Đây là lần đầu tiên Việt Nam cử chiến hạm tham dự sự kiện Diễn tập Hải quân đa phương MILAN do Ấn Độ tổ chức.
Việc Hải quân Việt Nam cử tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard 3.9 mang số hiệu 016 – Quang Trung sang Ấn Độ dự MILAN 2022 tập trận cùng với Hải quân Nga, Bộ Tứ Quad và các nước Tây Á được kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực hàng hải, tăng cường sức chiến đấu và củng cố quan hệ quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ.
Việt Nam cử tàu chiến đến Ấn Độ dự cuộc tập trận MILAN 2022
Hải quân Việt Nam tham gia Diễn tập Hải quân đa phương tại Ấn Độ.
Theo đó, chiều 15/2, tàu hộ vệ tên lửa 016 - Quang Trung, thuộc Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân đã rời Quân cảng Cam Ranh, Khánh Hòa, lên đường sang Ấn Độ.
Đoàn công tác chiến hạm 016- Quang Trung được dẫn đầu bởi Đại tá Nguyễn Văn Ngân, Phó Tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân rời Quân cảng Cam Ranh, sau khi thực hiện nghi lễ chào cảng, đã lên đường sang Ấn Độ tham dự Diễn tập Hải quân đa phương MILAN 2022 tại thành phố Visakhapatnam từ ngày 25/2 đến 4/3, theo thông tin từ Bộ Quốc phòng và Quân chủng Hải quân.
“Chuyến đi của đoàn nhằm mục đích củng cố và tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp giữa quân đội và Hải quân Việt Nam với Ấn Độ”, thông tin từ Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết.
Chuyến hải trình đặc biệt này của chiến hạm 016 – Quang Trung cũng đồng thời nằm trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Ấn Độ.
Lần đầu tiên Hải quân Việt Nam tham gia MILAN
Đại tá Nguyễn Văn Ngân chia sẻ trước khi tàu Quang Trung khởi hành đi Ấn Độ cho biết, bất chấp khó khăn do dịch bệnh, Hải quân Việt Nam vẫn quyết tâm tham gia sự kiện, nhằm ủng hộ đối các hoạt động đa phương quốc tế do Hải quân Ấn Độ tổ chức.
Chuyến đi này của tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard 3.9 mang số hiệu 016 – Quang Trung là lần đầu tiên Việt Nam cử chiến hạm tham dự Diễn tập MILAN. Năm 2020, Việt Nam từng cử tàu và lực lượng tham dự nhưng sự kiện bị hủy do dịch bệnh.
“Đây là lần đầu tiên Việt Nam cử chiến hạm tham dự sự kiện Diễn tập Hải quân đa phương MILAN do Ấn Độ chủ trì tổ chức”, Đại tá Ngân nhấn mạnh.
Được biết, diễn tập MILAN năm nay có chủ đề “Tình bạn-Gắn kết-Hợp tác”, được tổ chức nhằm thúc đẩy hợp tác, trao đổi chuyên môn, tích lũy kinh nghiệm và nâng cao khả năng phối hợp hiệp đồng giữa Hải quân các nước trên biển.
Truyền thông Ấn Độ - như tờ The Hindu hôm 12/2 cho biết, có tổng cộng 46 quốc gia được mời tham gia cuộc tập trận chung MILAN 2022 và đã có hơn 35 nước khẳng định sẽ cử tàu chiến và đại diện Hải quân tham gia.
Diễn tập MILAN 2022 được tổ chức tại các địa điểm trên bờ và khu vực biển phía Đông thành phố Visakhapatnam, Ấn Độ. Lực lượng Hải quân các nước được mời bao gồm tất cả những quốc gia ven biển Ấn Độ Dương và các quốc gia từ Đông Nam Á.
MILAN 2022 năm nay sẽ có sự tham gia của tất cả các quốc gia thuộc Nhóm Bộ Tứ (Quad), lần đầu tiên Hoa Kỳ cử tàu chiến tham dự. Bên cạnh đó, bất chấp căng thẳng Nga – Ukraina, Hải quân Nga cùng đại diện Tây Á đều được Hải quân Ấn Độ mời dự cuộc tập trận đa phương quy mô lớn này.
