Công nghiệp Quốc phòng: Việt Nam tiếp tục sửa chữa, đóng mới thành công nhiều tàu quân sự

Năm 2021, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu đáng chú ý, đặc biệt là trong công tác khoa học quân sự, chế tạo thành công một số sản phẩm công nghệ cao, tiến tới làm chủ công nghệ lõi, sản xuất kinh tế của một số đơn vị tăng trưởng tốt.
Sputnik
Bộ trưởng Phan Văn Giang nhấn mạnh, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng tiếp tục nỗ lực nâng cao chất lượng nhân lực trong bối cảnh Việt Nam đã chế tạo thành công một số sản phẩm công nghệ cao, tích hợp thành công lên các loại vũ khí trang bị hiện đại, đóng mới và sửa chữa hàng chục tàu quân sự bảo đảm chất lượng, an toàn.

Nhiều thành công

Sáng 21/2, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng làm việc với Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng về tình hình thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm của tổng cục trong năm 2022.
Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng, tại buổi làm việc, Trung tướng Hồ Quang Tuấn, Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng đã báo cáo với Bộ trưởng Phan Văn Giang một số kết quả nổi bật trong năm 2021 và tình hình triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 của Tổng cục.
Quốc phòng Việt Nam: Xốc lại Cảnh sát Biển, BĐBP xử nghiêm quân nhân vi phạm
Theo đó, trong năm 2021, tuy có nhiều khó khăn chi phối, tác động, đặc biệt là dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đã tích cực, chủ động khắc phục khó khăn, chỉ đạo, triển khai toàn diện, đồng bộ, hiệu quả các mặt công tác, góp phần cùng toàn quân hoàn thành nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.
Nổi bật là đã tham mưu chiến lược với Nhà nước và Bộ Quốc phòng về xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng; hoàn thành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-TW của Bộ Chính trị và tiếp tục triển khai, thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-TW về đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
Theo Trung tướng Hồ Quang Tuấn, Tổng cục cũng đã tham mưu với Bộ Quốc phòng ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về định hướng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045; hoàn thành tổng kết 12 năm thực hiện Pháp lệnh công nghiệp quốc phòng; hoàn thiện Hồ sơ xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp trình Chính phủ báo cáo Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng Luật của nhiệm kỳ Quốc hội thứ XV.
Các đại biểu dự buổi làm việc
Cùng với đó, tổng cục đã triển khai cơ cấu lại, đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp quân đội; tổ chức tổng kết thực hiện Nghị quyết 520-NQ/TW của Quân ủy Trung ương lãnh đạo nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng của quân đội đến năm 2020 và đề ra một số phương hướng, nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh tế trong thời gian tới.
Tổng cục cũng đã phối hợp xây dựng Quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện nghiêm các quy định, quy tắc về công tác bảo đảm an toàn trong sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật; chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, công tác bảo đảm an toàn trong sản xuất.
Theo Trung tướng Tuấn, trong năm 2022, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng xác định tập trung tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị; hoàn thành Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và triển khai xây dựng Luật; triển khai cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng.
Quân đội Việt Nam xây dựng lực lượng Tình báo Quốc phòng đặc biệt
Ngoài ra, Tổng cục tiếp tục rà soát, xây dựng, hoàn chỉnh tất cả các bộ chỉ tiêu chất lượng vật tư đầu vào bảo đảm đủ cho tất cả các sản phẩm quốc phòng sản xuất, sửa chữa năm 2022; tăng cường khai thác, bảo đảm vật tư cho sản xuất, sửa chữa sản phẩm quốc phòng; đột phá nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp; đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp để tham gia vào các chương trình, dự án lớn của quốc gia; giám sát chặt chẽ quá trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm sử dụng ở đơn vị.

