Nhận định về các diễn biến của giá xăng dầu trong thời gian tới, đồng thời bình luận về các kịch bản có thể xảy ra của kinh tế Việt Nam, Sputnik đã có cuộc trao đổi cùng TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên Ủy ban chính sách phát triển của Liên Hiệp Quốc.
Thưa TS, giá dầu thế giới ngày 15/3 tiếp tục giảm sâu xuống dưới 100 USD/thùng sau 1 tuần tăng lên mốc gần 140 USD/thùng. Đây là mức cao nhất trong gần 14 năm do những quan ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu mỏ toàn cầu, sau khi Nga - nhà xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới, tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraina. Ông đánh giá thế nào về thị trường dầu ngắn hạn trong thời gian tới?
Có thể thấy, giá dầu thế giới tăng khi kinh tế thế giới hồi phục, song đã tăng mạnh do những biến động trên thị trường sau các lệnh trừng phạt của phương Tây. Có dự báo, giá dầu có thể tiếp tục tăng do mất cân đối cung-cầu và các nước xuất khẩu dầu thu siêu lợi nhuận từ giá dầu tăng cao. Bởi vậy, các nền kinh tế nhập khẩu dầu thô cần chuẩn bị phương án đối phó với tình huống này.
Hiện giá dầu đang giảm nhẹ, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, giá xăng sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Như vậy, với giá xăng hiện tại là 29.820 đồng/lít, nếu tăng thêm 30% như dự đoán thì giá xăng Việt Nam có thể áp sát mốc 40.000 đồng/lít. Theo ông, điều này có thể xảy ra hay không? Và nếu điều này xảy ra, nền kinh tế Việt Nam sẽ rơi vào trạng thái nào, thưa ông?
Giá xăng Việt Nam biến động theo giá xăng dầu quốc tế, nếu giá dầu quốc tế tăng thì Việt Nam phải tăng theo giá dầu nhập khẩu, Việt Nam không thể trợ cấp giá xăng dầu vì sẽ dẫn đến buôn lậu xăng dầu xuyên biên giới. Nếu giá nguyên liệu đầu vào tăng 10% thì GDP Việt Nam sẽ giảm -0,5% và CPI sẽ tăng +0,4%. Trong trường hợp nếu giá đầu vào đồng loạt tăng cao, kinh tế Việt Nam có thể phải đối mặt với tình trạng lạm phát đình trệ (stagflation), tức là vừa lạm phát vừa trì trệ tăng trưởng. Đây là tình huống Việt Nam phải nỗ lực tránh hết sức.
Thưa ông, các lệnh trừng phạt chống Nga của Hoa Kỳ và Châu Âu ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế thế giới nói chung? Và đối với nền kinh tế mở như Việt Nam còn chịu tác động lạm phát đến từ hàng hóa nhập khẩu, ông có cho rằng đây là rủi ro kép và tác động đến xuất nhập khẩu của Việt Nam?
Các lệnh trừng phạt nền kinh tế Nga ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế thế giới, làm đứt gãy các chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng xuyên biên giới, đẩy lùi quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hàng chục năm. Việc kết nối sẽ không thể lập lại hệ thống trước đây mà phải tính đến yêu cầu độc lập tự chủ của mỗi một nước về những sản phẩm thiết yếu nhất như thuốc chữa bệnh, dụng cụ y tế v.v. Xuất-nhập khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng, song do tổng giá trị xuất-nhập khẩu giữa Việt Nam với Nga và Ukraina chiếm tỷ trọng tương đối thấp, chỉ dưới 2% tổng giá trị xuất-nhập khẩu của Việt Nam nên tác động không quá lớn, kinh tế Việt Nam vẫn ổn định và tăng trưởng, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt mức cao nhất 110 tỷ USD. Dĩ nhiên, Việt Nam sẽ gặp một số khó khăn tạm thời (như nhập khẩu lúa mỳ từ Ukraina hay phụ tùng trang thiết bị từ Nga) và phải tìm đối tác mới để thay thế.
Giai đoạn này hiện Việt Nam đang trong đà phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch. Vậy chúng ta cần làm gì để duy trì lạm phát mục tiêu 4% để hỗ trợ nền kinh tế, thưa ông?
Khó khăn và sức ép cần được chuyển thành cơ hội cải cách, tái cơ cấu, tổ chức lại, tinh giảm biên chế, cắt giảm chi phí không cần thiết và chuyển mạnh sang kinh tế số (digital economy), thương mại điện tử, doanh nghiệp điện tử, Chính phủ và công dân số hóa. Hy vọng bằng những cải cách mạnh mẽ, có hiêu quả, Việt Nam sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 4% trong năm 2022. Việt Nam có nền nông nghiệp phát triển tốt, bảo đảm an toàn lương thực, là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới nên đời sống vẫn ổn định.