Theo các nhà phân tích, số tiền này tương đương với hai phần trăm GDP thế giới. Phần lớn số tiền đó chi cho việc khai thác khoáng sản (620 tỷ USD), nông nghiệp (520 tỷ USD), cung cấp nước (320 tỷ USD) và lâm nghiệp (155 tỷ USD). Trong thực tế, số tiền nói trên có thể còn cao hơn nhiều.
Theo các tác giả nghiên cứu Doug Koplow và Ronald Steenblik, việc cấp kinh phí cho những dự án như vậy là trái với Thỏa thuận Paris, đồng thời gây trở ngại cho việc phấn đấu đạt được các mục tiêu về khôi phục đa dạng sinh học, chống sụt lún đất và phá rừng bằng kinh phí nhà nước. Tuy nhiên, họ cho rằng một phần đáng kể trong số 1,8 nghìn tỷ USD nói trên có thể được chi để hỗ trợ các nguồn năng lượng "xanh" thay thế, có lợi cho môi trường hơn và bảo vệ thiên nhiên, thay vì "tài trợ cho sự tuyệt chủng của bản thân chúng ta".
Họ kêu gọi chính phủ các nước trên thế giới đồng ý ủng hộ mục tiêu loại bỏ dần các khoản tài trợ có hại cho môi trường vào cuối thập niên này tại một hội nghị về đa dạng sinh học sẽ được tổ chức ở Trung Quốc vào cuối năm 2022. Bà Elizabeth Mrema, người đứng đầu bộ phận đa dạng sinh học của LHQ, cho biết việc loại bỏ các khoản kinh phí hoặc chuyển hướng tài trợ cho các lĩnh vực hoạt động “xanh” hơn sẽ giải phóng được 711 tỷ USD mỗi năm, số tiền có thể chi cho việc phục hồi môi trường và trung hòa carbon.