Chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraina

Ông Nguyễn Chí Vịnh không thể nói khác?

Những phát biểu của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên thứ trưởng quốc phòng Việt Nam về “Chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tại ở Ukraina chỉ thể hiện quan điểm riêng của ông?
Sputnik
Vừa qua, tờ Tuổi Trẻ của Việt Nam có đăng bài trả lời phỏng vấn của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên thứ trưởng quốc phòng Việt Nam: Xung đột Nga - Ukraina: Không bên nào thắng! - Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn). Những phát biểu của ông Nguyễn Chí Vịnh đã gây nhiều tranh cãi. Nhiều người phát biểu ủng hộ, có người nói ông không rõ ràng, thậm chí có nhiều bạn Nga cảm thấy sốc trước một số phát biểu của ông. Phóng viên Sputnik có bài phân tích một số câu phát biểu đáng chú ý và gây nhiều đàm đạo nhất của Thượng tướng Việt Nam cùng một số phát biểu của các chuyên gia quan hệ quốc tế Việt Nam.

Phát biểu của ông Nguyễn Chí Vịnh cho thấy lập trường trung lập của Việt Nam

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, trong trả lời phỏng vấn của tờ Tuổi Trẻ đã cho rằng, “nguyên nhân để xung đột leo thang như hiện nay không có bên nào đúng hoặc sai tuyệt đối, nhưng rõ ràng chiến dịch quân sự này tạo ra tiền lệ xấu trong việc sử dụng sức mạnh quân sự trong quan hệ quốc tế, hòa bình thế giới bị đe dọa”.
Bình luận về phát biểu trên, nhà phân tích các vấn đề chính trị và quân sự quốc tế Nguyễn Hoàng nói, lời phát biểu của tướng Nguyễn Chí Vịnh cho thấy lập trường trung lập và thái độ trung tính của Việt Nam trước những sự kiện vừa qua ở Ukraina. Từ trước tới nay, Việt Nam luôn giữ quan điểm làm bạn với tất cả các bên và không để quan hệ với bên thứ ba xen vào các quan hệ song phương của Việt Nam.
Chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraina
Nghề quen thuộc của Nhà Trắng

“Việt Nam có quan hệ hữu nghị với cả Nga và Ukraina. Và Việt Nam cũng đã từng chịu thiệt hại khi quan hệ hai bên bắt đầu căng thẳng từ năm 2014. Khi đó, Ukraina ngừng bán động cơ thủy cho Nga, khiến cho dự án đóng cặp tàu hộ tống Gepard 3.9 số 013 và 014 đã được ký kết giữa Nga với Việt Nam bị dang dở. Bên cạnh đó, cũng có một số trở ngại khác khi hàng hóa Việt Nam đi qua Ukraina sang Châu Âu bằng tàu hỏa liên vận quốc tế”, - Nhà phân tích Nguyễn Hoàng nhấn mạnh với Sputnik.

Theo chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Hồng Long, cuộc chiến hiện nay cũng là một trong các nguyên nhân khiến giá xăng dầu tại Việt Nam tăng vọt, các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu và người tiêu dùng Việt Nam phải tăng chi phí đầu vào, khiến chỉ số CPI của kinh tế Việt Nam tăng theo. Mặt khác, cuộc chiến cũng làm cho nhiều kiều bào Việt Nam ở cả Ukraina và Nga bị ảnh hưởng, đặc biệt hơn 3.500 Việt kiều ở Ukraina hiện đang mang quốc tịch Việt Nam.
Cũng theo nhà phân tích quan hệ quốc tế Nguyễn Hoàng, trung thành với Hiến chương Liên Hợp Quốc, Việt Nam không thể ủng hộ bất kỳ một hành động sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Đó là vấn đề có tính nguyên tắc. Bởi đó là biện pháp cuối cùng khi không còn bất kỳ một biện pháp nào khác và cũng chứa đựng rất nhiều hậu quả rủi ro cho nhiều bên, cả về tính mạng, tài sản, kinh tế, vấn đề nhân đạo...
Việt Nam hiểu rất rõ rằng, Mỹ và phương Tây đang một mặt đẩy mạnh quân sự hóa Ukraina, dùng nước này để chống Nga; mặt khác, tăng cường gây sức ép mọi mặt hòng cô lập Nga hơn nữa. Những dữ liệu khác mà phía Nga đang thu thập rồi đây sẽ làm sáng tỏ hơn các nguyên nhân trực tiếp dẫn đến chiến tranh. Nhưng đó là việc của tương lai.

