Thời gian vừa qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp giảm thiểu thiệt hại sau thời gian dài khó khăn do Covid-19, từ đó duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó thu hút thêm sự quan tâm đầu tư từ nước ngoài.
Singapore đứng top 1 về vốn FDI vào Việt Nam
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 2 tháng đầu năm 2022, có 51 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, dẫn đầu là Singapore với trên 1,7 tỉ USD tổng vốn đầu tư, chiếm 34,2%.
Xếp thứ hai là Hàn Quốc với trên 1,4 tỉ USD, chiếm 28,2% tổng vốn đầu tư. Trung Quốc đứng tiếp theo với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 538 triệu USD, chiếm 15,3%. Lần lượt theo sau là Hồng Kông, Nhật Bản, Thái Lan,…
Trước đó, nắm giữ vị trí số 1 thường là Hàn Quốc hoặc Nhật Bản. Tuy nhiên, trong suốt 2 năm dịch bệnh, nghĩa là kể từ năm 2020 đến nay, Singapore đã vượt lên dẫn đầu với tổng vốn đăng ký lên đến gần 9 tỉ USD. Trong đó, có 1 tỉ USD đầu tư là thông qua góp vốn, mua cổ phần, chiếm 31,5% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Con số này cao gấp đôi so với 4,5 tỉ USD của năm 2019.
Nếu chỉ tính riêng về số dự án trong 2 tháng đầu năm, Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu về số nhà đầu tư quan tâm và quyết định đầu tư mới hoặc mở rộng dự án đầu tư và góp vốn mua cổ phần.
Vốn FDI giảm nhưng dự án tăng
Tính đến 20/2, đã có gần 5 tỷ USD tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam, tương đương 91,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số đó, có 183 dự án đăng ký mới với tổng vốn đạt 631,8 triệu USD, tăng 45,2% về số dự án nhưng giảm 80,9% về số vốn.
Lý giải cho sự sụt giảm về vốn FDI, Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, nguyên nhân là do trong 2 tháng đầu năm 2021 có nhiều dự án có quy mô vốn trên 100 triệu USD. Những dự án này chiếm 69,2% tổng vốn đăng ký mới của 2 tháng đầu năm 2021. Trong đó, nhiệt điện Ô Môn II có vốn đầu tư trên 1,3 tỉ USD.
Trong hai tháng đầu năm 2022, các nhà đầu tư nước ngoài đã rót vốn vào 17 trong 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, dẫn đầu là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng vốn đầu tư đạt trên 3,13 tỷ USD, chiếm gần 63% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Đứng thứ hai là ngành kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư hơn 1,5 tỷ USD, chiếm hơn 30%. Xếp tiếp theo là các ngành chuyên môn khoa học công nghệ (109,6 triệu USD), sản xuất phân phối điện (gần 60 triệu USD)...
Trong 2 tháng đầu năm nay, có sự điều chỉnh tăng vốn mạnh mẽ ở một số dự án FDI. Cụ thể là dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng khu đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh (Singapore), với mức vốn đầu tư được điều chỉnh thêm gần 941 triệu USD. Một dự án khác là Công ty TNHH Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Hàn Quốc) tại Thái Nguyên có vốn đầu tư được rót thêm 920 triệu USD.
Ngoài ra, dự án nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện (Hồng Kông) cũng tăng thêm gần 306 triệu USD vốn đầu tư tại Bắc Ninh.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, cả vốn điều chỉnh và vốn đầu tư đều tăng mạnh so với cùng kỳ. Dù vốn đầu tư đăng ký mới giảm sâu vì không có nhiều dự án lớn nhưng số dự án đầu tư mới lại tăng đến hơn 45%.
Hiện các dự án FDI đã phủ sóng trên khắp 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, địa phương dẫn đầu trong thu hút FDI vẫn là TP.HCM với trên 52,8 tỷ USD (chiếm 12,6% tổng vốn đầu tư). Xếp tiếp theo lần lượt là Bình Dương (gần 37,8 tỷ USD, chiếm 9% tổng vốn đầu tư) và Hà Nội (gần 37,6 tỷ USD, chiếm gần 9% tổng vốn đầu tư).
Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành và triển khai kịp thời nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp giảm thiểu thiệt hại sau thời gian dài khó khăn do Covid-19, từ đó duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Từ đó, việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài gặt hái nhiều thành quả tích cực.