Câu hỏi đặt ra là, nếu VinFast IPO thành công tại Mỹ thì khối tài sản của Chủ tịch Tập đoàn Vingroup sẽ tăng lên bao nhiêu?
VinFast không hề thiếu tham vọng
Trước đây các doanh nghiệp Việt đã đầu tư ra nước ngoài, nhưng chỉ loanh quanh các khu vực Đông Nam Á như Lào, Campuchia hay Châu Phi. Tuy nhiên, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng là một trường hợp hoàn toàn khác.
Việc VinFast tiến quân thẳng vào thị trường xe điện Mỹ, cạnh tranh với những đối thủ sừng sỏ hàng đầu thế giới như Tesla, GM... trên chính sân nhà của họ đã chính thức đánh dấu sự xuất hiện của nền công nghiệp ô tô Việt Nam trên bản đồ toàn cầu. Mang trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam hiên ngang bước ra thế giới.
Như Sputnik đã đưa tin, tháng 11/2021, bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Vingroup cho biết, VinFast có kế hoạch đầu tư 6 tỷ USD để mở một nhà máy sản xuất xe điện tại Mỹ và đang đàm phán với các nhà đầu tư tiềm năng để huy động hàng tỷ USD tài trợ cho việc mở rộng.
Đại diện Vingroup khi đó cũng cho biết, VinFast có kế hoạch niêm yết tại Mỹ trong một hoặc hai năm tới. Trong khi đó, các hãng định giá nước ngoài ước tính trị giá công ty vào khoảng từ 25 tỷ đến 60 tỷ USD.
Tính đến ngày 17/3/2022, ông Phạm Nhật Vượng có khối tài sản 6,1 tỷ USD. Nếu VinFast IPO thành công tại Mỹ với định giá 60 tỷ USD như kỳ vọng, ông Vượng sẽ có thêm khoảng 26 tỷ USD. Khi đó tổng tài sản của ông Vượng sẽ là 32 tỷ USD, lọt top 40 người giàu nhất trên hành tinh theo danh sách của Forbes.
Bà Phạm Thu Hương, phu nhân của ông Vượng, cũng có thêm khoảng 600 triệu USD, nâng tổng tài sản lên khoảng 1,2 tỷ USD, trở thành nữ tỷ phú USD thứ 2 tại Việt Nam và Đông Nam Á, chỉ xếp sau nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo (CEO VietJet, với 3,2 tỷ USD).
Còn nhớ, tháng 8/2021, tỷ phú Phạm Nhật Vượng góp 48,5% vốn, tương đương 485 tỷ đồng (cùng với Vingroup 51%) vào CTCP Giải pháp năng lượng VINES (VinES), một doanh nghiệp sản xuất pin và ắc quy trong bối cảnh VinFast hướng tới mục tiêu trở thành hãng ôtô điện thông minh toàn cầu.
Gọi vốn 1 tỷ USD trước khi IPO?
Hiện tại, ông Phạm Nhật Vượng là doanh nhân giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam với túi tiền khoảng 9 tỷ USD theo giá trị cổ phiếu VIC. Trong khi đó, VinFast đang lên kế hoạch khảo sát nhằm huy động vốn trước khi lên sàn chứng khoán Mỹ.
Như Sputnik đã đề cập trong bài báo mới đây, Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast (VinFast) vừa phát hành thành công 50 triệu trái phiếu mã VIFCB2124004, mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, tương ứng số tiền VinFast thu về từ đợt phát hành trái phiếu này là 5.000 tỷ đồng. Lô trái phiếu có kỳ hạn 36 tháng.
Đây là đợt phát hành trái phiếu thứ tư của VinFast, kể từ đầu tháng 11/2021. Không giống như các đợt phát hành trước đó, quá trình chào bán lô trái phiếu lần này của VinFast mất tới hơn 2 tháng, từ 27/12/2021 đến 8/3/2022.
Nhà sản xuất xe điện hàng đầu Việt Nam này có thể huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu chuyển đổi.
Phía công ty cùng các cố vấn tài chính đã tiếp xúc với những nhà đầu tư tiềm năng để ước tính lãi suất. Quá trình thương thảo đang được diễn ra và chưa có tín hiệu chắc chắn rằng thương vụ gọi vốn sẽ được hoàn tất.
Hãng xe này đang bám sát kế hoạch bắt đầu cung cấp xe điện ra thị trường quốc tế trong năm nay bất chấp giá niken tăng vọt. Trước đó, ngân hàng HSBC cho biết ngân hàng này hợp tác cùng một số ngân hàng khác cung cấp khoản vay hợp vốn xanh đầu tiên cho Vingroup và VinFast. Khoản vay xanh trị giá tổng cộng 500 triệu USD.