Công ty Mỹ sẽ tham gia quản lý tài sản hưu trí của Trung Quốc

Tập đoàn BlackRock của Mỹ đã nhận được sự cho phép của cơ quan quản lý Trung Quốc để cung cấp dịch vụ quản lý tài sản hưu trí ở Trung Quốc.
Sputnik
Ủy ban quản lý ngân hàng và bảo hiểm của Trung Quốc đã cho phép thực hiện các dự án thí điểm cho các sản phẩm quản lý tài sản hưu trí tại Quảng Châu và Thành Đô. Trung Quốc đang dần mở cửa thị trường cho các nhà quản lý tài sản nước ngoài. Những kinh nghiệm nước ngoài có thể giúp giải quyết vấn đề lương hưu của Trung Quốc.
Bất chấp những khó khăn trong quan hệ của Trung Quốc với phương Tây và trong bối cảnh cuộc đối đầu kinh tế và thương mại, Bắc Kinh tiếp tục mở cửa thêm thị trường của mình với thế giới bên ngoài, bao gồm cả lĩnh vực tài chính. Năm 2020, Bắc Kinh đã bỏ trần giới hạn sở hữu nước ngoài trong lĩnh vực tài chính, bảo hiểm và môi giới. Các công ty phương Tây, mà nhiều công ty đã có mặt trên thị trường Trung Quốc dưới hình thức liên doanh, ngay lập tức xin mở rộng cổ phần của mình. Tập đoàn đầu tư khổng lồ của Mỹ BlackRock cũng đã làm như vậy vì họ coi thị trường Trung Quốc là một công cụ quan trọng nhất để mở rộng hoạt động kinh doanh.
Tỷ phú Mỹ: Tập Cận Bình nên rời vị trí người đứng đầu Trung Quốc vì sức mạnh của đất nước
Năm ngoái, BlackRock đã được cấp phép để bắt đầu kinh doanh quỹ tương hỗ Trung Quốc. Khi đó tỷ phú George Soros, người thân cận với Washington, đã gọi khoản đầu tư của BlackRock vào Trung Quốc là một "sai lầm bi thảm" và đưa ra dự đoán về "thời kỳ khó khăn" ở Trung Quốc do sự suy giảm kinh tế và giảm cơ hội kinh doanh do áp lực gia tăng từ nhà nước. Tuy nhiên, những gã khổng lồ đầu tư khác của Mỹ lại không tin vào những dự báo như vậy. Goldman Sachs, JP Morgan, Nomura Holdings đều đang gia tăng đầu tư vào Trung Quốc và mở rộng hoạt động kinh doanh ở đó.
Sự quan tâm của các ngân hàng đầu tư phương Tây đối với thị trường Trung Quốc là điều dễ hiểu. Trước hết, thị trường truyền thống của họ ở các nước phát triển đã đến giai đoạn bão hòa tự nhiên. Đến cuối năm 2020, thị trường Bắc Mỹ đã có 58 nghìn tỷ USD tài sản đang được quản lý. Dự kiến ​​đến năm 2025, khối lượng tài sản quản lý được thu hút chỉ có thể tăng thêm 26%. Các công ty đầu tư đang chịu áp lực từ các luật ngày càng nghiêm ngặt quản lý các giao dịch như vậy, bắt đầu từ Đạo luật Sarbanes-Oxley đã được thông qua vào năm 2002 can thiệp vào hoạt động kiểm toán.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các nước phương Tây đã đưa ra nhiều sửa đổi vào các phương pháp quản lý tài sản. Mặt khác, thị trường tài sản Trung Quốc có vẻ rất hứa hẹn. Theo Boston Consulting Group, thị trường quản lý tài sản của Trung Quốc đã tăng 10% lên đến 18,9 nghìn tỷ USD vào năm 2020. Goldman Sachs dự báo rằng, vào năm 2030, chỉ riêng các hộ gia đình Trung Quốc sẽ có khối tài sản 70 nghìn tỷ USD để quản lý. Không có gì đáng ngạc nhiên khi các ngân hàng đầu tư lớn nhất thế giới đang nỗ lực thâm nhập thị trường Trung Quốc, nhà kinh tế trưởng He Xiaoyu của Zhengxin Investment Group nói với Sputnik.

