Chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraina

Nga có thể “phá vòng phong tỏa” để truyền bá các quan điểm của mình

“Về kỹ thuật, Nga cũng có thể tận dụng lại hệ thống phát thanh radio mà Mỹ không thể ngăn chặn được. Còn về lâu dài, Nga cần cùng với các đối tác hoàn thiện mạng lưới GLONASS của mình để phá thế độc quyền của Mỹ về truyền thông. Theo đó, Internet vệ tinh có thể là một trong các giải pháp tốt”,- Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm bình luận với Sputnik.
Sputnik

Có nhiều ý kiến ở Việt Nam cho rằng, hiện nay Nga đang thua đậm trong chiến tranh thông tin

Trong gần 3 tuần qua, từ khi Nga tuyên bố thực hiện Chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraina nhằm phi quân sự hóa, phi phát xít hóa Ukraina, bảo vệ các nước cộng hòa Lugansk và Donbass, có nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay Nga đang thua đậm trong chiến tranh thông tin. Lấy “mặt trận” Việt Nam, tại đây rất thiếu thông tin từ các nguồn Nga, trong khi đó tràn ngập nguồn tin phương Tây. Các mặt trận châu Âu và Mỹ cũng vậy, đặc biệt mặt trận Ukraina…
Nhà bình luận các vấn đề quan hệ quốc tế Lý Hoài Linh cho rằng, khi chiến sự nổ ra, bên cạnh các trận đánh bằng súng đạn là các trận đánh truyền thông. Một đội quân mạnh hơn vẫn có thể thua cuộc chiến nếu thua trên mặt trận truyền thông. Truyền thông có 5 chức năng chính: a) Cung cấp thông tin và tạo nhận thức, b) Thuyết phục và tạo niềm tin, c) Khuyến khích và kêu gọi hành động, d) Kiểm soát và đánh giá hành vi và nhận thức xã hội, e) Giao tiếp xã hội.
Chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraina
Ông Nguyễn Chí Vịnh không thể nói khác?
“Nhìn vào chiến sự Ukraina từ góc độ truyền thông tôi có 3 nhận xét:
Thứ nhất: Truyền thông nguyên nhân cuộc chiến.Vì sao truyền thông nguyên nhân cuộc chiến quan trọng? Vì nguyên nhân nào sẽ kéo theo giải pháp đó. Với vấn đề phức tạp như vậy mà tìm đọc thông tin trên truyền thông quốc tế cũng như MXH chỉ có thông tin chủ yếu một chiều theo hướng: Nga hoàn toàn vô cớ, chỉ vì muốn bành trướng và chiếm đóng, đã tấn công Ucraina. Mọi thứ dường như chỉ là hệ quả của tư tưởng Thế giới Nga bành trướng và nằm trong cái đầu của một số người quyền lực nước Nga. Truyền thông nội địa (Việt Nam) thì đa chiều hơn chút nhưng cực kỳ thiếu chuyên nghiệp nên đọc còn phản cảm hơn. Với thông tin ấy: Ai sẽ thuyết phục được ai và cái gì, dẫn đến hành động nên thế nào… hoàn toàn không lợi cho Nga.
Thứ hai: Truyền thông diễn biến chiến trường:
Các công cụ tìm kiếm, đọc hay MXH đồng lòng cung cấp các thông tin như nhau về Nga: Nga bắn vào bệnh viện, trường học; Nga bắn vào thường dân; Nga bị tiêu diệt mất nhiều trang thiết bị; Lính Nga chết nhiều, bị bắt nhiều; Lính Nga độc ác; Nội bộ Nga lủng củng; Nga bị sa lầy; Nga bị thua nhiều nơi;
Hình ảnh người lính Nga, quân đội Nga rất độc ác vô nhân tính và tổ chức rất tệ hại.
Tôi không đủ thông tin khẳng định từng vụ việc đúng hay sai và đến mức nào.
Chúng tôi không nhận được thông tin từ phía Nga nhiều.
Với thông tin ấy: Ai sẽ thuyết phục được ai và cái gì, dẫn đến hành động nên thế nào… Từ đây có thể rút ra kết luận, phần thắng không thuộc về Nga”, - Nhà bình luận Lý Hoài Linh chia sẻ quan điểm và đánh giá của mình với Sputnik.
Cũng theo nhà bình luận Lý Hoài Linh, thông tin từ bên trong nước Nga quá ít và bị chìm nghỉm trong biển thông tin của phương Tây và đặc biệt là các MXH phổ biến.
“Tóm lại, nếu nhìn lên truyền thông hôm nay thì Nga đang thua cuộc chiến truyền thông này mọi nhẽ”, - Nhà bình luận các vấn đề quốc tế Lý Hoài Linh đưa ra nhận xét của mình trong trả lời phỏng vấn của Sputnik.

