Theo chuyên gia, chi phí sản xuất linh kiện ô tô ở Việt Nam hiện nay khá cao do những yếu tố như ngành công nghiệp nguyên vật liệu còn chưa đủ mạnh, trình độ kỹ thuật sản xuất chưa cao, quy mô thị trường nhỏ...
Cả nước mua gần 900.000 xe ô tô trong 3 năm
Thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam ghi nhận, Hà Nội, TP.HCM và Nghệ An lần lượt là 3 địa phương mua nhiều ô tô nhất cả nước.
Theo đó, trong cả năm 2021, tổng doanh số bán hàng trên toàn thị trường đạt 287.637 xe. Năm 2020, con số này là 308.713 xe, năm 2019 là 296.411 xe.
Năm 2021 là một trong những năm khó khăn nhất trong lịch sử của thị trường ô tô Việt Nam. Do các biện pháp giãn cách phòng dịch, nhiều nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô tạm dừng hoạt động. Trong bối cảnh khó khăn, nhiều hệ thống đại lý phải đóng cửa, chuyển sang kinh doanh trực tuyến khiến nhiều lao động thất nghiệp.
Theo báo cáo của VNDirect, trong năm 2022, ngành ô tô Việt Nam có 5 xu hướng chính, bao gồm: Xe Hàn sẽ duy trì vị thế số 1 tại thị trường ô tô Việt Nam; sự lên ngôi của Crossover và SUV; chính sách ưu đãi của Chính phủ là động lực chính thúc đẩy sự phục hồi của ngành ô tô năm 2022; xe điện (EV) sẽ trở thành phương tiện phổ biến trong tương lai; và cuối cùng là "Make in Việt Nam" sẽ tạo cơ hội cho VinFast và các doanh nghiệp phụ trợ.
Việt Nam chủ yếu chỉ sản xuất được các linh kiện rời
Chiều 7/3, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã phối hợp với Trung tâm Thương mại, Đầu tư và Du lịch ASEAN - Nhật Bản (AJC) tổ chức Hội thảo "Phát triển liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam với các công ty đa quốc gia trong ngành công nghiệp chế tạo".
Phát biểu tại hội thảo, TS. Trương Chí Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho biết, thời gian vừa qua, Chính phủ và các địa phương cũng như nhiều tổ chức đã triển khai các biện pháp hỗ trợ cho ngành chế biến chế tạo, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển và kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, Việt Nam hiện đang thiếu các công đoạn gia công để có cụm sản phẩm hoàn chỉnh nên chủ yếu chỉ sản xuất được các linh kiện rời.
Bên cạnh đó, do còn thiếu nguồn tài chính và khả năng quản trị chưa cao, các doanh nghiệp gặp khó khi muốn tăng quy mô sản xuất hoặc nâng cấp từ nhà cung ứng cấp 2 lên cấp 1 hay đầu tư nâng cao năng lực.
Điều này khiến mối liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước với khối FDI thời gian qua còn yếu. Theo VASI, các doanh nghiệp là nhà cung ứng luôn mong muốn giảm chi phí sản xuất thông qua tín dụng ưu đãi; quản trị tinh gọn hoặc được tiếp cận, đào tạo sản xuất với các tiêu chuẩn quốc tế, quy trình quản lý, năng lực thương mại và kết nối với nhau.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam cũng muốn tăng quy mô sản xuất bằng cách đầu tư đổi mới công nghệ, nhà xưởng và liên kết cụm doanh nghiệp để sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh.
Theo bà Bình, nhà nước cần hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực thông qua các chính sách khuyến khích chuyển đổi số, đầu tư vào sản xuất điện tử để họ có thể tham gia nhiều hơn, sâu hơn vào chuỗi cung ứng của các FDI.
“Nhà nước vẫn chưa có chiến lược cùng các cơ chế chính sách cụ thể cho lĩnh vực điện tử, trong khi đó, điện tử là vấn đề của tương lai. Bên cạnh đó, cũng cần khuyến khích doanh nghiệp FDI nội địa hóa bằng các chính sách về thuế, lao động, ưu tiên thu hút các FDI có định hướng rõ ràng về nội địa hóa”, Phó chủ tịch VASI khuyến nghị.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng ban Kế hoạch kinh doanh và đối ngoại, Công ty Toyota Motor VietNam (TMV) cho biết, sản lượng sản xuất tính trên mỗi mẫu xe tại Việt Nam thấp hơn nhiều so với Thái Lan và Indonesia, do đó rất khó để nội địa hóa do thiếu quy mô sản xuất tập trung.
Hiện chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp ở Việt Nam cung ứng tuyến dưới, trong khi tại Thái Lan có đến hơn 3.000 doanh nghiệp. Trong khi Việt Nam vẫn cần nhập khẩu từ 80-85% linh kiện cho sản xuất ô tô thì Thái Lan chỉ nhập khẩu 10%.
“Việt Nam đang yếu ở ngành công nghiệp nguyên vật liệu (thép, nhựa), trình độ kỹ thuật sản xuất chưa cao, quy mô thị trường nhỏ... những yếu tố này khiến chi phí sản xuất linh kiện tăng cao”, ông Hiếu cho hay.
Theo ông, TMV đã tăng cường nội địa hóa bằng cách thiết lập Phòng Phát triển nhà cung cấp để từng bước phát triển năng lực của các nhà cung cấp Việt Nam.
Cụ thể, TMV hỗ trợ nhà cung cấp từ cơ sở nền tảng đến kỹ năng và hiệu suất trong các hoạt động 5S (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc và sẵn sàng), từ đó nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn và cải thiện hiệu suất.
“Áp dụng "dòng chảy sản xuất" đối với các nhà cung cấp linh kiện dập để cải thiện sơ đồ các vị trí xưởng dập. Kết quả là năm 2010, TMV chỉ có 13 nhà cung cấp thì đến 2020 đã có 46 nhà cung cấp; trong đó 6 nhà cung cấp thuần Việt”, ông Hiếu nói.
Về phần mình, ông Harsono, Phòng Quan hệ đối ngoại - Hiệp hội Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp chế tạo ô tô Indonesia cho biết, mỗi năm, các đơn vị sẽ lập kế hoạch đào tạo chuyên gia từ sơ cấp, cao cấp đến cấp quốc gia. Các chuyên gia này sẽ tới từng doanh nghiệp để giúp họ phát triển, cải thiện hệ thống, chất lượng sản xuất từ thấp lên cao.
Theo đó, Indonesia đã xây dựng thành công bộ tiêu chuẩn năng lực quốc gia cho sản xuất tinh gọn. Chương trình đào tạo chia theo cấp độ từ 0 – 5. Theo quy định, cấp độ tối thiểu để cung ứng cho ô tô là cấp độ 3, yêu cầu sản xuất ổn định với những tiêu chuẩn đi kèm.
Theo ông Harsono, thông qua việc phân cấp như vậy, các doanh nghiệp sẽ biết vị trí của mình để có thể từng bước nâng cao năng lực nhằm đáp ứng yêu cầu, mục tiêu đặt ra.