Hai nhà máy nhiệt điện có gì đặc biệt?
Dự án nhà máy nhiệt điện BOT Phú Mỹ 3 tại Bà Rịa - Vũng Tàu có chủ đầu tư là Sembcorp, Kyuden International Corporation và Sojitz Corporation. Nhà máy có công suất hợp đồng 716,8 MW. Hợp đồng BOT được Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) ký với Chủ đầu tư/Công ty BOT vào ngày 22/5/2001.
Nhà máy bắt đầu vận hành thương mại từ 1/3/2004 với thời hạn 20 năm và được chuyển giao không bồi hoàn cho phía Việt Nam vào ngày 1/3/2024 sau khi kết thúc thời hạn theo hợp đồng.
Nhà máy nhiệt điện BOT thứ hai là Dự án BOT Phú Mỹ 2-2 cũng tại Bà Rịa-Vũng Tàu do EDFI, Summit Global Management II B.V và TEPCI là chủ đầu tư với công suất 715MW. Hợp đồng BOT ký ngày 18/9/2001 và vận hành năm 2005. Ngày 4/2/2025 là đến hạn chuyển giao cho phía Việt Nam sau khi hết 20 năm hợp đồng.
Vừa mới đây, Văn phòng Chính phủ đã gửi văn bản tới các Bộ Công Thương, Tài chính, kế hoạch và Đầu tư truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về chuyển giao nhà máy điện BOT Phú Mỹ 2.2 và Phú Mỹ 3 theo đề nghị của Bộ Công Thương.
Dựa trên cơ sở hướng dẫn của hai Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Bộ Công Thương khẩn trương thực hiện, bảo đảm việc vận hành của hai nhà máy sau khi được bàn giao cho phía Việt Nam liên tục, hiệu quả, an toàn, đáp ứng yêu cầu an ninh năng lượng quốc gia.
Tại sao EVN lại 'thắng kèo'?
Được biết, cả Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đều muốn tiếp nhận, vận hành, quản lý 2 nhà máy này.
Tuy nhiên, sau khi xem xét và nghiên cứu, Bộ Công thương đã gửi tờ trình lên Thủ tướng Chính phủ ngày 5/1 vừa qua, đồng thời đề xuất giao cho EVN quản lý và vận hành hai nhà máy nhiệt điện BOT nêu trên.
Lý do giải thích cho quyết định này EVN là đơn vị đang vận hành các nhà máy chạy khí tương tự cùng với hai nhà máy Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 2.2 trong Trung tâm Điện lực (TTĐL) Phú Mỹ.
Đồng thời, EVN đã tham gia với Bộ Công Thương trong toàn bộ quá trình đấu thầu, đàm phán các Hợp đồng dự án và thực hiện cả hai dự án BOT nói trên cho đến thời điểm hiện nay.
Trong quá trình thực hiện hai dự án này, EVN được giao nhận trách nhiệm chi trả các chi phí phát sinh không phải do lỗi của EVN. Do vậy, việc giao EVN quản lý vận hành các nhà máy trên đảm bảo đầy đủ kinh nghiệm và tính liên tục trong quản lý vận hành các nhà máy.
Hơn nữa, EVN có đầy đủ thông tin, hồ sơ chi tiết về tình trạng, chất lượng nhà máy.Theo quy định trong PPA của hai dự án, từ trước đến nay, EVN và Công ty BOT đã thành lập Ban điều phối liên hợp, họp ít nhất 3 tháng/lần từ khi các nhà máy đi vào vận hành để thực hiện các nhiệm vụ điều phối liên quan đến vận hành, điều độ, bảo dưỡng, kiểm nghiệm các thông số vận hành, giám sát chất lượng các loại tài sản của nhà máy, kiểm tra số liệu lưu trữ liên quan đến bản vẽ, đặc tính kỹ thuật, sổ tay chỉ dẫn vận hành.
Trong khi đó, PVN có đơn vị là Tổng công ty Điện lực dầu khí (PVPower) đang quản lý nhà máy 4 nhà máy tuabin khí: Nhơn Trạch 1, 2, Cà Mau 1, 2 với tổng công suất 2.700MW. PVN bắt đầu xây dựng nhà máy điện đầu tiên từ năm 2007, đến nay đã được 14 năm.
Sau khi xem xét đề xuất của PVN, Bộ Công thương kết luận, do Tổng công ty PVPower đã cổ phần hóa với cổ phần của PVN chiếm 79,94% cổ phần của PVPower. Ngoài ra, công ty mẹ PVN hiện không trực tiếp quản lý nhà máy điện nào, nên không thể giao PVPower là công ty cổ phần tiếp nhận nhà máy.