“Trong thời điểm hiện tại, Việt Nam không thể nói khác với tinh thần mà người đại diện của mình ở Liên Hợp Quốc đã tuyên bố và bỏ phiếu trắng đối với một Nghị quyết yêu cầu Nga chấm dứt các hành động quân sự”, - Nhà phân tích Nguyễn Hoàng nhấn mạnh với Sputnik.

Chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraina
Không phải khi nào bên nổ súng trước là bên gây chiến
“Tôi hiểu rõ hiện tại Việt Nam không thể nói khác, nhưng tôi cũng đặt câu hỏi: Ông Nguyễn Chí Vịnh có phát biểu như thế khi xảy ra sự kiện ở Kosovo hay không? Ông Nguyễn Chí Vịnh đã nói gì về chuyện 8 năm qua các lực lượng ATO dưới sự chỉ đạo từ Kiev đã tiến hành hàng trăm vụ hành quyết hệt như thời Trung cổ và phần lớn các vụ hành quyết đó nhằm vào những người Ucraina gốc Nga, nói tiếng Nga. Chỉ theo kết quả điều tra của Tòa án hình sự quốc tế (ICC) tháng 9/2015, đã có tới gần 8.000 người thiệt mạng và 17.820 người bị thương trong các cuộc tấn công của quân đội Ucraina vào dân thường miền Đông nước này trong 18 tháng chiến sự? Đó chỉ là con số của năm 2015!
Ông Nguyễn Chí Vịnh sao không có phát biểu gì về chính sách diệt chủng người Nga (“Hồ sơ diệt chủng” tại Ukraina đã được trình lên LHQ), bài Nga, bài văn hóa Nga, ngôn ngữ Nga và cả tôn giáo Nga ở Ukraina? Nguyên nhân gì đã khiến cho cộng đồng Nga ở Ukraina “tức nước vỡ bờ:” cũng như những phản ứng quyết liệt của chính quyền Nga nhằm bảo vệ an ninh cho công dân Nga ở Ukraina, đồng thời bảo vệ cho an ninh của Liên bang Nga, cũng như bảo vệ thế giới Nga, văn hóa Nga?”, - TS quan hệ quốc tế Hoàng Giang nói với Sputnik.
Chẳng lẽ tất cả những hành động của Mỹ và NATO trong những năm qua tại Ukraina, khi đã vượt qua lằn ranh đỏ mà Nga đã cảnh báo lâu nay và nhất là trong thời gian gần đây không đe dọa hòa bình thế giới hay sao?

Tướng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu chung chung theo tinh thần “Sách trắng quốc phòng Việt Nam 2019”

