Theo Đại sứ Pranay Verma, đây chính là thời điểm hoàn hảo cho quan hệ Việt Nam - Ấn Độ.
Ấn Độ - Việt Nam hợp tác kinh tế mạnh mẽ
Ngày 17/3, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ lần thứ hai đã diễn ra.
Diễn đàn do Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phòng Thương mại Ấn Độ (ICC) phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức.
Phát biểu tại đây, ông Pranay Verma, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam nhấn mạnh, quan hệ kinh tế và thương mại giữa Ấn Độ và Việt Nam là những trụ cột quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Tân đại sứ Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma.
© Ảnh : VOV
Đại sứ Pranay Verma cho rằng, là hai trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực, sự tham gia của Ấn Độ và Việt Nam trong chuỗi cung ứng đang tăng lên nhanh chóng.
Trên nền tảng quan hệ tốt đẹp, hợp tác thương mại song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ tăng trưởng nhanh từ mức 200 triệu USD (năm 2000) lên hơn 13 tỷ USD (năm 2021).
Trong 5 năm qua, kể từ 2016, sau khi trở thành đối tác chiến lược toàn diện, kim ngạch thương mại Việt Nam - Ấn Độ đã tăng gấp đôi. Năm 2022 này, hai bên đặt mục tiêu 15 tỷ USD.
Thời điểm hoàn hảo cho quan hệ Việt Nam - Ấn Độ
Theo Đại sứ Pranay Verma, những kết quả đạt được thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng mà Việt Nam-Ấn Độ có được.
“Giai đoạn hiện nay khi cả Ấn Độ và Việt Nam đang thoát ra khỏi cái bóng của dịch COVID-19 và tập trung vào việc phục hồi kinh tế nhanh chóng chính là thời điểm hoàn hảo để tập trung vào việc thúc đẩy hợp tác hiệu quả hơn”, TTXVN dẫn lời Đại sứ Pranay Verma nói.
Theo nhà ngoại giao Ấn Độ, dịch Covid-19 đã tạo ra sự gián đoạn chuỗi cung ứng nhưng cũng mở ra những cơ hội mới, thúc đẩy các quốc gia, doanh nghiệp tương tác với nhau nhiều hơn thông qua các ứng dụng công nghệ.
“Chính ở đó những cơ hội kinh doanh mới xuất hiện”, ông Verma lưu ý.
Vị Đại sứ cũng nhấn mạnh rằng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn là động lực thực sự của nền kinh tế cả Ấn Độ và Việt Nam “ngày càng đến gần nhau hơn”.
Tại Diễn đàn hôm nay, ông Verma nêu quan điểm, Ấn Độ đang vươn lên khỏi bóng đen của COVID-19 với mức tăng trưởng dự kiến khoảng 9% trong giai đoạn 2021-2022.
Dự báo cho năm tới sẽ dao động trong khoảng 8%-8,5% và trở thành nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất thế giới.
Nhà ngoại giao nhấn mạnh, điều này kéo theo một số cải cách táo bạo đã được thực hiện trong các lĩnh vực như nông nghiệp, sản xuất, giáo dục, lao động để nâng cao trải nghiệm dễ dàng kinh doanh cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài.
Về phần Hà Nội, Đại sứ Verma lưu ý, Việt Nam cũng đã đặt ra tầm nhìn về việc đạt được vị thế của một quốc gia đang phát triển với nền công nghiệp hiện đại và thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và một nền kinh tế phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.
“Sự tương đồng trong chính sách và tinh thần tự cường của hai dân tộc chính là cơ sở vững chắc để Việt Nam-Ấn Độ khơi dậy tiềm năng hợp tác về thương mại và đầu tư”, Đại sứ Pranay Verma nêu rõ.
Ấn Độ ngày càng quan tâm Việt Nam hơn
Tại Diễn đàn, ông Rajeev Singh, Tổng giám đốc, Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ cho biết, các doanh nghiệp Ấn Độ ngày càng quan tâm nhiều hơn việc hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Singh cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới, bên cạnh việc thúc đẩy triển khai các dự án đầu tư quy mô lớn, Phòng Thương mại Ấn Độ sẽ đẩy mạnh kết nối hợp tác cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa của hai nước nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của mỗi bên, đóng góp và sự phát triển của hai quốc gia.
Đề cập đến các lĩnh vực có nhiều tiềm năng để hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ, bà Sumita Dawra, Tổng Cục trưởng chuyên trách Cục Xúc tiến Công nghiệp và Nội thương Ấn Độ (DPIIT) cho biết Ấn Độ có thế mạnh phát triển công nghệ thông tin, dược phẩm, dầu khí và kinh nghiệm trong các lĩnh vực sản xuất sắt thép, da giày, bông sợi.
“Đây đều là những lĩnh vực mà doanh nghiệp Việt Nam có thể hợp tác để thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, bà Dawra nói.
Bên cạnh đó, còn một lĩnh vực khác mà cả hai nước đều có thế mạnh và đang quan tâm phát triển là sản xuất nông nghiệp và chế biến thực phẩm.
“Do đó, Việt Nam và Ấn Độ còn nhiều dư địa cho hợp tác đầu tư và thương mại các sản phẩm nông sản cũng như hỗ trợ nhau về công nghệ chế biến”, bà Sumita Dawra khuyến nghị.
