Việt Nam và ASEAN chọn Hoa Kỳ dù thừa nhận thế lực của Trung Quốc

Cường quốc nào được cư dân các nước ASEAN tin tưởng hơn cả? Người dân ở khu vực này đánh giá ra sao về hiệu quả hoạt động của Chính phủ nước mình? Mối đe dọa nào mà họ thấy là nghiêm trọng nhất đối với quốc gia đất nước? Các bậc phụ huynh ASEAN gửi con cháu đi học ở đâu?
Sputnik
Những câu hỏi này và nhiều nội dung nữa được giải đáp trong tổng quan mới «Thực trạng Đông Nam Á năm 2022», cơ quan phát hành là Institut ISEAS-Yusof Ishak Institute (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á) của Singapore, một tổ chức học thuật hàng đầu về nghiên cứu trong khu vực.
Những kết luận của tổng quan này được rút ra trên cơ sở cuộc khảo sát thực hiện từ tháng 11 đến tháng 12 năm 2021 tại 10 nước ASEAN. Cuộc khảo sát có phần tham gia của 1.677 người, là công chức và nhà khoa học, chuyên gia phân tích và doanh nhân, nhân viên truyền thông và thành viên các tổ chức xã hội. Những con số dẫn ra được so sánh với kết quả của cuộc khảo sát tương tự cách đây một năm, cho khả năng rút ra kết luận về xu thế phát triển của quan điểm xã hội tại các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Có gì đe dọa ASEAN?

Những vấn đề bức thiết nhất ở ASEAN hôm nay là mối đe dọa đối với sức khỏe cư dân do đại dịch COVID-19, thất nghiệp và suy thoái kinh tế, tác động của biến đổi khí hậu và chủ nghĩa khủng bố. 70% số người được hỏi cho rằng do cách làm việc chậm chạp và kém hiệu quả, ASEAN không đảm đương được yêu cầu giải quyết các vấn đề phát sinh về chính trị và kinh tế. 61,5% thành viên tham gia khảo sát lo ngại rằng Đông Nam Á đang trở thành đấu trường cạnh tranh của các cường quốc lớn và các nước thành viên Hiệp hội có thể trở thành con rối trong cuộc tỷ thí này, còn 49% tin chắc rằng ASEAN không thể vượt qua thách thức hiện tại của đại dịch. Số người nêu đánh giá tiêu cực về hiệu quả hoạt động của Chính phủ các nước ASEAN trong công cuộc đối phó với đại dịch COVID-19 từ 23,8% năm 2021 đã tăng lên 30,6% vào năm 2022, còn tỷ lệ những người công nhận Chính phủ hoạt động tốt hoặc hợp lý thì giảm từ 61% (2021) xuống 51% (2022).
ASEAN muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả Hoa Kỳ và Trung Quốc
Thay đổi đặc biệt đáng chú ý diễn ra trong đánh giá của người Việt Nam: nếu trong cuộc khảo sát năm 2021, 96,5% đánh giá hoạt động của Chính phủ là tốt và đạt yêu cầu, còn 1,1% cho rằng yếu kém và rất tệ, thì trong cuộc khảo sát năm 2022, những chỉ số này là 42,4 và 23, 7%.

Ai là thứ nhất, Trung Quốc hay Hoa Kỳ?