Sửa chữa, đóng mới nhiều tàu quân sự

Theo thông tin từ Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, năm 2021, tổng doanh thu của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng đạt hơn 21.500 tỷ đồng, trong đó kinh tế đạt gần 12.000 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 12,6 triệu đồng/người/tháng.
Báo cáo năm 2021 cho thấy, trong bối cảnh có nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19, đã triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh, tổ chức sản xuất, sửa chữa hàng trăm chủng loại sản phẩm vũ khí trang bị lục quân; đóng mới và sửa chữa hàng chục tàu quân sự bảo đảm chất lượng, an toàn.
Thượng tướng Phan Văn Giang nói về chính sách quốc phòng Việt Nam và Biển Đông
Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh tế, chủ động tìm kiếm đối tác, duy trì sản xuất ổn định các sản phẩm truyền thống, như: vật liệu nổ công nghiệp; đóng, sửa chữa tàu; các mặt hàng cơ khí và phát triển các mặt hàng mới, bảo đảm việc làm, ổn định đời sống cho người lao động, góp phần duy trì năng lực sản xuất quốc phòng.
Sản xuất kinh tế của một số đơn vị tăng trưởng tốt. Theo đó, bất chấp điều kiện khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, các đơn vị, doanh nghiệp thuộc Tổng cục đã có nhiều cố gắng, nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất kinh tế.
Đặc biệt, sản xuất, tiêu thụ vật liệu nổ công nghiệp tăng 109% so với năm 2020. Một số đơn vị có kết quả nổi bật về sản xuất kinh tế, như: Z113, Z117, Z121, Z176, Z181, Z183, Z189…
Công tác khoa học quân sự Việt Nam cũng có bước phát triển mới. Theo đó, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng đã chế tạo thành công một số mẫu phương tiện cơ động với nhiều tính năng mới, ưu việt phục vụ xây dựng Quân đội hiện đại, mở ra hướng phát triển tiềm năng cho ngành CNQP.
Cơ bản hoàn thành Đề án khoa học - công nghệ (KHCN) cấp Bộ Quốc phòng giai đoạn 2012-2015, định hướng đến năm 2020; đề xuất, xây dựng và trình phê duyệt mở mới đề án nghiên cứu, thiết kế chế tạo một số vũ khí mới giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; đề xuất mở một số đề tài phục vụ chế tạo vũ khí trang bị kỹ thuật công nghệ cao, tiến tới làm chủ công nghệ lõi.
Đặc biệt, Việt Nam đã chế tạo thành công một số sản phẩm công nghệ cao, tích hợp thành công lên các loại vũ khí trang bị hiện đại. Công tác nghiên cứu khoa học công nghệ thuộc các đề tài độc lập có bước khởi sắc về chất; hoàn thành hàng chục đề tài các cấp, trong đó, có nhiều sản phẩm đủ điều kiện áp dụng vào sản xuất với tính năng kỹ thuật nổi trội và nguyên lý mới ưu việt.
Tướng Phan Văn Giang: Quân đội Việt Nam bảo đảm chế độ 'sẵn sàng chiến đấu'
Năm qua, Tổng cục cũng hoàn thành nhiều dự án đầu tư trọng điểm. Năm 2021, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng đã cơ bản hoàn thành các nội dung đầu tư Dự án I và Dự án di dời Nhà máy đóng tàu Ba Son.
Đơn vị cũng báo cáo và được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án trọng điểm và dự án thuộc kế hoạch đầu tư trung hạn Chương trình Công nghiệp Quốc phòng giai đoạn 2021-2025.
“Hầu hết các dự án đã và đang được Tổng cục triển khai đều đảm bảo chất lượng, tiến độ”, báo cáo của Tổng cục CNQP nhấn mạnh.
Năm qua, Tổng cục CNQP cùng nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động thương mại quân sự, hợp tác quốc tế; tìm kiếm cơ hội hợp tác với các tập đoàn lớn ở trong và ngoài nước.
Đặc biệt, tại sự kiện lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games) phối hợp với phía Liên bang Nga, Tổng cục đã tham gia trưng bày, giới thiệu hàng chục loại sản phẩm vũ khí, trang bị, đạn dược do Công nghiệp Quốc phòng Việt Nam nghiên cứu, sản xuất. Đây cũng là dịp để Tổng cục mở rộng, thúc đẩy quan hệ hợp tác, tăng cường sự hiểu biết với bạn bè quốc tế, quảng bá năng lực và thành tựu trong nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm quốc phòng Việt Nam.

Bộ trưởng Phan Văn Giang: Tiếp tục cải tiến sửa chữa vũ khí

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Đại tướng Phan Văn Giang đánh giá Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng đã chuẩn bị nội dung cho buổi làm việc chu đáo, có chất lượng tốt, đồng thời biểu dương sự nỗ lực phấn đấu và những kết quả đạt được của Tổng cục trong năm 2021, nhất là trong lĩnh vực đóng tàu, sản xuất thuốc nổ.
Cùng với yêu cầu Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng tiếp thu các ý kiến tại buổi làm việc, đồng chí Bộ trưởng đã nêu lên những định hướng lớn, quan trọng đối với tổng cục trong thực hiện nhiệm vụ năm 2022.
Có gì trong cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Phan Văn Giang và Bộ trưởng Quốc phòng Australia?
Đại tướng Phan Văn Giang yêu cầu Tổng cục chủ động tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng cần tổ chức quán triệt hiệu quả Nghị quyết 08 cũng như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI đến cán bộ, công nhân viên trong toàn tổng cục.
Cần chủ động tham mưu đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong điều chỉnh tổ chức lực lượng; chú trọng thực hiện tốt công tác cán bộ, trong đó quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, chuyên gia đầu ngành trong từng lĩnh vực.
Bên cạnh việc đẩy mạnh chuyển đổi số, coi trọng hoạt động đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng Phan Văn Giang yêu cầu Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng cần chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan, đơn vị để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học, cải tiến, sửa chữa, sản xuất, bảo đảm cho vũ khí, trang bị ngày càng hiện đại, đáp ứng hiệu quả nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của toàn quân.
Cùng với đó, cần quan tâm đúng mức đến hoạt động sản xuất hàng lưỡng dụng, vừa phục vụ hiệu quả nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, vừa góp phần tích cực vào phát triển nền kinh tế quốc dân.
Đánh giá nhiệm vụ trong năm 2022 của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng rất lớn, Bộ trưởng Phan Văn Giang yêu cầu tổng cục cần có kế hoạch cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng, xác định những nội dung ưu tiên, tổ chức thực hiện quyết tâm, quyết liệt, hoàn thành các nội dung nhiệm vụ đúng thời gian xác định.
Đại tướng Phan Văn Giang mong muốn, với những kết quả đã đạt được trong năm 2021, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng sẽ thực hiện nhiệm vụ năm 2022 với quyết tâm mới, tư duy mới, cách làm mới, đạt được những thành tựu quan trọng hơn nữa, góp phần xây dựng ngành Công nghiệp Quốc phòng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Thảo luận