Không phải lúc nào phần thắng cũng thuộc về kẻ mạnh

Trong cuộc chiến thông tin hiện nay, chúng ta thấy các thế mạnh công nghệ bị lợi dụng một cách tối đa: Truyền thông đã thành một “bãi chiến trường” vô hình.
“Do đi trước về phát triển công nghệ truyền thông, cộng với những khoản đầu tư khổng lồ vào truyền thông để phục vụ kinh doanh, giải trí và đặc biệt là cạnh tranh chính trị khốc liệt trong nội bộ cũng như đối ngoại nên Mỹ đã trở thành “đế quốc truyền thông toàn cầu”. Như vậy, Mỹ đang chiếm ưu thế về truyền thông trên thế giới cả về quy mô và công nghệ hiện đại. Trong điều kiện hệ thống các máy chủ của các mạng Internet, mạng xã hội lớn nhất, phổ dụng nhất toàn cầu hiện nay như Google, Youtube, Facebook, Twitter.v.v… đều đặt tại Mỹ, Mỹ có thể “cắt sóng” bất kỳ đối tượng nào tỏ ra “không thân thiện” với Mỹ”, - Nhà phân tích các vấn đề chính trị và quân sự quốc tế Nguyễn Minh Tâm nói với Sputnik.
Trong khi Mỹ đã là “đế quốc truyền thông toàn cầu thì Trung Quốc và Nga vẫn còn đang trên quá trình hoàn thiện và mở rộng hệ thống truyền thông mạng của mình với Mail, Yandex, VK, Odnoklassniki của Nga (cộng thêm công cụ Telegram của Pavel Durov), Sina Weibo, Baidu, Tencent, TikTok của Trung Quốc nên khó có thể cạnh tranh với cơ sở hạ tầng phần mềm mà Mỹ đang sở hữu. Vì vậy, trong cuộc chiến thông tin hiện nay, hệ thống truyền thông mạng của Nga và Trung Quốc bị thiệt thòi vì yếu hơn Mỹ.
Chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraina
Nghề quen thuộc của Nhà Trắng
Tuy nhiên, theo nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm, cũng như các cuộc chiến khác, không phải lúc nào phần thắng cũng thuộc về kẻ mạnh. Ngay bản thân truyền thông Mỹ cũng lộ ra nhiều điểm yếu như tính không thống nhất do các ông chủ của chúng và dư luận có nhiều mâu thuẫn trái chiều.
“Nó không khác gì một hệ thống “cá – tôm – cua”. Trong đó, con cá bơi về phía trước, con tôm bơi giật lùi, còn con cua thì đi ngang. Kết quả tổng vector lực của hệ thống ấy sẽ bằng “không” hoặc ít nhất cũng giảm thiểu theo bất kỳ hướng nào”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm nhấn mạnh với Sputnik.
Cũng như chuyên gia Nguyễn Minh Tâm, một số chuyên gia Sputnik phỏng vấn cũng cùng chung ý kiến rằng: Trong cuộc chiến này, Nga có thể chịu thiệt, có thời điểm thiệt hại rất nặng, nhưng thua thì không. Hệ thống truyền thông mạng của nhà nước Nga có thể bị ngắt kết nối nhưng vẫn còn đó nhiều hệ thống của các quốc gia khác đang hoạt động tại Nga hay ít nhất cũng có cơ sở của riêng mình ở Nga. Và trên thế giới cũng vẫn còn không ít quốc gia ủng hộ Nga hay có cảm tình với Nga, điển hình là 4 quốc gia đã cùng Nga bỏ phiếu chống và một số quốc gia khác dù bỏ phiếu trắng nhưng vẫn ngầm ủng hộ Nga tại phiên họp bất thường của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vừa qua. Những phóng viên của các quốc gia này vẫn có thể phát biểu quan điểm của mình và trong đó, có những quan điểm trùng với quan điểm của Nga và họ cũng là những kênh truyền thông để Nga có thể truyền bá quan điểm của mình ra thế giới. Mỹ có thể chặn các kênh truyền thông chính thức của Nhà nước Nga nhưng không thể chặn được các kênh truyền thông của các nước khác.
