Lào rất kỳ vọng vào tuyến đường sắt Việt – Lào, mở rộng cảng nước sâu Vũng Áng, tăng kết nối với đường sắt Lào-Trung Quốc và hướng tới mạng lưới đường sắt liên kết có thể tiếp cận các thị trường châu Âu.
Đường sắt Vientiane – Vũng Áng khởi công tháng 11/2022
Việc xây dựng tuyến đường sắt nối thủ đô Viêng Chăn của Lào với cảng biển Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh, miền Trung Việt Nam, dự kiến sẽ bắt đầu khởi công vào tháng 11 này.
Theo Vientiane Times đưa tin, tham chiếu tuyên bố của một nhà đầu tư tham gia dự án cho biết.
Dự án đường sắt Vientiane – Vũng Áng
Như Sputnik đã thông tin, tuyến đường sắt Vientiane – Vũng Áng ước tính trị giá đầu tư vào khoảng 5 tỷ USD, là tuyến đường huyết mạch mà lãnh đạo Chính phủ Lào và Việt Nam cùng nhau đề xuất, đồng thuận cùng phát triển.
“Tuyến đường sắt này sẽ cho phép Lào tiếp cận với cảng biển nước sâu Vũng Áng - cảng biển tiềm năng gần nhất với Vientiane”, truyền thông láng giềng của Việt Nam nhấn mạnh.
Gần đây, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thương mại Dầu khí Lào (PetroTrade), ông Chanthone Sitthixay, đã thông tin tới Chủ tịch Quốc hội Saysomphone Phomvihane về dự án.
Theo đó, tuyến đường sắt này là một phần của dự án Liên kết Logistics của Lào mà PetroTrade - công ty con của PTL Holding Company Limited – “đã được bật đèn xanh” để hợp tác với Chính phủ Lào và Việt Nam trong quá trình phát triển.
Phía Lào cũng sắp trình kết quả nghiên cứu tiền khả thi đoạn tuyến đường sắt xuyên Lào lên Bộ Công chính và Giao thông Vận tải nước này để phê duyệt.
Trong khi đó, một doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam đã được thuê để thực hiện nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt thuộc khu vực lãnh thổ Việt Nam.
“Nghiên cứu dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 6 và sau đó sẽ được trình lên Quốc hội Việt Nam để thông qua vào giữa năm nay”, báo Lào viết.
Khả thi
Trước đó, một nghiên cứu về tính khả thi của tuyến đường sắt do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tiến hành cũng đánh giá dự án đường sắt Việt – Lào “khả thi”.
Ông Chanthone, Chủ tịch PetroTrade kiêm Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia Lào cho biết công ty của ông đã chi hàng triệu USD cho một nghiên cứu khả thi hơn trên một lộ trình khác dựa trên quá trình khảo sát địa điểm. Kết quả nghiên cứu do KOICA thực hiện cũng được đưa vào tính toán của đơn vị.
Ông Chanthone cho biết thêm, Chính phủ Việt Nam đã khuyến nghị Tập đoàn FLC, một trong 10 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam đồng thời là nhà điều hành hãng hàng không Bamboo Airways, hợp tác với Lào để tham gia xây dựng tuyến đường sắt và hiện thực hóa quyết tâm kết nối hai nền kinh tế Việt – Lào.
Về vấn đề này, các doanh nghiệp Lào và Việt Nam dự kiến sẽ ký thỏa thuận liên doanh vào cuối tháng 3/2022 trong chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Nguyễn Chí Dũng sắp tới.
Ngoài ra, còn một thỏa thuận nhượng quyền về dự án dự kiến sẽ được ký kết vào tháng tới, theo truyền thông Lào.
Ban đầu, các đơn vị phát triển liên quan hy vọng sẽ xây dựng đoạn tuyến đường sắt dự kiến nối huyện Mahaxay ở tỉnh Khammuan, Trung Lào với cảng biển Vũng Áng.
“Nếu công việc chuẩn bị diễn ra theo đúng kế hoạch, thì Lễ động thổ để khởi công xây dựng sẽ diễn ra vào tháng 11”, ông Chanthone thông tin đến Chủ tịch Quốc hội Lào.
Cũng theo vị lãnh đạo, nếu không có vấn đề gì về phía Việt Nam, sẽ mất hai năm rưỡi để hoàn thành việc xây dựng tuyến đường sắt từ Mahaxay đến Cảng Vũng Áng.
Hướng đến kết nối đi châu Âu
Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane đã được thông báo tóm tắt về dự án trong chuyến công tác tới cảng cạn Thanaleng và trung tâm Logistics Vientiane, thuộc một phần dự án Liên kết Logistics của Lào.
Tuyến đường sắt Việt – Lào cũng sẽ kết nối trực tiếp thị trường hàng hóa của Thái Lan và Myanmar với Cảng Vũng Áng, trong đó Lào chiếm thị phần chủ đạo.
“Chính phủ Việt Nam đã đồng thuận rằng phía Lào có thể nắm giữ 60% cổ phần tại cảng”, Vientianes Times nêu rõ.
Công ty Phát triển cảng Vũng Áng Lào-Việt Nam (VDS), một liên doanh do Chính phủ Lào nắm 51% cổ phần và PetroTrade nắm 49%, dự kiến sẽ đảm nhận việc quản lý cảng vào tháng 7. Trong đó, Bộ Tài chính Lào nắm giữ phần vốn nhà nước với tỷ lệ 51%, thời gian hoạt động 50 năm và có thể gia hạn tùy thỏa thuận giữa hai bên.
Việc thành lập liên doanh là để thực hiện chiến lược hội nhập khu vực và mở rộng cảng biển Vũng Áng 1, 2 và 3 theo thỏa thuận đã ký, giữa Chính phủ hai nước Lào-Việt Nam, tăng cường khả năng trung chuyển hàng hóa tại cảng biển Vũng Áng, hướng đến năng lực tiếp nhận tàu biển từ 5.000-100.000 tấn và cung cấp dịch vụ cho 50.000-1.200.000 container, với trọng lượng hàng hóa từ 3 triệu tấn lên 20 triệu tấn vào năm 2030.
Cảng có vị trí thuận lợi là cửa ngõ giao thông giữa miền khu vực miền Trung Việt Nam, miền Trung Lào và Đông Bắc Thái Lan.
Việc vận chuyển hàng hóa qua cảng bao gồm từ khu vực Issan của Thái Lan đến các thị trường châu Á lớn hơn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Hồng Kông. Phía Lào đánh giá là một lựa chọn tối ưu và hiệu quả xét về chi phí.
Trong khi đó, hàng hóa đến từ các thị trường Đông Nam Á cũng sẽ được xếp dỡ nhanh chóng, hợp lý hơn.
Đặc biệt hơn, tuyến đường sắt này cũng được thiết kế để kết nối với Đường sắt Lào-Trung và hướng tới mạng lưới đường sắt liên kết có thể tiếp cận các thị trường châu Âu trong tương lai.
Như Sputnik đã đề cập, cảng Vũng Áng có vai trò quan trọng đối với chính sách của Chính phủ Lào, trong việc tiếp cận hoạt động hàng hải và tăng cường kết nối khu vực, đồng thời góp phần thúc đẩy kinh tế Lào tăng trưởng thông qua phát triển lĩnh vực giao thông vận tải và thương mại, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác đặc biệt giữa Lào và Việt Nam.