Tướng Nguyễn Chí Vịnh còn nói về công thức giải quyết tình hình hiện nay như sau: “Vậy công thức nào? Không khó để nhìn ra, đó là: ngừng bắn ngay lập tức, các đoàn quân về bên kia biên giới; ngưng ngay viện trợ quân sự cho tất cả các bên; các khu vực tranh chấp (Crưm, Donbass...) giữ nguyên trạng, 2 nước sẽ đàm phán trong hòa bình và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế; Ukraina trung lập, "3 không" - đối với tất cả các bên”.
Chẳng lẽ một người như ông Nguyễn Chí Vịnh lại không thấy một điều là trước khi Nga tuyên bố thực hiện Chiến dịch quân sự đặc biệt ngày 24/2, mọi nỗ lực giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình của Nga bị xem thường, phương Tây đã liên tục trong 2 tháng trước đó cung cấp hàng trăm nghìn tấn vũ khí cho Ukraina hay sao, và cứ tiếp tục cho tới bây giờ? Chẳng lẽ ông ta không thấy một Ukraina đã và đang quốc xã hóa nhà nước và suốt ngày đòi vào NATO, rồi còn đe dọa sẽ từ bỏ status quốc gia không vũ khí hạt nhân? Chẳng lẽ ông ta không thấy Nga đã có những nỗ lực hòa bình cho tới phút chót?
“Bài phát biểu này được Báo Tuổi Trẻ thực hiện ngay trong mấy ngày đầu tiên của Chiến dịch quân sự đặc biệt do Nga phát động nên những dữ liệu về cuộc chiến còn rất ít ỏi. Do đó mà những yêu cầu ông đưa ra cũng khá chung chung theo tinh thần “Sách trắng quốc phòng Việt Nam 2019”. Thêm vào đó, tướng Nguyễn Chí Vịnh đã nghỉ hưu được hơn 1 năm nên ông cũng không thể có đủ thông tin chính xác và tin cậy như khi còn đang làm việc. Vả lại nếu có đủ thông tin thì việc tuyên bố ủng hộ bên này hay bên kia trong điều kiện hệ thống truyền thông (kể cả chính thức và không chính thức) của Mỹ và phương Tây đang áp đảo trên toàn cầu cũng như trong khi Nhà nước Việt Nam chưa đưa ra một lập trường khác là một điều không được phép đối với một nguyên lãnh đạo quân sự cao cấp của Việt Nam”, - Nhà phân tích Nguyễn Hoàng có lời giải thích với Sputnik.
Chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraina
Mọi sự so sánh Ukraina với Việt Nam đều sai
Nhà phân tích Nguyễn Hoàng còn nhấn mạnh, Việt Nam có quan hệ hữu nghị hợp tác với Nga và Ukraina ở hai cấp độ khác nhau, đối tác chiến lược toàn diện và đối tác thông thường nhưng chưa bao giờ là đồng minh của cả hai. Còn hiện tại thì người Việt tại Ukraina, kể cả những người còn giữ quốc tịch Việt Nam và những người đã chuyển quốc tịch Ukraina đang là nạn nhân của cuộc chiến. Do đó, ít nhất là trong thời điểm hiện tại, mọi ứng xử của Việt Nam đều đặt ưu tiên hàng đầu cho việc bảo vệ công dân Việt Nam nhanh chóng ra khỏi vùng chiến sự để về nước an toàn nếu họ có nguyện vọng. Đồng thời, trong phạm vi điều kiện cho phép thì bảo vệ tài sản của họ ở Ukraina khỏi bị xâm hại. Điều này đã được người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn rất mạnh trong phiên họp giao ban Chính phủ thường kỳ đầu tháng 3 vừa qua.

Tướng Nguyễn Chí Vịnh đứng về bên nào khi dùng cụm từ “việc dùng chiến tranh hoặc sức mạnh để giải quyết tranh chấp”?

Trong trả lời phỏng vấn cho Tuổi Trẻ, tướng Nguyễn Chí Vịnh còn nhấn mạnh “việc dùng chiến tranh hoặc sức mạnh để giải quyết tranh chấp là không thể chấp nhận”.

“Chúng ta cũng không đồng tình khi cuộc chiến này sẽ tạo ra các tiền lệ xấu trong quan hệ quốc tế… Chúng ta phản đối bất cứ hình thức nào áp đặt chiến tranh với Ukraina…”, - Tướng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu trong bài trả lời phỏng vấn tờ “Tuổi Trẻ” .

