Cục Đường thủy nội địa đưa ra kết luận này qua quá trình kiểm tra độ sâu luồng tàu, vị trí tàu. Trong khi đó lãnh đạo Cục Đăng kiểm cho rằng, người dân không nên kết luận cảm tính về ca nô mui trần hay mui kín.
Ca nô bị lật không va chạm cồn cát
Ngày 1/3, Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải Lê Minh Đạo có phản hồi trước nghi vấn ca nô bị lật trên vùng biển Cửa Đại, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam – tức tàu Phương Đông 05 có va chạm với cồn cát (được cho là Khủng Long, thường xuyên biến đổi, di chuyển).
Trước đó, như Sputnik đề cập, lãnh đạo thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam đã không loại trừ khả năng ca nô bị va vào cồn cát, hỏng mũi, lật ngược khi sóng đánh dẫn đến hậu quả làm 17 người tử vong.
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP. Hội An cho biết, cồn cát Khủng Long rộng khoảng 15ha, dài gần 1,5km, tích khoảng 60 triệu m3 cát ở vùng biển Cửa Đại.
“Có thể cano mắc cạn trước khi bị sóng đánh lật chắc chắn sẽ liên quan trực tiếp đến cồn cát Khủng Long. Về việc này thì Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã nhìn nhận và cho rằng, cồn cát Khủng Long đang thay đổi nhanh”, ông Sơn nói.
Cũng theo vị lãnh đạo, vị trí ca nô mắc cạn nằm ngay đuôi cồn cát Khủng Long, theo hướng về phía bắc. Việc ca nô du lịch bị vỡ bên mạn sườn chứng tỏ phải gặp vật cản rất lớn trong quá trình di chuyển tốc độ cao, sóng nước không bao giờ gây ra mảnh vỡ như vậy.
“Nhận định ban đầu của cơ quan chức năng địa phương ca nô gặp nạn gặp vật cản là do cồn cát Khủng Long. Tuy nhiên, để chính xác 100% thì phải chờ kết luận cuối cùng của Công an, cơ quan điều tra”, ông Nguyễn Văn Sơn nêu rõ.
Đối với vấn đề này, sáng nay, Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Lê Minh Đạo khẳng định, chiếc ca nô bị lật không va chạm cồn cát.
Theo ông Đạo, ngay sau khi tàu Phương Đông 05 (ca nô du lịch số hiệu QNa – 1152 của Công ty du lịch Phương Đông) bị lật chiều 26/2, đơn vị quản lý luồng đã đo đạc.
“Mực nước tại vị trí tàu lật là 3,5 m. Mớn nước (đáy) của tàu là 0,75 m. Ở độ sâu này, khả năng tàu va đập vào nền cát là không có. Vì đáy tàu còn cách nền hơn 2m”, ông Đạo nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Đường thủy, theo báo cáo ban đầu, vị trí tàu gặp nạn nằm trong phạm vi luồng tàu, khả năng tàu không đi sai luồng. Luồng này rộng 60 m, sâu 3,5 m, có hệ thống phao báo hiệu đầy đủ. Sau sự cố, con tàu trôi tới bãi cạn cách đó khoảng 500m.
Để phục vụ cho công tác điều tra vụ tai nạn, cơ quan chức năng như đại diện Viện khoa học hình sự khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam cũng đã cử lực lượng chức năng đến hiện trường vụ tai nạn chìm tàu ở Cửa Đại, Cục Đường thủy nội địa cũng đang tiến hành khảo sát, ghi nhận hiện trạng hệ thống phao, biển báo để xem xét có dấu hiệu va chạm hay không. Nguyên nhân tai nạn sẽ được cơ quan chức năng điều tra, kết luận sau quá trình điều tra kỹ lưỡng.
Thông tin về công tác nạo vét luồng, ông Lê Minh Đạo cho biết, hàng năm đơn vị tổ chức khảo sát định kỳ các luồng, từ đó ra quyết định nạo vét để đảm bảo giao thông an toàn trên tuyến.
Trong năm ngoái, đơn vị đã nạo vét với 2 km, khối lượng gần 120.000 m3 bùn cát, đảm bảo giao thông luồng Cửa Đại đạt tiêu chuẩn đường thủy nội địa cấp II. Năm 2017, luồng Hội An - Cù Lao Chàm được nạo vét.