Theo ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ song phương bền chặt trong suốt chiều dài lịch sử cùng với sự tăng trưởng ấn tượng về thương mại giữa hai nước trong vài năm qua.
Tuy nhiên, ông Hoan cho rằng, với thế mạnh hiện có của hai quốc gia, vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác trong thương mại và đầu tư song phương.
Vị lãnh đạo điểm lại, tính đến tháng 2/2022, Ấn Độ đứng thứ 25/140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 315 dự án còn hiệu lực, tổng vốn hơn 918 triệu USD, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất, phân phối điện và khai khoáng.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam có 9 dự án đầu tư tại Ấn Độ với tổng vốn hơn 6 triệu USD, chủ yếu là bán buôn bán lẻ, đứng thứ 42/78 quốc gia mà Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài.
“Đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều tác động lên sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiện nay, với những lợi thế cạnh tranh của riêng mình, cả Việt Nam và Ấn Độ hiện đang nằm trong trung tâm của sự dịch chuyển này”, ông Hoan chia sẻ quan điểm của Đại sứ Verma.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, điều này cũng thể hiện ở thực tế cả hai nước đều đang nhận được nguồn đầu tư nước ngoài lớn, mở ra cơ hội cho hai nước đón đầu giai đoạn phục hồi kinh tế hậu Covid-19.
Việt Nam có cơ hội hút khách siêu giàu Ấn Độ
Cũng liên quan đến tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ, phát biểu tại hội nghị “Triển khai mở cửa du lịch quốc tế an toàn, hiệu quả” do Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, Phạm Sanh Châu khẳng định, Việt Nam có thể hút khách siêu giàu Ấn Độ.
Ông Phạm Sanh Châu thông tin, có ngày càng nhiều người trong giới siêu giàu quan tâm tới Việt Nam, đặc biệt sau đám cưới tỷ phú Ấn Độ ở Phú Quốc (Kiên Giang) và Đà Nẵng năm 2019.
Tháng 2/2022 vừa qua, có một đoàn 250 khách có khả năng chi trả cao của Ấn Độ muốn đến Việt Nam nhưng đã chuyển hướng tới Bangkok (Thái Lan) vì điều kiện nhập cảnh dễ dàng hơn.
“Việt Nam cần đẩy mạnh truyền thông tới phân khúc khách này”, Đại sứ lưu ý.
Ông Châu đề xuất Tổng cục Du lịch nên lên kế hoạch xây dựng video về du lịch đám cưới ở Việt Nam. Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ sẽ hỗ trợ quảng bá.
“Thị trường Ấn Độ đặc biệt quan trọng với đợt mở cửa du lịch lần này của Việt Nam. Các đám cưới tỷ phú ở Phú Quốc hay Đà Nẵng đã kích thích nhu cầu du lịch Việt Nam của du khách Ấn Độ”, Đại sứ Phạm Sanh Châu cho biết.
Ông phân tích, các năm trước dịch, hơn 23 triệu lượt khách Ấn Độ đã đi du lịch nước ngoài. Do đó, nếu thu hút được nhóm khách này, lợi ích kinh tế cho du lịch Việt là rất lớn. Mặt khác, việc Việt Nam có đường bay thẳng tới Ấn Độ cũng là lợi thế giúp 2 nước thuận tiện trong việc đón khách.
Đại sứ nhấn mạnh, người Ấn Độ đã bí bách khá lâu vì đại dịch và họ đặc biệt quan tâm tới thị trường Việt Nam. Ngoài ra, ở khía cạnh du lịch gia đình, theo Đại sứ Phạm Sanh Châu, khách Ấn Độ có xu hướng đi du lịch đông, mang theo cả đại gia đình. Họ cũng có tính hay mặc cả. Do đó, Việt Nam nên dành ưu đãi cho họ bởi nhóm khách này rất lớn.
“Trong khi chờ khách các nước như Mỹ, Australia, Pháp... thì tôi mong Chính phủ tạo điều kiện đón những du khách Ấn Độ trước”, Đại sứ Phạm Sanh Châu khuyến nghị.
Trung Quốc không hẳn là nguyên nhân duy nhất
Lâu nay, báo chí phương Tây và giới quan sát chỉ cho rằng, Ấn Độ và Việt Nam xích gần nhau, trước hết là nhằm để kiềm chế Trung Quốc, vì rằng, New Delhi có xung đột với Bắc Kinh ở các khu vực biên giới, trong khi đó, Hà Nội cũng có còn tồn tại những bất đồng trên Biển Đông với chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình ở các vùng biển tranh chấp.
Tuy nhiên, thực tế quan hệ song phương Việt Nam - Ấn Độ cho thấy, cả Hà Nội và New Delhi vẫn cân nhắc cao nhất lợi ích quốc gia dân tộc của mình, trong đó, chú trọng hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, công nghệ, năng lượng và quốc phòng. Đặc biệt, trên nền tảng tin cậy chính trị ngày càng tăng, Việt Nam và Ấn Độ khẳng định sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau cùng tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu - tất cả trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi, tôn trọng và vì lợi ích của nhân dân hai nước.