Cảnh sát biển cũng đã bắt giữ, xử lý 90 vụ với 156 đối tượng tội phạm, vi phạm trên biển và địa bàn ven biển.
228 lượt tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam
Ngày 9/3, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển tổ chức Hội nghị tổng kết đợt cao điểm đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.
Theo Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, trong đợt cao điểm (từ 1/12/2021 đến 28/2/2022), toàn lực lượng đã tăng cường tuần tra, kiểm soát các khu vực biển trọng điểm, kết hợp giữa lực lượng tuần tra, kiểm soát công khai với lực lượng trinh sát bí mật trên các tuyến biển với gần 400 lượt cán bộ. Duy trì từ 20-25 tàu trực thường xuyên và hoạt động tại các khu vực trọng điểm, sẵn sàng xử lý các tình huống.
Qua công tác nắm tình hình, trao đổi thông tin, tuần tra, kiểm soát, phát hiện 228 lượt/chiếc tàu nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam (giảm 120 lượt/chiếc so với cùng kỳ năm 2021); tàu của các đơn vị đã kịp thời ra thực địa tuyên truyền, đấu tranh và yêu cầu ra khỏi vùng biển Việt Nam theo đúng chủ trương, đối sách và pháp luật.
Toàn lực lượng đã bắt giữ, xử lý 227 vụ với trên 300 đối tượng tội phạm, vi phạm trên biển và địa bàn ven biển (so với cùng kỳ năm 2021 giảm 26 vụ/27 đối tượng). Trong đó, khởi tố 9 vụ/11 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính 149 vụ/183 đối tượng.
Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và giá trị tang vật xử lý, bàn giao các lực lượng, ước tính hơn 20 tỷ đồng. Quá trình bắt giữ, xử lý đảm bảo tuyệt đối an toàn về người, phương tiện, trang bị, việc xử lý nhanh chóng, đúng pháp luật.
Buôn lậu đường biển ngày càng phức tạp
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, tình hình vi phạm, tội phạm, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa trên biển diễn biến phức tạp.
Các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại được thực hiện có tổ chức, đường dây chặt chẽ, tập trung tại các vùng biển Đông Bắc, Bắc miền Trung, Đông Nam Bộ và Tây Nam.
Các mặt hàng chủ yếu là xăng dầu, than, pháo nổ, khoáng sản, hàng gia dụng. Thủ đoạn buôn lậu của các đối tượng ngày càng tinh vi, gian xảo.
Đáng chú ý, đối với mặt hàng có giá trị kinh tế cao như than, các đối tượng thành lập công ty có chức năng xuất nhập khẩu, kinh doanh than, ký hợp đồng mua bán với nước ngoài nhưng thực tế lại mua than của tàu nước ngoài ở khu vực biển giáp ranh giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Sau đó, chúng vận chuyển than vào nội địa, pha trộn với các loại than khác để tiêu thụ.
Đối với mặt hàng xăng dầu, phương thức tiến hành giao dịch nhanh gọn, bên mua và bên bán nhận nhau qua ám hiệu, tín hiệu, cách thức thanh toán do chủ hàng hai bên quyết định và diễn ra trên đất liền.
Từ ngày 1/12/2021 đến ngày 28/2/2022, lực lượng cảnh sát biển đã bắt 18 vụ với 54 đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, thu giữ tang vật: hơn 300 tấn than, 97.300 lít xăng, 702.376 lít dầu DO, hơn 400 kg pháo.
Đối với tội phạm ma túy, lực lượng chức năng cũng đã bắt giữ 72 vụ với 102 đối tượng, thu giữ tang vật: hơn 38 bánh heroin, hơn 37.000 viên ma túy tổng hợp cùng nhiều vật chứng có liên quan.
Cảnh sát biển tăng cường thu thập tin tức
Phát biểu tại Hội nghị, Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Tư lệnh Cảnh sát biển, nhấn mạnh, những kết quả đã đạt được trong đợt cao điểm thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt của cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng trong chấp hành và thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật.
Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam nêu rõ, thời gian tới tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển tiếp tục diễn biến phức tạp.
Do vậy, tướng Lê Quang Đạo yêu cầu lực lượng Cảnh sát biển sẽ tăng cường công tác thu thập tin tức, nắm tình hình đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật, hoạt động của tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam.
Tư lệnh Cảnh sát Biển cũng yêu cầu phối kiểm thông tin, kịp thời báo cáo đề xuất với Bộ Tư lệnh, căn cứ vào trang bị hiện có, báo cáo, bổ sung vào các nhiệm vụ sử dụng tàu trong các tháng, quý về Bộ Quốc phòng, đặc biệt là các tàu thực hiện nhiệm vụ tại các vị trí điểm trực canh, các tàu thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên biển, thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU và phòng chống thiên tai cứu hộ, cứu nạn.
Theo Thiếu tướng Đạo, năm 2022, tình hình trên các vùng biển dự báo tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp.
“Cảnh sát biển Việt Nam tiếp tục phối hợp với các lực lượng để làm tốt công tác phối kiểm thông tin nhằm đưa ra những nhận định, đánh giá, bố trí sử dụng lực lượng một cách khoa học, hợp lý, trên hướng địa bàn vùng biển, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”, Thiếu tướng Lê Quang Đạo nêu rõ.