Tất nhiên, không chỉ có mình ông Tuấn bị tố đăng bài ở tạp chí mạo danh. Thực tế, có nhiều đơn tố cáo xung quanh lùm xùm về đăng báo khoa học quốc tế đối với nhiều ứng viên xin xét chức danh GS, PGS năm 2021. Điều đáng nói là, số lượng bài báo khoa học “có vấn đề” tăng đột biến.
Scandal mới nhưng vấn nạn cũ
Kết quả công bố chức danh giáo sư, phó giáo sư của Hội đồng Giáo sư nhà nước năm nay có nhiều phần tranh cãi, đặc biệt là nhiều lùm xùm, thậm chí có thể coi là “scandal” và “vấn nạn” về các trường hợp báo đăng phi pháp, giả mạo tăng đột biến.
Gần đây, mạng xã hội đang xôn xao với nhiều ý kiến hoài nghi về một “scandal” mới liên quan đến một số bài báo của các ứng viên đăng ký xét duyệt công nhận chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) ở Việt Nam. Sự thật nào đằng sau những câu chuyện lùm xùm này?
Sau khi Hội đồng Giáo sư nhà nước công bố danh sách ứng viên được hội đồng ngành, liên ngành đề nghị công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS. Tuy nhiên, sau đó lại xuất hiện nhiều đơn thư tố cáo, phản ánh rằng, nhiều ứng viên không xứng đáng, thậm chí còn đăng cả loạt bài trên tạp chí giả mạo, không phù hợp.
Theo GS Ngô Việt Trung, thành viên Hội đồng ngành Toán học, Hội đồng Giáo sư Nhà nước, đã lên tiếng trên nhiều diễn đàn về scandal này.
Ông Trung cũng gửi thư đề nghị Hội đồng Giáo sư Nhà nước cho rà soát lại việc xét công nhận GS, PGS ở các Hội đồng ngành, không chỉ bởi chất lượng công bố quốc tế của một số ứng viên “có vấn đề” mà còn có “biểu hiện vi phạm liêm chính khoa học” ở nhiều ứng viên.
Trước đó, những ngày qua, trên Facebook xôn xao thông tin PGS Nguyễn Minh Tuấn có bài báo “Phòng chống những kẻ cơ hội chính trị ở Việt Nam hiện nay” lại đăng trong một tạp chí chuyên về giáo dục toán học và máy tính của Thổ Nhĩ Kỳ (Turkish Journal of Computer and Mathematics Education - Turcomat) khi xét chức danh giáo sư năm 2021.
GS. Ngô Việt Trung cho rằng PGS Tuấn đã công bố công trình trên các tạp chí mạo danh.
Theo ông Trung, kiểm tra sơ bộ cho thấy Hội đồng biên tập tạp chí này chỉ có 4 người, đứng đầu là TS Đinh Trần Ngọc Huy (theo giới thiệu là giáo sư về ngân hàng và tài chính ở TP.HCM), 3 người còn lại có chuyên môn kỹ thuật hoặc tài chính, không liên quan gì đến giáo dục toán học và máy tính, và tất cả đều không làm việc ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Bên cạnh việc nêu thêm một số yếu tố có tính chuyên môn khác nữa, GS Ngô Việt Trung nhấn mạnh, hành vi này của PGS Nguyễn Minh Tuấn là chưa phù hợp.
“Rõ ràng đây là một tạp chí mạo danh”, GS. Ngô Việt Trung nhấn mạnh.
Ngoài bài báo trên Turcomat, ông Tuấn còn đăng trong tạp chí PalArch về khảo cổ học ở Ai Cập và Ai Cập học, một tạp chí có Tổng biên tập và Phó tổng biên tập đều là người Thái Lan.
Ông Trung chỉ ra rằng, một người có chuyên môn về quản trị kinh doanh, người kia về hành chính công (và ghi địa chỉ làm việc ở Trường Đại học D.T).
Đồng thời, toàn bộ các bài báo của số báo mà ứng viên Nguyễn Minh Tuấn đăng bài không liên quan gì đến khảo cổ.
