong toàn bộ chương trình hạt nhân quốc gia của Anh, bao gồm việc xây dựng mười nhà máy điện hạt nhân.
Électricité de France
© AFP 2023
Nhưng, chính trị lớn lại can thiệp. Ngay sau khi CGN mua lại cổ phần trong các nhà máy điện tương lai, một cuộc chiến thực sự đã nổ ra tại Quốc hội Anh. Các nghị sĩ đảng Bảo thủ rất muốn thu hồi giấy phép và cấm Tổng công ty điện hạt nhân Trung Quốc tham gia dự án. Ngay cả lời kêu gọi trực tiếp từ Électricité de France chỉ ra rằng công ty không thể hoàn thành các dự án mà không có sự tham gia của phía Trung Quốc, cũng không giúp ích được gì.
Tất nhiên, Washington cũng đã can thiệp. Nhà Trắng, nơi Joe Biden đã định cư vào thời điểm đó, đã tấn công London bằng tất cả sức mạnh của bộ máy ngoại giao, đưa ra tối hậu thư, đòi Trung Quốc phải rút khỏi Anh. Để giải thích sự lo lắng tột độ của mình, Washington lập luận rằng, việc triển khai các lò phản ứng của Trung Quốc "sẽ làm suy yếu an ninh của Anh và làm tăng sự phụ thuộc của nước này vào Trung Quốc". Nếu bạn có vẻ đã nghe thấy lập luận này ở đâu đó, thì bạn không nghe nhầm đâu. Thay thế từ "lò phản ứng" bằng "ống dẫn khí" và "Anh" bằng "Đức" và sẽ thấy, đây là đường ống dẫn khí Nord Stream 2 của Nga.
Whitehall đã chống lại bằng tất cả khả năng của mình, nhưng, vào tháng 9 năm ngoái, London buộc phải nhượng bộ trước áp lực bên trong và bên ngoài và đã hủy bỏ giấy phép của CGN. Bắc Kinh gửi bức công hàm chính thức vì Vương quốc Anh đã vi phạm mọi quy tắc thị trường khi đuổi Bắc Kinh khỏi dự án, và cảnh báo rằng hành động của phía Anh sẽ khiến quan hệ song phương xuống mức thấp nhất trong lịch sử. Hoa Kỳ đã xoa tay hài lòng, trong khi đó cuộc khủng hoảng năng lượng đang gia tăng ở nước Anh. Giá điện liên tục phá kỷ lục. Chính phủ Anh lên cơn sốt vì một loạt vụ bê bối. Còn dự án hạt nhân vẫn đứng yên, bởi vì người Mỹ không đưa ra bất cứ phương án nào để thay thế các lò phản ứng của Trung Quốc.
Cuối cùng, cho dù tình đoàn kết chính trị của nước Anh với nước đồng minh ở bên kia đại dương mạnh mẽ đến đâu, nhưng, mỗi người tự lo chiếc ví của mình, do đó, các sự kiện tiếp theo gần như phi nước đại. Các cơ quan quản lý của Anh đã khôi phục tất cả các giấy phép, cơ quan giám sát của Pháp European Utility Request đã chứng nhận lò phản ứng Hualong-1, qua đó xác nhận lò phản ứng này tuân thủ tất cả các yêu cầu của Châu Âu về an toàn vận hành và môi trường. Mới đây, các cơ quan quản lý của Anh đã cấp tất cả các tài liệu cần thiết.
Đây là một ví dụ hoàn hảo về những thủ đoạn và hành vi của Hoa Kỳ cũng như về thực tế rằng, cường quốc này không có gì để cung cấp ngay cả cho những đồng minh trung thành nhất. Nhờ thỏa thuận này, Trung Quốc sẽ không chỉ bỏ vào túi hơn 50 tỷ bảng Anh (đây là tổng ngân sách ước tính của ba nhà máy điện hạt nhân), mà còn sẽ cắm lá cờ hạt nhân của mình trên đảo Anh, mà lá cờ này không thể bị cuốn theo chiều gió chính trị nào.