Tại sao Trung Quốc đang mở cửa hơn nữa thị trường vốn cho nhà đầu tư nước ngoài?

Việc mở cửa thị trường vốn với thế giới bên ngoài là điều cần thiết đối với các cơ quan chức năng của CHND Trung Hoa để có được kinh nghiệm và công nghệ quản lý tài sản tiên tiến. Xét cho cùng, thị trường quản lý tài sản của Trung Quốc còn rất non trẻ, nhiều cơ chế thị trường chưa phát triển lên mức cao. Hệ thống lương hưu của Trung Quốc cũng có nhiều vấn đề, chính phủ đã phải đóng góp 1,2 nghìn tỷ USD vào hệ thống này. Trong bối cảnh dân số già đi nhanh chóng, nếu không có cải cách thị trường, trong tương lai gần hệ thống lương hưu sẽ không thể đối phó với gánh nặng ngày càng tăng. Trong số những bước đầu tiên hướng tới cải cách, vào năm ngoái Trung Quốc đã thành lập công ty hưu trí quốc gia có vốn điều lệ gần 11,2 tỷ NDT với sự tham gia của 17 cơ cấu ngân hàng, bảo hiểm và chính phủ. Đồng thời, Ủy ban quản lý ngân hàng và bảo hiểm của Trung Quốc đã công bố ra mắt các sản phẩm quản lý tài sản (WMP) trong lĩnh vực lương hưu tại bốn thành phố thí điểm. Bốn ngân hàng tham gia dự án: Commercial Bank of China, China Construction Bank, China Merchants Bank và Ngân hàng China Everbright.
Đồng nhân dân tệ

Sự tham gia của BlackRock là một giai đoạn mới trong quá trình phát triển các cơ chế thị trường quản lý tài sản hưu trí

Công ty BlackRock sẽ hoạt động tại thị trường Trung Quốc thông qua liên doanh với công ty con CCB Wealth Management của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và Fullerton Management Pte Ltd. Có thông tin rằng, thời gian dùng thử dự kiến trong một năm. Trong giai đoạn thử nghiệm, tổng số tiền huy động được từ các sản phẩm quản lý tài sản hưu trí CCB của BlackRock ban đầu được giới hạn dưới 10 tỷ nhân dân tệ và có thể điều chỉnh sau khi đánh giá trong quá trình thực hiện.
Bằng cách này Bắc Kinh muốn thử nghiệm việc áp dụng kinh nghiệm phương Tây và cơ chế thị trường để cải cách hệ thống lương hưu. Mặt khác, dự án thí điểm được thực hiện với quy mô rất hạn chế để tránh rủi ro hệ thống trong trường hợp có sự cố. Trung Quốc có ý định cho phép các công ty nước ngoài quản lý tài sản, bao gồm cả lĩnh vực lương hưu. Nhưng, điều quan trọng là phải chú ý đến những rủi ro, chuyên gia He Xiaoyu nói.
Trung Quốc phá vỡ giao kèo thương mại sau «chiến tranh» với Hoa Kỳ
Hầu hết các công ty đầu tư trên thế giới đều cho rằng, bây giờ là thời điểm thuận lợi để đầu tư vào Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc đã đặt ra nhiệm vụ duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định vào năm 2022. Điều này có nghĩa là Trung Quốc có thể áp dụng các biện pháp khuyến khích tiền tệ, tài khóa v.v. Các nhà phân tích đưa ra dự đoán về việc thị trường Trung Quốc sẽ tạo đà tăng trưởng trong năm nay. Trong khi đó, một số quốc gia khác, trong đó có Hoa Kỳ, đang thắt chặt chính sách tiền tệ. Vào tháng 1, Bernstein Private Wealth Management đã phát hành một báo cáo dài 170 trang với tiêu đề: “Cổ phiếu Trung Quốc: Không đầu tư đã đi vào dĩ vãng”. Goldman Sachs dự báo chỉ số MSCI Trung Quốc sẽ tăng 16% vào năm 2022.
Ý kiến trong bài viết là quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Sputnik.
Thảo luận