Theo tiến sỹ quan hệ quốc tế Hoàng Giang, những gì đang diễn ra trên các mạng xã hội có thể làm mọi người nghĩ rằng, Nga đang thua trên trận chiến truyền thông. Điều này dễ hiểu, vì các nguồn thông tin chính thức của nhà nước Nga bị cấm hoàn toàn ở các nước châu Âu, Mỹ. Facebook hiện nay đã trở thành một công cụ truyền tin giả mà nhiều người sử dụng nó là những chiến binh thông tin giả. Những ai có tư duy sáng suốt, bao gồm cả nhiều nhà báo gặp khó khăn khi tìm nguồn tin khách quan, trước sự ồ ạt, dồn dập của lượng thông tin giả, chưa nói đến thông tin mang tính khiêu khích, hiếu chiến, thông tin mang tư tưởng dân tộc chủ nghĩa cực đoan hay phát xít.
Chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraina
Không phải khi nào bên nổ súng trước là bên gây chiến
“Nhưng chúng ta cũng nên nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, từ khía cạnh khác. Mặt trận truyền thông, nơi Mỹ đang tiến công dữ dội và thắng chỉ bao trùm Mỹ, các nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc…Dân số của những nước đó chỉ hơn 20% dân số thế giới, tiềm lực kinh tế ít hơn ½ kinh tế thế giới. Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, các nước châu Mỹ La Tinh, các nước Trung Đông, các nước không gian hậu Xô Viết…,ngay cả 1 số nước châu Âu đều tuyên bố họ không ủng hộ trừng phạt chống Nga. Điều đó cho thấy rằng, Nga đã làm ngoại giao, cả truyền thông nữa, rất tốt”, - TS quan hệ quốc tế Hoàng Giang bình luận với Sputnik.
TS Hoàng Giang nhấn mạnh rằng, hiện tại, ở Ukraina dân đã qua cơn sốc và cơn hoảng loạn lúc đầu, bắt đầu bình tĩnh lại. Khi bình tĩnh, họ sẽ bắt đầu tư duy, suy nghĩ về những thông tin họ nhận được. Nhiều nơi đã không thể chịu được hành xử của những lữ đoàn phát xít Azov, người dân thậm chí gửi tọa độ nơi lính Azov đóng quân cho quân đội Nga và sẵn sàng bỏ nhà mình ra đi. Theo thông tin ngày 14/3, trên ½ lãnh thổ được giải phóng đã được khôi phục lại hệ thống thông tin, truyền thông. Các kênh truyền thông của Nga đã làm việc lại ở vùng lãnh thổ đó. Trong những ngày tiếp theo, việc này sẽ được thực hiện trên toàn lãnh thổ được giải phóng. Song song với truyền thông, Nga còn làm rất tốt hỗ trợ nhân đạo cho người dân Ukraina, đã cung cấp hơn 17 nghìn tấn lượng thực, thực phẩm và đồ dùng thiết yếu.
Hôm 13/3, kênh Nexta của Ukraina do các cơ quan tình báo phương Tây tài trợ đã phải công nhận họ thua trong cuộc chiến thông tin trước kênh của 2 blogger, nhà báo Ukraina Iury Podoliak và Mikhail. Nexta toàn đưa tin giả, hiếu chiến, còn 2 nhà báo Ukraina luôn theo nguyên tắc: Sức mạnh trong sự thật. Truyền thông Nga hiện nay, dù bị hạn chế, nhưng cũng hành động theo phương châm đó. Sự lên cơn sẽ qua đi và thực tế sẽ cho ta biết sự thật là như thế nào.

