“Mỹ số 1, Việt Nam top 3”: Hacker muốn đánh cắp thông tin tình báo từ Việt Nam

Google cho biết, các nhóm hacker do chính phủ hậu thuẫn nhắm nhiều vào Việt Nam. Nói về các mối đe dọa tấn công mạng (cyberattack), Mỹ đứng đầu và Việt Nam xếp thứ ba.
Sputnik
Theo nhóm TAG của Google, các nhóm hacker có nhiều mục tiêu từ thu thập thông tin tình báo, đánh cắp tài sản trí tuệ đến tấn công mạng phá hoại hoặc phát tán thông tin sai lệch có phối hợp.

Hacker do chính phủ hậu thuẫn nhắm vào Việt Nam

Ngày 18/3, gã khổng lồ công nghệ Google đã tiến hành cuộc trao đổi với báo chí khu vực châu Á – Thái Bình Dương về các mối đe dọa an ninh mạng, chiến tranh thông tin, tấn công mạng.
Đặc biệt, Google cũng tiết lộ phương thức phân tích và xử lý các mối đe doạ trên môi trường không gian mạng, cũng như cách tập đoàn này bảo vệ người dùng các sản phẩm trong hệ sinh thái của mình.
Việt Nam phản đối nhóm hacker Trung Quốc tấn công các trang web của Chính phủ
Tại cuộc họp báo, ông Shane Huntley, Giám đốc Nhóm phân tích mối đe dọa (Google’s Threat Analysis Group- TAG) của Google, cho hay một trong những nhiệm vụ của nhóm là chống lại các hành vi tấn công có chủ đích và được các chính phủ hậu thuẫn nhắm vào Google và người dùng của Google trên khắp thế giới.
Trao đổi với ITCNews của Bộ Thông tin và Truyền thông, chuyên gia Shane Huntley thông tin, Việt Nam nằm trong top 3 các quốc gia bị tấn công nhiều nhất bởi các nhóm hacker do chính phủ tài trợ.
“Nói về các mối đe doạ dưới hình thức này (tức các cuộc tấn công mạng được chính phủ hậu thuẫn – PV), Mỹ đứng đầu, Việt Nam thuộc top 3”, Giám đốc Nhóm phân tích mối đe dọa (TAG) của Google khẳng định.

Tăng tấn công mạng

Theo chia sẻ của ông Huntley, hàng ngày, nhóm phân tích mối đe dọa (TAG) sẽ tiến hành tìm kiếm, phát hiện và ngăn chặn các mối đe doạ bảo mật, đồng thời gửi cảnh báo đến người dùng và khách hàng sử dụng các sản phẩm của Google bao gồm Gmail, Drive và YouTube cũng như các tiện ích khác.
Việt Nam ngăn chặn nhóm hacker Trung Quốc tấn công các trang web của chính phủ
Để nhận diện các mối đe doạ, nhóm TAG quét các sản phẩm như Gmail, Drive, YouTube nhằm có bức tranh tổng thể rồi đưa ra các hành động tương ứng.
“Đa phần các việc này chúng tôi làm trên quy mô toàn cầu, song chúng tôi cũng đặc biệt chú ý đến một số quốc gia có nhiều mối đe doạ nhất”, chuyên gia cho biết.
Trong đó, Việt Nam nổi lên là một trong những “điểm nóng” bị hacker do chính phủ hậu thuẫn nhắm đến thường xuyên.
“Rõ ràng Việt Nam là nơi chúng tôi chứng kiến rất nhiều mối đe doạ từ các nhóm hacker do chính phủ hỗ trợ”, ông Huntley lưu ý.

Thu thập tin tình báo

Trước đó, trong 1 phân tích công bố năm 2019 của Nhóm phân tích mối đe dọa của Google, các chuyên gia cho biết đã tiến hành theo dõi hơn 270 nhóm tấn công có chủ đích hoặc được chính phủ hậu thuẫn, từ hơn 50 quốc gia.
Tin tặc gửi email đến người dùng mục tiêu, dụ họ cung cấp mật khẩu đăng nhập tài khoản.
Theo TAG, các nhóm này có nhiều mục tiêu bao gồm thu thập thông tin tình báo, đánh cắp tài sản trí tuệ, tấn công mạng phá hoại hoặc phát tán thông tin sai lệch có phối hợp.
Hacker nổi tiếng thế giới từng ngồi tù ở Mỹ làm chuyên gia an ninh mạng cho Việt Nam
Về cơ chế bảo vệ, TAG sử dụng thông tin tình báo thu thập được để bảo vệ cơ sở hạ tầng của Google cũng như những người dùng bị nhắm mục tiêu bằng phần mềm độc hại hoặc lừa đảo.
“Google có cơ chế phát hiện và gửi cảnh báo cho người dùng trước hình thức tấn công này. Chúng tôi thường gửi cảnh báo theo từng đợt chứ không cảnh báo ngay tại thời điểm phát hiện. Điều này nhằm khiến những kẻ tấn công không thể theo dõi được các chiến lược phòng thủ của chúng tôi”, chuyên gia Huntley nhấn mạnh.
Số liệu thống kê của Google cũng cho thấy một thống kê từ tháng 5/2020 đến tháng 5/2021, các cuộc tấn công mạng tại khu vực châu Á Thái Bình Dương tăng lên mức 168%.
Như cách đây không lâu Sputnik đã thông tin, đầu tháng 3 này Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, chỉ tính riêng trong tháng 2, các chuyên gia an ninh mạng Việt Nam đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 1.260 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin trong nước.
Theo Cục An toàn thông tin, tính chung 2 tháng đầu năm 2022, tổng số sự cố tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam lên tới 2.643, trong đó có 2.022 cuộc tấn công cài mã độc, 378 cuộc tấn công lừa đảo và 243 cuộc tấn công thay đổi giao diện.
Trong cả 2 tháng đầu năm 2022, trung bình mỗi ngày có gần 45 sự cố tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, tăng 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Thảo luận