Với những dữ liệu cơ sở này, GS Ngô Việt Trung khẳng định PalArch cũng là một tạp chí mạo danh.
“Ngoài ra, ứng viên Nguyễn Minh Tuấn còn đăng bài trên một số tạp chí “quốc tế” có nguồn gốc không rõ ràng và không có ban biên tập”, GS. Ngô Việt Trung nói thẳng.
Đồng quan điểm với GS. Trung, TS. Dương Tú, ĐH Purdue, Mỹ cũng cho rằng, đây là những tạp chí giả mạo. Điển hình như Turcomat là một tạp chí đã giả mạo tên, mã ISSN và toàn bộ thông tin nhận diện của một tạp chí khác.
Theo TS. Tú, tạp chí này do Karadeniz Technical University (KTU), một ĐH công của Thổ Nhĩ Kỳ, xuất bản từ năm 2009. Đồng thời, tạp chí gốc vốn được xuất bản trên DergiPark, một nền tảng chung của nhiều tạp chí ở Thổ Nhĩ Kỳ, tại địa chỉ https://dergipark.org.tr/en/pub/turkbilmat.
Đến năm 2018, Turcomat lần đầu tiên lọt vào danh mục Scopus, nhưng chỉ 2 năm sau đó nó đã bị loại với lý do quan ngại về hành vi xuất bản bất thường. Sau đó, KTU đã quyết định chấm dứt hoạt động của tạp chí này.
“Ngày 25/12/2020, một kẻ nào đó đã nhanh tay đăng ký tên miền turcomat.org và mạo danh tạp chí của KTU đã ngừng hoạt động để bắt đầu trò lừa đảo”, ông Tú nói với Thanh Niên.
7/8 bài đăng trên tạp chí phi pháp?
Theo ông Phạm Văn Thịnh, công tác tại Trường ĐH Thủ Dầu Một, người đã phát hiện hàng loạt nhà khoa học Việt Nam đăng bài ở các tạp chí giả mạo, mạo danh để có có thành tích công bố quốc tế khi làm hồ sơ xét GS, PGS, phổ biến là các ngành trong lĩnh vực khoa học xã hội - nhân văn.
Ông Thịnh có kinh nghiệm thường xuyên kiểm tra hoạt động xuất bản bài báo khoa học của các cán bộ, giảng viên trong đơn vị.
Sau khi Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố danh sách ứng viên được các Hội đồng Giáo sư cơ sở đưa lên, ông Thịnh đã lên diễn đàn Liêm chính khoa học kêu gọi nhà nước ngừng việc xét GS, PGS năm 2021 với lý do “hàng trăm bài báo đăng trên các tạp chí phi pháp, giả mạo ở nước ngoài được kê khai trong hồ sơ ứng viên chức danh GS, PGS năm 2021”.
Trả lời báo chí, vị này nhấn mạnh, số lượng bài báo đăng ở các tạp chí phi pháp, giả mạo ở nước ngoài trong hồ sơ ứng viên năm 2021 tăng phi mã so với hồ sơ ứng viên năm 2020.
Theo ông Thịnh, nếu như với đợt xét năm 2020, bài báo giả mạo và phi pháp chủ yếu có trong hồ sơ ứng viên ở các HĐ triết học - chính trị học, giáo dục học, thì năm 2021 đã lan sang nhiều ngành như tâm lý học, luật học, y dược, kinh tế… (dù các ngành triết học, chính trị vẫn chiếm ưu thế).
Theo ông Thịnh, Hội đồng Giáo sư Nhà nước “đá bóng” cho Hội đồng ngành và Hội đồng cơ sở về đảm bảo chất lượng bài báo và tạp chí nhưng không có hướng dẫn và tiêu chí cụ thể.
Trong khi, Hội đồng ngành và Hội đồng cơ sở không đủ năng lực kiểm tra, phát hiện các tạp chí bất hợp pháp, giả mạo và “đá bóng” cho Hội đồng GSNN với lý do là chưa có khuyến cáo gì về việc xem xét các tạp chí bất hợp pháp, giả mạo này.