Vì tình hình dịch bệnh, nước chủ nhà Ấn Độ đã quyết định hủy Lễ khai mạc, lễ diễu binh đường phố và một số hoạt động bên lề khác.
Việt Nam tham gia nhiều nội dung diễn tập tại MILAN 2022
Theo Bộ Quốc phòng, ở giai đoạn trên bến, sự kiện sẽ bao gồm các hoạt động bao gồm trình diễn thiết bị cứu hộ tàu ngầm, hội thảo hàng hải, trao đổi chuyên môn, Làng văn hóa MILAN, các hoạt động giao lưu thể thao, tham quan văn hóa.
Ở giai đoạn trên biển, sự kiện sẽ có các chương trình diễn tập chung bao gồm: Thông tin liên lạc, vận động đội hình, tiếp tế trên biển, tiếp tế đường không, thực hành thủy nghiệp…
Các nước có nhu cầu còn có thể tham gia diễn tập tác chiến như bắn mục tiêu đối hải, đối không tầm thấp, tác chiến chống ngầm, diễn tập chiến thuật trên biển…
Lần này, Việt Nam sẽ đăng ký tham gia các hoạt động phù hợp trong khuôn khổ sự kiện, tùy vào tình hình thực tế và đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch.
Tàu 016-Quang Trung và đoàn công tác Hải quân Việt Nam sẽ tham dự các nội dung như trao đổi về chuyên môn; hội thảo hàng hải; giao lưu sĩ quan trẻ các nước; diễn tập vận động hội hình cho sĩ quan canh; diễn tập cứu người rơi xuống nước; diễn tập tiếp cận tiếp tế trên biển; vận động đội hình mặt quạt và chụp ảnh từ trên cao.
Đáng chú ý, trong khuôn khổ diễn tập còn diễn ra các hoạt động giao lưu văn hoá, ẩm thực, thể thao nhằm tăng cường sự hiểu biết, gắn kết giữa cán bộ, thuỷ thủ hải quân các nước.
“Cuộc diễn tập góp phần thúc đẩy hợp tác, trao đổi chuyên môn và nâng cao khả năng phối hiệp đồng giữa Hải quân các nước trong các hoạt động đa phương quy mô lớn trên biển”, Bộ Quốc phòng nhấn mạnh.
Tăng cường hợp tác quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ
Thông qua cuộc diễn tập này, Hải quân Việt Nam có thể nâng cao khả năng phối hợp hiệp đồng trong ứng phó với các thách thức chung về an ninh hàng hải; tăng cường tình hữu nghị, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữ các nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.
Đây là dịp để Hải quân Việt Nam huấn luyện đi biển đường dài, nâng cao năng lực tổ chức chỉ huy hiệp đồng, khả năng sẵn sàng chiến đấu, trình độ thao tác làm chủ vũ khí, trang bị của bộ đội trong điều kiện hoạt động dài ngày trên biển.
Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Hải Quân Việt Nam tích lũy kinh nghiệm tham gia và tổ chức các sự kiện quốc tế, tổ chức trinh sát, nắm tình hình các vùng biển trên hành trình.
Diễn tập MILAN được tổ chức lần đầu tiên bởi Hải quân Ấn Độ vào năm 1995 với sự góp mặt của hải quân 4 nước. Đến hiện tại, Ấn Độ đã 10 lẫn tổ chức sự kiện này. Năm 2018, có 17 nước tham gia Diễn tập MILAN và Việt Nam đã cử đoàn quan sát viên.
Cũng theo Quân chủng Hải quân, thông qua việc tích cực tham dự các hoạt động đa phương quốc tế, Hải quân Việt Nam thể hiện sự ủng hộ, trách nhiệm của Quân đội nhân dân Việt Nam trong việc giữ vững sự ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.