Chiếm chỗ lớn trong tổng quan là phân định thái độ của cư dân các nước ASEAN với các đối tác của họ. 57,8% số người được hỏi cho rằng Trung Quốc dành hỗ trợ mạnh nhất về vaccine trong cuộc chiến chống đại dịch, thứ đến là Hoa Kỳ (23,2%), tiếp theo là Australia (4,7%).
Ngoại lệ duy nhất là Việt Nam, các cư dân của đất nước xếp Hoa Kỳ ở vị trí dẫn đầu như là đối tác chính trong ngoại giao vaccine (52%), trong khi chỉ dành cho Trung Quốc 16% bầu chọn.
Vẫn như trước, phần lớn những người tham gia khảo sát thừa nhận thế lực kinh tế mạnh nhất là Trung Quốc – số này là 76,7%, chọn Hoa Kỳ có 9,8% và ASEAN – 7,6%.
Tại Việt Nam, những chỉ số này qua một năm tăng từ 65,7% lên 71,5% với Trung Quốc và từ 13,7% lên 16,7% với Hoa Kỳ.
Có 64,4% công dân ASEAN tham gia khảo sát thấy lo ngại về sự tăng trưởng ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc, còn 68,1% hoan nghênh gia tăng ảnh hưởng của Hoa Kỳ.
Với người Việt Nam, những chỉ số này đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái: 72,8% người được hỏi không hài lòng vì gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc (năm 2021 là 90,4%) và 70,8% hoan nghênh đà gia tăng ảnh hưởng của Hoa Kỳ (năm 2021 là 87,5%).
54,4% công dân ASEAN trả lời câu hỏi khảo sát cho biết họ Trung Quốc là đất nước có ảnh hưởng địa chính trị lớn nhất ở Đông Nam Á, tiếp theo là Hoa Kỳ (29,7%) và ASEAN (11,2%). Đất nước duy nhất chọn Hoa Kỳ thay vì Trung Quốc là Philippines.
Liệu ASEAN, với sự giúp đỡ của Trung Quốc, có thể duy trì sự thống nhất trước sức ép từ phương Tây?
Tại Việt Nam, 52,8% số người tham gia khảo sát dành vị trí dẫn đầu cho Trung Quốc và 32,6% cho Hoa Kỳ. Đồng thời, 76,4% người được hỏi (80,3% ở Việt Nam) lo ngại về sự gia tăng ảnh hưởng địa chính trị của Bắc Kinh và 62,6% (83% ở Việt Nam) hoan nghênh gia tăng ảnh hưởng của Washington.
Trong bối cảnh các chỉ số như vậy, các công dân ASEAN đã chọn Hoa Kỳ là nước dẫn đầu toàn cầu về thương mại tự do, vượt lên đáng kể so với thủ lĩnh năm ngoái là Liên minh châu Âu; Trung Quốc ở vị trí thứ hai và thứ ba là ASEAN. Mặc dù Campuchia, Lào và Indonesia là những nước ủng hộ vị thế thủ lĩnh của Trung Quốc.
Trong lĩnh vực duy trì trật tự dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, bộ ba Hoa Kỳ-ASEAN-EU đã thay thế các thủ lĩnh năm ngoái là EU - Hoa Kỳ -ASEAN. Chỉ riêng Campuchia chọn Trung Quốc là đất nước yêu thích, cũng như trong phần lớn các mục khác của cuộc khảo sát.
Về bình diện an ninh, 58,5% số người được hỏi ý kiến cho rằng sự lớn mạnh của QUAD mang tính xây dựng đối với khu vực, 1/3 thành viên tham gia khảo sát hy vọng rằng AUKUS sẽ giúp kiềm chế sức mạnh quân sự ngày càng nổi trội của Trung Quốc, trong khi 1/3 khác cho rằng liên minh mới này sẽ dẫn đến leo thang chạy đua vũ trang khu vực và phá hoại chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Vì đâu các nước ASEAN không thích Trung Quốc và ưa Hoa Kỳ?