Đối với trường hợp như của ông Tuấn, ông Thịnh khẳng định, 8 bài báo quốc tế uy tín mà ứng viên này kê khai trong hồ sơ thì có 7 bài đăng ở các tạp chí hoạt động phi pháp, giả mạo ở nước ngoài.
PGS Nguyễn Mạnh Tuấn nói gì?
Thông tin với báo chí về scandal báo khoa học giả mạo này, PGS.TS ngành Chính trị học Nguyễn Minh Tuấn cho biết, ông không quan tâm đến những gì mạng xã hội nói.
“Việc mạng xã hội nói này nói kia là họ nói, còn tôi chỉ trông chờ vào việc làm rõ của cơ quan nhà nước. Nếu được thì tốt, còn nếu không được tính thì sẽ bị loại ra”, ông Tuấn nói.
Theo ông, bài báo Phòng chống những kẻ cơ hội chính trị ở Việt Nam hiện nay đã không được tính. Tính trên tạp chí WoS (ISI) và Scopus, ông đã có 8 bài gửi hội đồng xét.
“Tôi là ứng viên, khi lần đầu viết trên tạp chí quốc tế cũng lúng túng”, ông Tuấn cho hay
Theo PGS Nguyễn Minh Tuấn, trong quá trình mình viết, có những bài loại bỏ, có những bài chưa thật phù hợp thì hội đồng xem xét, sẽ gạt ra. Như bài viết bàn về vấn đề chính trị đăng trên tạp chí chuyên về giáo dục toán học và máy tính, chưa phù hợp nên bị loại.
Bình luận với Tuổi Trẻ về việc vì sao dù biết nội dung bài viết và tên tạp chí không phù hợp sẽ bị loại nhưng tại sao bài báo vẫn đưa vào danh sách để xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, ông Tuấn lý giải vì không có quy định buộc phải đăng trên tạp chí nào cả.
“Đây cũng là lỗi của quy chế quy định, chỉ nói bài được đăng trên tạp chí, về những nội dung của mình, mà tôi viết chính trị xã hội”, vị này nói.
Theo ông, không quy định bắt đăng thế này thế kia. Ví dụ ở Việt Nam buộc đăng Tạp chí Xây dựng Đảng, Tạp chí Lý luận chính trị..., những tạp chí được quy định vào danh mục tính điểm.
“Còn đối với Scopus (chỉ số bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế) không quy định thì cứ đăng tính được cũng tốt, không được thì thôi”, ông Tuấn cho biết thêm.
Vị chuyên gia về chính trị học cũng nhấn mạnh, ông là ứng viên và đánh giá ra sao với từng bài đó là quyền của Hội đồng Giáo sư Nhà nước. Còn Hội đồng chọn thế nào, đánh giá ra sao thì sẽ có trách nhiệm trả lời trước các cơ quan chức năng.
“Báo chí muốn tìm hiểu thì phải tìm đúng nơi có thẩm quyền kết luận”, ông Tuấn gay gắt.
Ông Nguyễn Minh Tuấn cũng khẳng định bản thân không biết đây là các tạp chí giả mạo.
“Nếu biết thì tôi gửi bài cho họ làm gì”, ông nói và mong cần có cơ quan Nhà nước đứng ra liệt kê tạp chí nào được, tạp chí nào không được “để anh em còn biết đường”.
Tiếp tục tố cáo
Ứng viên PGS N.L.M thuộc liên ngành Xây dựng – Kiến trúc cũng bị tố cáo liên quan đến vấn đề liêm chính khoa học và không đủ điều kiện cứng theo Quyết định 37 của Chính phủ.
Theo đó, ứng viên này có 43 bài báo khoa học, trong đó có 8 bài đăng trên các tạp chí “uy tín thế giới”.
Tuy nhiên, theo đơn tố cáo, cả 8 bài đều không đạt yêu cầu. Trong đó vấn đề liêm chính khoa học mà ứng viên N.L.M vi phạm chính theo phản ánh của TPO là đạo văn, được thể hiện trong một số bài. Theo đó, bài báo đăng trên tạp chí quốc tế có số thứ tự số 40 có nội dung, hình ảnh hoàn toàn trùng lặp (100%) với bài báo tiếng Việt (thứ tự 7) được đăng trên Tạp chí Quy hoạch-Xây dựng số 101+102 (Bộ Xây Dựng).
