Như chuyên gia di truyền học Dmitry Pruss nói với Izvestia, để hình thành một virus tái tổ hợp, hai chủng coronavirus khác nhau trước tiên phải nhân lên cùng một lúc trong cùng tế bào của cùng một người, mà đây được coi là một diễn biến hiếm gặp. Ngay khi virus đầu tiên bắt đầu nhân bản, hệ thống miễn dịch sẽ kích hoạt các hệ thống phòng thủ khác nhau, nên virus thứ hai có thể đơn giản là không đủ sức vượt qua các rào cản được dựng lên.
Tuy nhiên, với sự xuất hiện của biến thể Omicron, tình hình lây nhiễm đồng thời hai chủng virus đã thay đổi, bởi vì phản ứng miễn dịch được kích hoạt chống lại Delta khó có thể ngăn chặn được sự xâm nhập của biến thể coronavirus mới.
Trong tài liệu ghi nhận các trường hợp cùng tồn tại hai biến thể Delta và Omicron trong cơ thể của cùng các đối tượng bệnh nhân, và không có bất kỳ sự suy giảm miễn dịch nào.
“Vậy chắc chắn không có gì lạ khi phát hiện thấy một loạt các tái tổ hợp của hai chủng khác nhau này”, - ông Pruss nói.
Trong tất cả các tái tổ hợp đó, phần "đầu" là biến thể từ Delta, còn "đuôi" là từ Omicron (như hai tái tổ hợp khác nhau được tìm thấy ở Anh và Úc), hoặc biến thể từ Omicron chỉ nằm ở giữa, còn "đuôi" lại là biến thể từ Delta (như tái tổ hợp kép từ lục địa Châu Âu). Tất cả chúng đều rất hiếm gặp, mỗi dạng chỉ phát hiện một trường hợp.
Như nhà khoa học giải thích, trong tất cả những phát hiện này, gen S là từ Omicron, gen này có lẽ đã mang lại cho các virus tái tổ hợp lợi thế nhất định để chống lại hệ thống miễn dịch ở cơ thể nơi chúng xâm nhập lần đầu tiên, và giúp chúng truyền đi xa hơn.