Phía Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cũng cho hay, Hội An - Cù Lao Chàm là tuyến đường thủy nội địa quốc gia từ bờ ra đảo, thuộc vùng SB (vùng ven biển, cửa biển).
Điều này có nghĩa là các tàu hoạt động trên vùng này phải đảm bảo kỹ thuật theo quy chuẩn loại tàu SB. Trong đó có tàu cao tốc mui kín và tàu tốc độ thường mui hở đảm bảo theo quy chuẩn và phù hợp quy định quốc tế. Đồng thời, tàu SB được hoạt động trong vùng nước có chiều cao sóng không quá 2,5 m, điều kiện gió không quá cấp 5, tàu chạy cách bờ không quá 12 hải lý.
Hệ thống phao báo hiệu, biển báo trên tuyến Hội An - Cù Lao Chàm đã được Bộ GTVT ủy quyền cho tỉnh Quảng Nam quản lý, bảo trì. Việc quản lý tàu xuất bến cũng do các đơn vị thuộc tỉnh thực hiện. Công tác nạo vét luồng do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đảm nhận.
Cục Đăng kiểm: Không thể cảm tính mui hở hay mui kín
Ngay sau khi xảy ra tai nạn, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã rà soát tất cả hồ sơ đăng kiểm phương tiện.
Theo ông Nguyễn Vũ Hải, Cục phó cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, tàu gặp nạn được đóng mới năm 2016, là tàu composit mui hở, công suất chứa 35 khách, hoạt động ở vùng IV (sông, hồ, đầm, vịnh kín).
Năm 2019, phương tiện được nâng cấp thành tàu khách cao tốc SB (tức gọi là ca nô) với khoang chứa khách kín, sức chở tối 35 khách và 3 thuyền viên, công suất máy chính 400 CV.
Tàu có tốc độ thiết kế 37 km/h, tương đương 20 hải lý/h, có thiết bị nhận dạng tự động AIS cho phép các tàu trao đổi thông tin về vị trí, hướng, tốc độ. Hệ thống AIS còn giúp trao đổi với các trạm trên bờ được thuận lợi hơn.
Tàu được đăng kiểm đúng quy định, tình trạng kỹ thuật thỏa mãn tại lần kiểm tra gần nhất vào ngày 19/1/2022. Thời điểm tàu gặp nạn, giấy chứng nhận đăng kiểm còn hiệu lực.
Trao đổi với báo chí, ông Đặng Việt Hà, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ GTVT lưu ý, tàu cao tốc thiết kế mui kín theo tiêu chuẩn của quốc tế và không thể nói cảm tính là mui hở, khách dễ thoát khi xảy ra sự cố.
Theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm, các tàu khách cao tốc có thiết kế thon, nhỏ, gọn để chạy nhanh.
“Khi hoạt động trên biển, tàu phải kín, bởi nếu hở trong điều kiện sóng, gió, nước tạt mạnh sẽ tràn vào khoang khách gây mất ổn định, có thể dẫn đến chìm tàu. Tàu cần có kính kín để bảo vệ cho hành khách và nước không tràn vào khoang khách”, ông Hà nhấn mạnh.
Lãnh đạo Cục Đăng kiểm nhấn mạnh, đây là tiêu chuẩn kỹ thuật do Tổ chức Hàng hải quốc tế quy định với tàu khách cao tốc.
Ông Hà thông tin thêm rằng, Tổ chức Hàng hải quốc tế đã nghiên cứu và ban hành Bộ luật quốc tế về an toàn tàu cao tốc năm 1994 và năm 2000.
“Họ đánh giá tất cả rủi ro trong hoạt động của tàu đến mức chấp nhận được. Do đó, chúng ta không thể nói cảm tính là nếu mui hở, hành khách sẽ dễ thoát. Đây là tai nạn đáng tiếc”, vị lãnh đạo chia sẻ và cho biết thêm, nếu mui hở, vận hành tàu bình thường đã tiềm ẩn rủi ro gây mất an toàn cho tàu và khách.
Ông Đặng Việt Hà cũng dẫn chứng, như khi lưu thông trên đường bộ, xe khách mui hở chỉ chạy trong nội đô với tốc độ chậm. Còn trên cao tốc, xe khách mui kín để đảm bảo an toàn, bởi khi mui hở khi tai nạn khách bị văng ra ngoài, gây tai nạn.