Ngoài ra, bài báo thứ tự số 41 bị tố có nội dung hoàn toàn trùng lặp về câu từ, hình ảnh, giải pháp với bài báo tiếng Việt của TS N.L.M là “Nhà ở xã hội dành cho công nhân – Mô hình phát triển nào phù hợp với TP.HCM" được đăng tải trên Tạp chí Kiến trúc số 9/2017. Bài báo số 43 đăng trên tạp chí quốc tế cũng bị tố trùng lặp hoàn toàn 100 % với kỷ yếu hội thảo CUTE năm 2016 do ứng viên này đã đăng trên hệ thống Elsevier.
Bài báo số 36 bị tố lấy nội dung thuộc bài báo của hai tác giả Trung Quốc là Jin tao và Qing Wang với giải pháp hoàn toàn giống nhau về mặt ý tưởng, mô hình. Tác giả chỉ thay đổi về mặt câu chữ và vẽ lại sơ đồ để đăng bài trên tạp chí Scopus này, nhằm né tránh kiểm tra trùng lặp, phản biện.
Do đó, đơn tố cáo cho rằng ứng viên N.L.M không đủ điều kiện cứng là 3 bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế có uy tín để được xem xét chức danh PGS theo Quyết định 37 của Thủ Tướng chính phủ.
Đã xin rút
GS.TS Nguyễn Việt Anh, Chủ tịch HĐGS liên ngành Xây dựng – Kiến trúc cho biết, đây không phải lần đầu tiên nhận tố cáo về ứng viên N.L.M – mà đã 4 lần nhận tố cáo. Trong số 8 bài báo quốc tế, Hội đồng chỉ chấm 2 bài. Sau nhiều phiên họp bất thường, so sánh đối chiếu nhiều vấn đề, Hội đồng vẫn thống nhất quan điểm ứng viên N.L.M đủ điều kiện để trình hồ sơ lên Hội đồng Giáo sư Nhà nước.
Tuy vậy, đối với trường hợp ông Nguyễn Minh Tuấn thì khác. GS.TS Phạm Văn Đức, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành chính trị học - triết học - xã hội học xác nhận, PGS Nguyễn Minh Tuấn đã chính thức gửi đơn xin rút xét chức danh giáo sư.
“Hội đồng ngành đã gửi giải trình và báo cáo cho Hội đồng Giáo sư nhà nước. Thầy Tuấn thấy phức tạp và có nhiều ý kiến trái chiều cũng đã có đơn chính thức xin rút”, GS. Phạm Văn Đức nói.
Thêm trường hợp khác ở nhóm ngành kinh tế, một nhóm các nhà khoa học xôn xao một ứng viên phó giáo sư có 5 bài báo khoa học quốc tế, tuy nhiên trong đó có 1 bài đăng trên tạp chí của Academy of Accounting and Financial Studies Journal, 1 bài đăng trên tạp chí chất lượng rất thấp (Turkish Journal of Computer and Mathematics), 1 bài báo đăng trên tạp chí đã bị loại khỏi danh mục Scopus từ năm 2018.
Ông Trần Anh Tuấn, chánh văn phòng Hội đồng Giáo sư nhà nước, thông tin Hội đồng Giáo sư nhà nước có biết những bàn tán, xôn xao của dư luận và đã 2 lần có văn bản gửi hội đồng ngành chính trị học xác minh.
Theo ông, Hội đồng ngành sẽ chịu trách nhiệm chuyên môn với ứng viên. Hội đồng ngành cũng sẽ kết luận và đưa vào báo cáo chuyên môn.
“Đến nay hội đồng ngành đã gửi báo cáo nhưng chúng tôi đang tổng hợp. Còn bàn tán khác với ứng viên giáo sư, phó giáo sư ngành kinh tế, chúng tôi cũng đã nắm được thông tin và có văn bản gửi hội đồng ngành để xác minh từng trường hợp cụ thể”, Chánh văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước cho biết.