Trong bối cảnh đang nóng lên cuộc cạnh tranh của những cường quốc lớn, các nước thành viên Hiệp hội Đông Nam Á tiếp tục ủng hộ đoàn kết ASEAN để bảo vệ trước sức ép của Hoa Kỳ và Trung Quốc (46,1%). Lập trường «không thiên về bên nào giữa Bắc Kinh và Washington» được 26,6% thành viên khảo sát tán đồng. Còn 16,2% số người được hỏi ý kiến muốn tìm kiếm một «bên thứ ba» để mở rộng không gian chiến lược.
Và tại Việt Nam, chỉ số về nguyện vọng này tăng mạnh nhất: từ 8% lên 21,5%.
Tuy nhiên, với câu hỏi - Sẽ chọn ai làm đối tác tương lai, Trung Quốc hay Hoa Kỳ? thì 57% người dự khảo sát trả lời «Hoa Kỳ» và chỉ 43% - «Trung Quốc». Sự chuyển biến rõ rệt trong lập trường là của Campuchia (số ủng hộ Trung Quốc tăng từ 46,2% năm 2021 lên 81,5% năm 2022) và Myanmar (năm 2021 có 48,1% ủng hộ Hoa Kỳ và năm 2022 tăng lên 92,0%).
Tại Việt Nam, vào năm 2022, số ủng hộ Bắc Kinh là 26,4% so với 16,0% vào năm 2021, còn dành thiện cảm cho Washington năm 2022 là 73,6% so với 84,0% trong năm 2021.
Blinken tại Diễn đàn ASEAN: Hoa Kỳ lo ngại về sự tăng trưởng nhanh chóng kho hạt nhân của Trung Quốc
Tám quốc gia thành viên ASEAN, ngoại trừ Campuchia và Thái Lan, coi Trung Quốc là «cường quốc xét lại» và «nuôi ý đồ biến châu Á thành phạm vi ảnh hưởng của Bắc Kinh». Đa số người được hỏi (58,1%) thì không mấy tin hoặc hoàn toán không tin rằng Trung Quốc sẽ đóng góp cho hòa bình, an ninh và thịnh vượng toàn cầu. Một nửa trong số này cho rằng Bắc Kinh có thể lợi dụng sức mạnh kinh tế và quân sự để đe dọa lợi ích và chủ quyền quốc gia của đất nước họ. Ngược lại, mức độ tin tưởng vào Hoa Kỳ thời chính quyền Biden của cư dân Đông Nam Á đã tăng từ 47% lên 52,8%, trong đó hơn 50% (ở Việt Nam là 56,6%) trông đợi rằng nguồn lực kinh tế to lớn và ý chí chính trị của Hoa Kỳ sẽ đảm bảo cho Washington vị thế thủ lĩnh toàn cầu. Khẳng định điều này là thực tế Hoa Kỳ đã trở thành trung tâm chính về giáo dục của các nước ngoài đối với tầng lớp thượng lưu tinh hoa Đông Nam Á (25,6%). Ở vị trí thứ hai là vương quốc Anh (20,8%), tiếp theo là EU (12,0%), Australia (9,9%) và Nhật Bản (9,6%).
Trả lời phỏng vấn của Sputnik, chuyên gia Viktor Sumsky từ Trung tâm ASEAN của Học viện Quan hệ Quốc tế MGIMO thuộc Bộ Ngoại giao LB Nga cho biết:
«Kết quả khảo sát cho thấy sự mâu thuẫn và phức tạp trong thái độ của các nước ASEAN về những đối tác chính của họ là Trung Quốc và Hoa Kỳ. Họ công nhận vai trò hàng đầu của Trung Quốc trong nền kinh tế và địa chính trị Đông Nam Á nhưng trao gửi vai trò trung tâm cho Hoa Kỳ trong việc đảm bảo an ninh. Do đó, nhiệm vụ chính của các nước ASEAN là giữ thế cân bằng giữa hai cường quốc này, điều mà họ đã làm nhiều năm nay và trong đó đạt nhiều thành tựu bậc thầy. Các nước ASEAN nhận thức được rằng lựa chọn một cường quốc trong số các bên sẽ làm phát sinh nhiều vấn đề, thậm chí là vấn đề sống còn, và đang cố gắng tránh hướng lựa chọn nguy hại như vậy. Nhưng có câu hỏi đặt ra là: Đông Nam Á sẽ có thể giữ vững lập trường này trong bao lâu?».
Thảo luận