Người viết bài này có câu hỏi: Có thể hiểu từ “chúng ta” nguyên thứ trưởng quốc phòng Việt Nam dùng ở đây là Việt Nam hay không?
Chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraina
Nga đành phải "ra đòn trước" chống lại một bản sao của Khmer Đỏ
Theo chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Hoàng, ở đây, cần lưu ý cụm từ “áp đặt chiến tranh với Ukraina” mà tướng Nguyễn Chí Vịnh đã sử dụng. Ông không nói đến “gây chiến”, đến “tấn công trước” đến “xâm lược” mà chỉ nói đến việc “áp đặt chiến tranh”. Vì thế, có thể hiểu rằng, “gây chiến” hay “tấn công trước” không đồng nghĩa với “áp đặt chiến tranh”. Sự áp đặt này không hẳn bao giờ đến từ bên nổ súng trước mà đến từ bên “khiêu chiến”.
Chúng ta đều biết đến “Sự kiện Gleyzewich” ngày 31/8/1939 trên biên giới Đức Quốc xã-Ba Lan đã châm ngòi cho cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai như thế nào. Chúng ta cũng từng biết đến một “Hiệp ước Munich” khét tiếng được ký kết giữa Đức Quốc xã, Anh, Pháp và Italia ngày 29/9/1938 đã cho phép Đức Quốc xã thôn tính Tiệp Khắc, một quốc gia có chủ quyền và có hiệp ước phòng thủ chung với Liên Xô nhằm kéo Liên Xô tham chiến sớm khi chưa chuẩn bị cho cuộc chiến tranh ngoài lãnh thổ của mình.
Chúng ta cũng đều biết đến “Cuộc chiến tranh kỳ quặc” từ tháng 9/1939 đến đầu tháng 5/1940, khi liên quân Anh-Pháp đã không làm gì để cứu đồng minh Ba Lan của mình đang bị Đức Quốc xã xâm lược với mong muốn Hitler sẽ sớm tấn công Liên Xô và kéo Liên Xô vào chiến tranh. Kết quả là Hitler đã đột ngột “lật cánh” sang phía Tây, đánh chiếm Pháp, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Luxemburg chỉ trong 6 tuần và tiêu diệt phần lớn Liên quân Anh-Pháp.
Chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraina
Bước đột phá của Nga với mục tiêu tự vệ bằng “biện pháp quân sự - kỹ thuật”

“Từ những bài học lịch sử, chúng ta thấy có thể có những ẩn ý nhất định đằng sau phát ngôn của tướng Nguyễn Chí Vịnh nếu độc giả tự đặt câu hỏi: “Ai đã đẩy Ukraina vào cuộc chiến ? Ai đã buộc Nga phải tiến hành Chiến dịch quân sự đặc biệt này? Ai đã áp đặt chiến tranh ở Ukraina?”, - Chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Hồng Long nói với Sputnik.

“Còn về “tiền lệ xấu” thì điều đó ai cũng rõ. Khi tấn công Việt Nam năm 1979, Trung Quốc còn tạo ra một tiền lệ tồi tệ hơn thế nhiều lần nhưng Mỹ vẫn ủng hộ Trung Quốc. Đó là sự giả dối của Mỹ, là chính sách “tiêu chuẩn kép” của Mỹ. Đó là chưa kể đến việc những thế lực đang lên án Nga xâm lược Ukraina hiện nay cũng từng lớn tiếng nói rằng Việt Nam xâm lược Campuchia cách đây hơn 40 năm.

Vì vậy, nói về “tiền lệ xấu” chỉ là cách nói cho “phù hợp hoàn cảnh”, phù hợp Hiến chương Liên Hợp Quốc mà thôi. Và xét cho cùng thì phát biểu của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chỉ là ý kiến của cá nhân ông, không đại diện cho quan điểm của Nhà nước Việt Nam”, - TS quan hệ quốc tế Hoàng Giang nhấn mạnh với Sputnik.
Ở đây, tôi cho rằng, tướng Nguyễn Chí Vịnh thực chất đã đưa ra quan điểm rõ ràng của mình. Cụm từ “Việc dùng chiến tranh hoặc sức mạnh để giải quyết tranh chấp” của ông ta đã cho chúng ta thấy rõ ông ta nhìn nhận Chiến dịch quân sự đặc biệt này như thế nào. Nếu ông ta cho rằng Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga là “Việc dùng chiến tranh hoặc sức mạnh để giải quyết tranh chấp” thì chứng tỏ ông ta không hiểu hoặc cố tình không hiểu bản chất của sự việc, của những gì đang diễn ra. Thực chất, Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga nhằm chấm dứt cuộc chiến đã diễn ra 8 năm nay tại Donbass với những mục đích cụ thể, chống lại và chấm dứt cuộc chiến tranh phức hợp chống Nga do NATO và Mỹ gây ra tại Ukraina.
Ý kiến trong bài viết là quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Sputnik.
Thảo luận