“Tôi muốn nhấn mạnh là, trong nước Nga tinh thần yêu nước cao lên chưa từng có kể từ khi Liên Xô sụp đổ, sự ủng hộ Tổng thống rất cao, tới hơn 75%. Điều đó chứng tỏ rằng truyền thông giải thích mục đích Chiến dịch tốt, rõ ràng, thuyết phục. Đa số đều hiểu Chiến dịch đặc biệt là điều cần thiết, không còn con đường nào khác, là bắt buộc để đảm bảo an ninh và lợi ích quốc gia, văn hóa Nga, thế giới Nga.

Ngoài ra, những cuộc biểu tình ủng hộ Nga ngày càng nhiều ở một số nước, trong đó có cả những nước châu Âu, rồi giọng điệu một số kênh truyền thông nước ngoài chống Nga có vẻ hơi hạ cũng chứng tỏ những thông tin chính thức từ phía Nga cũng đã được tiếp cận”, - TS Hoàng Giang nói với Sputnik.

Cuộc cấm vận thông tin của Mỹ nhằm vào Nga đã làm rớt cái mặt nạ dân chủ, tự do giả hiệu

Trong cuộc chiến tranh thông tin hiện nay, những gì Mỹ và phương Tây đã và đang làm đã chứng tỏ những giá trị tự do ngôn luận, dân chủ của họ có thể vứt vào sọt rác. Bộ mặt thật, đạo đức giả của phương Tây thể hiện rõ hơn bao giờ hết. Phương Tây đang làm mọi cách để che giấu quan điểm và lập luận của Nga, thông tin từ phía Nga với chính người dân của họ, cấm tất cả các kênh thông tin của Nga, cấm cả trên Facebook, mạng xã hội ở các nước và ngay trên cả Youtube.
“Tất nhiên Mỹ và phương Tây sẽ sử dụng tất cả các phương tiện họ có trong tay hay kiểm soát để chống Nga thôi. Họ sẽ hành động cũng rất tiêu chuẩn kép như vẫn từ trước đến nay, không hề lạ. Tôi cho rằng các biện pháp sử dụng MXH trong mặt trận truyền thông sẽ ngày càng mạnh hơn. Người Nga phải chấp nhận thực tế thôi”, - Nhà bình luận Lý Hoài Linh phát biểu với Sputnik.
“Trong gần một thế kỷ qua. Mỹ luôn dùng sức mạnh truyền thông của họ để áp đặt những thứ mà họ tự cho là “giá trị văn hóa Mỹ”, “giá trị của thế giới tự do” lên các nước khác trên toàn cầu. Trong chiến tranh, Việt Nam không chỉ là nạn nhân của bom đạn Mỹ trút lên đầu mà còn là nạn nhân của chiến thuật “bịt miệng đối phương” của Mỹ. Làn sóng phát thanh của Đài tiếng nói Việt Nam, Đài phát thanh Giải phóng thường xuyên bị phá sóng, chèn sóng nên thường xuyên, định kỳ phải thay đổi tần số để ra khỏi “vòng vây” của Mỹ”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm nói với Sputnik.
Chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraina
Mọi sự so sánh Ukraina với Việt Nam đều sai
Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm còn nhấn mạnh rằng, cuộc cấm vận thông tin của Mỹ nhằm vào Nga đã làm rớt cái mặt nạ dân chủ, tự do giả hiệu mà bấy lâu nay, người Mỹ vẫn đeo nó để lừa bịp thiên hạ. Cũng giống như lối hành xử “bịt miệng đối phương lại mà đánh” cách đây 50 năm ở Việt Nam, Mỹ vẫn không thể che giấu nổi bản chất “miệng nói hòa bình, tay làm chiến tranh”, cuộc cấm vận thông tin của Mỹ đối với Nga cho thấy những thứ mà Mỹ đã nói, đã viết về tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, đa chiều thông tin.v.v… đã không còn bất kỳ một chút giá trị nào cả.