Vụ lật ca nô làm 17 người chết ở Quảng Nam
Như Sputnik đã thông tin, khoảng 14h ngày 26/2, ca nô Phương Đông 05 (mang số hiệu QNa 1152) chở 39 người từ đảo Cù Lao Chàm vào cảng Cửa Đại thì gặp tai nạn làm ca nô bị lật khiến 17 người chết.
Công an Quảng Nam hiện vẫn tiếp tục điều tra sự việc. Ban đầu, theo Đại tá Nguyễn Hà Lai, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, ca nô du lịch mang số hiệu QNa 1152 của Công ty du lịch Phương Đông do ông Lê Sen (52 tuổi) chở 39 người gồm 36 hành khách, 3 thuyền viên, xuất bến Cù Lao Chàm lúc 14h ngày 26/2 để vào đất liền.
Khi đến vị trí cách Trạm Biên phòng Cửa Đại 1 hải lý, ca nô bị sóng lớn đánh chìm. Hành khách trên ca nô được trang bị áo phao và mặc áo phao trước khi xuất phát, bố trí ghế ngồi đầy đủ.
Đối với ca nô, phương tiện này được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật có hiệu lực đến ngày 19/1/2023, trọng tải toàn phần, số lượng người được phép chở sức kéo đẩy là 4,1 tấn, tương ứng 35 hành khách.
Thuyền trưởng Lê Sen có chứng chỉ chuyên môn phương tiện thủy nội địa hạng 3, đủ điều kiện lái phương tiện, không sử dụng ma túy hay rượu bia, chất kích thích khi điều khiển phương tiện.
Công an Quảng Nam cập nhật về quá trình điều tra vụ lật ca nô
Chiều 1/3, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức họp báo thông tin vụ lật ca nô chở khách làm 17 người chết vùng biển Cửa Đại.
Thượng tá Võ Văn Minh, Chánh Văn phòng Công an tỉnh Quảng Nam cho hay, ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra lực lượng Công an đã vào cuộc điều tra.
Theo thượng tá Minh, cơ quan điều tra đã tiếp cận hiện trường, khám nghiệm tử thi để làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn.
Đơn vị cũng đã làm việc với thuyền trưởng Lê Sen, 2 thuyền viên, 12 du khách cũng như đơn vị điều hành tổ chức đưa phương tiện xuất bến.
Thượng tá Võ Văn Minh nhấn mạnh, kiểm tra giấy tờ liên quan đến việc điều hành tàu du lịch, tất cả đều đầy đủ, được cơ quan cấp phép. Đồng thời, làm việc với thuyền trưởng, du khách, họ khai báo rằng trước khi tàu xuất bến được các cơ quan kiểm tra chặt chẽ.
“Tuy vậy, trong thời gian di chuyển đi về thì sóng to gió lớn đã đập vào mạn thuyền bên trái gây vỡ, nước tràn vào lật úp ca nô dẫn đến tai nạn”, Thượng tá Minh nói.
Hiện nay cơ quan điều tra đang thu thập tất cả máy radar của tàu du lịch để làm rõ nguyên nhân vụ chìm tàu, xử lý các tổ chức cá nhân theo quy định pháp luật.
Tại cuộc họp báo, Đại tá Nguyễn Quang Nam, Phó Chỉ huy trưởng, tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam cũng cho biết, sau khi nhận được thông tin, các phương tiện của lực lượng Biên từ đã tiếp cận hiện trường nơi xảy ra tai nạn từ sớm, đồng thời huy động tất cả các phương tiện tham gia ứng cứu.
“Sau khi ca nô du lịch gặp nạn, thì chỉ sau 10 phút lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường để tiến hành cứu nạn các du khách”, Đại tá Nguyễn Quang Nam cho biết.
Theo ông Nam, khi tiếp cận lực lượng chức năng tiến hành cứu nạn ngay. Đồng thời, huy động các phương tiện đang hoạt động gần khu vực đó cùng với tàu thuyền của các doanh nghiệp trên đường vào bờ tham gia ứng cứu.
Về công tác kiểm tra, giám sát, Đại tá Nam nhấn mạnh, lực lượng chức năng thực hiện theo quy định của Bộ GTVT và Chính phủ với các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh. Đối với việc tốc độ thì có giám sát hành trình, vì trên tất cả các phương tiện đều có giám sát hành trình.