Căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraina khiến giá vàng liên tục tăng cao và thiết lập những kỷ lục mới. Tuy nhiên, theo quy đổi, giá thế giới vẫn đang rẻ hơn Việt Nam 14,15 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới vẫn rẻ hơn Việt Nam
Rạng sáng 7/3, DOJI và SJC là hai đơn vị điều chỉnh giá vàng. Theo ghi nhận của các chuyên gia, giá vàng trong nước vẫn giữ ở mức cao.
Cụ thể, vàng DOJI ở khu vực TP Hồ Chí Minh đã tăng 1 triệu đồng/ lượng mua vào và 400.000 đồng/ lượng bán ra so với ngày hôm trước. Như vậy, giá vàng DOJI ở đây đang là 68 triệu đồng/ lượng mua vào và 69,5 triệu đồng/ lượng bán ra. Tại Hà Nội, vàng DOJI đang mua vào ở mức 67,75 triệu đồng/ lượng và bán ra ở mức 69 triệu đồng/ lượng. Hiện tại, DOJI đang là đơn vị có giá vàng bán ra cao nhất thị trường.
Giá vàng tiếp tục tăng kỷ lục, tiến sát 70 triệu đồng/lượng
© Ảnh : Trần Việt - TTXVN
Ở chiều ngược lại, SJC ở cả ba khu vực Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh đã điều chỉnh giảm 300.000 đồng ở chiều bán ra. Với mức giảm này, giá vàng bán ra tại SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang là 69,02 triệu đồng/ lượng. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng SJC bán ra thấp hơn 20.000 đồng. Ở chiều mua vào, giá vàng SJC ở cả ba khu vực đang là 68 triệu đồng/ lượng.
Trong tuần giao dịch đầu tiên của tháng 3, cả thị trường vàng trong nước và thế giới đã khép lại với xu hướng tăng rất mạnh.
Nhìn chung, giá vàng miếng trong nước bán ra tại hầu hết doanh nghiệp như Vàng Phú Nhuận, DOJI, Bảo Tín Minh Châu, Phú Quý v.v đều phổ biến trên 69 triệu/lượng, cao nhất từ trước đến nay.
Chỉ trong một tuần đầu tháng 3, giá vàng miếng trong nước cũng đã tăng ròng 5,4%, cao hơn mức tăng của vàng thế giới.
Tại thị trường trong nước, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Vàng SJC Phú Thọ, cũng cho biết từ đầu năm đến nay giá vàng miếng đã duy trì chênh lệch so với vàng thế giới hơn chục triệu đồng. Đây là mức chênh lệch rất cao trong lịch sử.
“Với diễn biến thị trường hiện nay, nếu giá vàng thế giới tiếp tục tăng cao, giá vàng trong nước sẽ còn vượt các mốc giá cao hơn, trước đó là 67 triệu/lượng và sau đó có thể là 70 triệu đồng” - Ông Hải nhận định.
Trong ngắn hạn, chuyên gia này cho rằng vàng thế giới sẽ phụ thuộc vào hành động của Mỹ và các nước phương Tây trong sự kiện Nga và Ukraina. Ông cũng không loại trừ khả năng giá kim quý thế giới sẽ phá đỉnh 2.063 USD/ounce ghi nhận hồi tháng 8/2020 trong đợt tăng giá này.
Khi đó, giá vàng trong nước cũng sẽ dễ dàng vượt mốc 70 triệu/lượng.
Biến động chính trị thế giới khiến giá vàng ‘càng thêm nóng’
Trên thị trường thế giới lúc 7h30 ngày 7/3, giá vàng giao ngay trên Kitco tăng 17,4 USD lên 1.990 USD/ounce, tương đương 54,87 triệu đồng/lượng. Nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank (chưa thuế, phí), giá vàng thế giới đang thấp hơn 14,15 triệu đồng/lượng so với giá trong nước.
Theo phân tích của giới quan sát dự báo, giá vàng thế giới sẽ tăng lên vùng 2.000 USD trong tuần này (7-11/3).
Giá vàng tiếp tục nhảy vọt khi chiến sự ở Ukraina "nóng càng thêm nóng". Hiện tại, giá các mặt hàng như lúa mì tăng khoảng 40%, palladium tăng 22% và dầu tăng 20% so với tuần trước.
Các chuyên gia nhận định, dư địa tăng giá của vàng còn rất nhiều vì giới đầu tư không thể tìm được hầm trú ẩn nào tốt hơn. Do đó, giá kim loại quý có thể cán mốc 2.000 USD/ounce trong thời gian tới nếu mối quan hệ giữa Nga và Ukraina tiếp tục căng thẳng.
Ông Nicky Shiels từ hãng MKS PAMP SA nhận định, giá vàng sẽ còn tăng trong thời gian tới vì các yếu tố sau:
“Thứ nhất là chiến sự tiếp tục "nóng" ở Ukraina.Thứ hai là mức độ lạm phát gia tăng; Thứ ba là các quyết sách về lãi suất từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ”.
Theo dự kiến, Fed sẽ tăng lãi suất 3 lần trong năm 2022 và đợt điều chỉnh đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng 3. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dự báo, con số trên không phải là 3 mà có thể là 4 hoặc 5.