Nga cần phá thế độc quyền của Mỹ về truyền thông

Hiện nay ở Nga đang có không dưới 50 hãng truyền thông lớn trên thế giới đang hoạt động, trong đó có không ít các hãng truyền thông của các quốc gia có quan hệ tốt hoặc có cảm tình với Nga như Trung Quốc, Ấn Độ, Cuba… và một số nước khác. Theo ý kiến chung của các chuyên gia Sputnik phỏng vấn, về ngắn hạn, thông qua các kênh nói trên, Nga có thể “phá vòng phong tỏa”, để truyền bá các quan điểm của mình. Nga cũng cần tận dụng nhiều diễn đàn công khai như Liên Hợp Quốc, diễn đàn kinh tế của EAEU, diễn đàn Bác Ngao cũng như các cuộc đàm phán với các đối thủ và các đối tác.v.v… để truyền bá quan điểm của mình.
“Về kỹ thuật, Nga cũng có thể tận dụng lại hệ thống phát thanh radio mà Mỹ không thể ngăn chặn được. Còn về lâu dài, Nga cần cùng với các đối tác hoàn thiện mạng lưới GLONASS của mình để phá thế độc quyền của Mỹ về truyền thông. Theo đó, Internet vệ tinh có thể là một trong các giải pháp tốt”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm chia sẻ ý kiến với Sputnik.
Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm nhấn mạnh, trong chiến tranh thông thường, truyền thông bao giờ cũng là con dao hai lưỡi. Trước hết là nếu bên đang bại trận mà “hô khẩu hiệu”, “lên dây cót tinh thần” quá nhiều bằng những “thắng lợi giả tạo” thì sớm muộn, sự giả dối ấy sẽ bị bóc mẽ. Chỉ cần một phần sự thật được được bộc lộ là tất cả những thông tin giả dối sẽ lần lượt bị vạch trần. Đó là quy luật “cái kim lâu ngày giấu trong bọc sẽ bị lòi ra” mà người Việt Nam đã đúc kết bằng chính kinh nghiệm lịch sử của mình và của thế giới.
Chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraina
Nga đành phải "ra đòn trước" chống lại một bản sao của Khmer Đỏ

“Mỹ và Ukraina hiện nay đang rơi vào tình huống bị bóc mẽ, không chỉ bởi các kênh thông tin của Nga mà bởi nhiều kênh thông tin quốc tế khác. Không phải ngẫu nhiên mà truyền thông Mỹ và phương Tây gần đây đã hạ “tông giọng” khi bỏ từ “xâm lược” để nói về cuộc chiến của Nga ở Ukraina và thay vào đó là cụm từ “hành động quân sự”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm nhấn mạnh.

“Tôi cho rằng, những người có trình độ, có tư duy độc lập, có ảnh hưởng, có uy tín trong xã hội không bao giờ tìm đến các kênh mạng xã hội với quá nhiều thông tin không chính thức, thậm chí đang đầy rẫy rác rưởi như hiện nay. Việc cô lập người dân Nga với các mạng Facebook, Twitter sẽ đưa nhiều người Nga đến với mạng xã hội của riêng mình hơn. Và như thế, hiệu ứng thống nhất của truyền thông Nga trong nội bộ đất nước sẽ tăng lên. Đồng thời, những thông tin chống Nga sẽ khó xâm nhập vào nội bộ dân chúng Nga hơn”, - TS Hoàng Giang nói.
Điều cuối cùng người viết bài này muốn nói là: Khi chiến sự đang diễn ra thì vấn đề giữ bí mật chiến lược, sách lược vô cùng quan trọng. Nếu truyền thông của bất kỳ một bên nào trong cuộc chiến không được kiểm soát và quản lý cẩn thận thì nó rất dễ trở thành một kênh tin tức tình báo bị đối phương khai thác. Do đó, trong chiến tranh, truyền thông cần phải được thống nhất một tiếng nói mà chỉ một mà thôi. Bên cạnh đó, sự im lặng cũng rất cần thiết như Nga đã làm rất tốt trong thời gian qua.
Ý kiến trong bài viết là quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Sputnik.
Thảo luận